Lúc Cao Kiệu đuổi theo ra ngoài cửa thì Tiêu Vĩnh Gia đã lên xe rồi. Cửa sổ quan sát đóng chặt vì vậy không thể nhìn thấy gì. Ông há miệng muốn lên tiếng ngăn xe lại, nhưng lại không thể phát ra âm thanh. Cùng với tiếng bánh xe lạch cạch, ông nhìn chiếc xe trâu chở thê tử dần dần đi xa, cuối cùng biến mất ở trong bóng đêm dày đặc.
Một đêm nay, Cao Kiệu hoàn toàn mất ngủ.
Ông nhìn chằm chằm vào mảnh ngọc bội do mà Tiêu Vĩnh Gia trả lại vốn đã bị ông quên mất từ lâu, cả người rơi vào sự hoang mang, phiền não và ưu sầu cùng với sự không thể tin được.
Ông nghĩ mãi mà không hiểu nổi hành động đột ngột của vợ mình.
Thành hôn gần hai mươi năm, tranh chấp như hôm nay lại không phải lần đầu tiên. Và rồi tới cuối cùng đều không ngoại lệ đều lấy sự nhường nhịn của mình mà chấm dứt.
Hôm nay cũng như thế.
Xét thấy việc này có thể dẫn tới kết quả nguy hiểm, tuy rằng ông cực kỳ bất mãn đối với quyết định của Tiêu Vĩnh Gia, lúc ấy cũng rất tức giận, nhưng đối mặt với sự kiên quyết của vợ, cuối cùng ông đành phải nhường nhịn.
Ông đã quen với phương thức ở chung như này với thê tử, hơn nữa cho rằng bà cũng thầm chấp nhận giống như mình. Đối với lần tranh cãi này, Cao Kiệu cứ nghĩ kết quả sẽ là thê tử lại trở về Bạch Lộ Châu như mọi lần, mà ông cũng đã thầm quyết định, nếu như vợ mình không nhận ra sai lầm mang tính nguyên tắc mà mình mắc phải, trong một thời gian ông cũng sẽ không chủ động làm hòa với bà. Ông cần phải cho bà nhận thức rõ được thái độ kiên định của mình ở trong chuyện này.
Hiện tại việc cấp bách của ông là làm thế nào để khuyên con gái trở về hoặc là khiến cho Lý Mục từ bỏ được lòng bất tuân của mình, cùng với mình cùng nhau giúp xã tắc – rốt cuộc thì với tài năng của Lý Mục, Cao Kiệu vẫn rất thưởng thức, cũng kỳ vọng rất cao. Nếu hắn bởi vì tuổi trẻ khí thịnh đi nhầm đường lạc lối, mình thân ở địa vị cao lại là trưởng bối biết mà không dẫn dắt chỉ lối thì mình cũng có lỗi.
Cho nên trước khi con gái lên đường, ông cũng đã ngồi tâm sự rất lâu với con gái, bảo nàng khi gặp Lý Mục thì cần phải khuyên bảo hắn thu lại dị tâm, quay trở lại chính đạo.
Thế nhưng Cao Kiệu không nghĩ tới chính là sau khi tiễn con gái đi, thê tử lại cho mình một đòn như thế. Sau khi lấy lại tinh thần, phản ứng đầu tiên của ông là thê tử cố tình gây sự với mình, muốn mình cúi đầu nhận sai trước bà. Nhưng liên tưởng trong thời gian này, đủ loại biểu hiện kỳ lạ của vợ làm cho ông mau chóng phủ định cách nghĩ này. Đây không phải là cố tình gây sự bịa chuyện, mà đây là sự thật.
Cao Kiệu không thể nào tiếp nhận được.
Tuy rằng nhiều năm nay, âm dương mất cân đối, phu thê không hòa hợp, nhưng với Cao Kiệu mà nói điều này từ lâu đã trở thành một phần trong cuộc sống của ông, giống như mỗi ngày ông dốc hết sức lực xử lý quốc sự.
Khi chỉ có một mình không có việc gì làm, khi nghĩ đến chuyện quan hệ vợ chồng, ông cũng từng cảm thấy lo lắng, bất lực và mệt mỏi, cho đến cuối cùng tê liệt và trở nên chấp nhận sao cũng được. Nhưng ông chưa bao giờ nghĩ tới có một ngày loại sinh hoạt này sẽ bị phá vỡ.
Thỉnh thoảng, trong những đêm khuya vắng lạnh, ông thậm chí còn nghĩ, nếu sau này Tiêu Vĩnh Gia chết trước mình, ông cũng sẽ không cưới thêm ai hết, hai người sẽ cùng chôn cùng huyệt. Nhưng nếu như mình chết trước, Tiêu Vĩnh Gia chắc chắn sẽ tái giá, như vậy thì mộ huyệt của mình chỉ sợ cũng chỉ có một mình mình lẻ loi cô độc. Tuy rằng rất bị tổn thương, nhưng nghĩ đến người chết là hết thì mọi thứ đều bình thường trở lại.
Ấy thế mà hôm nay mọi thứ đột nhiên đều trở nên rối loạn.
Ông bị làm cho tâm phiền ý loạn, đứng ngồi không yên và hoang mang. Sau bao nhiêu năm, con gái cũng đã lớn, mình cũng từ lâu đã chấp nhận một người vợ như vậy, và tương tự vợ ông hẳn là cũng chấp nhận hiện trạng sống chung của vợ chồng như hiện tại.
Hiện giờ lại đột nhiên đề nghị hòa li?
Cao Kiệu tự hỏi mình chưa từng làm ra chuyện gì có lỗi với vợ.
Rốt cuộc nàng ấy đang nghĩ cái gì?
Cả một đêm ông cứ trằn trọc thở ngắn than dài, trắng đêm không ngủ, sáng sớm ngày hôm sau đầu óc choáng váng mà thức dậy, rửa mặt bằng nước lạnh cho đầu óc tỉnh táo một chút, khi chuẩn bị xuất phát đi lên triều đột nhiên nhớ tới một chuyện.
Đạo quan ở trên Bạch Lộ Châu từng có một đạo cô, cũng không biết bà ta mang pháp hiệu gì, trước kia ông cũng từng gặp vài lần, vẫn còn nhớ mang máng bà ta. Nhưng mà dạo gần đây mấy lần đi lên đảo khi đi ngang qua Tử Vân Quan thì phát hiện cổng lớn luôn đóng chặt.
Ông từng thuận miệng hỏi thì được cho biết rằng tất cả đạo cô trong đạo quan đã bị trưởng công chúa đuổi đi hết rồi.
Ông còn nhớ rõ trước kia Tiêu Vĩnh Gia rất thường xuyên đi Tử Vân Quan, có thể trò chuyện với bà đạo cô già kia cả ngày được. Vì điều này mà ông còn thấy vui mừng thay, cho rằng Tiêu Vĩnh Gia cả ngày rảnh rỗi chẳng có việc gì làm thì đó là nơi để tu thân dưỡng tính và giết thời gian.
Khi đó ông cũng không mấy lưu ý, cho rằng những đạo cô đó chắc là đắc tội thê tử, cho nên chưa từng hỏi nguyên do. Bây giờ nhớ lại, Cao Kiệu bắt đầu thấy nghi ngờ, vừa ra đến cửa gọi Cao Thất tới, ra lệnh cho ông ấy đi thăm hỏi nội tình sự việc Tiêu Vĩnh Gia đuổi đám đạo cô đi.
Ngày hôm nay, Cao Kiệu người ở Đài Thành thoạt nhìn không khác gì bình thường nhưng kỳ thực không hề có tâm trạng làm việc, chỉ nóng lòng về nhà, chưa đến chạng vạng mà đã vội về Cao phủ, nhưng cũng không thấy Tiêu Vĩnh Gia quay về.
Ông một mình ở trong thư phòng, lúc đang chắp tay đi qua đi lại thì Cao Thất đi vào, mang đến một tin tức. Nói rằng mình không hỏi thăm được cụ thể nội tình như thế nào, chỉ biết lúc ấy trưởng công chúa nổi giận đùng đùng, hạ lệnh đuổi hết toàn bộ người trong đạo quan đi. May mà sau khi điều tra nghe ngóng, ông ấy cũng đã tìm được một nữ đồ đệ của bà đạo cô già Liễu Trần Tử, hiện giờ đã cạo tóc chuyển sang làm ni cô, âm thầm làm một số chuyện mờ ám mà người khác không biết, người cũng đã mang đến đây, hỏi ông có gặp không.
Cao Kiệu cho phép dẫn người vào.
Ni cô kia được mang vào nhìn thấy Cao Kiệu ngồi nghiêm trang ở đó nào dám nhìn thẳng, cúi đầu quỳ xuống, nghe Cao Kiệu hỏi nội tình chuyện bị đuổi đi, không dám giấu giếm gì bèn nói ra toàn bộ sự việc.
Nói rằng đạo cô già thấy trưởng công chúa sống một mình trên đảo, hằng ngày trò chuyện thỉnh thoảng biểu lộ vẻ bất bình liền cho rằng bà đang khát khao thiếu thốn, muốn lấy lòng trưởng công chúa. Bởi thế mới tự chủ trương âm thầm đưa một thiếu niên xinh đẹp giỏi chuyện phòng the, lại nhiều năm qua lại với đám phụ nhân cao môn vào trong quan, ngày ấy nhân cơ hội mà hiến lên, không ngờ lại chọc giận trưởng công chúa, bấy giờ toàn bộ đạo quan từ trên xuống dưới mới bị đuổi đi toàn bộ.
Cao Kiệu nghe xong thì trợn mắt há hốc mồm, sau một lúc lâu mới hồi hồn lại, bảo Cao Thất đưa ni cô kia đi, mình thì tỉ mỉ suy nghĩ lại, không khỏi toát mồ hôi lạnh.
Nam Triều hiện nay huyền phong thanh đàm, lễ băng nhạc hư, bên trong cao môn Kiến Khang có rất nhiều quý phụ không giữ phụ đạo không tuân theo luân thường, mà Chu Tễ Nguyệt chính là một bài học trước đó.
Ở Kiến Khang, thanh danh của Tiêu Vĩnh Gia đích thực là không tốt. Nhưng bị chỉ trích nhiều nhất chỉ là thói xa hoa, tính tình đố kỵ các loại chứ chưa từng có điều tiếng gì về phẩm hạnh cả. Cho nên mấy năm nay, tuy rằng Cao Kiệu cùng với Tiêu Vĩnh Gia ở riêng nhưng ông chưa từng nghĩ về thê tử ở phương diện này. Ông có nằm mơ cũng không nghĩ tới, dưới tình huống mình không mảy may hay biết thì từng có một thiếu niên xinh đẹp được đặt chân trên Bạch Lộ Châu nơi mà thê tử ở, hơn nữa còn do bà đạo cô già có ý đồ xấu xa làm mối bên trong đó. Nếu không phải phẩm hạnh của thê tử mình đoan trang nghiêm chỉnh, thì hôm nay mình đã trở thành Úc Lâm Vương thứ hai rồi.
Cao Kiệu mặt hết đỏ lại trắng bệch, trong lòng dâng trào đủ loại cảm giác, đang lúc mê man, trong đầu đột nhiên hiện lên một ý nghĩ khác. Trước kia tình cảm của Tiêu Vĩnh Gia dành cho mình, trong lòng Cao Kiệu biết rất rõ. Năm xưa cũng bởi vì bà mạnh mẽ đòi cưới mình mới có nhân duyên của hai người. Sau khi cưới bà về, Cao Kiệu cũng chưa từng có ý định nạp thiếp – ngoài việc mình vô tâm ra, lòng ghen tị của Tiêu Vĩnh Gia cũng khiến cho Cao Kiệu rất khổ sở, căn bản là chưa bao giờ có suy nghĩ như vậy.
Hiện giờ bà chẳng những đưa ra yêu cầu hòa li mà còn khuyên mình nạp thiếp, thái độ chân thành, không hề có chút đắn đo nào. Lẽ nào là cuối cùng bà đã không thể chống lại sự xâm nhập của những khuynh hướng không lành mạnh bên ngoài, tâm tính thay đổi mạnh mẽ, cho nên mới muốn sống một cuộc sống vui vẻ riêng của mình, thân ai người nấy lo đối với mình?
Cao Kiệu tim đập loạn xạ.
Theo lý mà nói, Tiêu Vĩnh Gia cuối cùng đã nghĩ thông suốt chịu buông bỏ mình, lẽ ra Cao Kiệu cảm thấy được giải thoát, nên thở phào nhẹ nhõm mới đúng. Nhưng ông lại không hề thấy như thế, mà ngược lại ông rất muốn ngay lập tức đi Bạch Lộ Châu, muốn xem xem Tiêu Vĩnh Gia hiện giờ đang làm gì.
Ông không chần chừ nữa, gác lại những chuyện khác, lập tức ra ngoài, đi thẳng đến bến đó phía thành tây.
Khi sắp đến bến đò rồi, ông lại do dự.
Nhớ đến thái độ hôm qua của thê tử cực kỳ quyết liệt, giờ mình qua đó, nếu bà lạnh nhạt với mình, mình nên xử sự thế nào?
Do dự một hồi, ông đã đi đến bến đó, còn chưa quyết định có lên hay không thì nhìn thấy một con ngựa đậu ở đó, hình như là của người ngoài để lại, liền hỏi thủ vệ.
Thủ vệ nói:
– Là Mộ Dung Thế vừa mới tới thăm hỏi, trưởng công chúa cho phép hắn đi lên đảo ạ.
Cao Kiệu giật mình.
Từ sau khi Mộ Dung Thế tới Kiến Khang đã mấy lần gửi thiếp tới nhà nhưng Cao Kiệu hoàn toàn phớt lờ. Không ngờ hôm nay gã lại tự tiện tới gặp Tiêu Vĩnh Gia. Cao Kiệu làm sao nhịn được, mặt sầm xuống, lên thuyền đi thẳng về hướng đảo. Vừa lên đảo là ngay lập tức tới biệt uyển, đi đến trước cửa, thấy cửa lớn mở rộng, vừa lúc Mộ Dung Thế được quản sự tiễn ra ngoài.
Quản sự đang tiễn khách thay nữ chủ nhân, thái độ nhìn khá là khách sáo. Chợt thấy Cao Kiệu tới đứng trên lối đi ngoài cửa, vội vàng bỏ Mộ Dung Thế lại, chạy ra đón.
Mộ Dung Thế nhìn thấy Cao Kiệu thì khẽ giật mình, ngay sau đó nở nụ cười tươi bước nhanh tới, chào hỏi ông, thái độ rất cung kính, nói:
– Trước khi tiểu chất nam hạ, thúc phụ tôi từng nói Mộ Dung thị vốn là thần tử của Đại Ngu. Năm đó ông ấy tới Đại Ngu cũng từng may mắn gặp được Cao tướng công, về sau tuy đụng nhau nơi sa trường nhưng đó cũng bởi thân bất do kỷ, không phải do thúc phụ mong muốn. Bây giờ ông ấy cuối cùng bỏ gian tà theo chính nghĩa, thúc phụ vẫn luôn dặn dò chúng tôi cần phải bái kiến Cao công, chuyển lời hữu nghị của ông ấy đến cố nhân. Tiểu chất kính ngưỡng Cao công đã lâu, đã mấy lần xin gặp mà không được, biết là Cao công có hiểu lầm đối với tôi, cho nên không dám tới làm phiền ngài nữa. Và vì nghe danh đức của trưởng công chúa đã lâu, hôm nay mới mạo muội tới thăm hỏi, vốn là muốn nhờ trưởng công chúa chuyển lời để tỏ lòng thành kính và ngưỡng mộ của mình, nào ngờ lại may mắn được gặp Cao công ở đây, thật đúng là may mắn của tiểu chất.
Nói xong thì lạy dài một cái.
Cao Kiệu lạnh lùng nói:
– Lệnh Chi Vương không cần đa lễ. Tuy bệ hạ giữ ngươi ở lại Kiến Khang, nhưng ta sợ Nam Triều đất đai quá nhỏ, không chứa nổi dũng khí và tâm hùng của Mộ Dung thị các ngươi. Ta chỉ là một thần dân bình thường của Nam Triều, có gì mà không thể gặp?
Mộ Dung lộ vẻ hoảng sợ, cứ xin lỗi liên tục.
Cao Kiệu quay sang quản sự, nói câu “tiễn khách.”
Quản sự nhận ra đại gia không vui nào dám trì hoãn, vội quay sang Mộ Dung Thế áy náy nói:
– Công tử, mời đi theo tiểu nhân ạ.
Mộ Dung Thế lại lần nữa cung kính bái biệt Cao Kiệu, đi tới bến đó thì dừng lại, quay đầu lại, nhìn về phía sau một lần nữa mới đi lên thuyền rời đi.
….
Tiêu Vĩnh Gia gặp Mộ Dung Thế ở phòng khách, cho người tiễn khách xong một mình ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn một cành hải đường mong manh đẹp đẽ nghiêng ra đón ánh chiều tà chiếu đến, đang lúc thất thần chợt nghe bên ngoài có tiếng bước chân gấp gáp. Xoay người, nhìn thấy là Cao Kiều đi tới thì vẫn ngồi im, cũng không nói gì, chỉ nhìn ông.
– A Lệnh, Mộ Dung Thế tới đây có việc gì vậy?
Cao Kiệu vừa đi vào là hỏi ngay.
Tiêu Vĩnh Gia nói:
– Không có việc gì cả, chỉ nói mình đến Kiến Khang đã lâu mà chưa tới thăm hỏi, cho nên hôm nay mới tới gặp tôi thôi.
Cao Kiệu đè cảm giác không vui trong lòng xuống, nói:
– Hắn từng mấy lần gửi thiếp muốn gặp tôi nhưng tôi không gặp. Mộ Dung thị bụng dạ khó lường, bệ hạ lại đang vui mừng vì đại công, không chút đề phòng gì, cũng không nghe khuyên can của ta cho phép hắn ở lại định cư Kiến Khang, chuyện này nàng cũng đều biết, vì sao còn đi gặp hắn?
Tiêu Vĩnh Gia nhăn mày:
– Tôi thân là trưởng công chúa nhưng cả ngày chỉ biết ăn uống vui chơi, đã ly thân với mình từ lâu, ở Kiến Khang này có người nào mà không biết. Hắn đã được cho phép ở lại Kiến Khang lấy danh hậu bối tới thăm hỏi, tôi gặp hắn, nói mấy câu rồi tiễn khách, có gì mà không được? Lẽ nào điều này làm ảnh hưởng xấu đến danh sự của Cao Kiệu mình, gây nên rung chuyển cả triều đình à?
Bà nhìn Cao Kiệu:
– Hơn nữa, tôi có găp ai thì có liên quan gì đến mình?
Cao Kiệu cứng họng, chần chừ một lúc cuối cùng không kìm được sự bất mãn, nói:
– Hắn gặp nàng có chuyện gì? Có phải nói tốt cho Mộ Dung Tây không?
Ông hừ một tiếng:
– Năm đó Mộ Dung Tây vì cầu mạng sống đã chịu đủ sỉ nhục, thấy thân phục vụ, nay thấy mọi việc đã không thành, lại nhân hỗn loạn chạy trốn về phương Bắc muốn chờ cơ hội ngóc đầu trở lại. Đáng hận nhất là nay hắn lại vẫn muốn dùng danh nghĩa Đại Ngu ta để lấy lòng người Hán. Một kẻ bất trung bất nghĩa mặt dày vô sỉ như thế, bệ hạ mê muội thì cũng thôi, nhưng nếu như nàng cũng bị người khác lừa gạt, ta thật sự không có lời nào để nói.
Tiêu Vĩnh Gia nhướng mày:
– Tôi chỉ là một người phụ nữ, không quan tâm đ ến những việc triều chính này. Mình nhìn Mộ Dung Tây không vừa mắt, nếu sau này gặp nhau nơi chiến trường thì cứ đánh bại hắn là được chứ gì.
Đáy lòng Cao Kiệu đầy bực bội.
Năm xưa khi ông Bắc phạt lần thứ hai cũng từng gặp Mộ Dung Tây ngăn cản, đại quân mới bị chặn ở Hoài Thủy, không thể nào tiến đến Lạc Dương mà bị mất thời cơ chiến đấu. Bây giờ nhớ đến vẫn thấy hận như cũ. Bị Tiêu Vĩnh Gia thốt một câu như thế, ông lại không thể nào phản bác được, đành phải nén cơn tức, thở hắt ra một hơi hờn dỗi, đổi sang giọng ôn hòa hơn, nói:
– A Lệnh à, những lời mà tối qua nàng nói, ta cũng đã nghĩ rồi và thấy rất là không ổn. Nếu hai ta hòa li, bất kể thanh danh hay A Di cũng đều sẽ đau khổ. Ta không đành lòng để con nó đau khổ, việc hòa li này từ nay về sau đừng đề cập tới nữa nhé.
– Mà vấn đề nạp thiếp thì toàn là những lời vô căn cứ. Nàng có từng thấy ta vì chuyện không có con trai mà trách nàng một câu bao giờ chưa? Ta không có con trai không sao cả, cháu trai có đầy ra đấy, không thiếu nhân tài, sau này chọn một đứa trong bọn nó ra làm gia chủ là được. Cao thị có người kế tục, ta cũng thấy thỏa nguyện rồi.
Tiêu Vĩnh Gia nói:
– Tùy mình thôi. Li hay không li, nạp hay không nạp hoàn toàn là ở mình. Nhân sinh khổ đoản, mình đã gần tuổi trung niên, trước kia mình đã lãng phí rất nhiều thời gian ở trên người tôi rồi. Tôi chỉ mong mình sau này có thể sống thooải mái, đừng để bản thân bị thiệt thòi. Như thế tôi cũng thấy an tâm.
Bà đứng lên, hơi gật đầu với Cao Kiệu:
– Tôi mệt rồi muốn đi nghỉ ngơi, mình cự tự nhiên.
Nói xong thì đi.
Cao Kiệu nhìn theo bóng dáng không quay đầu lại của thê tử, nghĩ đến bao năm qua mình kiên nhẫn nhường nhịn hết mức với bà, đến cuối cùng lại bị đối xử lạnh nhạt như thế, bị vứt đi như cái chổi nát, trong lòng chua xót cùng cực, cuối cùng không nhịn được nữa đuổi theo, nắm lấy cánh tay bà.
– A Lệnh! Nàng nói rõ đi, ta có chỗ nào có lỗi với nàng mà nàng đối xử với ta như thế?
Tiêu Vĩnh Gia thấy sắc mặt ông thoáng lộ vẻ giận giữ, cánh tay của mình bị siết chặt mà đau nhức, nhíu mày lại:
– Mình buông tôi ra.
Cao Kiệu không chịu buông.
– Bao nhiêu năm nay mỗi ngày ta đều bề bộn nhiều việc, nàng không những không thông cảm còn đòi ở riêng, làm ta xấu hổ, làm ta bị người ta chế nhạo sau lưng, ta có từng nửa câu trách nàng hay chưa?
– Nàng không chịu ở chung phòng với ta, ta đã từng cưỡng ép nàng hay từng tìm thị nữ khác hay chưa?
– Mỗi khi hai chúng ta xảy ra tranh cãi, mà toàn là tranh cãi vô lý, còn chẳng phải ta đều nhường nhìn nàng đó sao?
– Bây giờ vì một câu nhân sinh khổ đoản mà nàng muốn hòa li với ta. Cao Kiệu ta có lỗi gì với nàng?
Ông sắc mặt âm trầm nhìn chằm chằm Tiêu Vĩnh Gia.
– Hay là nàng chê ta già rồi, muốn kết tân hoan khác?
Cánh tay kia của Tiêu Vĩnh Gia bị ông siết chặt mà phải nhíu mày chịu đựng, chợt nghe một câu như thế của ông thì sửng sốt, đột ngột hất tay ông ra.
– Cao Kiệu, mình coi Tiêu Vĩnh Gia tôi là kiểu người gì?
– Đúng như mình nói, gần hai mươi năm tôi không hề tiến bộ. Bây giờ tôi đã nghĩ thông suốt, không muốn làm mình khó xử nữa, càng không muốn bản thân khó xử, nhưng vừa rồi mình lại như vậy là ý gì?
Bà cười lạnh, gật gật đầu.
– Có điều nhờ câu nói này của mình đúng là đã nhắc nhở tôi. Cứ nhìn đi, nếu sau này tôi có ngươì mình thích, tôi chắc chắn sẽ kết tân hoan mới. Tôi khuyên mình sau này cũng cứ sống thoải mái như ý muốn, đừng tự làm khó mình, cũng không cần phải khiến bản thân bị ấm ức.
Nói xong rồi bà xoa xoa cánh tay bị siết đau, bỏ đi ra ngoài.
Cao Kiệu vô cùng tức giận, nhìn bóng lưng của thê tử chằm chặp, ngay sau đó bế bổng thê tử lên, mặc kệ bà giãy giụa thế nào cũng bế bà trở lại chiếc sập đặt bên cửa sổ kia ném lên trên đó, mình cũng phủ người lên, vừa cởi qu@n áo của vợ vừa nghiến răng nói:
– Được được. Đây chính là nàng nói đó. Ta hôm nay sẽ không để mình bị ấm ức. Nàng muốn bỏ ta thì phải qua ải của ta trước.
Tiêu Vĩnh Gia bị ông áp chế ở trên giường, bị bắt nằm ngửa mặt lên.
Gả cho ông gần 20 năm nhưng bà chưa bao giờ thấy ông mất bình tĩnh chứ đừng nói là bị đối xử như thế này, chứng kiến sức lực dã man, ánh mắt đáng sợ của ông giống như thay đổi thành một người khác, nhất thời tim đập kinh hoàng, mặt đỏ bừng lên, ra sức giãy giụa nhưng làm sao mà địch nổi sức lực của một người đàn ông, chân vừa mới nhấc lên đã bị ông đ è xuống, chỉ đạp đổ một giá cắm nến ở góc tường.
Phòng khách không có cửa. Bên ngoài có tiếng bước chân gấp gáp vang lên, là mấy vú già nghe tiếng động giá cắm nến bị đổ xuống đất, không biết là chuyện gì xảy vội vàng chạy tới, thấy đại gia đang cưỡng chế trưởng công chúa ở trên sập.
Hạ nhân trong nhà không ai là không biết Cao tướng công và trưởng công chúa tình cảm không hòa hợp, mấy năm nay hai người càng không hề ở chung, đột nhiên nhìn thấy một màn như thế thì kinh hãi không thôi, nhìn nhau cuống quít lui xuống.
Tiêu Vĩnh Gia càng thấy xấu hổ và khiếp sợ, nghiến răng nói:
– Cao Kiệu, mình điên rồi à! Đây là nơi nào mà mình dám làm thế với tôi!
Cao Kiệu như bị điểm huyệt dừng.
Ánh mắt ông rơi vào thê tử đang nằm dưới mình, thấy bà tóc mai rối loạn, thở hổn hển, khuôn mặt ửng đỏ, vạt áo đã bị mình xé toạc, lộ ra một mảng da trắng như tuyết, theo hơi thở dồn dập của bà như ẩn như hiện, tức thì cứng người lại.
Ông nhắm mắt lại, đột ngột buông người phụ nữ dưới thân ra, xoay người xuống giường, sửa sang lại y phục của mình một cách qua loa rồi nhanh chóng đi ra phòng khách, dưới ánh nhìn kinh hoảng của mấy vú già kia nói “hầu hạ trưởng công chúa cho tốt” sau đó vội vàng đi.
Tiêu Vĩnh Gia nằm ở trên sập dài, cả người co lại, dáng vẻ vẫn như lúc Cao Kiệu rời đi.
Sau một lúc lâu hơi thở của bà mới dần dần ổn định lại, nhắm mắt lại, vẫn không nhúc nhích, giống như đã ngủ.
Ngoài cửa sổ, màn đêm buông xuống.
Một đêm nữa đã đến.
……
Nửa tháng sau, con thuyền chở Lạc Thần đã đến Kinh Châu Giang Bắc.
Dương Tuyên đã nhận được tin tức từ sớm biết nàng hôm nay đến cho nên đã tự mình ra bến đò để nghênh đón.
Lạc Thần lên bờ nghỉ ngơi một đêm, sáng sớm ngày hôm sau xuất phát, được Dương Tuyên đích thân hộ tống ra khỏi Kinh Châu, sau đó tiếp tục đến Nghĩa Thành dưới sự dẫn dắt của một người qua đường do anh ta cử đến.
Đoàn người một đường hướng Bắc, dọc theo đường hành quân đi không ngừng, cứ thế bọn họ đi trên đường hơn nửa tháng.
Chạng vạng ngày hôm nay Phàn Thành sợ Lạc Thần đi đường mệt nhọc mà ra lệnh cho thủ hạ chặt cây cỏ đốn củi hạ trại đóng quân, chuẩn bị nghỉ một đêm, người dẫn đường kia trở lại nói nơi này là địa phận của quận Nghĩa Thành, cách thành trì cũng chỉ tầm hai mươi dặm, đi nhanh một chút thì trước khi trời tối là có thể tới nơi.
Lạc Thần cả đời này chưa bao giờ trải qua một hành trình gian khổ và dài như thế này. Lúc trước ở trên thuyền còn đỡ, trong hơn nửa tháng nay, vì để có thể đi nhanh hơn, khi ra khỏi Ba quận, nàng không đi đường thủy của sông Tây Hán mà chọn ngồi xe ngựa đi đường hành quân gần hơn.
Đường xá trên đường này cực kỳ tệ, xe ngựa mặc dù đã phủ một tấm chăn dày, nhưng vẫn xóc nảy từ sáng đến tối, thật quá sức cho người. Hôm nay đi được đến đây, nàng đã cảm thấy xương cốt như nhũn ra, cả người đau nhức, nhưng đột nhiên nghe nói thành trì đã ngay gần phía trước, tức thì tinh thần tỉnh táo, yêu cầu lập tức lên đường.
Phàn Thành với Cao Hoàn đành phải nghe theo nàng, tiếp tục đi về phía bắc.
Chiều hôm dần dần dày đặc.
Lạc Thần ngồi trong chiếc xe ngựa xóc nảy chạy gấp về phía trước nhìn cánh đồng bát ngát nơi xa bên ngoài cửa sổ.
Sau khi ra khỏi Kinh Châu cùng Ba Thục, chặng đường đi lên phía Bắc này những thôn trang đi qua gần như trống rỗng và hoang tàn, thậm chí có nơi giống như một vùng đất chết.
Nơi này cũng thế.
Hai bên đường là cánh đồng hoang bát ngát, hoang vu, còn có thể lờ mờ nhìn thấy một số rặng núi do ruộng cũ để lại, nhưng hiện tại đã bị cỏ dại và cây mận gai nhấn chìm.
Cỏ mọc điên cuồng, giống như cháy rừng, lan tràn tứ phía, xóa sạch mọi thứ, chỉ còn lại hoang tàn vô tận.
Chỉ có hoàng hôn ở nơi hoang dã này là vẫn tráng lệ như cũ.
Bầu trời trên đỉnh núi phía xa có nửa màu xanh của vỏ cua, nửa là màu tím, hoàng hôn như lửa đỏ treo ở đỉnh núi, đuổi theo xe ngựa của Lạc Thần, không ngừng tiến về phía trước.
– A tỷ ơi, đệ nhìn thấy đôn đài cùng thành lâu rồi á.
Cao Hoàn cưỡi ngựa đi bên ngoài đột nhiên hét to.
Mấy ngày liên tiếp đi đường, dầm mưa dãi nắng, cậu đã gầy rộc đi rất nhiều, giọng cũng khàn đặc. Nhưng vào lúc này, trong tiếng rống khàn khàn của cậu lại ẩn chứa một niềm hưng phấn không thể che giấu.
Lạc Thần tim đập đột nhiên nhanh hơn, chịu đựng cảm giác bị xóc mạnh khó chịu đến muốn nôn, đưa tay giữ cửa sổ xe, thò đầu ra ngoài nhìn về phía trước. Ngay phía trước, một bức tường thành màu xanh sẫm xuất hiện trong tầm nhìn của nàng. Tường thành cao tới mấy trượng, móng tường sâu dày, phía trên cổng thành có một tòa tháp thành cao sừng sững. Đôn đài hai bên giống như đôi cánh đại bàng dang rộng, bảo vệ cổng thành ở giữa, với khí thế hùng vĩ. Mặt trời hoàng hôn đỏ thẫm vừa đuổi theo xe ngựa của Lạc Thần thì nay đã treo ở phía trước thành lâu, bị lỗ châu mai của thành bổ ra chia cắt thành những tia sáng vàng rực rỡ.
Hiển nhiên, đây là một công sự phòng ngự mới được xây dựng lên. Nó đột ngột xuất hiện trên vùng đất hoang vắng này, giống như một ốc đảo đột nhiên xuất hiện trong sa mạc, khiến người ta chấn động.
Nơi này chính là điểm đến trong chuyến đi của Lạc Thần.
Thành trì nơi tọa lạc của Thứ sử Lý Mục.
Nghĩa Thành.
Hết chương 64