Lọc Truyện
Từ ngày 03/08/2024: TruyệnAzz sẽ chuyển sang dùng tên miền truyenazzmoi.com.Mong các bạn tiếp tục ủng hộ chúng mình và nhớ tên miền mới này nhé truyenazzmoi.com


Tôi đến chỗ nội, bảo ông rằng hôm nay cô giáo chủ nhiệm mong muốn được về thăm nhà. Tiện đó tôi cũng rủ hai thằng bạn là Thái Huy và Gia Nguyên về cùng để chơi. Ông nội đồng ý ngay tắp lự, đưa nón bảo hiểm cho tôi rồi giúp tôi lên xe. Ngồi ngay ngắn lại tôi gọi bọn thằng Huy ra cổng. Hai đứa nó dắt xe đi ra, thấy tôi đang ngồi đằng sau một người đàn ông lớn tuổi liền chạy đến lễ phép chào hỏi. Một lúc sau cô Vân cũng đẩy xe ra, chào hỏi nội tôi:
  
- Nay con xin phép theo em Phong về nhà xem hoàn cảnh như thế nào. Chú có phiền không?
  
- Không sao đâu cô giáo, chỉ mong cô thông cảm cho cháu nó thôi chứ tôi cũng không vấn đề gì.
  
Cô Vân tỏ ra ngạc nhiên nhưng cũng không hỏi gì thêm. Ông nội đạp máy xe đi trước, cô Vân và hai thằng kia đi theo sau. Chúng tôi đi chầm chậm phần vì để hai thằng kia đạp xe theo kịp, phần ông nội sợ đi nhanh đường sốc làm cái chân của tôi phát đau.
  
Suốt đường đi cái tâm trạng lo lắng luôn ám trong đầu khiến tôi hoang mang cho tình hình một chốc nữa khi mà sẽ về tới nhà. Tôi sợ hai đứa kia ái ngại rồi lại nảy sinh mấy chuyện không hay. Cũng có thể là tụi nó khinh dễ tôi không biết chừng. Với lại cô Vân sẽ nghĩ sao về tôi đây? Dù gì bọn họ cũng là dân thành phố, tôi lại là dân nông thôn đất huyện quê mùa thì mấy chuyện này sao không ái ngại cho được. Nó cứ như rằng là định kiến và đã tồn tại trong đầu tôi từ ngày còn bé rồi.
  
Ban đầu tôi chỉ có ý định rủ hai thằng Huy và Nguyên về nhà chơi là để xem thử hai thằng bạn mới này ra sao, nhưng bây giờ thì mới bắt đầu cảm thấy lo lắng dần. Đâu thể nào ngờ được sự đường đột của cô Vân chứ.
  
Bình thường tôi đi xe đạp là mười phút thì nay đi xe máy của nội tôi chỉ muốn đi cả đời vẫn chưa tới chỗ vậy. Nhưng đâu tránh được ý trời, còn một lối rẽ nữa là về tới "tòa lâu đài" của tôi và ông nội rồi.
  
Nội chạy xe xuống con đường đất nhỏ, hai bên là bụi rậm với cỏ lau mọc um tùm, phía sau đám cỏ lau dày đặc đó là con sông chảy ngang qua. Sao hôm nay tôi lại ghét cái con đường này thế nhỉ? Bình thường tôi thích nó lắm. Nó trông như một trận địa vậy. Nếu mà chơi trận giả ở đây với tụi bạn thì còn gì thú vị bằng. Nhưng vẫn còn phải xem ngày hôm nay như thế nào đã. Thật hồi hộp đến nghẹt thở. Tôi bắt đầu tháo mồ hôi và rơi vào bần thần, đến nỗi xuống xe trong vô thức mà cũng chẳng hay.
  
Ông nội thì vừa xuống xe đã chạy vào trong chuẩn bị nước với một ít hạt dưa đem ra cái bàn ăn và tốc hành dọn dẹp lại rác rến xung quanh nhà, mấy cái chai nhựa, mảnh sắt mà nội nhặt được thì bị đá tém vào một góc, trông có vẻ gọn gàng hơn.
  
Cô Vân cùng hai thằng kia chạy xe từ từ vào. Tụi thằng Huy, Nguyên nhìn xung quanh rồi há hốc mồm, vừa chống tó xe xuống là chúng nó đã chạy bộ thẳng ra sông nghịch nước, đùa giỡn chí chóe mà chẳng hỏi han ai cái gì. Tôi chống nạn đi lại chỗ cô:
  
- Cô thông cảm cho em, điều kiện quá bất tiện nên...
  
- Không sao đâu Phong.
  
Cô nhìn tôi trìu mến, giọng nói chứa đầy sự cảm thông rồi nhìn khắp một lượt “căn nhà" của tôi và nội.
  
- Cô ngồi đi. - Nội tôi nói.
  
Tôi thấy vậy nên chống nạn ra chỗ hai thằng kia, để trong đây cho cô và ông nói chuyện. Thấy tôi vất vả chống nạng đi ra, bọn nó lườm tôi một cái rồi cũng mặc kệ. Đi lại gần hơn, tôi ngồi xuống một tảng đá cuội, ổn định rồi mới hỏi chúng nó:
  
- Tụi mày thấy thế nào?
  
- Đừng nói với tao là mày ở đây từ mới sinh ra tới giờ luôn nha? - Thằng Nguyên hỏi lại.
  
- Không.
  
- Chứ cái chỗ này là sao?
  
Tôi gọi bọn nó lên, đợi ổn định thì mới kể lại mọi chuyện từ lúc nhận lớp cho đến bây giờ. Nghe xong, thằng Nguyên liền nhướng mày, nói:
  
- Ế tính ra mày đáng thương thế à Phong?
  
Nghe thằng Nguyên nói thế tôi cũng thoáng sững sờ. Ngoại trừ những người lớn mà tôi quen biết và yêu quý thì đây là người cùng vai phải lứa đầu tiên nói với tôi như vậy. Chí ít tôi cũng cảm thấy mình được tôn trọng trong mắt của một người bạn. Thoáng chạnh lòng, tôi cố giữ bình tĩnh để không phải nhào đến mà tẩn cho bọn nó một trận vì cái tội làm người khác cảm thấy xúc động.
  
- Tao… không biết. Mà mày thấy như vậy thì tao cũng vui rồi. Cảm ơn mày, Nguyên!
  
- Mày lại khách sáo quá Phong. Tính ra mày ở cái chỗ này cũng thú vị quá đấy. Vậy mà lại giấu nhẹm đi.
  
Huy Béo nhặt một viên đá cuội nhỏ ném mạnh xuống sông, vẻ mặt thích thú.
  
Đến đây thì tôi đã có đáp án cho câu hỏi của chính mình rồi. Tôi đã đúng và ngày hôm nay có phần sáng suốt. Tôi chỉ biết mỉm cười nhìn hai đứa nó đang thi nhau ném đá xem ai xa hơn.
  
- Tao từ nhỏ sống trong khu phố, có đi chơi thì cũng chỉ là ra biển hay đi chơi ở công viên. Đi riết cũng chán. Nay được đến chỗ này lạ lạ mà vui. Không nghĩ gần thành phố lại có cái nơi này.
  
- Đúng rồi. Trong đó toàn khói bụi, tao mà có ăn gì tao toàn chui vào phòng đóng kín cửa.
  
Nghe hai đứa nó thi nhau đấu láo, ca thán cuộc đời mà tôi bật cười. Bọn nó cứ làm như rằng cuộc đời của chúng nó bị bó buộc vậy. Phải nói rằng thời còn nhỏ, chẳng có tí gì là bó buộc cả. Tự do, vô tư và hồn nhiên. Lớn lên rồi, trở thành người có trách nhiệm hơn một tí thì mới gọi là bó buộc. Như tôi bây giờ thì chẳng có gì bó buộc được tôi cả. Tôi được tự do chọn lựa cuộc sống theo cách tôi muốn, miễn không làm hại ai là được thôi mà, phải không? Còn chúng nó, không phải là chịu bó buộc, mà chúng nó được bảo bọc, che chở và được gia đình nuôi dạy đủ đầy. Nói sao đây, chúng nó nên hiểu như thế mới phải.
  
Tôi thở dài thu hút sự chú ý của hai đứa nó.
  
- Chỗ này tao chỉ ở tạm thôi. Hết tháng tao phải tìm nhà trọ rồi. Dù sao ở đây mãi cũng không được.
  
- Chán thế. Ở đây có phải sướng không? - Thằng Nguyên than.
  
- Sướng con khỉ. Buổi tối nhé, từng con muỗi to như thế này này. - Tôi dùng cổ tay để miêu tả độ to của con muỗi. - Nó chích một phát là mày bất tỉnh tới sáng luôn.
  
- Xạo ke hả mày? Muỗi ngoài hành tinh à?
  
- Xạo mà cũng xạo ngu. Có tin tụi tao nhận đuối mày không. – Thằng Nguyên hất nước lên người tôi.
  
- Đừng manh động. Đừng có manh động! Bình tĩnh, nghe tao hỏi. Tụi mày thích chỗ này thật à?
  
- Tất nhiên! Vẫn còn chưa xử mày cái tội giấu bọn này đấy nhá.
  
- Tao cũng như thằng Huy. Bạn bè mà mày ngại cái gì? Tao tin những gì mày kể lúc nãy chứ làm gì xạo bằng con muỗi to như cái cổ tay.
  
Thế là cả bọn nhìn nhau cười ngặt nghẽo. Nghịch nước một chốc quần áo hai đứa nó đều ướt cả. Thấy vậy tôi mới nảy ra cái ý nghĩ cho bọn nó thử món cá nướng trui mà ở quê tôi hay làm cùng đám trẻ con trong xóm. Hai đứa nó nghe tôi triển khai thì khoái lắm, nhất là Huy Béo. Nghe đến ăn là mắt nó sáng lắm. Nói gì cũng nghe theo răm rắp.
  
Thế là tôi tập tễnh đi vào trong lấy cái lưới con của ông nội ra, đưa cho bọn nó, bảo:
  
- Tụi mày phải lội sông một lần nữa, dùng cái lưới này mà lùa cá vào bờ, sao đó cứ việc mà kéo lên, hên thì có nhiều cá, xui thì ăn tạm mấy con cua.
  
- Nghe hấp dẫn vậy? Mà chắc có cá thôi chứ không có cua đâu.
  
Huy Béo cười tít mắt. Tôi thừa biết trong đầu nó đang có mấy con cá bơi qua lội lại không ngừng nghỉ đây mà. Tôi liền quát:
  
- Còn không mau đi chứ hả?
  
Cả Huy Béo và thằng Nguyên đều nhào xuống sông một cách dứt khoát. Trên bờ tôi liền réo tụi nó:
  
- Hai thằng ngu. Cởi áo trắng ra, chúng mày tính nhuộm đen à?
  
- Quên!
  
Thằng Nguyên hét vọng lên, cười chí chóe rồi cởi áo ra ném thẳng lên chỗ tôi.
  
- Cởi quần ra luôn! Cá rỉa rách bây giờ.
  
- Điên à! Cởi ra rồi cá rỉa mất dụng cụ bọn này thì sao?
  
Tôi đứng trên bờ không ngừng trêu bọn nó. Lúc thì kêu hai đứa nó phải kéo xa bờ. Khi thì lại bảo kéo từ trái sang phải. Hành hạ bọn nó một hồi thì Huy Béo quát lên:
  
- Thằng khốn, ăn có mấy con cá mà mày hành tụi tao! Chân mày mà không bị thương là tao nhận đuối mày ngay đấy!
  
Nghe nó nói thế tôi cũng có mấy phần rén người liền thôi. Tôi đi vòng qua chỗ bụi rậm nhặt mấy cành cây với cỏ lau khô, gom về để một góc. Toan nhóm lửa lên thì nghe tiếng ông nội gọi. Tôi liền chống nạn đi vào nhìn nội. Trong ánh mắt của ông thấp thoáng một chút buồn xen lẫn vui mừng. Tôi hơi khó hiểu, cũng đành ngồi xuống nói chuyện với cô Vân xem thử có chuyện gì mà ông nội nửa khóc nửa cười nhìn tôi như thế.
  
- Phong này, cô đã hiểu hết chuyện của em rồi. Cô rất xót xa về những điều đó…
  
- Cô hiểu cho em là được rồi ạ, em cảm ơn cô!
  
- Cô đã bàn rất kỹ với ông Năm rồi. Vì Phong đang tuổi ăn tuổi lớn, còn phải đi học nữa nên em phải có điều kiện sống tốt hơn thế này!
  
Tôi ngạc nhiên, không biết cô Vân muốn gì đây. Nhưng chí ít tôi hiểu cô không muốn tôi tiếp tục sống ở nơi này với ông nội.
  
- Cô và ông Năm thống nhất đón em theo cô về nhà để cô lo cho việc ăn học. Em thấy sao?
  
Tôi như bị sét đánh cho cứng đờ người trước món quà mà ông nội với cô Vân dành tặng cho tôi. Không biết tôi nên vui hay nên buồn hay là nửa khóc nửa cười như ông nội. Tôi quay sang nhìn ông một cách chăm chú như cầu cứu rằng ông chỉ bị cô Vân nói ép chứ thật lòng ông không hề muốn như vậy. Nhưng không. Tôi không phải ông nội. Ông liền lên tiếng bồi vào nhã ý của cô Vân.
  
- Đi đi con. Có cơ hội thì phải nắm lấy!
  
- Nhưng... nhưng mà như thế rất bất tiện cho cô chứ ạ?
  
- Không sao. Nhà cô còn một gian trống ở bên dưới. Cô với Mai không thấy bất tiện thì thôi chứ sao lại…
  
- Không được. - Tôi liền chen ngang. Em đi rồi nội ở đây một mình thì như thế nào đây? Dù gì nội từng cưu mang em. Sao em bỏ đi được?
  
Tôi bắt đầu đuối lý, chỉ biết bấu víu vào cái lý do ông nội mà cứu cánh tình hình. Nào đâu ông nội lại một lần nữa thẳng thừng chặt đứt sợi dây đó.
  
- Nay ông cũng ngoài năm mươi, già rồi. Bệnh tật thì thôi đi, lại còn hay lẩm cẩm. Cái công việc nhặt lượm này chả mấy đồng mà nuôi ông nuôi mày cả đời được. Huống chi mày còn ở với ông.
  
- Con tính hết tháng này ba gửi tiền vào con sẽ thuê trọ mới rồi đón ông theo về đó ở với con cho tiện. Con chưa từng có ý bỏ ông lại đây một mình... - Hai tay tôi bấu chặt lại, nghẹn ngào, mím chặt môi không dám bật khóc.
  
Tôi ngước mặt lên thì thấy ông nội đang khóc, nước mắt cứ lăn dài trên gò má khắc khổ, đầy nếp nhăn. Cả cô Vân cũng rưng rưng nước mắt, không nói được lời nào. Giây lát ông nội mới ôn tồn bảo:
  
- Thật ra, từ hồi chưa gặp mày thì ông tính vào trại nuôi người già neo đơn rồi, nhưng mãi mà chưa đi được thì lại gặp mày con à. Giờ thì mày có chỗ ăn ở tốt rồi thì nên theo đi con. Ông rồi nay mai cũng vào đó chứ sống ở đây cả đời không có được.
  
Hôm nay trời không mưa nhưng sao sét cứ đánh ầm ầm bên mang tai tôi thế này. Tôi chỉ như muốn nhào đến ôm ông lại và khóc một trận cho đã đời. Cớ vì sao cuộc đời lại cứ bắt tôi phải tận hưởng những phút giây vui vẻ ngắn ngủi và chóng vánh đến như vậy? Tại sao cuộc đời cứ phải đưa đến bên tôi những người khiến tôi cảm thấy yêu quý hết mực để rồi lại vội vã rời xa tôi đến như thế này? Tôi đặt ra hàng ngàn câu hỏi hỏi trong đầu mình rằng tôi đã sai ở đâu vậy chứ?
  
- Phong này. Em phải hiểu đây không phải là sự chia rẽ. Em vẫn có thể thăm nội thường xuyên được mà. Nội vào đó sẽ có điều kiện sống tốt hơn ở đây, lại được có người bầu bạn. Cô cũng sẽ giúp đỡ ông Năm trong việc giấy tờ để sớm được vào đó. Còn về phần em, bản thân cô tin em là một đứa trẻ ngoan và hiểu chuyện. Cô tin tưởng em, nhé Phong!
  
Cô Vân bảo rằng cô tin tưởng tôi. Dựa vào đâu để tôi có được niềm vinh dự lớn lao đó chứ? Dựa vào những điều đã xảy ra với tôi và chỉ vì tôi đáng thương hay sao? Tôi lúc này như một con rùa chỉ biết rụt đầu, thu mình vào trong cái mai cứng cáp với sự nhảy cảm và phòng thủ cao độ. Tôi im lặng, ánh mắt vô hồn nhìn xuống đất và chìm vào dòng suy nghĩ “dựa vào đâu?”.
  
- Em muốn suy nghĩ thêm, được chứ?
  
Tôi nhìn cô Vân với ánh mắt cương nghị.
  
Cả cô Vân và ông nội đều đồng ý. Mọi thứ chỉ còn đợi ở câu trả lời của tôi. Hoặc là tôi phải đưa ra được một phương án khác tối ưu, ngoại trừ việc tôi thuê trọ và ở một mình. Dĩ nhiên ông nội vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn vào viện dưỡng lão thành phố. Có lẽ đó là nơi ông chọn cho phần còn lại của cuộc đời mình. Và tôi biết, tôi không thể nào, không có quyền gì để ngăn cản ông thực hiện ý nguyện cuộc đời mình, ngoại trừ tôi có quyền tôn trọng và cầu nguyện cho ông.
  
Nói thêm với nhau vài việc cô Vân đã chuẩn bị và dọn sẵn đường cho tôi thì cô ra về. Tôi vẫn chưa thôi bần thần ngồi trên chiếc giường ọp ẹp mà suy nghĩ. Tôi chỉ muốn đưa ra câu trả lời ngay lập tức nhưng lại chẳng thể hiểu được lòng mình sẽ muốn gì. Tôi biết mình chỉ có một lựa chọn duy nhất là đồng ý với chuyện này. Nhưng tôi không cam tâm khi mọi thứ diễn ra một cách nhanh đến như vậy. Tôi sợ sẽ lại còn tiếp tục một cú rẽ ngang trái nào đó ập đến khiến tôi chao đảo và suy sụp hoàn toàn. Và chung quy lại tôi chỉ đơn giản là sợ hãi, sợ chính mình không còn ở đây nữa nếu chẳng may một biến cố nào đó đủ sức tàn phá ùa đến.
  
Chợt tôi nghe tiếng hai thằng kia đang chí chóe ngoài sông, liền nảy ra cái ý nghĩ xin ý kiến của bọn nó xem thế nào. Tôi liền quên cả đau mà nhảy lò cò ra tận bờ sông, réo chúng nó mau kéo lưới vào.
  
Chúng nó từ từ lội vào bờ, tay cầm lưới lùa cá, miệng vẫn không ngớt xuỳ xùa mấy con cá tội nghiệp. Tôi thì cố ngồi xuống, dùng mấy hòn đá to để kê lò, nhóm lửa lên.
  
Chốc sau, chúng nó kéo lưới lên thì chỉ thấy lác đác tầm chục con cá rô gai, to nhỏ đều có cả.
  
- Mẻ cá lớn ghê ha Huy? - Thằng Nguyên cười man trá.
  
- Tụi mày gỡ cá ra đi, coi chừng gai cá đâm sóc tay.
  
Tôi bảo chúng nó gỡ cá ra để nướng thì Huy Béo liền lắc đầu ngầy ngậy, nhăn nhó.
  
- Thằng vô tích sự, coi tao! - Thằng Nguyên nói rồi ngồi bệt xuống đất chăm chú gỡ từng con một.
  
Tôi ngồi nhìn bọn nó đang chật vật với cái lưới cá, xem xem sẽ bắt đầu như thế nào cho hợp lý để tụi nó hiểu mà đưa ra cao kiến chính đáng nhất. Chợt ông nội gọi tôi, bảo vào đem hai con cá lóc mà nội câu được hôm trước ra nướng. Con nhỏ cho nội nhậu, con to thì cho tôi thết đãi bạn. Tôi cười hớn hở quay sang bảo Huy Béo.
  
- Có cá ngon cho mày ăn rồi mập ơi.
  
- Thế à. Lấy nhanh đi.
  
Nói rồi nó dìu tôi đi vào trong. Mặt nó hớn hở đến nỗi chỉ thiếu điều vác tôi lên vai mà chạy cho thật nhanh vậy.
  
Tôi chống nạn chậm rãi đi, bên cạnh tôi là Huy Béo đang xách thùng nước nhốt hai con cá lóc. Chốc chốc nó dừng lại, hé nắp thùng ra ngắm nghía hai con cá tội nghiệp. Chắc từ bé đến giờ nó chưa được ăn cá lóc đây mà.
  
Khoảng mười lăm phút sau thì bên bờ sông ngoại ô thành phố đã nghi ngút khói chiều, thơm nức mũi mùi cá đồng nướng trui. Ba thằng tôi ngồi quây quần bên đống lửa nhỏ, kê mấy hòn đá, găm mấy cái que cây xiên cá nướng trên lửa đỏ. Trời về chiều hôm nay thật êm ả, bầu trời đang tối dần lại nhưng vẫn còn chút ánh sáng nhờ những đám mây đỏ rực. Gió chiều man mát thổi khiến không gian trở nên thi vị, êm đềm và vui vẻ.
  

Nhấn Mở Bình Luận
Tham gia group Facebook: Phố Truyện - Đọc truyện chữ mới nhất để đọc truyện sớm nhất và yêu cầu truyện mà bạn muốn!
Các bạn thông cảm vì website có hiện quảng cáo để vận hành và duy trì
Mọi người vẫn ủng hộ chúng tớ để ra chương sớm nhất nhé!