Lọc Truyện
Từ ngày 03/08/2024: TruyệnAzz sẽ chuyển sang dùng tên miền truyenazzmoi.com.Mong các bạn tiếp tục ủng hộ chúng mình và nhớ tên miền mới này nhé truyenazzmoi.com


Bọn tôi vừa mải mê nướng cá vừa nói chuyện phiếm với nhau. Tôi dừng lại giây lát, đưa ánh nhìn chăm chú vào vẻ mặt thích thú của hai thằng bạn mà lòng cảm thấy ấm áp lạ thường, vui sướng nhảy múa không ngừng như ngọn lửa hồng trước mặt. Lâu rồi tôi mới có người làm bạn và trở lại tuổi thơ ngày còn bé hay sống như thế. Bầu không khí vui vẻ, thú vị, đậm chất của một buổi dã ngoại hiện lên trong chiều tà. Tôi cũng hòa vào những tràng cười đùa, náo nhiệt của hai đứa nó. Việc còn lại chỉ đợi cá chín là sẽ lao vào xử lý ngay. Chợt thằng Nguyên gợi chuyện, tay nó không ngừng xoay cái que xiên cá.
  
- Cô Vân về rồi à Phong?
  
Tôi chỉ khẽ mỉm cười gật đầu, cầm cái cây khều vào đống lửa cho nó cháy bùng lên những đốm hoa lửa.
  
- Mà cô tới đây chi nhỉ?
  
Coi vậy mà thằng Huy lại thắc mắc đúng vấn đề khiến tôi thoáng bối rối chưa biết phải kể ra làm sao. Suy nghĩ liếng thoáng, tôi bắt đầu nhập trận.
  
- Tụi mày nghĩ giúp tao xem, sắp tới tao nên chuyển ra ở chỗ nào sẽ được?
  
Không ngần ngại hay một chút lưỡng lự nào, hai đứa nó đều thi nhau bảo tôi chuyển ra nhà trọ gần trường, không thì cũng là gần nhà một trong hai đứa nó.
  
- Mà khoan. Thằng khùng này, chẳng phải mày đang ở đây hay sao? Tự nhiên lại đòi chuyển ra ở trọ là thế nào?
  
Huy Béo hất hàm nhìn tôi, chắc nghĩ tôi đang nói đùa để trêu bọn nó. Chẳng phải khi nãy bọn nó bảo thích nơi này, còn định sẽ thường xuyên đến đây chơi đấy hay sao. Giờ tôi bảo thế khác nào tôi đang cố ý chọc ghẹo bọn nó. Thế là tôi bị hai thằng lườm tóe lửa. Đến đây tôi đành kể lại cuộc trò chuyện giữa tôi, cô Vân và ông nội.
  
Nghe xong bọn nó chỉ biết “Hả” rồi há hốc mồm nhìn tôi không chớp mắt.
  
- Cô Vân là mẹ của Mai mà? - Thằng Huy nói.
  
- Thì sao? Tao biết mà.
  
Rất nhanh hai đứa nó nhào đến vật tôi ra đất mà hùa nhau cù lét, đấm yêu cho mấy cái đến ê cả người. Tôi la bài hãi trong chiều chạng vạng ở ngoài sông, còn bọn nó thì miệng không ngừng mắng tôi. Tôi nhanh trí la lên dọa Huy Béo rằng mấy con cá cháy khét thì nó mới chịu thôi.
  
- Này là cảnh cáo mày đấy nhé. Về nhà cô Vân ở mà lén phén gì với Mai là chết mày lần nữa với bọn tao.
  
Tụi nó ném cho tôi cái nhìn rõ là trêu, với nụ cười nửa cay cú nửa vui mừng.
  
- Tao có đồng ý với cô Vân là về đấy đâu, hai thằng khùng này!
  
- Ơ, thế mà không chốt luôn đi còn đợi cái gì. Hay là để bọn tao tới nói với cô Vân giúp mày ha, tiện thể kéo luôn Mai vào. Mày có mà chạy đằng trời.
  
Thằng Nguyên đáo để tham gia kích đểu tôi. Hai thằng ôn này sao lại cố gắng tìm cách đẩy tôi về phía lựa chọn đó nhỉ? Tôi liền hỏi:
  
- Khoan, sao tụi mày lại ủng hộ chuyện này nhiệt tình thế? Tao đâu có muốn.
  
- Bởi người ta nói người chết không biết mình chết. Cũng như thằng ngu không biết mình ngu vậy. Mày ở trong cuộc, sao mày thấy hết toàn cảnh. Như bọn tao ở ngoài thì thấy mày ở đây tuy có thoải mái, có tự do các thứ nhưng điều kiện sống không có đảm bảo từ ăn ở cho tới học hành. Không phải tao sống trong thành phố mà lên mặt với mày như thế này đâu. Nhìn xem, ông nội mày ở đây một mình mà tuổi đã cao rồi, lo lượm nhặt thì được bao nhiêu đâu, ông tự lo thân còn chưa xong, huống chi ông cũng tính là vào viện dưỡng lão rồi. Đùng một cái mày xuất hiện làm chậm lại thời gian của ông. Chưa hết, giờ cô Vân có lòng tốt, thương mày đến mức muốn tạo điều kiện chỗ ăn chốn ở cho mày. Chưa kể, ở gần Mai, cô Vân thì việc học của mày chẳng phải tốt hơn bọn tao ngàn lần hay sao? - Thằng Nguyên chặc lưỡi phân tích.
  
Tôi thoáng đồng ý những lời nó nói nhưng cái suy nghĩ cố chấp lại kéo tôi về với thực tại rằng tôi vẫn đang bảo thủ. Tôi im lặng, cầm cây que chọc chọc ngọn lửa trong vô thức. Giây lát tôi rơi vào hoang mang mà nói:
  
- Tao không biết phải làm sao nữa.
  
- Bọn tao đều đã hiểu hoàn cảnh của mày, cũng mong mày có cuộc sống tốt hơn nhiều hiện tại. Và chắc có lẽ hiện tại thì chỉ có cô Vân làm được điều đó thôi.
  
Huy Béo cầm xiên cá rô lên vừa ngửi vừa nói. Tôi cũng đoán được thằng này nói cho có lệ thôi chứ trong đầu nó đang phân tích xem con cá đó đã chín hay chưa và nên ăn như thế nào. Thằng Nguyên chợt la lên:
  
- Tao biết rồi! Cô Vân… bắt rể!
  
Tôi với Huy Béo như muốn té ngửa ra. Rồi Huy Béo cũng hùa theo. Nó còn đem chuyện mấy ngày trước ra mà tường thuật như đài truyền hình với thằng Nguyên. Nghe những lời bọn nó đàm tiếu trước mặt mà tôi thấy nóng rang cả người nhưng không làm gì được với một cái chân bị đau mà tụi nó thì lại tới bốn tay bốn chân hai cái đầu. Chỉ tính riêng Huy Béo thôi là đủ ném tôi xuống sông rồi.
  
- Bớt luyên thuyên linh tinh đi, cá chín rồi đây này. - Tôi bảo bọn nó.
  
- Để tao đem vô cho ông nội.
  
Huy Béo nhanh nhảu quay lại, định cầm xiên cá thì bị thằng Nguyên giật phăng.
  
- Mày đưa tao. Nhìn mặt mày ham ăn lắm, sẽ bị mất khúc cho coi. Đưa đây!
  
- Cái thằng. Tiếc thật chứ.
  
Huy béo ngồi xuống, xiên mấy con cá rô rồi ngồi thừ người ra nướng.
  
- Huy! Theo mày thì tao nên làm sao đây?
  
Tôi hỏi nó, tay tháo một con cá rô xuống, cẩn thận bóc lớp vảy cháy đen để lộ ra mảng thịt trắng ngần, thơm phức. Tôi đưa cho Huy Béo. Nó đón lấy, ngửi lấy ngửi để rồi bắt đầu ăn ngon lành.
  
- Thì tao nói rồi đó, mày nên qua nhà cô ở đi, có cô với Mai lo.
  
- Hơi bất tiện nhỉ?
  
- Cái thằng này! Tận hưởng đi, Mai dễ thương thế mà. Mấy ngày nay chẳng phải mày với Mai hay bám nhau, cãi cọ đấy sao? Ý trời đấy.
  
Nó cười hền hệt trong thấy ghét. Một câu cũng trêu tôi với Mai. Hai câu cũng gán ghép cho bằng được. Cứ y như rằng đoạn nhân duyên này mà không thành thì nó ăn không ngon, ngủ không yên, thây không được mập mạp vậy đó.
  
- Nhưng mà… – Tôi ngập ngừng. - Hiện tại tao không có thích Mai.
  
Nó không nói gì cả, chỉ mải mê liếm láp con cá béo ngậy tội nghiệp.
  
- Tao nghĩ tao thích Trinh hơn.
  
Nó nghe thế liền đực mặt ra làm rớt luôn cái xiên cá xuống đất. Đúng lúc thằng Nguyên đi ra với cái điệu bộ siêu nhân biến hình. Thấy bọn tôi không quan tâm nên nó cũng đứng hình giây lát, sau tiến lại và ngồi xuống bên cạnh.
  
- Sao căng thế hai friend?
  
- Nó nói nó thích nhỏ Trinh mới chuyển vào lớp mình. - Huy Béo nói một cách hụt hẫng.
  
Thằng Nguyên mắt chữ A mồm chữ O không nói nên lời. Thế là tôi đành kể lại cái đêm ra biển và tình cờ gặp Trinh. Tôi kể tới đâu hai đứa nó đều gật gù theo.
  
- Đấy. Chuyện như vậy.
  
- Thì cũng phải thôi.
  
Thằng Nguyên đưa Huy Béo một que cá khác.
  
- Tao thích Trinh, tụi mày ủng hộ chứ? - Tôi ngước mặt lên nhìn từng thằng rồi hỏi.
  
- Mẹ kiếp. Ăn cũng không ngon miệng. - Thằng Huy lại ném xiên cá xuống đất. - Tất nhiên là tao ủng hộ mày rồi thằng chó. Đền tao con cá!
  
- Quăng chi rồi bảo nó đền. - Thằng Nguyên cười phá lên. - Tao thì tao ủng hộ tất, miễn mày thấy đúng là được.
  
- Cảm ơn hai thằng khốn nạn. - Tôi cảm động, rưng rưng nước mắt. - Đây! Tao đền mày nguyên con lóc nướng.
  
Huy Béo nhận lấy con cá, mặt hớn hở như con nít vòi được quà. Đôi mắt nó sáng rực trong ánh lửa, bất giác khiến tôi cảm thấy có chút sai sai ở đâu đó. Thế là nó cũng buộc miệng mà nói lên vì quá vui sướng.
  
- Làm eo kiếm chuyện nãy giờ cuối cùng cũng được con cá lóc.
  
- À thằng chó. Xử nó đi Phong. Dành lại con lóc.
  
Tức thì thằng Nguyên nhào tới vật nó ra đất, tôi cũng mặt xác cái chân đau mà rướn người cố giành lấy lại con cá lóc. Sau một hồi chí chóe với nhau thì ba thằng cũng chịu ngồi yên, xé từng miếng thịt cá béo ngậy ra, chấm muối trắng và bỏ vào miệng thưởng thức. Huy béo rên lên sung sướng.
  
- Ngon chết đi được. Đó giờ tao mới ăn thứ cá ngon thế này.
  
Tôi bắt đầu kể về cuộc sống ở quê ngày trước. Kể tới đâu tụi nó trầm trồ, khoái chí theo. Nằng nặc đòi tôi phải dẫn bọn nó làm một chuyến về quê tôi, trải nghiệm từng lượt các món ăn chơi “nhà quê” cho biết. Tôi còn khiến Huy Béo chảy dãi khi nói về món cá lóc chiên xù hoặc hấp hành mỡ, cuốn bánh tráng kèm rau sống và khế chua, chấm nước mắm me non ở quê. Nó chỉ hận là con cá vừa rồi chưa đủ cái dạ dày không đáy của nó mà không thể làm gì được hơn nữa.
  
Ngọn lửa dần tàn cũng là lúc bọn tôi kết thúc buổi tiệc dân dã. Bọn nó lễ phép chào tạm biệt ông nội rồi đạp xe ra về. Tuy đã kết thúc một buổi chiều đẹp đẽ nhưng trong lòng tôi khi đó vẫn còn một chút nắng chiều rạo rực. Tôi vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng cho chính mình.
  
Tôi vào trong tắm rửa rồi ra bàn ngồi nói chuyện với nội. Ông vẫn còn ngồi đó, một chân thả xuống đất một chân đặt trên ghế, cánh tay trái tì lên bàn, tay phải thì mân mê ly rượu gạo trắng đục. Mắt ông nhắm nghiền, khẽ gật gù theo bản cải lương đang phát ra từ chiếc radio cũ kỹ.
  
Tôi chưa vội nói chuyện, ngắm nhìn ông nội thật kỹ và thu vào tâm trí cái khoảnh khắc này giống như ngày trước tôi hay làm với ngoại. Bà ngoại tôi cũng hay ngồi một mình và nghe nhạc tân cổ trên tấm phản ở gian nhà sau. Chốc chốc bà lại nhai trầu, cái miệng đỏ au rồi nhổ phọt phẹt vào trong cái thố đựng bã. Và giờ thì những hình ảnh đó chỉ còn trong ký ức của tôi, không có cách nào để diễn tả lại được cả. May thay hình ảnh ông nội lúc này lại khắc họa được phần nào hình bóng thân quen ấy, khiến tôi nhớ đến và khóc bất chợt. Nghe tiếng tôi nấc nghẹn và sụt sịt mũi, ông nội mở mắt tu sạch ly rượu rồi hỏi dò:
  
- Nhớ nhà hay sao nhóc con?
  
Tôi khẽ gật đầu, đưa tay gạt những giọt nước mắt mặn chát.
  
- Nội! Con không muốn đi.
  
- Cái thằng này. Ông muốn mày đi, có người lo cho ăn ở tốt hơn thì sao không chọn?
  
- Con sợ ông ở một mình buồn. Trước giờ ông ở một mình không sao, tự nhiên con xuất hiện, ông dần quen với cuộc sống ngày thường có thêm một người bầu bạn. Giờ thì…
  
Ông nội không đợi tôi nói hết câu đã vội bác bỏ cái suy nghĩ non nớt của tôi đi.
  
- Sắp tới ông vào trại người già ngay ấy mà. Ở trỏng thiếu gì người bầu bạn.
  
- Con biết nhưng mà… con...
  
- Ông sống hơn nửa đời người rồi, chuyện ở đời này còn ngang trái hơn mày nhiều. Nhưng mà chung quy lại thì người ta đau khổ cũng chỉ bởi cái tính bảo thủ cố chấp con à.
  
Ông dừng lại giây lát, vẻ mặt trầm tư nhìn ra bên ngoài. Tôi biết ông nội sắp dạy bảo nên im lặng, đợi ông nói tiếp.
  
- Như vợ ông ngày xưa, cũng cố chấp sống chết nhất định phải theo ông đấy sao. Kết quả là gì? Bả chết rồi. Bả còn trẻ như thế kia mà!
  
Ông nội mếu máo, nấc nghẹn nhìn lên di ảnh của người vợ trẻ trung đã quá cố. Tôi thấy mình thật xấu hổ, cũng nghẹn ngào theo ông. Hồi lâu ông mới bình tĩnh mà tiếp tục trò chuyện. Ông bảo:
  
- Đây là cơ hội chứ không phải điềm gở. Có bao nhiêu người được cô giáo Vân thương như con đến thế hả Phong? Ông cũng thương mày nên chỉ có như vậy là tốt nhất. Chứ ở đây, tốt thế nào được?
  
Tôi cúi mặt suy ngẫm những lời ông nội nói. Trong lòng tôi xốn xang lắm. Tôi biết mình bị lung lay mất rồi. Nhưng sao tôi vẫn chưa thể tin vào được ý muốn của chính mình. Đến thời khắc ngay lúc này, tôi đã hiểu mình dằn vặt đến như vậy không biết là vì thật sự lo lắng cho ông nội hay chỉ đơn giản là tôi đang cảm thấy đau khổ vì cuộc đời cứ bắt tôi phải gặp gỡ những điều chia ly dễ dàng như thế.
  
Tôi đã hiểu câu chuyện này rồi, mọi thứ sao mà đơn giản quá đỗi. Chỉ cần tôi đồng ý với lời đề nghị của cô Vân thì tôi sẽ có nơi ăn chốn ở tốt, điều kiện học hành rất đảm bảo. Ông nội thì cũng vui vẻ vào viện dưỡng lão sinh sống, nơi đó cũng có những người bạn già bầu bạn qua tháng hết ngày. Vậy mà tôi cứ nhất quyết phải đau khổ lên buồn tủi xuống hết thảy. Tôi thật tồi tệ và đáng trách làm sao.
  
Nhớ lại lời của Huy Béo nói lúc nãy ngoài bãi sông “Cứ nghe theo lời người lớn, những người mà mày yêu quý và tin tưởng. Bởi vì họ cũng tin tưởng và yêu thương mày nên sẽ luôn muốn mọi sự tốt nhất đến với mày.”. Một lần nữa tôi thấy lời nó nói là vô cùng có lý. Tôi nghĩ đã đến lúc phải chấm dứt sự giày vò trong tâm trí mình mà đưa ra quyết định cuối cùng.
  
- Ông nội, con… con quyết định rồi. Con sẽ đồng ý với lời của cô Vân và xin nghe những lời ông chỉ bảo. - Tôi ngước mặt lên nhìn trực diện vào mắt ông, nói một cách khẳng khái. - Nhưng nhất định ông phải cho con đi xin vào viện dưỡng lão chung thì con mới an tâm.
  
- Cái thằng này sợ ông xạo sự à. Mà thôi cũng được, sáng mai đi ha? – Ông cười hiền hậu nhưng không giấu đi được tâm sự của mình đằng sau ánh mắt ứa lệ.
  
- Sáng mai con với nội đi nhặt ve chai bữa cuối được không, rồi sáng mốt mình đi cũng được mà!
  
Ông nội liền đồng ý ngay, vẻ mặt tươi hơn hẳn. Hai ông cháu tranh thủ dọn cơm ra ăn, vừa ăn vừa trò chuyện với nhau về những ngày xưa, một thời oanh liệt của ông. Buổi cơm tối tuy đạm bạc nhưng mặn mà bởi những câu chuyện hài hước mà ông nội kể. Tôi nhủ thầm trong lòng “Không biết cuộc đời mình có đủ mặn như thế hay không? Hay là mặn chát bởi nước mắt đây chứ?”. Thôi thì cứ sống tốt với những gì xảy ra trước mắt đi đã. Chuyện của sau này, hãy để sau này đối phó vậy.
  
Đêm hơn mười giờ, thành phố Phan Thiết đón cơn mưa cuối mùa.
  

Nhấn Mở Bình Luận
Tham gia group Facebook: Phố Truyện - Đọc truyện chữ mới nhất để đọc truyện sớm nhất và yêu cầu truyện mà bạn muốn!
Các bạn thông cảm vì website có hiện quảng cáo để vận hành và duy trì
Mọi người vẫn ủng hộ chúng tớ để ra chương sớm nhất nhé!