Lọc Truyện
Từ ngày 03/08/2024: TruyệnAzz sẽ chuyển sang dùng tên miền truyenazzmoi.com.Mong các bạn tiếp tục ủng hộ chúng mình và nhớ tên miền mới này nhé truyenazzmoi.com

Truyện Mai Này Tôi Yêu Em


Sáng hôm nay là một ngày đẹp trời để bắt đầu mọi việc cùng với ông nội.
  
Thứ sáu trời trong và nắng lên sớm. Gió cũng kéo theo về mát rượi, ngang qua mấy ngọn lau đang trổ cờ cao vút hai bên bờ sông làm phát ra cái âm thanh rì rào nghe dồn dập đến lạ. Tôi đứng bên bờ sông hít hà bầu không khí trong lành, vươn vai ưỡn mình vài cái để khởi động rồi tranh thủ vệ sinh cá nhân. Tí nữa tôi với ông nội còn phải đi nhặt ve chai, có lẽ là lần cuối cùng trước khi tôi đến nhà cô Vân sống, còn ông thì vào viện dưỡng lão. Nghe có vẻ ổn thỏa nhưng tôi lại chẳng mấy háo hức với điều đó. Tôi chỉ đang nóng lòng đợi ông về rồi đi ngay có thể.
  
Mới sáng sớm mà ông nội đã đi đâu mất. Tôi rửa mặt xong thì leo lên võng, nằm chơi game điện thoại cho đến khi buồn ngủ và thiếp đi từ lúc nào cũng không hay. Chập sau có tiếng xe máy quen thuộc của ông nội. Tôi mơ màng mở mắt ra và từ từ ngồi dậy. Nội chạy xe vào, thấy tôi liền hỏi:
  
- Mới dậy đấy hả? Chân còn đau không?
  
- Dạ đỡ hơn rồi nội, nó cũng bớt sưng.
  
- Nhắm không ổn thì nói cho ông biết, chứ đi lại nhiều động chân là nó không có chóng lành được.
  
- Không sao đâu, nội yên tâm.
  
Ông mắng yêu thêm vài câu rồi xách vào hai hộp cơm, bảo tôi mau chóng ăn sáng và uống thuốc. Tôi ngoan ngoãn làm theo, lòng mang bao hứng khởi, tinh thần lại xông xáo không kém. Ra ngoài sau rửa mặt cho tỉnh táo xong tôi trở vào trong ngồi xuống cái bàn tròn ghép mảnh của nội.
  
- Ăn sáng nội ơi?
  
- Ăn đi, tao ra ngay ấy mà.
  
Tiếng của ông vọng từ phía bên kia cầu.
  
Tôi tháo túi nilon ra, lấy một hộp cơm rồi đánh chén ngon lành.
  
Chỉ còn hôm nay và ngày mai nữa thôi là tôi rời xa nội, rời xa nơi này rồi. Bất chợt nghĩ đến nó, nước mắt lại ứa ra, không sao kiềm chế được. Cảm giác sao nghẹn ngào, nhớ nhung quá đỗi. Thương, tôi vẫn thương nội hơn là cái nơi này. Tôi vui, dặn lòng mình phải thật sự vui. Nhất định tôi phải vui mừng vì nội có nơi ở tốt hơn và tôi cũng thế. Phải vui vì những ngày tháng khổ sở kiếm từng đồng cắc bạc đã không còn đeo bám ông ấy nữa. Hơn nữa, nội sẽ có nhiều bạn bè hơn, được nói chuyện với nhiều người hơn và có lẽ sẽ bớt uống rượu, không lại ảnh hưởng đến sức khỏe của nội mất.
  
Càng nghĩ, tôi lại càng toe miệng ra nhưng nước mắt cứ chảy không ngừng. Sợ nội thấy nên tôi vội đi rửa mặt ngay.
  
- Ăn xong mình đi ngay nha nội!
  
- Ừ. Ăn no chưa?
  
- Con no rồi, căng cả bụng! - Tôi đưa tay xoa xoa cái bụng.
  
- Vào thay đồ đi, nội ăn xong là đi luôn.
  
Tôi chống nạn quay đi thay đồ ngay tức khắc. Lại là bộ style lần trước, áo sơ mi rách vai, quần sọt ngang gối, xỏ đôi dép lào nhưng hôm nay chỉ còn mang một chiếc vì chân phải đang đau và đầu đội nón lưỡi trai, lại còn bonus thêm cây nạn. Style đậm chất hoang dại xứ gầm cầu.
  
Thay đồ xong tôi vào lấy bao, dây và dụng cụ ra xe gắn chiếc xe kéo vào phụ cho nội, chỉ cần nội ăn xong là lấy xe đi ngay. Tôi nôn quá rồi.
  
Chiếc xe của nội bon bon trên con đường nhựa cứng cáp, vượt qua biết bao nhiêu là chiếc xe đạp trên đường. 7 giờ sáng, giờ làm việc hành chính và cũng chính là giờ tôi với nội đi thảo phạt ve chai trên khắp mọi nơi ở cái xứ sở Phan Thiết nhỏ bé này.
  
Nội dừng xe ở một quán nước mía, mua hai ly và nhờ bà bán nước mía trong xe hộ, có lẽ quen biết hay sao đấy mà ông nói chuyện với bà đó rất thân mật.
  
- Để xe đây đi và giờ nhặt trong công viên này ha. - Nội nói. - Mà đi nổi không đó? Không ấy con ra quán bà hai ngồi chơi đi.
  
- Thôi, con đi được, con đi còn nhanh hơn nội đấy.
  
- Thiệt tình, có vậy mà mày cũng so đo nhanh chậm với ông. Thôi đi cho kịp rồi còn về nghỉ ngơi, chiều đi học nữa đấy.
  
Tôi dạ rang rồi cũng tập tễnh cầm một cái bao đi theo sau ông. Vào trong công viên thì chia ra hai hướng. Ông nội nhặt khu bên trái, tôi xác định sẽ “làm gỏi” khu bên phải. Ban đầu nhặt có chút ngại đau, nên tôi chật vật lắm. Dần dà về sau thì tôi cũng mặc đau kệ đớn. Cứ thấy rác hay ve chai là chậm rãi ngồi xuống duỗi chân đau ra và từ từ nhặt, phân loại. Đến khi đã quen được tư thế và cảm nhận được mức độ đau thì tôi tăng tốc hơn nữa, thiếu điều muốn ném luôn cây nạng rồi dùng “Lăng Ba Vi Bộ” mà quần thảo, chinh phạt cái khu này vậy. Ấy vậy mà nhặt cũng nhanh chóng, năng suất cao không chê vào đâu được. Nhặt được nửa bao gồm nhiều chai nhựa và lon nước ngọt rỗng, tôi liền tiến sang khu vực của nội phụ giúp.
  
- Nội mệt chưa?
  
Thấy tôi đi lại ông liền dừng lại, ngồi xuống ghế đá bên cạnh, bảo tôi ngồi xuống nghỉ tay.
  
- Mệt gì đâu, bình thường ông nhặt hết cái công viên này mới mệt.
  
- Như thế mất sức lắm ông nhỉ?
  
- Quen rồi. Mà mày mệt thì nghỉ đi để ông làm nốt rồi về.
  
- Con nhặt xong khu đó rồi còn đâu.
  
Tôi nói với vẻ mặt tự nhiên, nở nụ cười láu cá nhìn ông.
  
- Cái thằng mau lẹ thế bây?
  
- Được nữa bao á nội. Nhìn chung thì cũng ít.
  
- Vậy là giỏi hơn ông rồi, già rồi làm có nổi bằng mấy đứa trẻ bọn bây đâu chứ. - Nội bật cười, tay móc ra gói thuốc rê rồi dấn giấy mà hút.
  
Khói nghi ngút bay lên lúc che lúc hiện khuôn mặt khắc khoải của nội, đầy những nếp nhăn và chai sạm của thời gian. Tôi nhìn nội thật kĩ, ánh mắt của ông đang nhìn xa xăm đâu đó, miệng lại phì phèo điếu thuốc không ngừng.
  
Tôi biết, chắc nội cũng buồn lắm nhưng mà nào nói ra. Cuộc sống của ông ấy trước giờ chưa hề vui vẻ cho tới khi gặp tôi. Chính tôi đã mang lại cho ông nụ cười sảng khoái mỗi tối và những cuộc trò chuyện đêm mà bao nhiêu năm qua ông ấy chỉ biết nói một mình. Thỉnh thoảng, tôi cũng khiến ông bật khóc mếu máo như đứa trẻ. Nội khóc vì vui sướng, vì cảm động chứ nào còn buồn tủi gì.
  
Những đêm trước, cái đêm mà tôi bị tai nạn rồi lại còn sốt cháy lên, ông đã chăm lo cho tôi rất chu đáo, không có gì là vụng về cả. Vừa trông nồi cháo, vừa lo chườm khăn mát cho tôi rất tất bật. Chạy tới chạy lui như muốn kiệt sức nhưng nội vẫn cố gắng không để tôi phải quằn quại với cơn sốt cộng thêm cơn đau do cái chân gây ra.
  
Từ chiều đến tối, biết tôi bị tai nạn thì ông nội chỉ lo cho tôi mà không hề biết bụng mình chưa có gì. Thậm chí hút điếu thuốc cũng phải bỏ dở chạy đi coi nồi cháo. Tới 11 giờ đêm, tôi mới ngủ được, còn ông thì nằm võng hút thuốc, chốc chốc chạy lại sờ trán tôi. Nội bảo tôi phải vào viện lại nhưng tôi đâu có nghe. Phát sốt lúc 8 giờ, chẳng lẽ lại hành ông chạy đi. Tôi cố gắng tỉnh táo cho ông ấy an tâm, phần thì cắn răng chịu đựng cơn đau hành hạ. Nghĩ lại càng thấy rùng mình và khiếp sợ. Nếu không có ông thì nhất định tôi sẽ không còn ngồi đây mà nhìn, mà nghĩ lại những chuyện đã trải qua như thế.
  
Tuy tôi không sâu sắc, tôi không tài nào diễn đạt được một cách trọn vẹn được sự thiêng liêng cao quý đó nhưng đây, nó sẽ mãi ở trong lòng tôi, lòng tôn kính và biết ơn vô cùng.
  
Giữa tôi và ông ấy thật sự rất có duyên số. Một người đàn ông xa lạ bỗng chốc trở thành người thân của tôi ở nơi đất khách quê người này. Tôi không biết nói làm sao để có thể cảm ơn được hết những tình thương tuy ngắn ngủi mà ông dành cho tôi trong những ngày đầu ở đây. Tôi vốn dĩ không phải là một kẻ mồm mép lanh lẹ, hoạt ngôn hay tình cảm có thể dễ dàng thể hiện dạt dào qua lời nói. Tôi chỉ biết chất chứa trong lòng, và tim, chờ cơ hội để được đền đáp thông qua hành động, đối xử và có thể hy sinh bất cứ lúc nào.
  
Nội hút xong điếu thuốc thì vứt vào thùng rác, bảo:
  
- Thôi tranh thủ ra phụ nội một vòng quanh đây nữa rồi mình đi chỗ khác.
  
Tôi tốc hành đứng dậy và chống nạn đi thật nhanh. Quét sạch cái công viên vườn hoa này xong, hai ông cháu tôi ra biển Đồi Dương tiếp tục chiến đấu. Cái không khí biển buổi sớm trưa trong lành thật, có nắng, có gió, có cây xanh, có bờ cát vàng đẹp đẽ. Ở đây người ta hay tự hào mà khoe với người ở nơi khác đến rằng “Bình Thuận biển xanh cát trắng nắng vàng”. Quả thật là như thế. Tôi đi vòng phía trong công viên Đồi Dương đến chỗ người ta hay ngồi nghỉ ngơi, ăn hàng với uống nước. Nhặt không có nhiều mấy, chủ yếu là thấy thư giãn và thoải mái với bầu không khí như vậy. Bất giác tôi lại nhớ cái hôm đầu tiên tôi ra ngoài này dầm mưa rồi ông nội gặp tôi, đưa tôi về nhà. Tôi lại yếu lòng, cảm thấy tiếc nuối và xao xuyến cảm giác được ở với nội. Ngồi thừ ra trên ghế đá nghĩ ngợi, nội kêu cũng không hay.
  
Quần thảo ở Đồi Dương xong thì ông cháu tôi lại đến địa điểm cuối cùng trong lịch trình ngày hôm nay. Chợ Lớn thành phố Phan Thiết, cái nơi mà lần trước tôi cùng Mai và Huy Béo ăn bánh cuốn, uống nước mía tám chuyện tôi tẩn thằng Hưng lớp trưởng.
  
Đến mười một giờ thì đã đầy ắp một xe kéo ve chai. Ông nội hớn hở bảo tôi trưa nay nhất định phải được ăn ngon và no thì mới xứng với công sức ông cháu sáng giờ. Thế là ông chạy vào chợ và quay trở lại với một giỏ thực phẩm gồm nhiều rau sống, cá nục tươi và một ít trái cây. Tôi cười khoái chí, gì chứ thấy trái cây là mắt sáng hơn đèn. Xem ra ông nội cũng tâm lý và thương tôi lắm đấy.
  
Về đến nhà, ông nội liền bắt tay vào nấu bữa trưa, còn tôi dọn dẹp xe hàng và chuẩn bị tắm rửa, thay băng gạc và quần áo. Bữa cơm trưa đạm bạc nhưng ngon lành, mặn mà mà tươi mát của tình thương. Suốt buổi ăn hai ông cháu cứ trò chuyện nhau mãi. Tôi kể về vụ thằng Hưng mấy hôm nay cho ông nghe nhưng giấu nhẹm đi chuyện tôi bị tai nạn là có liên quan đến bọn nó. Nghe đến đâu là nội cứ cười ngặt nghẽo bảo:
  
- Tụi nhóc này trẻ con thế? Học hành không lo, cứ phải là bày mưu ủ kế như đánh trận.
  
Tôi chẳng biết phải nói làm sao, người lớn bảo như thế thì chịu thôi. Rồi cứ cười mãi, bữa cơm trưa vui đáo để.
  
Hôm nay nội tiếp tục đưa tôi đi học. Chả còn bao nhiêu ngày được như thế này nữa. Nhớ lại ngày còn bé ba tôi cũng hay đưa tôi đi học. Đến lớp 3 thì đã không còn, tôi phải tự mình đi bộ đến trường. Và giờ thì cái cảm giác thuở thơ bé được bảo bọc quay trở lại với tôi, nhưng có lẽ chỉ trong phút chốc ngắn ngủi.
  
- Đến rồi. Hay để ông xin bảo vệ chở mày chạy vào trong luôn cho nó tiện.
  
Tôi từ từ bước xuống xe. Tuy còn chút chật vật nhưng cũng cố gắng ổn thỏa để không phiền ông. Tôi bảo:
  
- Hôm nay con học ra sớm, nhờ bạn chở về cũng được. Nội có làm gì thì cứ đi, còn không thì nội cứ ở nhà ngủ nghỉ cho khoẻ. Trước sau gì bạn con cũng đòi ghé chơi nữa à.
  
- Vậy hả, có cần ông chuẩn bị cho cái gì không?
  
- Nội cứ nghỉ ngơi đi mà. Tụi con tự xử được.
  
Tôi cười láu cá nhìn ông. Đợi ông quay xe chạy đi, tôi mới đi cà nhắc vào, cây nạng thì tôi cằm không không chơi khiến tụi học sinh nhìn tôi như thằng bệnh. Thử xem chân tôi đã bình phục hay chưa, đi nạng hoài trông luộm thuộm. Được một đoạn thì vừa mỏi vừa đau chân nên tôi quyết định phát huy tối đa hiệu quả của cây nạng. Không thể phụ lòng người đã nhọc tâm chế tác và sự kỳ vọng của những người bác sĩ đã tin tưởng vào công dụng của nó.
  
Hôm qua cũng không có biến gì căng ở lớp nên hôm nay thoải mái hẳn. Tôi về chỗ ngồi cất balo, đánh ánh mắt nhìn sang Trinh đang đọc sách chăm chú, đeo tai nghe, tóc thả dài xuống che lại. Trông có vẻ mọi thứ đang cố tình che khuôn mặt xinh xắn ấy lại chứ không phải che tai nghe. Vừa bồn chồn vừa thấp thỏm, tôi đang lưỡng lự không biết có nên sang đấy nói chuyện với Trinh không. Hay lại làm phiền người ta như hôm qua nữa đây.
  
Tôi ngồi bên dãy này mà mắt ngó sang dãy bên kia, ấy lại còn mang tâm trạng khổ sở, phân vân vô ngần. Chợt tôi thấy nhỏ Ý ngồi cạnh Trinh quay sang nói gì đó, xong hai người đứng dậy đi ra khỏi lớp. Trinh ôm quyển sách trước ngực, kín đáo và dịu dàng trong tà áo dài trắng thướt tha lướt khỏi tầm mắt tôi. Giờ tôi mới nhìn kĩ Trinh hơn, hai má hơi hồng tí, láng mịn, tóc vẫn như cũ, cái cách thả tóc chết người ấy không lẫn đi được.
  
Sau cũng không có việc gì làm, Huy Béo lại chưa đến lớp, thằng Nguyên thì đi đâu mất tiêu trong khi balo nó đang ở trong hộc bàn. Tôi chán nản thò tay vào balo rút đại một quyển sách hay vở gì đó ra để xem, ngờ đâu lại trúng quyển vở trắng cho môn Công nghệ hôm nay. Tôi lật ra chính giữa vở rồi hí hoáy vẽ bậy giết thời gian.
  
Tôi vẽ một căn nhà mái lá đơn sơ, bên trái có hai cái cây xanh, vẽ luôn cái xích đu rồi vẽ hai con người que đang ngồi trên đó, lại điểm thêm tóc dài, tay ôm quyển sách,... Mải mê vẽ mà tôi nào hay có một "con chằn lửa" đang đứng chống nạnh xem ở bên cạnh tôi.
  
- Giật cả mình. - Tôi thốt lên, vội đóng vở lại..
  
- Vẽ gì đẹp vậy? - Mai cười khúc khích.
  
Vẻ mặt nàng ta rất bình thản. Trên môi tuy nở nụ cười nhưng ánh mắt thì cứ chăm chăm nhìn vào quyển vở và có lẽ là đang cố nhìn xuyên thấu từng trang, từng trang một để xem bức tranh có gì.
  
Tôi thoáng rùng mình, da gà nổi hết cả lên, cố lấy giọng quát:
  
- Điên à! Về chỗ!
  
- Vẽ xấu như ma le mà bày đặt che với giấu. Không thèm xem.
  
Mai nguýt dài rồi tém tà áo dài, ngồi xuống ghế, không thèm để tâm đến bộ mặt đầy gân xanh của tôi.
  
- A cái con nhỏ này?
  
- Tui sao? - Mai quay xuống đưa mặt vẻ thách thức.
  
Sẵn tay tôi cầm quyển vở đập vào mặt nàng ta một cái nhẹ. Mai giật mình né ra phía sau rồi gằn giọng mắng tôi mấy câu đại loại là bạo lực, vũ phu. Cô ấy liền dỗi, bỏ đi ra ngoài.
  
- Ê thằng quỷ? - Có người đập vai tôi.
  
Tôi quay lại thì thấy Huy béo và thằng Nguyên đang ngồi xuống, hai thằng nó cười gian đáng ngờ.
  
- Gì đấy?
  
- ...
  
Tụi nó không nói gì, chỉ cười và nhìn tôi với con mắt long lanh, tội nghiệp.
  
- Hai thằng mày điên à? Sao đấy?
  
Tôi né người dần dần về bên trái vì chúng nó đang ngày càng nhích lại gần tôi với con mắt thèm thuồng.
  
- Tao muốn… ăn cá.
  
- Tao thèm cá.
  
Tụi nó nhào tới mỗi thằng chụp lấy một cánh tay tôi lắc lắc vòi vĩnh. Tôi hãi hùng nhìn cái cảnh chúng nó đang bất phân giới tính, bất ổn định tinh thần mà làm ra cái chuyện khiến người ta khiếp sợ.
  
- Cút!
  
Tôi nộ nạt bọn nó nhưng không nhịn được cười. Cái vẻ mặt mà cố nghiêm túc nhưng không thể, rồi mỉm cười nhưng cố gắng không thể nó trông hài đến khó tả. Chỉ một chút nữa thôi là tôi đã xả vai thanh niên nghiêm túc mà nhập vai chúa hề với hai thằng nó luôn rồi.
  
- Thôi mà người anh em!
  
Tôi liền này ra ý định chọc ngoáy tụi thằng Thái đang ngồi ở dãy bên kia bèn ra hiệu cho hai đứa nó tụ lại nói nhỏ. Hai thằng nó liền gật đầu, nghe theo răm rắp đợi tôi dứt lời thì Huy Béo liền nắm tay nắm chân tôi kêu gào, van xin tha thiết:
  
- Đại nhân, ơi đại nhân. Kẻ tiểu nhân hèn mọn này có nỗi niềm mong cầu với đại nhân.
  
Thằng Nguyên thấy vậy mém bật cười nhưng cũng nhanh nhảu hùa theo.
  
- Ối Phong đại nhân, ơi Phong đại nhân. Bọn tiểu nhân như tôi đây nào dám hà hiếp người ta nữa hả đại nhân. Mong đại nhân bao dung mà tha thứ lỗi lầm.
  
Cứ thế tụi nó diễn trò kêu gào trong sự ngơ ngác của lớp, tôi thì ngồi im làm mặt nghiêm trọng hết sức có thể còn trong lòng thì như muốn cười bò ra đất mà chết thôi. Mọi ánh nhìn trong lớp đổ dồn về phía bọn tôi, có đứa phải cười nắc nẻ vì tụi này diễn hài quá, mà tôi thì cũng muốn phun ra cười mất. Duy chỉ bọn thằng Thái đứng giận tím mặt, đập bàn tức tối với thằng Hưng rồi kéo đi ra ngoài.
  
Đợi bọn nó đi mất tôi mới phì cười bảo hai thằng ôn này thôi làm trò. Tụi nó cũng té ra cười cho đã rồi khẽ hỏi tôi phản ứng của bọn thằng Thái ra làm sao. Nghe xong tụi nó khoái chí cười không ngớt. Gì chứ kháy đểu là cái trò vui nhất, hơn là kéo vào hốc rồi bụp nhau bầm mình dập mảy.
  
Làm trò một hồi thì thằng Nguyên mới thông báo tin quan trọng cho tôi biết. Hóa ra hôm nay thằng này đến lớp sớm rồi lâng la ra bãi xe của lớp tìm thằng Tuấn kết thân. Đại khái nó nắm được sơ sơ thông tin từ thằng Tuấn về những lần xe bị phá hỏng mà chính thằng Nguyên cũng lại là một trong số những nạn nhân đó. Nó còn bảo thằng Tuấn đã đồng ý giúp bọn tôi trông chừng xe, chỉ cần thấy có động tĩnh là alo bọn này ra tận chỗ hốt xác "mấy con chuột nhắt" kia rồi. Tôi với Huy Béo mừng rỡ, không ngừng vỗ vai tán thưởng thằng Nguyên làm việc không những mau lẹ mà còn dứt khoát. Tôi bảo:
  
- Chuyện này cũng chưa chắc xong đâu. Ngày nào tụi nó chưa trực tiếp làm cho tao một vố thì vẫn còn kéo dài sự dày vò này.
  
- Thế bây giờ phải làm sao? - Huy Béo hỏi sốt sắng.
  
- Án binh bất động.
  
Hai đứa nó tỏ ra thắc mắc, ghé sát lại tôi hỏi dò. Sẵn đấy quyển vở công nghệ, tôi mò mẫm trong balo lấy ra cây bút rồi viết ra vở một kế hoạch chi tiết. Bọn nó nhanh chóng xem xét từng mục, vừa xem vừa gật đầu, chốc chốc lại khẽ nhăn mặt khó hiểu.
  
- Đợi chân tao lành hẳn thì chơi tới bến với tụi nó…
  
Chưa kịp dứt lời thì tiếng của nhỏ Mai đã gào thét tên tôi ở tận ngoài cửa phòng học.
  
- Ông Phong!
  

Nhấn Mở Bình Luận
Tham gia group Facebook: Phố Truyện - Đọc truyện chữ mới nhất để đọc truyện sớm nhất và yêu cầu truyện mà bạn muốn!
Các bạn thông cảm vì website có hiện quảng cáo để vận hành và duy trì
Mọi người vẫn ủng hộ chúng tớ để ra chương sớm nhất nhé!