Hiểu Linh, Tiểu Đông và Lưu thị cũng sắp đồ lên núi. Nhưng Hiểu Linh cũng không dừng lại đào măng cùng hai cha con mà đi thẳng lên phía trên để nhìn vườn sắn hôm trước khi đi mang lên giâm đã sống tốt chưa rồi tiện đi sang sườn núi bên kia. Cô cũng định lựa xem có cây ăn quả nào đã chín thì hái một chút. Mơ ngâm mùa hè là một thức uống giải nhiệt rất tốt. Nhưng đường ở đây khá đắt nên cô đang suy xét có nên trồng ít mía làm đường không hoặc trồng củ cải đường? Cô cũng không biết nơi này có giống củ cải đường không. Ân.. Hái thêm chút mơ về ướp muối ngậm khi đau họng cũng khá tốt. Ngày nhỏ mẹ cô thường cho cô ngậm. Có điều vị mặt chát của quả mơ khiến cô không thích chút nào hết cho dù nó vô cùng hiệu quả.
Hiểu Linh hái mấy quả mơ chín, hít một hồi mùi thơm của nó rồi lau qua bỏ thẳng vào miệng. Thật sự vị chua khiến người ta rùng mình quắn quéo lại luôn, da gà nổi lên từng chập từng chập. Cô hái phải chừng 3 kg mơ cả xanh lẫn chín. Đột nhiên nghĩ tới món mơ xanh dầm mắm gừng mà nước miếng Hiểu Linh phải tứa ra. Cách làm cũng rất đơn giản. Mơ xanh đập dập quả. Nước mắm ngon pha chút nước, cỡ 3 muỗng nước mắm thì một muỗng nước lọc, một thìa nhỏ đường rồi thật nhiều gừng đập dập băm nhỏ. Cho mơ xanh vào nước mắm đó ngâm chừng nửa tiếng là có thể ăn. Miếng mơ xang giòn rụm chua lét bị làm dịu đi bởi vị mặn đậm đà của nước mắm cùng vị ngọt của chút đường. Vị thơm cùng độ cay của gừng làm hậu vị dễ chịu, không bị cái cảm giác chua đến nổi da gà tra tấn. Chậc… nghĩ thôi mà Hiểu Linh đã phải nuốt nước bọt rồi.
Đám quả đào và mận thì chưa được chín lắm. Cô chỉ hái vài quả chín sớm mang về cho mọi người. Vòng vèo hồi lâu rốt cuộc Hiểu Linh cũng đến nơi ruộng sắn nhà cô trồng. Cô kỹ càng kiểm tra từng mầm nhú xem độ tươi của chúng tới đâu. Bị bứng từ một nơi ẩm ướt, chăm bẵm kỹ càng rồi trồng lên một nơi phó mặc cho trời thì đương nhiên cần chút thời gian để thích ứng. Một tuần qua, mấy mầm sắn đã hồi trở lại bắt đầu đâm lá mới. Cô bắt đầu làm cỏ cho chúng. Nói đúng ra ban đầu Hiểu Linh định khai hoang nơi này làm luống trồng sắn đàng hoàng. Nhưng rồi cô phải từ bỏ vì thật sự đá lớn, đá nhỏ quá nhiều, dọn cũng không biết tốn bao nhiêu sức người sức của mà chưa chắc hiệu quả đã cao. Đám sắn này trước đây đã sống như vậy thì bây giờ chỉ cần có tay người chăm sóc một chút là được. Vì thế hôm cả nhà lên đây trồng sắn cũng chỉ làm sạch cỏ xung quanh gốc trồng, đào hố rồi lấp gốc mà thôi.
***
Làm không chú ý thời gian trôi qua. Cái nắng gay gắt chiếu thẳng gáy làm Hiểu Linh vô cùng khó chịu. Cô đứng dậy nhìn trời cũng phải gần trưa rồi nên dừng tay đi xuống chỗ Tiều Đông đào măng chờ Lập Hạ mang cơm tới, không mất công mọi người lại lên đây tìm cô.
Vừa xuống tới lưng chừng núi, cô đã nhìn thấy Lưu thúc cùng Tiểu Đông đang ngồi nghỉ liền lên tiếng:
- Hôm nay đào được nhiều măng không?
Tiểu Đông nghe thấy tiếng cô lập tức đứng dậy nhìn lại, cười đáp:
- Thê chủ ngài xuống rồi. Sáng nay đào cũng được kha khá. Đang mùa hè nên măng mọc cũng nhiều nhưng mỗi bụi chúng ta chỉ đào một nửa thôi, để lại một nửa. Chắc phải buổi sáng ngày mai nữa mới hết núi này.
Hiểu Linh có chút khó hiểu hỏi:
- Sao để lại một nửa măng? Ta nghĩ để lại chừng 1/3 là được rồi.
Tiểu Đông mím môi đáp:
- Này… là luật làng quy định. Chúng ta nhận được núi thì cũng chỉ được khai thác một nửa lượng măng thôi. Phần còn lại còn phải để cho dân làng. Như vậy thì nhà ta không phải nộp khoán đất phần này. Mùa hè này thường măng sẽ được thu hết. Đến các mùa kia không phơi được thì mới kệ để măng mọc thôi. Còn tre nứa trên núi thì chúng ta cũng không được bán, mang về làm đồ gia dụng cho nhà thì được. Nếu bán mà bị phát hiện thì làng sẽ phạt vạ.
Hiểu Linh hỏi lại:
- Vậy phần hoa màu trồng trên đất bồi ven sông có phải nộp khoán không?
Tiểu Đông đáp:
- Có phải nộp. Một năm phải nộp cho làng 3 đồng.
Hiểu Linh tiếp tục:
- Vậy nếu là huynh trồng dưới bãi bồi ven sông thì dự đoán một năm thu được bao nhiêu?
Tiểu Đông ngẩn người không hiểu sao thê chủ lại hỏi cái này nhưng cũng thành thật đáp:
- Nếu tính chỉ có xoay vòng trồng rau để bán trên trấn. Một năm cũng có thể kiếm được khoảng tám, chín đồng. Đất phù sa rất màu mỡ lại gần nguồn nước nên rau trồng cũng rất tốt lại dễ chăm bón.
Hiểu Linh gật đầu đã biết. Thôi thì cũng được đi. Lâm sản bán được giá hơn nhưng người dân ở đây cũng một năm cũng chỉ thu măng một lần. Nấm thì không phải lúc nào cũng gặp. Hiểu Linh lúc này mới hỏi:
- Ở đây có giống củ cải đường hay mía không? Ta thấy trồng mía trên núi cũng khá tiện, loại mía thân như cây lau ấy.
Tiểu Đông đáp:
- Củ cải đường ở đây có giống nhưng chưa tới mùa, phải mùa đông mới là mùa của cải mà, ăn loại đó ngon thật, ngọt lại mọng nước. Thê chủ muốn trồng mía bán sao? Loại mía lau đó ngọt thì ngọt thật nhưng rất cứng.
Hiểu Linh cười đáp:
- Ngọt và cứng thì mới có ít người bẻ trộm nha… ta thấy trên núi cũng kín đáo, trồng lấy một thửa lớn để làm đường, hẳn là đủ ăn.
Lưu thị cùng Tiểu Đông ngây người. Lưu thị không dám tin hỏi lại:
- Hiểu Linh, con biết cách làm đường sao? Nơi này làm đường chính là bí truyền.
Hiểu Linh nhún vai đáp:
- Con biết nguyên lý cơ bản của nó. Còn việc làm sao để tẩy trắng nước đường chắc con phải nghĩ kỹ một chút… SO2 a… làm sao có khí này đây. Diêm sinh…. Lưu huỳnh… đốt dẫn khí a…
Câu đầu Hiểu Linh nói cho hai người nghe rồi bất giác lâm vào trầm tư của cá nhân. Môn hóa học có dạy qua nguyên lý làm đường tinh luyện. Nước đường được ép, lọc sạch rồi cho khử bằng khí SO2 để có được đường cát. Cái cô học chỉ còn nhớ là vậy, nhưng thực tế hình như nước đường thu được còn có thể tách ra thành mật đường và nước đường thì phải… Đúng không nhỉ? Còn diêm sinh… ngày trước cô thường thấy bà nội đốt diêm sinh sấy cau cho khỏi mốc thì cũng biết hóa ra nó chính là lưu huỳnh. Như vậy thì việc tạo ra SO2 để tẩy đường không quá khó… Nhưng giờ làm sao để nghiền được mía đây? Hệ thống cối ép như thế nào thì hợp lý nhỉ?
Nhìn Hiểu Linh chìm đắm trong việc tự hỏi khiến cả Lưu thị cùng Tiểu Đông thật sự có chút không dám làm bất kỳ điều gì vì sợ làm nàng phân tâm ảnh hưởng tới mạch suy nghĩ. Bỗng bụng ai đó kêu vang khiến cả hai giật mình nhìn nhau vì nghĩ là đối phương thì Hiểu Linh lúc này mới hồi thần nhìn trời nhíu mày:
- Muộn thế này rồi sao Lập Hạ còn chưa tới nhỉ. Ta đói sôi cả bụng rồi.
Tiểu Đông lúc này cũng có chút lo lắng nói:
- Để ta đi tìm coi đệ ấy tới đâu rồi. Không biết thứ gì khiến Lập Hạ muộn vậy.
Hiểu Linh liền đứng dậy đáp:
- Thôi huynh nghỉ đi, để ta đi xem.