Nguyễn Gia nhìn thấy Hiểu Linh ngồi ở mũi thuyền câu cá thì cũng theo ra ngồi bên cạnh uống trà. Thật quá khác biệt với những gì nàng ta tưởng tượng khi thầy Chu nói chuyện với Hiểu Linh. Vốn nghĩ Hiểu Linh sẽ tìm mọi cách từ chối chuyến đi cùng nàng, nhưng không ngờ cô nương này chỉ suy nghĩ một đêm rồi đồng ý. Thật không hiểu nổi Phạm Hiểu Linh đã suy tính điều gì.
Hiểu Linh liếc nhìn Nguyễn Gia một chút rồi lại trú tâm vào chiếc cần câu của mình. Ban đầu cô thật sự có chút cách ứng khi được thầy Chu đề nghị đi cùng Nguyễn Gia tới thư viện Lam Kinh. Nhưng rồi khi nghĩ lại, Hiểu Linh lập tức nhận ra mình chỉ có lợi mà không có hại. Trước kia cô đi đây đó nhiều, nhưng mỗi thời đại mỗi khác, cô không thể lường trước những chuyện có thể xảy ra với mình dựa trên kinh nghiệm ở nơi kia được. Lam Kinh cách Trần thôn chừng 180 dặm. Nếu đi bằng xe ngựa không ăn không nghỉ cũng mất gần 33 tiếng đồng hồ nếu đường đẹp. Đương nhiên đường xá nơi này thì chẳng thể xem là tốt được. Lần trước đi sang Hà gia trang cũng khiến Hiểu Linh mệt mỏi nguyên ngày chứ đừng nói gì đi đường dài như vậy. Chưa kể an ninh nơi này rất dễ gặp phường trộm cướp. Nếu Hiểu Linh đi một mình thì thật sự nguy hiểm không ít. Chính vì thế, sau khi suy nghĩ cô quyết định đi cùng Nguyễn Gia.
Ban đầu cô nghĩ sẽ di chuyển chủ yếu bằng xe ngựa. Nhưng sau đó Nguyễn Gia báo với cô họ sẽ đi đường sông. Vì đợt này đi để bố trí nơi ở nên ngoài thư đồng của mình, Nguyễn Gia mang thêm một quản sự và vài người hầu khác. Đồ đạc mang theo cũng một số. Nếu di chuyển bằng xe ngựa sẽ tốn rất nhiều thời gian. Thế nên họ quyết định xuôi dòng Mã Nhi tới cảng trấn Đông An rồi mới sắp xếp xe ngựa tới Lam Kinh. Từ Đông An tới chân núi thư viện Lam Kinh chỉ tốn khoảng một canh giờ. Bọn họ sẽ đi thuyền khoảng hai ngày một đêm là có thể thuận lợi đến trấn.
Nguyễn Gia nhâm nhi ly trà rồi quay sang hỏi:
- Sư muội dậy sớm vậy sao? Đã dùng bữa sáng chưa?
Hiểu Linh khẽ gật đầu:
- Tạ Nguyễn cử nhân quan tâm. Ta đã dùng bữa rồi. Ngài vẫn còn say sóng sao?
Nguyễn Gia lắc lắc đầu. Nàng không ngờ ngồi thuyền đi trên sông thôi cũng bị đau đầu chóng mặt, mệt mỏi đến vậy. Từ hôm qua tới nay, tư thái kính nhi viễn tri của Hiểu Linh làm người ta không ưa nổi cũng không thể trách tội. Ai bảo người ta không có nhu cầu làm thân đây.
- Ta ổn hơn rồi. Ngủ một giấc chắc đã quen.
Vừa nói, thư đồng của Nguyễn Gia bưng lên bữa sáng cho nàng. Vì tiểu thư say sóng không biết ăn được thứ gì nên thư đồng chuẩn bị mỗi món một chút: bún sườn chua, bánh rán mặn, ngọt, bánh bao, xôi nóng. Nhìn lượng đồ ăn cũng phong phú liền biết hẳn là nhà thuyền ghé vào đâu đó cho thư đồng đi mua. Nguyễn Gia quay sang hỏi Hiểu Linh:
- Sư muội ăn thêm một chút không? Đồ ăn khá phong phú. Sáng nay sư muội ăn gì?
Hiểu Linh lịch sự đáp lại:
- Tạ Nguyễn cử nhân, sáng nay ta đã ăn cơm sáng no cùng nhà thuyền. Ngài cứ tự nhiên.
Đột nhiên cần câu của Hiểu Linh động. Cô vội vàng quay lại kéo cần. Nhà thuyền nhìn thấy con cá Hiểu Linh câu được cười cười góp chuyện:
- Vị cô nương này sát cá thật. Sáng giờ đã câu được ba con to rồi. Bữa trưa nay ngài muốn ăn gì để chúng ta nấu?
Hiểu Linh cười đáp:
- Vậy phiền thím làm sạch rồi rán lên ăn, chúng ta có thêm chút đồ bổ sung. Ta ăn đơn giản lắm.
Nguyễn Gia nhẹ cười nói xen vào:
- Ta chỉ hi vọng được sư muội nói chuyện hòa nhã như với nhà thuyền mà khó khăn như vậy sao?
Hiểu Linh quay lại nhìn Nguyễn Gia đáp:
- Nguyễn cử nhân. Tính ra thầy Chu Thanh An còn chưa ta là học trò của thầy, tiếng sư muội kia thật sự là Phạm Hiểu Linh ta với cao rồi. Hơn nữa giờ ngài lại đã đậu cử nhân, quan trường rộng mở, một người nông phụ như ta sao dám xưng muội gọi tỷ chứ.
Nguyễn Gia chịu thua:
- Thôi thôi.. ta không so đo với muội chuyện xưng hô nữa. Muội muốn gọi thế nào tùy muội, ta muốn nói thế nào mặc ta. Nhưng ta muốn hỏi xem kế hoạch của muội tới Lam Kinh thế nào? Định ở lại bao lâu? Ta lần này tới chủ yếu để mua một căn nhà nhỏ gần thư viện để sau này có chỗ đi về. Sắp đặt xong mọi thứ, ta sẽ cùng tiểu đồng trở về nhà đón Tết rồi ra Giêng mới nhập học. Còn muội thì sao?
Nhìn thấy thái độ của Nguyễn Gia thật sự nghiêm túc nên Hiểu Linh cũng đáp lời:
- Ta tới đưa thư giới thiệu chủ yếu để mượn sách đọc nên cũng muốn tìm hiểu xem quy định mượn sách. Khả năng sẽ phải ở lại chép sách mang về rồi đọc sau, cũng chưa biết được thế nào.
Nguyễn Gia đáp:
- Thường thì thư viện nào cũng sẽ có hai loại sách: một loại muội có thể thoải mái mượn mang về nhà riêng đọc nhưng cũng có loại chỉ được đọc, chép tay tại thư viện. Dù là trường hợp nào, ta thấy muội cũng nên thuê một chỗ ở cho ổn định. Dưới chân núi thư viện có một ngôi làng nhỏ, trong đó hẳn là có nhà cho thuê.
Nguyễn Gia biết nhà Hiểu Linh không khá giả, chuyện mua một căn ở như cô khả năng cao là không thể. Mà nói để Hiểu Linh ở cùng cô thì vẫn là thôi đi, mười phần mười sẽ bị từ chối.
Hiểu Linh gật đầu:
- Tạ Nguyễn cử nhân khuyên bảo. Ta sẽ xem xem thuê một phòng ở nhà dân nào đó. Tiện thuê họ cơm nước hàng ngày luôn, tập trung chép sách là được.
Hiểu Linh lần này mang theo bộ chữ cái rời được đúc bằng đồng để sao chép sách. Trước đó cô vốn có ý định làm bộ chữ bằng gỗ nhưng khi thực hiện khắc lên gỗ thì thường xuyên bị đứt gãy do các nét chữ nhỏ và mảnh. Tỷ suất thất bại và hư hỏng khi khắc quá cao khiến Hiểu Linh phải nghĩ lại. Cuối cùng cô chọn cách khắc chữ lên bản gỗ chìm rồi đổ đồng vào đúc thành hình. Hiểu Linh tiến hành in thử thấy hiệu quả thì mới thuê thợ mộc khắc chữ hàng loạt. Sau bao công thực nghiệm, bộ chữ cái hơn 3000 tự và bảng xếp chữ rốt cuộc cũng hoàn thành. Có thứ này rồi cô mới có thể yên tâm tới Lam Kinh một chuyến. Sách lần này ôm về hẳn là đủ cho cô đọc tới ra Tết. Khi đó dù là thầy Chu Thanh An cũng không thể bắt bẻ những gì cô làm ra nữa.