Lọc Truyện
Từ ngày 03/08/2024: TruyệnAzz sẽ chuyển sang dùng tên miền truyenazzmoi.com.Mong các bạn tiếp tục ủng hộ chúng mình và nhớ tên miền mới này nhé truyenazzmoi.com

Xuân Giang Hoa Nguyệt

Khoảnh khắc tiếng nói ở giữa sảnh ngừng lại, mọi người đều đổ dồn về phía Tiêu Vĩnh Gia, trong mắt lộ rõ sự hâm mộ.

Hoài Đức Huyện chủ cười:

– Ngày sinh nhật ngay cả hoàng hậu cũng đích thân ra cung chúc mừng, quá là vẻ vang rồi. A Lệnh à, khắp Nam Triều ta chỉ có một mình tỷ thôi đó.

Mọi người hùa theo phụ hoạ.

Tiêu Vĩnh Gia chỉ cười nhẹ.

Lạc Thần ngồi ở bên cạnh bà, thấy bà như muốn đứng lên đi ra đón thì nói:

– Mẹ ơi, mẹ đi lại không tiện, để con thay mặt mẹ đi đón a tỷ ạ.

Lạc Thần đi tới tiền đường, đợi một lát, quả nhiên là Cao Ung Dung bãi giá xuất hiện. Lạc Thần cùng tôi tớ quỳ xuống, Cao Ung Dung nâng nàng đứng lên, cười thật tươi, đầu tiên là trách nàng không chịu vào cung tâm sự trò chuyện với mình, lại nói nơi này là trong nhà, chỉ muốn nàng gọi mình là a tỷ.

Lạc Thần nói:

– A tỷ, mẫu thân vừa rồi muốn đích thân ra đón tỷ nhưng bị muội ngăn lại. A tỷ sẽ không trách chứ ạ?

– Hôm nay là sinh nhật của bá mẫu, ta tới là để chúc thọ cho bác, ai mà để ý nghi thức xã giao này chứ muội? Huống chi bá mẫu đang có thai không tiện đi lại. Không cần phải khách sáo có lệ với a tỷ như thế đâu.

Cao Ung Dung thật mật khoác tay Lạc Thần, cả đường cười nói đi vào trong, rất nhanh đã tới yến đường.

Tiêu Vĩnh Gia cùng với những khách nữ đã ra quỳ sẵn để đón rồi.

Cao Ung Dung bước nhanh đi lên đỡ Tiêu Vĩnh Gia đứng lên.

Tiêu Vĩnh Gia đã chuẩn bị ghế sẵn cho chị ta, mời chị ta ngồi xuống.

Cao Ung Dung đỡ Tiêu Vĩnh Gia đến ngồi chỗ của mình xong bấy giờ mới tự ngồi xuống, lại kêu mọi người bình thân, không cần phải giữ lễ tiết. Cười nói:

– Từ nhỏ ta đã không còn mẫu thân, là bá mẫu đã chăm sóc ta, con ta như con gái ruột, bá mẫu không khác gì mẫu thân của ta. Ta chỉ buồn vì bản thân gả đi xa, hiện giờ thì ngày ngày ở trong hoàng cung, không thể bày tỏ lòng hiếu đạo được. Hôm nay là ngày hỉ thọ của bá mẫu, ta tới là vì chúc thọ, cũng là vấn an người. Nếu vì ta có mặt ở đây mà mọi người cứ bó tay bó chân, ta cũng thấy ái ngại.

Mọi người thấy hoàng hậu hiền hoà, lại nói những lời hiếu kính đầy đủ như thế, càng thêm ngưỡng mộ Tiêu Vĩnh Gia, dần dần cũng không câu nệ gò bó gì nữa, cười phụ hoạ theo. Một số cung nhân mang theo những món quà sinh nhật được chuẩn bị cẩn thận của hoàng hậu, hoặc đắt tiền hoặc quý hiếm. Hai cung nhân đầu tiên, một người quỳ xuống và bưng một chiếc khay bằng vàng và sơn mài, trên đó là một cặp Như Ý bằng vàng, Người kia khiêng một cái giá treo chim, trên đó đứng một con vẹt sặc sỡ, chân buộc một sợi dây chuyền vàng, trêu chọc một hồi mới mở miệng nói “Trưởng công chúa khang an như ý!”

Mọi người đều cười to lên, khen liên hồi.

Tiêu Vĩnh Gia cười nói:

– Hoàng hậu giúp bệ hạ quản lý lục cung, chỉ là một sinh nhật mà thôi, năm nào mà không có ngày này. Lẽ ra hôm nay ta lười tổ chức tiệc tùng, nhưng lại sợ bị chư vị nói ta tìm cớ, cho nên mới mời mọi người đến náo nhiệt một chút, làm hoàng hậu phải nhọc lòng như thế, ta thấy vô cùng ái ngại.

Cao Ung Dung cười nói:

– Bá mẫu sao cứ khách sáo ạ. Hôm nay là ngày sinh nhật của bác, cháu chuẩn bị quà mừng cho bác, chủ yếu để bày tỏ tấm lòng chân thành của cháu đối với bá mẫu.

Chị ta đứng lên, lấy cặp Như Ý kia tự tay dâng lên.

– Cặp Như Ý này chỉ là một món quà bình thường, nhưng lễ nhẹ mà nghĩa nặng. Cháu đã chuẩn bị từ lâu, nhân ngày tốt lành này mà tặng bá mẫu.

– Chúc bá mẫu được hạnh phúc như ý muốn, ngày nào cũng như hôm nay.

Chị ta nhìn vào Tiêu Vĩnh Gia, trên mặt cười tươi, nói từng chữ.

……

Chạng vạng, quan nha Đài Thành, Cao Kiệu vẫn chưa rời đi.

Hôm nay là sinh nhật của Tiêu Vĩnh Gia, từ mấy ngày trước bà đã nói với ông là không muốn tổ chức khoa trương gì, đến ngày thì chỉ mời mấy tộc nhân tới nhà là được.

Mấy năm trước tình cảm của hai vợ chồng không hòa hợp, Tiêu Vĩnh Gia sinh hoạt cực kỳ xa xỉ, Cao Kiệu cũng chỉ nhìn mà không dám nói vợ nửa câu. Thấy bà hiện giờ tính cách thay đổi rất lớn, chẳng những dịu dàng hiểu lòng người, trong sinh hoạt hằng ngày cũng không còn chú trọng những thứ đó nữa, dĩ nhiên là ông rất vui mừng. Lần này là sinh nhật vợ, vốn dĩ ông muốn tổ chức long trọng cho bà một chút, không ngờ bà lại chủ động nói ra như thế.

Ông vốn là một người rất tiết kiệm, thê tử đã nói như thế rồi thì cũng không nài nỉ nữa. Ngày hôm nay trong lòng ông vẫn luôn sốt ruột muốn về sớm với thê tử. Khi sắc trời đã sâm sẩm tối, ông cố gắng nhanh chóng xử lý công việc, còn lại thì gác lại hết, kêu thuộc quan cũng tan làm. Khi sắp đi lại thấy Tiêu Đạo Thừa tới, tùy tùng ôm theo một chồng hồ sơ đi theo, nói có việc tìm ông, thế là đành phải ở lại.

Tiêu Đạo Thừa đưa lên một danh sách, nói:

– Đây là nhân tài các nơi tiến cử đến. Bệ hạ đã xem qua hết rồi, phê chuẩn toàn bộ. Ta biết tướng công cũng rất quan tâm việc này cho nên đem danh sách đến cho ngài xem trước. Biết ngài bận rộn, ta đã chọn lọc ra những người xuất sắc nhất rồi, khi nào có thời gian ngài có thể tự mình kiểm tra, nếu đúng thì bệ hạ hạ lệnh bổ nhiệm. Bệ hạ cũng nhiều lần cảm khái, nói tất cả đều là dựa vào thừa tướng, triều đình mới có được cục diện tốt như ngày hôm nay.

Lục Quang đã chết, Hứa Tiết bị buộc tội, thực tế đã nửa ở ẩn, bị ảnh hưởng bởi tình trạng hỗn loạn này, nhiều vị trí bị bỏ trống trong triều đình. Mấy ngày qua, theo hệ thống điều tra và tuyển dụng thông thường, Tiêu Đạo Thừa đã soạn ra bản danh sách bổ nhiệm quan chức mới và mang cho Cao Kiệu xem xét. Trong số các chức vụ quan lại cần bổ nhiệm lại có mấy chức vụ, đều thuộc các bộ trọng yếu như Ngũ Binh, Lại Bộ, chức vị cũng không thấp, rất quan trọng.

Cao Kiệu nhận lấy nhìn thoáng qua, thấy trong những người được khoanh tròn, phần lớn ông biết, đều là quan chức địa phương, hoặc có uy tín, hoặc có danh vọng tài cái, xem xong danh sách thì gật đầu:

– Ngày mai ta sẽ xem, xem xong sẽ thượng tấu lên bệ hạ luôn.

Đang nói, ông đột nhiên nhớ đến một người.

– Sao không thấy Dương Tuyên ở đây?

Tiêu Đạo Thừa lắc lắc đầu:

– Ta đang muốn nói với tướng công đây. Thật sự đáng tiếc. Tướng công tuy mấy lần triệu hắn, nhưng hắn lại không chịu về. Ngày hôm nay vừa nhận được tin tức, hắn đã đi Tuyên Thành thỉnh tội rồi, Hứa Tiết không những không trách hắn mà còn giết con trai Hứa Xước, nói là để an ủi anh linh những tướng sĩ đã chết trong trận Bắc phạt.

Cao Kiệu yên lặng một lát, thở dài:

– Dương tướng quân rất có lòng đại nghĩa, nhưng mà thời vận lại không tốt. Người trung liệt như thế không thể hiệu dụng cho triều đình, thật sự là đáng tiếc.

Tiêu Đạo Thừa cũng thở dài mấy tiếng, liếc nhìn Cao Kiệu, thấy ông nhìn sắc trời bên ngoài thì cười, lại trình lên phần hồ sơ khác, nói:

– Ta biết tướng công hôm nay sốt ruột muốn về chúc mừng sinh nhật cho trưởng công chúa, nên cũng không dám giữ ngài ở lại. Chỉ có một chuyện cuối cùng thôi. Đây là hồ sơ tử tù sau thu vấn trảm, xin Cao tướng xem giúp, nếu như không có sai lầm gì thì tấu mời bệ hạ ra quyết định, ban tử hình cho những người này, xử trảm toàn bộ.

Nói xong, ra lệnh cho tùy tùng trình hồ sơ lên.

Chuyện này liên quan đến tính mạng con người, Cao Kiệu luôn luôn coi trọng. Mỗi khi có tử tù, dù bận rộn đến đâu, ông cũng sẽ đọc hồ sơ trước khi báo án, để tránh án sai giết oan người. Bèn gật đầu, lật lật chồng hồ sơ dày cộp, nói:

– Cứ để đấy đi, có thời gian ta sẽ xem.

Tiêu Đạo Thừa đáp lời, lại nói:

– Hồ sơ tử tù sắp bị hành quyết này này, Cô vương cũng đã xem rồi, đều là những kẻ hung ác, có chết cũng chưa hết tội. Nhưng mà một người trong đó có hơi đặc biệt, Cô vương muốn nhắc nhở tướng công trước, tránh ngài lại cho rằng Cô vương lạm dụng pháp luật.

– Chẳng phải trước đó triều đình đã nhiều lần hạ lệnh, không cho phép Thiên sư Giáo ở lại Kiến Khang hoạt động đúng không? Cô vương biết việc này can hệ trọng đại, tướng công cũng đã từng nhắc nhở rồi, nhưng Cô vương vẫn muốn đích thân hỏi cho rõ. Hiện giờ những người đó đã rời đi hết, có một nữ giáo đầu trong đó nghe nói là một hương chủ, tên là Thiệu Ngọc Nương lại cãi lại mệnh lệnh, không chịu rời đi, đã bị bắt vào nhà lao. Vào trong đó rồi cô ta cũng nhất quyết không đi, cãi lý rằng mình đã thoát giáo, muốn ở lại Kiến Khang chỉ để tìm cố nhân. Hỏi cô ta cố nhân là ai, cô ta lại không chịu nói. Cô vương nghi ngờ cô ta có mưu đồ gây rối, hơn nữa là để răn đe những giáo đồ ngoan cố, muốn giết gà dọa khỉ, nên bắt nữ giáo đầu này vào nhà lao chờ sau thu thì xử trảm.

– Ta biết Cao tướng công vẫn luôn coi trọng tính mạng con người, nên không dám tự quyết định. Ta muốn bẩm báo tướng công trước xem rốt cuộc có xử trảm hay không đều sẽ do ngài quyết định.

Y lấy ra một tập hồ sơ đưa tới trước mặt Cao Kiệu.

Cao Kiệu vừa nghe đến cái tên này nét mặt đã có chút thay đổi, nhận lấy hồ sơ nhanh chóng lật xem, đọc nhanh như gió, đè cảm giác kinh ngạc trong lòng xuống, nhìn Tiêu Đạo Thừa, chần chừ hỏi:

– Thiệu Ngọc Nương này tuổi tác bao nhiêu? Người ở đâu?

– Ba mươi sáu tuổi, không chịu nói xuất thân. Nhưng nghe khẩu âm cô ta nguyên quán có vẻ như ở Giang Bắc. Nghe nói còn có một người em trai tên là Thiệu Phụng Chi, cũng là một trong những nòng cốt của Thiên Sư giáo. Thiệu Phụng Chi kia lại rất giảo hoạt, triều đình vừa ra lệnh cấm thì gã đã biến mất rồi, đã rời khỏi kinh thành luôn rồi…

Tiêu Đạo Thừa nói còn chưa nói xong, Cao Kiệu đã ngỡ ngàng tột độ, ánh mắt nhìn rất lâu vào hồ sơ trong tay, đột nhiên bừng tỉnh, hỏi:

– Thiệu Ngọc Nương này hiện đang ở tử lao à?

Tiêu Đạo Thừa gật đầu:

– Phải.

Cao Kiệu buông hồ sơ, vội vàng đi ra khỏi nha thự, một hơi đi tới thiên lao báo ra tên tuổi của tử từ, lập tức được đưa đến trước một nhà lao giành cho nữ tù.

Trong nhà lao không thấy ánh mặt trời. Trong một không gian chật hẹp đến mức nằm thẳng cũng không nổi, một góc bị chiếm dụng bởi một chiếc xô thủng, mùi hôi thối nồng nặc. Trên mặt đất ngổn ngang rơm rạ, muỗi ruồi bay tứ tung, bên trong có một nữ phạm nhân đang cuộn tròn, ăn mặc rách rưới, trên người đầy vết thương, bất động trông như người đã chết, khuôn mặt được che phủ bởi mái tóc rối bù, không thấy rõ mặt.

Ngục quan đi cùng nói:

– Cao tướng công, nữ tù này chính là người Thiên Sư Giáo, công khai kháng mệnh không chịu rời đi. Tân An vương nghi ngờ cô ta có mưu đồ khác nên nhốt vào trong tử lao. Trong thời gian này cô ta vẫn luôn bị bệnh, sốt mê man, cũng không ăn được gì mấy, hạ quan sợ cô ta chết ở chỗ này, cho nên đang tính đi bẩm báo…

Nữ tù nhân trên mặt đất dường như bị đánh thức bởi giọng nói của ngục quan, khẽ r3n rỉ, một tiếng kêu r3n yếu ớt phát ra từ miệng bị che bởi mái tóc rối bù.

– Tôi bị oan…

Ngục quan lén nhìn Cao Kiệu.

Ánh mắt ông dán chặt vào nữ tù nhân nằm trên mặt đất, vẻ mặt rất kỳ lạ.

Những năm này, đây không phải là lần đầu tiên ông tự mình thẩm vấn tử tù, ngục quan cũng đã quen với việc này, liền quát lên.

– Thiệu Ngọc Nương, ngươi có biết đây là ai không? Ngài ấy chính là thượng thư lệnh đương triều Cao Kiệu. Ngươi cứ luôn mồm kêu oan nhưng lại không nói thật, ngươi bị oan như thế nào?

Nữ phạm nhân như bị kim đâm, đột nhiên ngẩng đầu lên, mái tóc rối bù bị hất tung ra, lộ ra nửa khuôn mặt, hai mắt mở ra, ánh mắt rơi vào Cao Kiệu ở ngoài cửa ngục.

Đôi mắt không nhìn thấy một chút tức giận kia đột nhiên mở to như bị tiêm thứ gì đó, nhìn chằm chằm Cao Kiều một lúc, giãy giụa từ dưới đất đứng dậy, trong cổ họng mơ hồ phát ra những tiếng nức nở “Cao tướng công”, hai mắt trợn ngược, cả người ngã quỵ dưới đất.

Ngục quan vội vàng mở cửa lao ra, bước lên thăm dò hơi thở, lại vỗ mặt cô ta mấy cái, thấy cô ta hai mắt nhắm nghiền bất động, vội nói:

– Chắc là đã ngất đi rồi.

Cao Kiệu nhìn nữ phạm nhân nhắm mắt nghiền nằm trên mặt đất, lúc này nội tâm khiếp sợ khó có thể diễn tả bằng lời.

Dù đã gần hai mươi năm trôi qua, nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt lộ ra của cô ta vừa rồi, ông vẫn nhận ra.

Đó chính là Thiệu Ngọc Nương năm đó.

Ông vẫn luôn cho rằng Thiệu Vân Nương này đã chết trên đường đến Giang Bắc, có nằm mơ cũng không ngờ cô ta còn sống, không những còn sống mà còn được nhận vào Thiên sư giáo, hiện giờ còn vì thân phận này mà bị bắt vào nhà lao rồi lại dùng phương thức như thế mà xuất hiện ở trước mặt mình.

– Cao tướng công, xử lý thế nào đây ạ? – Ngục quan hỏi ông.

Cao Kiệu lấy lại bình tĩnh:

– Đổi cho cô ta một chỗ sạch sẽ khác rồi triệu thầy thuốc tới.

Ngục quan lập tức đi làm theo. Một người phụ nữ khoẻ mạnh đến và đưa Thiệu Ngọc Nương đã ngất đi đến một gian nhà lao có hoàn cảnh khá hơn một chút. Một lát sau lang trung tới, khám bệnh, lại được bà tử kia bón cho chút nước đường, cuối cùng Thiệu Ngọc Nương cũng tỉnh lại, chậm chạp chuyển nửa khuôn mặt qua nhìn Cao Kiệu, không nói gì, chỉ ch ảy nước mắt không ngừng.

Năm xưa khi Cao Kiều bị thương trong cuộc Bắc phạt, là chị em nhà Thiệu thị đã đến đưa thuốc, cũng chăm sóc ông một thời gian, có ơn cứu mạng ông. Về sau Cao Kiệu đã đưa hai chị em về Kiến Khang, để rồi đã xảy ra những chuyện đó. Hơn nữa, chính bởi vì cái chết ngoài ý muốn của cô ta mới trực tiếp dẫn đến quan hệ xa cách giữa ông và thê tử Tiêu Vĩnh Gia mười mấy năm qua.

Có thể nói, trong nửa đời của Cao Kiệu, thời gian xuất hiện của Thiệu Ngọc Nương cũng không dài, ngắt đầu bỏ đuôi cũng chưa đến một năm, nhưng ảnh hưởng của người phụ nữ này đối với cuộc đời ông không thể nói là không lớn.

Cao Kiệu có muốn quên cũng không quên được.

Người mà ông cho rằng đã chết từ lâu đột nhiên lại sống sờ sờ mà xuất hiện.

Vào lúc này trong lòng ông trăm mối cảm xúc ngổn ngang, vô số nghi ngờ tích tụ trong lòng. Thấy Thiệu Ngọc Nương đã tỉnh lại, ông sai toàn bộ người trong nhà lao lui đi, hỏi:

– Năm đó cô còn sống, tại sao khi ta phái người đi khắp vùng ven sông tìm kiếm cô, cô lại không lộ diện? Vì sao cô lại gia nhập Thiên Sư giáo?

Thiệu Ngọc Nương ngơ ngác nhìn ông, nghẹn ngào nói:

– Cao lang quân, năm xưa thiếp bởi vì quá yêu mến ngài, nhất thời mê muội mà làm điều sai trái đó. Sau khi bị ngài khiển trách, thiếp xấu hổ vô cùng, đã quyết định đi thật xa để tránh bị ngài và trưởng công chúa xem thường, trách móc. Thiếp không thể ngờ rằng khi thiếp còn chưa tìm được nơi để đi thì trưởng công chúa lại phái người tới muốn đuổi hai chị em thiếp quay về Giang Bắc. Cũng bởi vì đã làm sai trước nên thiếp không còn cách nào khác, ngày hôm ấy lập tức đi bến đò.

– Vốn dĩ thiếp cứ thế trở về Giang Bắc, sau này dù có chết thì cũng là cái giá của mình. Nhưng thiếp có ngờ đâu trưởng công chúa lại không chịu buông tha, thì ra cô ta một lòng muốn thiếp phải chết, phái người đuổi theo để giết thiếp. Thiếp bị buộc phải nhảy xuống sông. Cũng coi như thiếp mạng lớn, em trai thiếp giỏi bơi lội, vừa rơi xuống sông đã bảo vệ thiếp, hai chị em thiếp bắt được một cây gỗ, trôi nổi cả một đêm, cửu tử nhất sinh, sau đó thì được một chiếc thuyền cứu lên…

Cô ta khóc lóc.

– Cao lang quân, ngài xem thường thiếp, trưởng công chúa lại hận thiếp thấu xương, một lòng muốn lấy mạng của thiếp, sau khi thiếp may mắn trốn thoát thì làm sao dám xuất hiện nữa…

Cao Kiệu xua tay, cắt ngang lời cô ta nói:

– Cô đừng có trách nhầm người khác. Năm xưa những kẻ chặn cô lại không hề có liên quan đến trưởng công chúa. Nàng ấy không hay biết chút nào hết. Những người đó là do Úc Lâm Vương Phi Chu thị phái đi.

Thiệu Ngọc Nương sửng sốt, sau đó lại khóc lóc:

– Cao lang quân, Chu thị có chính miệng thừa nhận năm đó cô ta phái người giết thiếp không?

Cao Kiệu lắc đầu nói:

– Dù là không chính miệng thừa nhận nhưng sự thật chính là thế.

– Cao lang quân, thiếp nghe nói, Úc Lâm Vương phi đã chết trong trận hoả hoạn. Người đã chết rồi, cho dù người khác nói bà ta làm chuyện mà bà ta không làm, bà ta cũng không thể chứng minh mình trong sạch. Cũng không phải thiếp nói trưởng công chúa không tốt ở trước mặt ngài. Mà là thứ nhất Chu thị và thiếp xưa nay không quen biết nhau, không thù không oán, vì sao bà ta lại hận thiếp, muốn đẩy thiếp vào chỗ chết như thế? Thứ hai …

Cô ta lau nước mắt, nghẹn ngào nói:

– Ngày đó khi thiếp bị đuổi giết từng chính tai nghe được đạo phỉ phân phó thủ hạ, nói rằng trưởng công chúa đã nói, không cho phép thiếp được sống sót…

– To gan! Ngươi dám bôi nhọ người khác!

Cao Kiệu giận tím mặt, lạnh giọng quát lên.

Thiệu Ngọc Nương run cầm cập, mặt tái nhợt, giãy giụa bò lên, dập đầu không ngừng, khóc lóc:

– Nếu thiếp có nửa câu nói dối, thiếp sẽ chết không được tử tế. Cao lang quân không muốn nghe, thiếp sẽ không nói nữa. Vốn dĩ chuyện trước kia là thiếp sai, tội thiếp đáng chết vạn lần, là ai phái người tới lấy mạng thiếp thì đều giống nhau cả.

Cao Kiệu lấy lại bình tĩnh, chậm rãi thở hắt ra một hơi.

– Thôi. Về sau vì sao cô lại gia nhập Thiên Sư Giáo, sao lại không chịu rời đi mà để bị bắt như thế này?

Thiệu Ngọc Nương lại khóc lã chã.

– Chủ thuyền cứu thiếp ngày đó chính là một thủ lĩnh của Thiên sư giáo. Chính bởi thế nên thiếp mới gia nhập vào trong giáo.

– Thủ lĩnh đó từng thích thiếp. Thiếp là một người phụ nữ yếu đuối, làm sao có thể phản kháng? Thiếp lại nghĩ đến Cao lang quân xem thường thiếp, trưởng công chúa muốn thiếp chết, thiếp lại thất thân, sao còn mặt mũi trở về nữa tìm ngài nữa đây? Thiếp chỉ đành ôm hận nhẫn nhục, phó thác cho người khác. Bao năm qua, thiếp bị ép buộc, cũng đã làm một vài chuyện sai trái. Nhưng mà trong lòng thiếp đã chán ghét từ lâu, không muốn sống một cuộc sống như vậy nữa. Nhưng mà vừa vào trong giáo sao có thể dễ dàng thoát thân cho được. Năm ngoái, thiếp lại bị phái đi Kinh Khẩu phát triển giáo chúng, bị ép buộc bởi mệnh lệnh cấp trên mà thiếp đã phải đắc tội Lý Mục. Thiếp vô cùng hối hận, một lòng muốn rời khỏi nhưng lại không dám, sợ người trong giáo sẽ gây bất lợi cho hai chị em thiếp. Vừa đúng lúc triều đình hạ lệnh không cho phép người Thiên Sư Giáo ở lại Kiến Khang, thiếp liền lén lút ở lại, muốn mượn điều này tránh thoát sự khống chế của họ. Nhưng không ngờ thiếp lại bị quan phủ bắt, nói thiếp có mưu đồ gây rối, đã tra tấn và bắt nhốt thiếp vào trong tử lao.

– Mấy ngày nay thiếp bị đánh gần chết, ốm đến mức không còn chút sức lực nào, tưởng rằng mình sẽ chết trong tù như thế này, không ngờ lại được gặp Cao lang quân…

Thiệu Ngọc Nương khóc lóc thảm thiết, cả người run bần bật, cuối cùng khóc đến mức cả người ngã xuống đất.

Cao Kiệu nhìn mà thấy buồn bực, chợt nhớ ra hôm nay mình đã hứa với thê tử rằng sẽ về sớm, bèn lấy lại tinh thần, nói:

– Ta biết rồi. Ta sẽ nói với người ta loại cô ra khỏi danh sách tử hình. Cô an tâm đi, cứ ở nơi này dưỡng sức khoẻ. Ta còn có việc, đi trước đây.

Ông chuẩn bị đi, Thiệu Ngọc Nương đột ngột vươn tay nắm lấy chân ông, thấy ông cúi nhìn, vội vàng rụt tay lại, rụt rè nói:

– Cao lang quân, cầu xin ngài đừng cho trưởng công chúa biết thiếp còn sống… Lúc trước thiếp ở Kinh Khẩu, từng vô tình chạm mặt cô ta ở trên đường, thiếp còn chắn xe của cô ta. Thiếp vốn định nhường rồi, nhưng mà lúc đó thiếp ngồi trên liễn, bị giáo chúng đẩy về phía trước, là thân bất do kỷ, trưởng công chúa giận dữ, suýt nữa đã làm thiếp ngã xuống liễn. Thiếp rất sợ cô ta …Cô ta hận thiếp thấu xương…Nếu để cô ta biết nữ thiên sư đó chính là thiếp, thiếp còn sống…

Chị ta tựa hồ nhớ tới quá khứ, trên mặt lộ ra vẻ sợ hãi, yên lặng khóc.

Cao Kiệu chau mày, xoay người đi ra ngoài.

Ngục quan kia còn đang chờ ở bên ngoài, thấy Cao Kiệu đi ra thì bước lên đón.

Cao Kiệu dặn gã tạm thời chuyển nữ tử tù kia đến nhà lao nữ sạch sẽ hơn, lại kêu lang trung tới khám bệnh cho chị ta, nhất định phải chiếu cố cho tốt.

Ngục quan liền hiểu. Nữ tử tù này rất quan trọng, có lẽ là bạn cũ của Cao Kiệu, nhìn chị ta tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn nét duyên dáng, không dám hỏi thêm cung kinh vâng dạ đáp ứng.

Cao Kiệu ra khỏi tử lao, tâm sự nặng nề mà về đến nhà.

Lúc này, trời đã tối hẳn, tiệc sinh nhật của Tiêu Vĩnh Gia sắp kết thúc.

Cao Kiệu biết được Cao Ung Dung tới, nữ quyến còn lại cũng đều là người trong nhà, vị huyện chủ kia ông cũng biết, vì thế không chút câu nệ, vội vàng thay quần áo, nén một bụng đầy tâm sự xuống mà đi đến thọ đường.

Lạc Thần biết mẫu thân vẫn luôn đợi phụ thân, đợi lâu mà chưa thấy ông về. Mẫu thân không biết thế nào chứ nàng thì đã sốt ruột lắm rồi, đang muốn đứng dậy đi ra đằng trước xem một cái, bỗng nhiên từ xa đã thấy bóng dáng phụ thân xuất hiện bên ngoài sảnh đang đi về bên này, nàng vội đi ra đón, khẽ trách:

– Cha, hôm nay là sinh nhật của mẹ, cha đã nói là về sớm nhưng sao lại muộn thế ạ? Mẹ vẫn đang đợi cha đó.

– Ôi cha xin lỗi. Tại cha không tốt. Con đừng giận.

Cao Kiệu thì thào xin lỗi con gái.

Lạc Thần hất đầu về phía mẫu thân đang trò chuyện vui vẻ với huyện chủ, nói:

– Con không có giận cha. Là con sợ mẹ trong lòng giận nhưng lại không nói ra thôi. Chờ khách về rồi, cha nhớ đi xin lỗi mẹ đó.

Cao Kiệu gật đầu, đi vào.

Những người bên trong đều nhìn về ông.

Cao Kiệu làm một lễ đơn giản với Cao Ung Dung, mỉm cười với mọi người:

– Ngày hôm nay là sinh nhật của A Lệnh, lẽ ra ta nên về sớm, nhưng mà nha thự lại có chút việc nên bị vướng bận. Làm phiền các vị đã đến chúc mừng sinh nhật nàng ấy. Nàng ấy đang có thai, không thể uống rượu, ta thay nàng ấy kính các vị một ly.

Một vú già đứng bên cạnh đưa một cái ly đầy cho ông. Cao Kiệu uống cạn, mọi người đều ồ lên.

Hoài Đức huyện chủ lại không chịu tha cho, muốn ông uống một ly nữa chúc mừng sinh nhật Tiêu Vĩnh Gia.

Ngay trước mặt mọi người, Cao Kiệu không khỏi ngượng ngập, nhưng thấy Tiêu Vĩnh Gia dựa ngồi ở đó cười tủm tỉm với mình, mặt già cũng dày lên, nói lời chúc mừng xong lại uống cạn ly rượu.

Cả sảnh cười vang.

Huyện chủ vẫn không tha cho ông, nói hôm nay ông về muộn, phải tự phạt thêm một ly nữa để bày tỏ thành ý xin lỗi của mình.

Cao Kiệu sảng khoái đồng ý. Huyện chủ gọi người mang đến một cái ly to, rót rượu đầy vào, nâng lên, muốn Cao Kiệu uống hết.

Nhóm phụ nữ hào hứng đều hùa theo. Cao Kiệu vừa cười vừa nhìn sang Tiêu Vĩnh Gia xin giúp đỡ.

Tiêu Vĩnh Gia vốn đang giận dỗi trượng phu, đã nói tối nay về sớm rồi, về muộn thì thôi đi, gì mà ngay cả tin tức cũng không phái người trở về báo về một tiếng. Nhưng lúc này thấy ông bị huyện chủ trêu chọc như thế, đoán là ông vội vã về nhà, cơm còn chưa ăn, mang theo bụng rỗng uống hai ly rượu, lần này lại uống thêm một ly lớn nữa chỉ sợ không chịu nổi, thế là liếc sang A Cúc.

A Cúc hiểu ý, đang muốn đi lên giải vây cho Cao Kiệu, lại nghe Cao Ung Dung lên tiếng trước, cười nói:

– Hôm nay sinh nhật của bá mẫu, thế mà bá phụ lại về muộn, đáng bị phạt lắm. Nhưng mà bá phụ bị việc triều đình làm vướng bận. Nếu thật sự phải phạt, nên phạt bệ hạ và ta mới đúng. Hay là ta thay bá phụ uống ly này giúp bá mẫu nguôi giận. Các vị thấy thế nào?

Nói rồi nâng ly rượu ở trước mặt lên, cười nhìn mọi người.

Huyện chủ cùng nhóm phụ nhân thấy hoàng hậu đã lên tiếng như thế thì không ép buộc nữa. Thấy Cao Ung Dung uống cạn ly rượu thì reo hò vui vẻ.

Tiêu Vĩnh Gia nhìn Cao Ung Dung, cười cười.

Cao Ung Dung nói tiếp:

– Bá mẫu đang mang thai, chắc mệt lắm rồi, mọi người tối nay vui đến đây thôi, lần tới có cơ hội thì lại tụ tập sau.

Tiệc chúc thọ đã diễn ra được một lúc, nhóm phụ nhân thấy Cao Kiệu trở về, vốn là muốn cáo từ rồi, nghe Cao Ung Ung nói vậy thì đều tán thành, đứng lên, lại kêu Tiêu Vĩnh Gia không cần ra tiễn.

Tiêu Vĩnh Gia làm sao chịu nghe, được con gái khoác cánh tay, đích thân ra tiễn khách.

Cao Ung Dung dặn dò Tiêu Vĩnh Gia phải giữ gìn sức khỏe thật tốt, dặn Lạc Thần nhớ thường xuyên vào cung, nói rằng mình muốn gặp nàng trò chuyện tâm sự, cuối cùng lên xe phượng đậu ngoài cửa rời đi.

Tiêu Vĩnh Gia tiễn những người còn lại đi, được con gái đỡ trở lại, đi được vài bước thì thấy phu quân ra đón.

Cao Kiệu kêu con gái về phòng nghỉ ngơi, mình thì đỡ lấy cánh tay Tiêu Vĩnh Gia, quan tâm nói:

– A Lệnh, hôm nay nàng mệt lắm rồi đúng không? Ta đưa nàng về phòng nghỉ ngơi nhé.

Hết chương 111
Nhấn Mở Bình Luận
Tham gia group Facebook: Phố Truyện - Đọc truyện chữ mới nhất để đọc truyện sớm nhất và yêu cầu truyện mà bạn muốn!
Các bạn thông cảm vì website có hiện quảng cáo để vận hành và duy trì
Mọi người vẫn ủng hộ chúng tớ để ra chương sớm nhất nhé!