Công việc hướng dẫn rạch bịch, treo nấm và chăm sóc được Hiểu Linh tiến hành rất chậm rãi và kỹ càng. Cô cũng dặn dò bọn họ đặc tính của nấm ưa ẩm nhưng không chịu úng để mấy người chăm sóc có thể tùy cơ phán đoán mà thêm bớt nước cho bịch, tránh trường hợp răm rắp nghe theo hướng dẫn của Hiểu Linh khiến nấm không thể phát triển tốt. Cô còn khuyến khích bọn họ hỏi những điều chưa rõ rồi giảng lại một cách kỹ càng. Mọi việc xong xuôi cũng đã tới trưa. Vốn có thể lên đường về ngay, nhưng tính toán nếu làm như vậy bọn họ sẽ phải qua đêm bên ngoài, sáng sớm mới có thể tới làng Trần. Vì thế, Hiểu Linh quyết định ở lại thêm một buổi chiều xem xét nông trang Hà gia.Vị Trịnh quản thôn cũng rất hiếu khách, đích thân đưa Hiểu Linh đi xem.
Bọn họ đi hết lượt những cánh đồng trồng dưa hấu, dưa chuột, rau củ các loại liền đi tới vườn nhãn quả sai lúc lỉu. Trịnh quản thông hớn hở nói:
- Phạm gia chủ tới nếm thử lứa quả nhãn sắp cho thu hoạch này. Giống nhãn này Hà gia chủ lấy giống tận xứ Hưng An mang về. Trồng suốt sáu năm trời, chờ đến khi đậu lứa quả đầu tiên mới lựa những cây cho quả ngon nhất để lại. Tính ra cả trăm gốc trồng mà giờ vườn chỉ còn khoảng 60 cây cho quả ngon. Năm nay chính là năm thứ hai số nhãn này cho trái. Số này chỉ mai kia là xe của Hà gia sẽ tới thu hoạch để mang đi bán rồi.
Hiểu Linh nhìn những chùm quả nhãn ngon lành nhưng trong đầu lại đang nghĩ tới câu chuyện lựa giống của Hà gia. Nói như vậy thì ở nơi này chưa biết kỹ thuật chiết cành sao? Cô phải thăm dò một chút mới được. Hiểu Linh điềm nhiên hái một trái lớn nhất, lột sạch vỏ rồi cho vào miệng. Cùi nhãn rất dày, giòn và cho độ ngọt vừa phải. Hiểu Linh gật gù:
- Nếu như có kỹ thuật nào đó có thể bẻ cành nhãn giâm xuống thành cây như mía, một hai năm liền cho thu hoạch thì tốt rồi, không phải chờ đợi mấy năm trời mới thấy được kết quả.
Trịnh quản thôn phì cười:
- Phạm gia chủ cứ đùa ta. Cây nhãn cho quả nhiều năm trời sao có thể so sánh với cây mía một năm trồng một lần chứ. Có lẽ vì mía nhanh cho thu hoạch nên mới có thể giâm trồng như những giống cây dâu, cây rau lang.
Hiểu Linh nhún vai:
- Thì ta nói giá như a… Biết đâu ở chỗ nào đó họ đã làm được.
Trịnh quản thôn đáp:
- Nếu ai có thể biến chuyện như Phạm gia chủ nói thành hiện thực thì thật sự kỹ thuật đó là làm phúc cho cả thiên hạ. Phạm gia chủ không biết chứ. Khi gia chủ nhà ta mang giống nhãn này về. Ta đã mất hai ngày hai đêm lựa ra những hạt nhãn đẹp nhất, đều tăm tắp với hi vọng cả một trăm hạt sẽ cho ra một trăm cây quả ngon. Nhưng kết quả sau sáu năm trời chờ đợi vẫn khiến ta có chút buồn khi không được như mong đợi. Thật sự nếu có thể rút ngắn thời gian cho ra trái của cây thì người nông dân như chúng ta có đang ngủ cũng phải cười tỉnh.
Hiểu Linh vừa chăm chú nghe Trịnh quản thôn tâm sự nhưng trong đầu đánh vang bàn tính kiếm tiền từ kỹ thuật chiết cành này. Cô nóng lòng muốn xem những cành vú sữa, đào, mận mà mình chiết trước đây giờ ra sao. Đợt đó nhiều việc quấn thân, Hiểu Linh hoàn toàn quên bẵng những thân chiết đó. Nếu cô thành công với những cây kia thì Hiểu Linh thật sự có thể kiếm tiền nhờ kỹ thuật này. Không như máy gặt bất cứ người nông dân nào cũng cần đến, những nhà trồng cây ăn quả đều là những người dư dả về tiền bạc. Hiểu Linh sau này có thể phổ biến rộng rãi kỹ thuật này, nhưng trước tiên phải từ đó kiếm một bút bạc cho Phạm gia mới được. À… còn kỹ thuật ghép mắt nữa. Kỹ thuật này còn ảo diệu ở chỗ hoàn toàn có thể ghép mắt của cây này sang cây khác. Nếu Hiểu Linh làm ra những cây hoa giấy một thân mấy màu hoa hay hoa hồng nhiều kiểu cánh chắc chắn sẽ kiếm bội tiền từ những người giàu có.
Khuôn miệng Hiểu Linh vô thức nhếch lên đầy vui vẻ. Cô khẽ gật đầu với Trịnh An Trang, lầu bầu mà chỉ khiến mấy người xung quanh nghe thấy:
- Ta đây về thử nghiên cứu xem có cách nào thật sự làm được như vậy không. Cây đa, cây si có thể mọc rễ từ cành cây thì biết đâu những cây khác cũng có thể.
Ánh mắt Trịnh quản trang chợt rực sáng. Bà nhìn chăm chăm Hiểu Linh hồi lâu rồi trịnh trọng nói:
- Phạm gia chủ. Bà già ta có thể mạo muội xin ngài một ân huệ chăng?
Hiểu Linh đáp:
- Nếu ta có thể làm gì mong Trịnh quản cứ nói, không cần thiết phải trịnh trọng như vậy?
Trịnh An Trang lắc đầu nói:
- Không.. không. Chuyện này thật sự là ta mạo muội cầu xin. Nếu Phạm gia chủ sau này thật sự có thể nghiên cứu ra kỹ thuật thần kỳ đó, ngài có thể tặng ta một cây giống của ngài tạo ra không? Nếu được, ta sẽ xem nó như báu vật mà chăm sóc. Cả đời ta luôn cố gắng hết sức để tạo ra những nông phẩm tốt nhất, cải tiến kỹ thuật chăm sóc để cây cối cho ra sản lượng tốt nhất. Nên đối với ta, việc có thể biến một thân cành thành cái cây hoàn chỉnh
chắc chắn là phép màu và ta muốn được chìm đắm trong phép màu ấy. Mong Phạm gia chủ thành toàn.
Nói xong, Trịnh An Trang chắp tay xá Hiểu Linh một cái thật sâu. Với một người thật tâm yêu thương việc nông như Trịnh quản thôn thì Hiểu Linh sao có thể từ chối chứ. Hiểu Linh đáp lại chắc chắn:
- Trịnh quản yên tâm, nếu ta thật sự nghiên cứu ra kỹ thuật ấy, những cây giống đầu tiên ta tạo ra sẽ lựa một cây đưa đến cho ngài.