Cảm ơn Quân Thượng và Koser Arima nhá!
(P/s: Series Đồng bào này sẽ bao trọn hết 3 năm của main ở các tộc Bách Việt.
Nó tập trung chủ yếu vào văn hóa người Việt thay vì thuyết phục đấu đá.
Vì tác viết tâm lý nhiều mệt quá nên chuẫn bị đổ vỏ hết cho Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sau series này sẽ là giai đoạn Hoàng Hùng kết thúc ‘3 năm giữ đạo hiếu’ để tiếp tục công cuộc ăn chơi trên đất Hán, quy tụ Hàn môn, dân tâm, kết giao một số danh nhân trong Tam Quốc.
Sau đó là Hoàng Cân khởi nghĩa, và truyện này sẽ chính thức bước vào giai đoạn ‘dã sử quân sự’.
Nói vậy để các bạn đọc chuẫn bị tâm lý trước,
Nếu không quá hứng thú với văn hóa truyền thống mô tả trong truyện
Hoặc cảm thấy việc kết giao với đám người Nhất Lữ Nhị Triệu Tam Điển Vi … là bán aquafina
Thì các bạn có thể chờ đến giai đoạn Hoàng Cân hẵn quay lại đọc truyện)
Âu Cơ ban tặng trăm con
Lòng bao la biển, chí hòn quan san.
Một mai theo mẹ lên ngàn,
Theo cha xuống biển, dựng đàng nước non.
‘Trống đồng’ sáng chói bay lên từ biển rộng phương đồng, tỏa ánh sáng dịu kỳ như phép màu cổ tích.
Bên con suối Mường, mấy anh con trai được dịp lé mắt nhìn những đường nước uốn lượn lung linh trong nắng sớm.
Những giọt nước suối trong veo lái theo đường đi uyển chuyển của mái tóc dài, vẽ nên những cung đường tuyệt mỹ, long lanh trong nắng mai,
Tựa như con cá bạc cá ngà nhảy lên từ lòng suối để đón nhận ánh hào quang của ‘trống đồng’,
Để mà khoe mẽ vẻ đẹp vô ngần mà tạo hóa ban cho,
Cũng là để nhìn rõ hơn mặt ‘trống đồng’ ấm áp kỳ vĩ nơi phương đông.
Hai người em gái xinh đẹp của vị vua Dịt Dàng huyền thoại hẵn là đã sinh lòng cảm mến với văn hóa của đồng bào miền xuôi trong hoàn cảnh như vậy.
(P/s: nãy giờ tả cảnh con gái bản gội đầu ở suối chớ không có bậy bạ gì mô nha)
Hoàng Hùng cùng Nguyễn Bảy đang ngồi quây quần với mấy đứa bé đồng bào Môn, nghe một vị già làng kể truyện thơ “Sử thi đẻ đất đẻ nước”.
Dân ta nói đồng bào mình đều là anh em, mà anh em thì như thể tay chân, đâu có tách rời nhau được.
Quả không sai.
Dưới miền xuôi có những truyền thuyết, chuyện cổ, ca dao, tục ngữ kể về mối thân tình với thượng ngàn kỳ vĩ tươi đẹp,
Thì ở miền ngược cũng có những sử thi, văn thơ như thế về người đồng bằng.
Quan hệ gắn bó ngàn đời ấy không chỉ là nói miệng mà còn thể hiện bằng hành động.
Năm đó Thục Phán kêu gọi đoàn kết chống Triệu Đà, biết bao dũng sĩ miền cao đã đáp ứng tiếng vang hiệu triệu của trống đồng, vượt núi băng rừng xuống Cổ Loa giúp sức An Dương Vương.
Mắt thấy Loa thành phải thất thủ, Thục Phán đem truyền thừa khắc vào trống đồng, nhờ anh em Môn phá vây mang lên trên núi, bảo tồn lửa văn minh cho Âu Lạc, những chiếc trống ấy được bảo tồn cho đến ngày nay.
Vì sao Hoàng Hùng biết ư?
Chẵng phải “Đẻ đất đẻ nước” đã nói rõ đấy sao,
Vị vua huyền thoại đã cho đúc trống đồng và phân phát cho mọi người!
Trong sử củ thì Cao Lỗ nhận mệnh Thục Phán đúc trống đồng rồi chia cho chư tướng bản quản.
Cho nên
Loa thành đổ, trống đồng còn!
Âu Lạc vong, văn minh còn!
Ngàn năm đô hộ, vẫn còn Việt Nam!
Cách đây nửa tháng, sau khi học được tiếng Môn cổ thì Hoàng Hùng đã được Bạch Vân tiên sinh đưa đi chứng kiến tận mắt những chiếc trống đồng mà hội đồng Môn Lang gìn giữ thay Âu Lạc suốt gần 400 năm nay.
Chúng ghi khắc những nét văn hóa đặc sắc từ lao động sản xuất cho đến lễ nhạc tinh thần,
Những kiến thức học thuật cũng như kinh nghiệm lịch sử về khoa học tự nhiên của người Âu Lạc,
Rộng gồm nhiều mặt, sâu và đặc sắc, dù đến từ 400 năm trước nhưng có những thứ mà Bách gia hiện giờ cũng chưa từng nghiên cứu, hoặc ít nhất ở mặt ngoài là chưa từng nghiên cứu bởi Hoàng Hùng tin chắc là sự hiểu biết của hắn đã bao trùm mặt ngoài của tất cả các lưu phái Bách gia đương thời.
Để đánh giá về giá trị của những chiếc trống đồng này, Hoàng Hùng có thể thẳng thừng nói rằng
Giá trị vượt qua cả thiên thư!
Cũng phải thôi, vì chính thiên thư cũng được bao gồm trong đó.
Hoàng Hùng còn nhớ bộ mặt hết hồn của 6 quái khi họ nghe từ miệng hắn nội dung của
Công trình học thiên thư,
Và phương pháp tạo ra nỏ thần liên châu!
Vậy là trong các bảo vật mà rùa vàng ban tặng cho đồng bào ta thì chỉ còn mỗi thanh kiếm thần của Tây Vu Vương mà thôi.
Về điều này thì 6 quái đều hí hửng cười khoái bởi có bao kiếm của Lê Tư thì sớm muộn gì kiếm báu cũng quay trở lại với dân ta.
“Thôi! Hôm nay kể tới đây thôi.
Mai ta lại kể tiếp.
Ngồi lâu mỏi cả lưng rồi, ta phải đi lên rừng nghe chim hót đây.
Các cháu cũng vậy, đi làm đi chơi đi”
Vị già làng kết thúc câu chuyện đúng vào thời điểm thường nhật.
(P/s: trong truyện này già làng không phải trưởng làng nhá, kiểu lão làng thôi, mà viết lão làng nghe nó ngáo ngáo sao ấy, nên viết già làng)
Nguyễn Bảy huých Hoàng Hùng, đề xuất:
“Mấy lão kia chắc đang ở bên bờ suối đấy.
Hay là …”
Nói đến đây Nguyễn Bảy nháy nháy mắt kiểu ‘hiểu mà phải hông?’.
Hoàng Hùng không biết là trong hỗn độn hải tồn tại những tổ chức có tầm ảnh hưởng tới tất cả các thế giới, nắm giữ sức mạnh đặc biệt, ở một mức độ nào đó còn ghê gớm hơn Cổ Lạc Tiên Triều, gọi là “Hội bảo vệ sức khỏe tâm lý bà mẹ và trẻ nhỏ”, “Hội bảo vệ sức khỏe tâm lý trẻ vị thành niên”, “Hội kiểm duyệt với nhiều hơn 18 thành viên”, vân vân.
Nhưng Hoàng Hùng biết là Nguyễn Bảy đang nói về điều gì:
“Không!
Đệ có hẹn chơi cờ hùm với cụ Lý rồi.
Chào nhé!”
Hoàng Hùng phất tay chào rồi quay phắt rời đi.
“Ơ này! Ngô ca giữ cho công tử vị trí đẹp rồi mà.
Công tử, công tử!”
“Nguyễn ca thích thì đi đi. Tặng luôn đấy”
Âm thanh còn vang trong tai Nguyễn Bảy nhưng bóng dáng thì đã mất hút trên đường dốc.
Nguyễn Bảy vuốt vuốt cằm cảm thấy nhiệm vụ Hoàng Dung giao cho 6 anh em bọn hắn có chút khó khăn:
“Thôi, công tử còn nhỏ quá mà”
Thực cũng không phải do Hoàng Dung rãnh quỡn mà là nàng lo sau này Hoàng Hùng bận bịu chuyện quốc gia đại sự quá để cho nàng không có cháu bồng.
Và thực ra thì Hoàng Hùng cũng không có đi chơi cờ hùm với già làng Lý, tại hắn thắng nhiều quá nên cụ Lý cũng ngán hắn rồi.
Ờ thiệt ra thì đó chỉ là một phần của lý do thôi,
Nhà cụ Lý đã có bảy đời hành nghề y, là một trong những người có kiến thức cao rộng nhất xứ này, Hoàng Hùng biết tính cụ thích chơi cờ Hùm nên vẫn thường lấy cớ chơi cùng để tung chiêu mười vạn câu hỏi vì sao.
Hôm nay cụ Lý không dạy kiến thức miệng nửa, cụ muốn tận tay chỉ mặt cây thuốc để Hoàng Hùng nhận biết,
“Sẽ là một chuyến thực nghiệm đầy lý thú và bổ ích”- Hoàng Hùng nghĩ bụng khi đi theo cụ Lý và hai đứa cháu gái của cụ lên rừng.
Vì sao hắn nghĩ như vậy ư?
Đương nhiên không phải vì hai đứa cháu gái của cụ Lý, nhà cụ không có cháu trai nên mới truyền nghề cho cháu gái.
Chuyến đi hôm nay sẽ rất lý thú là bởi vì trước khi xuất phát thì cụ Lý có nói:
“Thuốc nam chữa người nam”
Năm chữ giản đơn nhưng ẩn chứa hàm ý triết học và cả luận điểm khoa học sâu xa.
Chỉ từ câu nói ấy thì Hoàng Hùng đã nghe ra được 3 ý nghĩa:
Một là vấn đề của người Việt thì chỉ có người Việt mới giải quyết được, cũng tức là chỉ có người Việt chủ động đứng lên đoàn kết lại mới giải phóng được dân tộc mình khỏi ách nô lệ, không thể trông chờ vào một giải pháp đông tây nào cả.
Hai là thời tiết khí hậu ở mỗi nơi đều khác nhau, tùy vào điều kiện thiên nhiên mà nuôi dưỡng ra những con người và muôn loài sinh vật thích ứng với điều kiện ấy, và cũng tương thích với nhau, cho nên cây thuốc sinh ra ở phương nam thì hợp với người nam.
Ba là con người phải sống hòa thuận với thiên nhiên, giữ gìn thiên nhiên, không thể vì cái lợi ích kỷ trước mắt mà phá hoại sự gắn kết dài lâu của con người với muôn loài vạn linh khác, bởi vì chính ‘mẹ thiên nhiên’ đã nuôi lớn chúng ta từ thuở còn nhỏ bé mông muội, và bảo bọc chữa lành chúng ta qua những cuộc tan hoang gian khổ.
Nếu không phải có núi rừng hiểm trở mang theo khí tiết nguyên thủy của phương nam bảo bọc đồng bào Môn thì quân binh của triều Hán đã sớm xông lên cướp phá đốt giết rồi.
Quan trọng là khí tiết nguyên thủy mà không phải là núi rừng hiểm trở.
Tịnh Châu không hiểm trở sao? Xuyên Thục không nhiều rừng sao?
Trước khi đến với núi Mường thì Hoàng Hùng vẫn luôn thắc mắc vì sao người Hán có thể đẩy lui tổ tiên người Hung Nô để chiếm cứ Tịnh Châu, trấn áp tổ tiên người Ba Thục để chiếm cứ Ích Châu,
Nhưng lại không thể làm gì được cộng đồng Môn Việt.
Khi đến với núi Mường và sinh sống ở đây một thời gian thì Hoàng Hùng mới hiểu,
Đó là vì khí tiết,
Không chỉ là thời tiết khí hậu,
Cũng không phải là cái tinh thần khí tiết hư vô mờ mịt của anh linh tiên tổ như chuyện cổ kể lại,
Mà,
Đó là hương khí khác biệt thiên nhiên ban cho núi rừng nơi đây,
Là những sinh vật độc lạ đặc hữu mà ‘mẹ’ ưu ái cho riêng những người con phương Nam.
Học hỏi ở cụ Lý hơn nửa tháng,
Hoàng Hùng nhận ra rằng hắn không phải người đầu tiên thắc mắc, tò mò và nghiên cứu về ‘bẩn’.
Tổ tiên Môn Việt cũng đã có những bước tiến vượt qua hắn trong việc tìm hiểu tính chất của ‘tà ma’, tên gọi khác của ‘bẩn’ được dùng ở nơi đây, mặc dù mang theo màu sắc huyền bí nhưng kỳ thực lại là một dạng khoa học bậc cao mà chỉ có những người hiểu biết sâu rộng như cụ Lý mới am tường.
Từ lời giảng của cụ, Hoàng Hùng biết rằng:
‘Bẩn’ hay ‘tà ma’ cũng có nhiều loại, khác biệt theo vùng miền địa lý, nếu không có người hay thú từ nơi khác đến thì hầu như không có khả năng đem ‘bẩn’ từ vùng này sang vùng khác.
‘Bẩn’ cũng không hoàn toàn ác tính, với những người sinh sống thuận hòa với thiên nhiên và ít rời xa nơi chôn nhau cắt rốn thì hầu hết các loại ‘bẩn’ đặc hữu của nơi ấy sẽ không tác động lên.
Cho nên các Môn từ bao đời nay không chỉ gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của tổ tiên của đồng bào anh em, mà còn thay ‘mẹ thiên nhiên’ bảo tồn những quà tặng của mẹ cho chúng ta.
Núi rừng được gìn giữ nguyên thủy, thì ‘bẩn’ hay ‘linh hồn của tự nhiên’ trong một cách gọi của khác của cụ Lý khi truyền dạy về tình yêu thiên nhiên cho hai cô cháu gái, sẽ trở thành bức tường thành vững chắc mà giặc phương Bắc không thể nắm bắt hay nhìn thấy.
Tại nơi đây, một ngụm nước suối, một vết muỗi căn, hay một trận gió thổi đều có thể đem cái ‘linh hồn’ đặc hữu của thiên nhiên nơi đây đánh vào người quân xâm lược, tạo thành bệnh truyền nhiễm, làm suy kiệt chúng.
Bao nhiêu lần lũ ác ôn xông lên núi rừng của ta thì đều bị ‘linh hồn của tự nhiên’ phối hợp với dân ta vờn chết cả,
Chúng chỉ có thể mắc kẹt giữa sự bủa vây của rừng già, vô vọng nhìn những kẻ bên cạnh ngã xuống sau từng mũi tên độc của chiến sĩ du kích phe ta.
Từ những lời ấp a ấp úng của mấy tên may mắn sống xót lết về trong tình trạng tâm thần suy kiệt bất ổn, sử quan nhà Hán ghi lại rằng:
“Núi rừng phương nam có Xích Quỷ lộng hành, yêu khí vờn quanh, độc khí trùng thiên, …”
Năm đó hai vị Trưng Nữ Vương đem rất nhiều di sản gửi lên núi rừng,
Mã Viện muốn đuổi theo cướp mà không thành, đành đào cây giống sản vật kéo về đất Lạc Dương,
Thế nhưng những sinh vật phương nam không quen khí hậu phương Bắc, 10 phần chỉ còn 1, 2,
Cuộc nam chinh ngàn dặm vốn đã tốn rất nhiều lương thảo tiền bạc, nay lại chẵng cướp về được gì đáng giá, có thể nói là lỗ chổng vó,
Mà Mã Viện còn chơi ngông đem đồng khí đúc thành trụ làm bùa trấn yểm,
Thế là đám quan lại Trung Nguyên mới hè nhau hạch sách đến độ Mã Viện bị lột chức Phục Ba, lột luôn hầu tước và thái ấp, trở thành một tên quý tộc vô gia cư,
Mãi đến khi đã nằm hòm gần 30 năm thì mới nhờ phúc con gái là Mã Hoàng Hậu, được ‘hiền tế’ Lưu Trang truy tặng hư tước ‘Trung Thành Hầu’, nhưng ‘Vân đài nhị thập bát tướng’ cũng không thể biến thành ‘Vân đài nhị thập cửu tướng’ được.
Vì sao Hoàng Hùng biết tường tận câu chuyện này?
Bởi vì hắn có một người thầy lắm lời, hay nói cho sát nghĩa đen là ‘lắm viết’, không phải Bạch Vân tiên sinh, là Thái Ung, học trò của Mã Dung, cháu ruột của Mã Hoàng Hậu.
Lão này định đưa phần ấy vào Hậu Hán Ký để mà lên án thế gia nữa nha; may mà đống tàng thư đều bị đốt dưới sự giám sát của Chu Dị, chứ nếu mà rơi vào tay thế gia thì Thái Ung đừng mơ sống yên ở Dương Châu, đi Cửu Chân-Nhật Nam sống với người Lâm Ấp còn tạm được.
Tuy nhiên, sau này Hoàng Hùng phát hiện ra một sự thật rằng Thái Ung đã sai,
Thế gia không hoàn toàn chịu trách nhiệm trong sự kiện Mã Viện bị dìm,
Lưu Tú mới là,
Ẩn sau trong vỏ bọc minh quân buổi trung hưng là một con người hoàn toàn khác, một linh hồn còn đặc biệt hơn người xuyên việt Vương Mãng,
Một linh hồn biết trước được hậu quả của việc để cho văn minh Âu Lạc truyền thừa tiếp!
(P/s: Câu trên là bật mí cho một thiết lập sẽ lộ ra rõ ràng ở cuối truyện!
Quay lại với mục đích chính của cái ‘kem đánh răng’ này,
Đó là về quan hệ của người Việt và người Lâm Ấp, tức tổ tiên của người Chăm và một nửa tổ tiên của người Khơ Me.
Từ thời Hồng Bàng đến kỷ nguyên đô hộ thì người Lâm Ấp vẫn luôn là hàng xóm thân thiết của người Âu Lạc, thường xuyên trao đổi văn hóa và giao thương buôn bán.
Người Lâm Ấp thuở ấy sống phân bố chủ yếu ở Bắc Trung Bộ, gồm hai quận là Cửu Chân và Nhật Nam:
Cửu Chân = Thanh Nghệ Tĩnh
Nhật Nam = Bình Trị Thiên
Dần dần theo sự xua đuổi của người Hán thì đến thời Đường, người Lâm Ấp mới di cư tới Nam Trung Bộ và liên minh với Chân Lạp, thành lập vương quốc Chăm Pa và sau này là Chiêm Thành,
Rồi một bộ phận lại di cư tới đất Campuchia ngày nay, liên minh với Phù Nam tạo dựng nên Vương quốc Khơ Me hùng mạnh phát triển bậc nhất thế giới một thời!
À chém sai,
Không phải Vương quốc mà là Đế quốc!
Nhiều nghiên cứu lịch sử của cả Tây và ta đều chỉ ra rằng khoa học kỹ thuật của Đế quốc Khơ Me thời hoàng kim (thế kỷ XI, thời nhà Lý nước ta) có rất nhiều mặt đã vượt qua cả Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập và châu Âu cùng thời kỳ.
Quay lại với mối liên quan giữa Việt và Lâm Ấp,
Quan hệ thân tình của hai dân tộc ban đầu rất khăng khít, rất nhiều cuộc khởi nghĩa của người Việt ở Giao Châu đều có cánh tay trợ giúp của người anh em phía nam và chính đồng bào Môn Việt cũng chia sẽ rất nhiều nét đặc sắc văn hóa chung với người Lâm Ấp.
Nhưng rồi quan hệ ấy dần dần xa cách bởi chính sách chia để trị của các triều đại phương Bắc, đỉnh điểm là các triều đại thời Nam Bắc triều,
Tới thời Nam Lương (thế kỷ 6) thì Vạn Xuân và Lâm Ấp đã coi nhau như người xa lạ, người Việt và người Chăm bắt đầu đánh nhau như cơm bữa, đánh từ Vạn Xuân sang Đại Cồ Việt sang Đại Việt, gần cả ngàn năm.
Đánh mãi đến khi Nguyễn Hoàng (thế kỷ 16) theo lời chỉ dẫn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, vượt Hoành Sơn xuôi nam mở đất, Chiêm Thành sụp đổ hòa vào người Việt, trở thành một phần của chính quyền Đàng Trong thì cuộc chiến Chăm Việt mới xem như lắng lại.
Vì sao chỉ là ‘xem như’?
Tại vì cho đến triều đại phong kiến cuối cùng là nhà Nguyễn thì nước ta vẫn có không ít lần giao chiến với các vương triều Campuchia.
Cho nên mới thấy trong 1000 năm bị phương Bắc đô hộ thì người Việt mất rất nhiều,
Không chỉ văn hóa truyền thừa, tài nguyên sản vật,
Mà cả bạn bè đồng minh nữa!)
- ------
Chiều muộn, khí ẩm của núi rừng bắt đầu trổi dậy khi những tia nắng từ ‘trống đồng’ lặn sau núi Tây,
Đó không phải là sự chống trả của tự nhiên hoang dã với văn minh con người,
Mà đó là một sự tuần hoàn có quy luật trong sự hòa hợp của cả hai bên.
Hoàng Hùng rất muốn thử nghiệm xem thiên phú ‘sinh mệnh lực’ của mình sẽ ứng phó với những ‘linh hồn của tự nhiên’ như thế nào.
Nhưng cụ Lý không cho hắn cơ hội đó, cho nên tiểu tử Hoàng Hùng phải thất thểu lết về bản làng trong sự tiếc nuối của bản thân và những tiếng cười châm chọc của hai bạn gái đồng hành.
Khi bốn người nhìn thấy bản làng thì nó đã nhuộm màu ấm áp của lửa hồng và tình thân con người, tiếng cười nói hát ca, tiếng chiêng trống nhạc cụ, những điệu múa Khọt dưới ánh trăng bạc.
Hôm nay là ngày rằm, chị Hằng đến sớm để chung vui cùng đồng bào Môn, khuôn mặt chị trắng tròn tươi trẻ, vừa nhân hậu bao dung, vừa mỹ lệ cao khiết.
Con gái Môn tin rằng nếu họ múa đẹp thì sẽ được chị Hằng ban phước lành, để họ cũng có vẻ đẹp phúc hậu thanh nhã của tiên nữ thần nữ.
Kính ngưỡng mặt trăng cũng giống như kính ngưỡng mặt trời,
Đều là một trong những truyền thống đặc sắc của tổ tiên mà các Môn còn giữ lại.
Nếu như trong phong tục kính ngưỡng mặt trời, đồng bào ta có trống đồng, có bánh dày,
Thì ở tục kính ngưỡng mặt trăng, đồng bào ta có nàng Khọt.
Chuyện cổ kể rằng vào những vụ lúa chín, lũ ma quỷ thường đến ăn trộm phá hoại mùa màng.
Con người cầu khẩn thần mặt trời, vị thần đã ban anh nắng huy hoàng ấm áp tạo ra mùa màng bội thu.
Nhưng tiên phàm cách biệt, thần mặt trời không thể tự tiện xuống trần giúp con người đánh quỷ được.
Thế là thần mặt trời đem gợi ý đưa vào những tia nắng của mình, con người quan sát mặt trời làm ra nhạc cụ trống đồng đánh tiếng vang rền như pháp lệnh của thần minh, khiến ma quỷ sợ chạy hết.
Nhưng đến ban đêm khi mọi người đi ngủ thì chúng lại quay lại phá phách.
Còn người ban ngày làm lụng vất vả, ban đêm đâu còn sức mà chống trả, thế là ma quỷ lộng hành lắm, mùa màng thất bát, con người phải chịu đói.
Thương xót con người siêng năng làm lụng mà phải chịu cảnh đói khổ, nên nữ thần mặt trăng mới dạy con người làm hình nộm một cô gái xinh đẹp, mặc lên quần áo trắng như ánh trăng, đặt ở giữa đồng, ấy là nàng Khọt.
Ban đêm khi ma quỷ đến cướp phá, nữ thần mặt Trăng sẽ nhập hồn vào nàng Khọt làm phép xua tan ma quỷ.
Ma quỷ xuống địa phủ kiện, nhưng bởi vì con người làm nàng Khọt quá đẹp, quá giống nữ thần mặt trăng nên việc nữ thần hạ phàm thành công cũng không vi phạm luật trời.
Nhờ sự trợ giúp của mặt trời và mặt trăng mà mùa màng bội thu, sự siêng năng cần cù của con người được đền đáp xứng đáng.
Thế là con người nghĩ ra lễ hội hát ca và những tiếng trống, điệu múa để bày tỏ sự kính ngưỡng của mình với mặt trăng và mặt trời.
Tục ấy truyền mãi đến nay, các cô gái Môn vào đêm trăng đẹp sẽ ăn mặc trang phục nàng Khọt, nhảy múa hát ca, cầu mong nữ thần mặt trăng sẽ đem linh hồn thánh khiết cao đẹp của nàng ban tặng cho họ.
“Một câu chuyện huyền ảo diễn tả những kinh nghiệm sống thuận hòa với thiên nhiên.
Trong mắt những kẻ xâm lược thì đó là man di, mọi rợ.
Trong mắt những người học giả chân chính thì đó là tri thức, là nền móng của văn minh”
Đây là lời nhận xét của Bạch Vân tiên sinh.
Và Hoàng Hùng cũng gật đầu đồng ý:
“Kẻ kiêu ngạo nhìn ai khác cũng thấy thấp.
Người cầu đạo gặp gì mới cũng thấy quý”
Nguyễn Bảy lại chêm vào:
“Nói như công tử thì Khổng Khâu chỉ có 1 phần 3 là cầu đạo.
Còn 2 phần 3 là kiêu ngạo”
Lê Tư lấy tay làm đao, giơ cao đánh khẽ vào ót hắn:
“Nhóc Nguyễn!
Chớ có xuyên tạc lời nói của công tử”
(P/s: Khổng Tử có một quote khá nổi tiếng là
“Ba người đi cùng nhau tất có một người là thầy của ta”
Câu này có nhiều nghĩa, tác cũng không biết hết.
Nhưng nếu diễn giải kiểu nghĩa đen giống Nguyễn Bảy thì đúng là có chút xuyên tạc)
“Ui zaaaaaa!”
Ngô ca đang chơi nhảy sạp, nhìn qua bên này cười hà hà thế rồi sơ ý bị mất nhịp để bị kẹp vào chân, xem nửa là té dập mặt, rồi bị người đang nhảy cùng là Đinh Ba huých cho phát chổng vó luôn.
“Nhóc con họ Đinh!”
“Lêu lêu!”
“Ahahahaha!”
Cuộc hành trình của Hoàng Hùng ở núi rừng Môn Việt kéo dài khá lâu và không có chút nào khó khăn trắc trở như 6 quái dự đoán lúc còn tại trên đường xuôi nam.
Ấy là nhờ có Bạch Vân tiên sinh, một người thầy đáng kính, một người Việt đáng kính, một trí giả đáng kính.
Chỉ là danh vọng và đức nghĩa của ông cũng đã đủ để cho hội đồng Môn Lang mở cửa đón tiếp Hoàng Hùng nồng hậu, thậm chí cho phép hắn tham quan nghiên cứu những trống đồng cổ, di sản của tổ tiên anh hùng để lại.
Còn mưu trí và kế hoạch của ông thì đã giúp cho Hoàng Hùng có được vị trí bạn bè minh hữu trong mắt các Môn, tạo tiền đề cho việc hợp tác mậu dịch giữa cộng đồng biệt lập này với khối Giang Nam-Âu Lạc mà Hoàng Hùng đang nổ lực xây dựng.
(P/s: Chương này nửa chém nửa thật, bởi vì tác viết tiểu thuyết chứ không phải văn ngâm cứu.
Nếu ai yêu thích văn hóa nước ta thì tác khuyên nên tự tìm hiểu chứ đừng dựa vào tiểu thuyết.
Gió to lắm!)