Quận thành Đan Dương nằm ở phía nam hoàng thành Kiến Khang, hai nơi cách nhau không đến trăm dặm. Thành trì tuy nhỏ nhưng ngũ tạng đều đủ, là trấn thủ phía nam hoàng thành Kiến Khang, bình thường có binh sĩ đóng quân, cộng thêm thường có nhân vật lớn từ Kiến Khang qua lại, cho nên tin tức của dân chúng nơi này từ trước đến nay luôn nhanh nhạy hơn so với những nơi khác.
Đầu tháng Tư năm nay, ngày hôm đó, cửa thành quận thành Đan Dương mở rộng, cửa thành phụ cận náo nhiệt như cái chợ, bàn tán không ngừng. Dân chúng đã chen chúc trên đường ở hai bên đường ở bên ngoài cổng thành từ sớm, vừa ngẩng đầu nhìn về phương nam xa xăm vừa thảo luận sôi nổi.
Vài ngày trước, tin tức truyền đến, cuộc nổi loạn kéo dài hơn nửa năm của Lâm Xuyên Vương cuối cùng đã bị dập tắt. Trong trận chiến cuối cùng, Lâm Xuyên Vương không địch lại đã bị ép lui về trong thành, sau khi cửa thành bị công phá, Lâm Xuyên Vương cưỡi ngựa chạy trốn đã bị trúng tên ngã xuống ngựa, bị truy binh bao vây và bị loạn đao chém chết. Bọn phản nghịch còn lại cũng toàn bộ bị giết. Lưu vực Cống Thủy bị rung chuyển hơn nửa năm trời cuối cùng đã khôi phục yên bình.
Bách tính Giang Nam bấy giờ mới biết thế cục khẩn trương, địch mạnh ta yếu, chiến sự lúc nào cũng có thể bộc phát. Những người nhàn rỗi ngày ngày ngồi trong quán trà và quán rượu ở quận thành Đan Dương là buôn chuyện nhiều nhất, mà câu chuyện nói nhiều nhất chính là Yết Hồ hung tàn thế nào. Theo những người trốn thoát từ phương Bắc nói, đó là là những kẻ tóc đỏ răng nanh, dáng như lệ quỷ, về phần ăn thịt người thì lại càng là chuyện thường ngày ở huyện. Buôn càng nhiều thì càng nhiều người tin, rất nhiều người đều bất an lo sợ, trẻ con khóc đêm cũng bị cha mẹ lấy người Hồ ra dỗ ngủ. Mà chuyện hôm nay nhắc tới là Cao thị đang chiêu mộ binh lính tại Quảng Lăng Giang Bắc chuẩn bị cho chiến tranh được người người khen ngợi, mà nhắc tới Lâm Xuyên Vương nhân hỗn loạn mà tạo phản ai nấy cũng nghiến răng nghiến lợi. Dù sao, quốc vận đã gian nan, cộng thêm bởi vì cuộc phản loạn của Lâm Xuyên Vương mà đã khó khăn lại càng thêm khó khăn gấp bội, triều đình bất lực đối phó với Giang Bắc, đến lúc đó nếu thật sự để cho Yết Liêu vượt sông xuôi nam, gặp nạn vẫn là dân chúng thấp cổ bé họng. Cho nên lúc biết được tin tức này, ai ấy cũng đều thở phào nhẹ nhõm.
Hôm nay quốc cữu Hứa Tư đồ dẫn quân đội đến Đan Dương, Cao tướng công cũng sẽ từ Kiến Khang chạy đến, đích thân khao thưởng tướng sĩ có công.
Cơ hội như vậy thực sự hiếm thấy lúc bình thường, dân chúng từ sớm đã đến đây chờ đợi, ngoài chiêm ngưỡng quân uy thì cũng muốn tận mắt nhìn thấy phong phạm của vị Tể tướng Đại Ngu trong truyền thuyết này.
Khi mặt trời dần lên cao, gần cổng thành truyền đến một trận náo động, mọi người nghển cổ lên nhìn, chỉ thấy trên tường thành nơi cổng thành một hàng binh giáp cầm qua kích đứng lúc trước thì lúc này đã xuất hiện thêm mấy người, đều là quan viên triều đình. Ở giữa có một người đàn ông trung niên đầu đội ô quan tiến hiền, trên người mặc quan phục đỏ thẫm, mặt mày như ngọc, mắt phượng hơi xếch, ánh mắt trầm tĩnh có thần, giống như đang nhìn về phương xa, dưới hàm là bộ râu đẹp đen nhánh, nhẹ nhàng lay động theo gió, đứng ở đó sừng sững như núi cao, không giận tự uy.
– Cao tướng công đến rồi!
Trên đường phố có người hô to.
Một truyền mười, mười truyền trăm, rất nhanh, người nào cũng đều đã biết, người đàn ông trung niên vừa mới leo lên đầu thành này chính là Tể tướng Cao thị vang danh thiên hạ. Quả nhiên là danh bất hư truyền, phong độ siêu nhiên, quần chúng kích động vô cùng, người qua đường nhao nhao xông đến, muốn tới gần hơn nữa để được nhìn cho rõ hơn.
Bên dưới cổng thành vô cùng rối loạn.
– Đại quân đến! Đại quân đến!
Đúng lúc này, trên con đường đối diện cửa thành có một người như làn khói chạy tới, miệng thì hô rất to.
Mọi người càng thêm hưng phấn đồng loạt quay đầu tranh nhau để nhìn. Quả nhiên, chưa tới một lát đã nhìn thấy cuối con đường xa xa dần dần xuất hiện một đội ngũ, tinh kỳ phía trước tung bay.
Chính là quốc cữu Hứa Tiết dẫn tướng sĩ có công hành quân đến.
Bên trong tiếng hoan hô hò reo, Cao Kiệu mày mặt vui mừng cấp tốc đi xuống dưới thành, bỏ ngựa đi bộ đi ra khỏi cửa thành nghênh đón đại quân hành quân ở con đường đối diện đang đi đến.
Đi chính giữa ở trước đội ngũ là một con tuấn mã màu vàng, trên lưng là một người đàn ông có bộ râu màu vàng mặc áo giáp đầy đủ, đi theo hai bên là tham quân, phó tướng, nghi trượng đầy đủ, thần uy lẫm liệt, dọc đường đi, trông thấy bách tính bên đường hoan hô hò reo, trong mắt lộ rõ vẻ hài lòng.
Từ xa ông ta đã trông thấy Cao Kiệu lĩnh một đám quan viên Kiến Khang đi bộ ra đón nên cố ý cho ngựa đi chậm lại, chờ hai bên cách nhau chỉ còn mấy trượng thì mới phóng ngựa qua, đến gần rồi thì tung người xuống ngựa, hạ bái với Cao Kiệu:
– Cảnh Thâm giao phó hiền chất cho ta, ta lại phụ sự nhờ vả, suýt nữa đã mất đi hiền chất. Tất cả đều là tội của ta! Nếu như hiền chất có mệnh hệ gì, ta muôn lần chết cũng không hết tội!
Cao Kiệu làm sao mà để ông ta bái mình được, cười lớn, tiến lên nâng người kia dậy.
– Hứa huynh sao lại nói thế? Sống chết có số, vốn không phải là năng lực của con người, cớ gì phải đặt mình vào nguy hiểm? Tại ta chưa từng suy xét chu toàn cho Hứa huynh. Lúc Hứa huynh đang hao tâm tổn sức bình định phản loạn lại còn lại phân tâm vì đứa cháu ngu ngốc kia, thật là làm cho Hứa huynh khó xử. Người hổ thẹn phải là ta mới đúng.
Người có bộ râu vàng chính là Hứa Tiết Hứa thị, một trong tam đại sĩ tộc kiều họ đương triều, huynh trưởng của đương kim Hứa Hoàng Hậu.
– Cảnh Thâm không trách tội là may mắn của ta!
Hứa Tiết cầm tay Cao Kiệu, cực kỳ thân mật.
Bên cạnh ông ta là mấy vị tướng quân, ngoài người đàn ông mặt đen có râu quai nó ra thì còn lại đều xuất thân sĩ tộc, đều biết Cao Kiệu, đồng loạt xuống ngựa hành lễ với ông.
Cao Kiệu tâm tình thoải mái, chào hỏi từng người một.
Dân chúng đứng ngoài quan sát, cũng không nghe rõ họ đang nói gì, từ xa chỉ nhìn thấy Cao tướng công cùng Hứa quốc cữu nắm tay nhau vừa cười vừa trò chuyện, tướng tướng hòa hợp, ai nấy đều kích động, hai bên đường lại bộc phát những tiếng reo hò.
Cao Kiệu chào hỏi xong, dù sao trong lòng vẫn luôn có chuyện, bèn nói:
– Đứa cháu ngốc của ta lần này may mắn có thể trở về, nghe nói là được một người tên Lý Mục ở trong quân của huynh cứu trước trận. Người này hôm nay có ở trong quân không?
Hứa Tiết cười nói:
– Rất nhiên là có rồi.
Nhìn về phía người đàn ông trẻ tuổi mặt đen kia.
Người đó từ lâu đã nghe đến tên tuổi Cao Kiệu nhưng mà đây là lần đầu tiên được nhìn thấy mặt thật, vội vàng bước lên cung kính hành lễ với Cao Kiệu.
– Mạt tướng Dương Tuyên bái kiến tướng công. Lý Mục chính là Biệt Bộ Tư Mã dưới trướng mạt tướng. Mạt tướng sẽ gọi hắn đến ra mắt tướng công.
Nói rồi vội vã đi ngay.
Cao Kiệu nhìn về phía trước. Không tới một lát đã nhìn thấy Dương Tuyên dẫn theo một người trở lại, ánh mắt những binh sĩ nhìn người kia đều lộ rõ sự kính nể, chủ động nhường đường, là biết người kia chính là Lý Mục.
Ông thầm quan sát, không khỏi cảm thấy bất ngờ.
Biệt Bộ Tư Mã trong quân đội tuy chỉ là một võ quan ngũ phẩm cấp thấp, thuộc quyền tư binh, thường thường không quá mấy trăm. Nhưng khác với con cháu sĩ tộc dấn thân vào quân doanh, con cháu sĩ tộc thường thường vừa mới bắt đầu vào quân đội là có thể được phong quan hàm Đô Úy, thậm chí còn lên loại tứ phẩm Trung Lang tướng, nhưng sĩ tốt bình thường muốn lập quân công thăng chức đến chức Biệt Bộ Tư Mã Ngũ phẩm thuộc tư binh cũng không phải chuyện dễ dàng.
Cao Kiệu lúc trước khi mang binh biết người trẻ tuổi nhất giữ chức Biệt Bộ Tư Mã cũng là thường gần ba mươi tuổi. Nhưng mà vị võ quan mà Dương Tuyên dẫn đến này nhìn vô cùng trẻ tuổi, nom tầm hai mươi tuổi, mày kiếm mắt sáng, dáng vẻ oai hùng, bước chân vững chãi. Bên cạnh đối phương là một thiếu niên mười lăm mười sáu tuổi, mặt mày thanh tú xinh đẹp, rõ ràng là tiểu công tử xuất thân vọng tộc nhưng mà trên người mặc khôi giáp, hai bả vai bị chiếc áo giáp rộng kia càng làm lộ rõ vẻ gầy gò. Đó chính là đứa cháu trai Cao Hoàn đã hơn nửa năm không gặp.
Cao Kiệu nhìn vị võ quan trẻ tuổi đến gần kia, ban đầu rất ngạc nhiên, nhưng sau đó nhớ đến cảnh cậu ta trước trận chiến thương độc mã cứu đứa cháu của mình về thì sự hoang mang biến mất tăm mất tích.
Nếu không có sự can đảm, võ công cao cường, thậm chí cả sát khí vượt mức bình thường lại dưới tình huống hai tướng trước trận giằng co, cậu ta làm sao mà có thể dựa vào bản thân một mình xâm nhập vào trận địa địch quét ngang bát phương được đây. Với khả năng phi thường như vậy, việc cậu ta mới hai mươi tuổi mà thăng lên chức vị Biệt Bộ Tư Mã là điều đương nhiên.
– Bá phụ!
Cao Hoàn đi đường hưng phấn vô cùng, lúc theo tới thỉnh thoảng còn nói gì đó với vị võ quan trẻ tuổi đó. Mà vị võ quan trẻ tuổi kia có vẻ hơi ít nói trầm lặng, không hề đáp lời lại, mà cậu ta cũng không để ý. Khi trông thấy Cao Kiều thì hai mắt cậu ta sáng lên, chạy như bay đến, đợi khi đến gần rồi, bắt gặp ông lạnh lùng nhìn mình thì không dám nói câu nào, hơi chút ngượng ngùng, cúi gằm xuống, đứng một bên.
Dương Tuyên dẫn người đến.
Vị võ quan trẻ tuổi hành quân lễ với Cao Kiệu, quỳ một gối xuống, khí tức trầm ổn:
– Biệt Bộ Tư Mã Lý Mục, bái kiến tướng công!
Cao Kiệu mỉm cười quan sát hắn một lúc, nói miễn lễ, ngay sau đó tiến lên đích thân đỡ hắn đứng lên, cười nói:
– Trước trận chiến ngươi một mình giết vào trận địa địch cứu được cháu trai của ta, cái dũng này dù là Mạnh Bí, Hạ Dục sợ là cũng không thể sánh bằng. Ta vô cùng cảm kích. Ta nghe nói tổ tiên ngươi chính là Lý thị Hu Di. Cao thị ta tuy không có thâm giao với phụ tổ ngươi, nhưng sự tích anh liệt năm đó của phụ tổ ngươi chúng ta ở Giang Nam cũng có nghe thấy, ta vô cùng kính trọng ông ấy.
Cao Kiệu biểu dương ngay trước mặt mọi người như thế, trong lời nói không hề che giấu sự tán thưởng và yêu thích của mình đối với vị võ quan trẻ tuổi hậu duệ Lý thị này chút nào.
– Tướng quân quá khen rồi, ti chức không dám nhận. Ti chức thay mặt tiên tôn cảm ơn tướng công.
Chức vụ Biệt Bộ Tư Mã kém chức vụ cấp Tướng cấp bậc thấp nhất là Trung Lang tướng mấy bậc, cho nên vị võ quan trẻ tuổi này mới xưng là ti chức ở trước mặt Cao Kiệu. Câu đáp này của hắn nhìn như bình thường nhưng bên trong lại có ý nghĩa khác. Hắn khiêm tốn từ bỏ lời khen ngợi của Cao Kiệu dành cho mình, nhưng lại tỏ ra cực kỳ kính trọng đối với những chuyện của phụ tổ mình, không đáng mai một.
Bất cứ ai có một đôi tai rõ ràng có thể cảm nhận được nó.
Cao Kiệu càng thưởng thức hơn, gật đầu nói:
– Ngươi là người của Hứa Tư đồ, việc thăng quân hàm sẽ do Hứa Tư Đồ đảm nhiệm. Với năng lực của ngươi, cộng thêm Tư Đồ cũng biết nhìn người, ta sẽ không thêm nhiều chuyện nữa. Ngoài cái đó ra, ngươi muốn phong thưởng thế nào cứ việc nói với ta. – Nói xong, ông nhìn sang Hứa Tiết, – Hứa huynh, Lý Mục có ơn lớn với Cao thị ta, ta muốn ban thưởng thêm, huynh sẽ không trách ta chiếm danh tiếng của huynh chứ?
Hứa Tiết cười khà khà:
– Sao dám sao dám? Ngu huynh cũng may mắn dưới trướng có người tài ba như thế, hôm nay mới làm ta nở mặt nở mày trước đệ.
Ông ta quay sang Lý Mục.
– Tướng công đã lên tiếng, là cơ hội ngàn năm khó có được. Ngươi muốn ban thưởng gì thì cứ nói đi.
Chung quanh trở nên yên tĩnh, vô số ánh mắt hâm mộ nhìn vào vị võ quan trẻ tuổi Lý Mục.
– Ty chức không có mong muốn gì khác, cảm ơn ý tốt của tướng công.
Võ quan trẻ tuổi đáp.
Mọi người đều kinh ngạc.
Dương Tuyên sốt sắng cả lên, ở bên cạnh nháy mắt liên tục.
Không chỉ Dương Tuyên mà Cao Hoàn cũng không hiểu được, giống như là sắp không thể kìm được mà mở miệng, nhìn bá phụ mình, rồi lại biết điều ngậm miệng lại, trong mắt lộ rõ vẻ hoang mang.
Lý Mục lại như không để tâm, vẻ mặt vẫn bình thường.
Cao Kiệu sững sờ, sau đó nói:
– Luận công hành thưởng vốn là phép tắc trong quân đội, nếu không thì làm sao có thể động viên binh lính tiến lên được? Chỉ riêng công lao của ngươi đối với Cao thị ta, bất kể ngươi cầu điều gì hôm nay cũng đều là thứ ngươi xứng đáng có được. Ta nhất định ban thưởng cho ngươi! Ngươi có mong muốn gì thì cứ nói với ta, không cần phải ái ngại.
Chung quanh lại lần nữa trở nên yên tĩnh.
Dương Tuyên ho khan vài tiếng.
Lý Mục lặng thinh chốc lát, ngước mắt lên, mỉm cười nhìn thẳng vào mắt Cao Kiệu:
– Tướng công đã có mệnh, ti chức không dám không theo. Chỉ là hôm nay ti chức thật sự không có mong muốn gì cả. Nếu như tướng công không trách, có thể cho ti chức được bảo lưu phần thưởng được không? Sau này, nếu ti chức yêu cầu điều gì đó thì ắt sẽ cả gan cầu xin tướng quân sau ạ.
Cao Kiệu một lần nữa sững sờ, sau đó gật đầu, vuốt râu nói:
– Cũng được! Sau này nếu ngươi cần gì thì cứ mở miệng!
Lý Mục lại quỳ một gối xuống, trịnh trọng thi lễ.
– Đa tạ tướng công, ti chức ghi nhớ trong lòng. Khi nào nghĩ ra được ti chức sẽ mở miệng cầu xin tướng công, mong rằng tướng công đến lúc đó đáp ứng.
Hắn trầm giọng nói, ngữ khí cung kính.
Cao Kiệu rất thoải mái, cười vang nói:
– Tất nhiên! Ngày sau bất kể là chuyện gì, hễ là ngươi mở miệng, ta đều sẽ đáp ứng.
Hết chương 7