Lúc tôi vừa định bước lên xe thì điện thoại của Thành bỗng dưng đổ chuông, hình như có việc gấp nên đầu mày của anh khẽ cau lại, nói mấy câu, anh mới bảo người ở đầu dây bên kia: “Thế thì gửi qua đây tôi xử lý”.
Chị Uyên đợi đến khi anh cúp máy xong thì lập tức sốt sắng hỏi:
– Công ty có việc hả anh?
– Ừ, cần xử lý gấp.
– Vâng. Thế có cần em giúp gì không anh? Cần gì thì anh cứ bảo em nhé? Hoặc không thì để em với Quỳnh Chi xuống đây tự bắt taxi về cũng được, anh cứ xử lý công việc đi.
– Không cần, em lái xe giúp anh là được rồi.
Nói xong, anh mới liếc chiếc laptop tôi đang đeo bên hông, khẽ hắng giọng:
– Quỳnh Chi, em có dùng laptop không?
– À… không.
Tôi tháo laptop ra rồi đưa cho anh:
– Em định mang về nhà tối làm việc ấy mà. Anh cần dùng thì cứ lấy đi.
– Ừ.
Bởi vì anh phải làm việc nên tôi đành ngồi ghế phụ, nhường hàng ghế sau rộng rãi cho anh. Chị Uyên thì đảm nhiệm việc lái xe, nhưng khi bà ấy ngồi vào ghế lái, trong một khoảnh khắc, tình cờ tôi lại trông thấy ánh mắt của chị Uyên sượt qua một tia khó chịu.
Không rõ chị ấy khó chịu vì phải lái xe hay vì trên xe tự nhiên xuất hiện thêm tôi, nhưng chị Uyên là một thư ký giỏi, kinh nghiệm xã giao rất tốt, cho nên chỉ đúng một cái chớp mắt vẻ mặt đã trở về dịu dàng sắc sảo như thường. Thậm chí còn quay sang tôi cười bảo:
– Quỳnh Chi cài dây an toàn vào nhé, chị lái xe không giỏi lắm đâu, lỡ thỉnh thoảng phải phanh gấp thì nguy hiểm lắm đấy.
– Vâng, không sao ạ. Giờ này đường đông người lắm, với cả khu em chuyên tắc đường, chắc không đi nhanh được nên không lo phanh gấp đâu ạ.
– Ừ.
Chị Uyên liếc qua gương chiếu hậu, lúc này Thành đã đặt laptop của tôi lên đùi để xử lý công việc. Thấy anh không để ý đến chúng tôi, chị Uyên mới tiếp tục:
– À mà nghe nói em bị đau vai à? Đã đỡ chưa?
– Em đỡ rồi, sắp khỏi hẳn rồi ấy mà.
– Trật khớp vai là đau lắm đấy, em chịu khó đừng vận động nhiều không khó lành lắm. Trước em trai chị cũng bị, mà tính nó thích chạy nhảy, nắn khớp xong rồi không chịu ngồi yên, thế là được vài hôm lại viêm sưng lên, cuối cùng phải đi bác sĩ lần nữa đấy.
– Thế ạ?
– Ừ. Chị thấy Quỳnh Chi đợt này gầy đi, chắc đau không ăn được hả? Phải tẩm bổ nhiều cho nhanh lại sức nhé.
– Vâng, em biết rồi, cảm ơn chị ạ.
Chẳng biết sao chị ấy lại biết tôi bị đau vai, nhưng mà tôi không thích nói đến mấy chuyện đau ốm của bản thân trước mặt người khác, cho nên đành lảng luôn sang vấn đề khác:
– Hôm nay chị có việc ở gần công ty em à?
– Ừ, có ông khách hàng cứ đòi gặp ở quán cafe ở đường xxx, mà giờ này thì tắc đường, xe chị cà tàng quá không chạy nổi. Công ty Quỳnh Chi có bận không?
– Cũng hơi hơi chị ạ. Vào dịp cuối năm mà, công ty nào cũng chạy deadline cả. Nhưng chắc là vẫn không bận bằng Hằng Phong đâu.
– Ở đâu cũng như nhau thôi mà, chủ yếu là bên Hằng Phong có anh Thành sắp xếp công việc cho mọi người hợp lý nên các phòng ban làm việc đâu ra đấy lắm, cả bộ máy trơn tru nên công việc cũng thuận lợi với nhanh gọn hơn nhiều. Nói chung ai cũng làm vừa sức mình cả, có mỗi anh Thành là bận rộn nhất thôi.
Khi nói những lời này, ánh mắt của chị Uyên lại nhìn về phía chồng tôi, không giấu nổi vẻ ngưỡng mộ xen lẫn dịu dàng. Tất nhiên Thành đang bận rộn làm việc nên không thấy, còn tôi thì nhìn rõ hết, mỗi tội chướng mắt mà không làm gì được nên đành quay đi, thờ ơ đáp một câu:
– Vâng, anh ấy là con người của công việc mà. Bận rộn tối ngày, em quen rồi.
– Hơi bị ngưỡng mộ Quỳnh Chi đấy nhé, ít người biết thông cảm được như em lắm đấy. Mà bữa nào có thời gian thì đến Hằng Phong chơi đi, dạo này công ty vừa làm một phòng trà đẹp lắm, bên ngoài còn có một giàn nho nữa. Em là cổ đông lớn mà ít thấy đến thăm công ty nhất đấy.
– Vâng, có thời gian em sẽ đến.
Nói bâng quơ thêm một lúc thì cuối cùng xe cũng đến quán cafe mà chị Uyên hẹn khách hàng. Tất nhiên, chị ấy không thiếu chuyên nghiệp đến mức để khách chờ, nhưng phía sau còn có Thành, cho nên chị Uyên không xuống xe ngay mà rất khéo léo bảo anh:
– Anh ơi, hay là để em gọi taxi cho anh với Quỳnh Chi về nhé. Lúc nào xong việc thì em sẽ lái xe đến nhà cho anh sau được không ạ? Giờ này tắc đường lắm, anh lái xe về đến nơi sợ muộn làm việc mất, cứ ngồi taxi vừa đi vừa làm, vừa tiện vừa an toàn anh ạ.
– Không cần đâu.
Thành gập máy tính, ngẩng lên đáp:
– Xong việc rồi. Em cứ gặp khách hàng đi. Tý nữa lái xe công ty sẽ đến đón em sau.
– Thôi, xong việc em đi taxi về cũng được mà. Không cần phiền lái xe thế đâu anh ạ.
Chị Uyên cười cười, dời ánh mắt sang nhìn tôi:
– Với cả muộn rồi, Quỳnh Chi ngồi trên xe lâu chắc đau vai lắm. Anh cứ đưa Quỳnh Chi về đi, không cần phải lo cho em đâu ạ.
Tôi biết rõ những lời nói này chẳng phải quan tâm mình mà chỉ để Thành nghe thôi, nhưng trong lòng vẫn không khỏi thán phục chị ấy. Thư ký vừa xinh vừa giỏi, lại tinh tế khéo léo, không những không ghen mà còn lo lắng cho “vợ người yêu của mình” thế này, chẳng trách người từ nhỏ đến lớn không hề thích cô gái nào như chồng tôi cũng phải xiêu lòng.
Tôi ngại làm kỳ đà cản mũi của đôi tình nhân nọ nên bảo:
– Ôi em sắp khỏi rồi ấy mà, nếu anh Thành không bận nữa thì bọn em chờ chị về cùng cũng được.
– Thôi, thế thì phiền lắm. Sếp với Quỳnh Chi cứ về đi nhé. Em phải vào gặp khách hàng đây ạ. Chào Quỳnh Chi, lần sau gặp lại nhé.
– Vâng ạ.
Sau khi chị Uyên đi rồi, Thành cũng trả lại laptop cho tôi rồi ngồi vào ghế lái, lái xe đưa tôi về nhà.
Đường phố lúc ấy lẽ ra phải đỡ tắc đường hơn trước, nhưng vì phía trước có một vụ tai nạn khiến giao thông kẹt cứng, cuối cùng Thành phải đưa tôi rẽ sang một đường tắt khác để về nhà.
Mỗi tội, đi con đường này xa hơn mấy km, lại ngang qua chỗ khu nhà của ông nội tôi nên tôi hơi phiền lòng. Tôi theo thói quen ngẩng đầu nhìn phố phường, ánh mắt cứ vô thức nhìn đến một phương hướng quen thuộc, tựa như một người xa quê muốn ngóng về cố hương.
Có lẽ Thành cũng nhận ra được điều này nên khi gần đến ngã rẽ vào khu đô thị ông tôi ở, anh mới hỏi:
– Có muốn về thăm ông không?
Tất nhiên là tôi muốn, mấy ngày rồi anh đưa đón nên tôi không tranh thủ thời gian ghé qua nhà ông được, nhưng giờ này đã muộn, không muốn nghe mẹ chồng mắng nên tôi vẫn bảo:
– Thôi, muộn rồi, chắc giờ ông ăn cơm rồi anh ạ.
– Ban nãy có đối tác biếu một ít sâm gì đó, đang để trong hộp dưới tablo, em xem cái này mang cho ông uống được không?
Anh đã nói thế nên tôi đành mở hộp ra, bên trong mà mấy lọ sâm gì đó toàn chữ Hàn Quốc, còn có cả đông trùng hạ thảo. Tôi đang mải đọc mấy chữ ghi trên đó thì Thành đã rẽ vào trong khu đô thị rồi, lúc tôi ngẩng lên thì đã thấy xe dừng ở cách ngôi nhà thân thương của ông nội tôi một quãng.
Anh vẫn không vào, chỉ bảo tôi:
– Em mang vào cho ông đi. Tôi tranh thủ xử lý công việc thêm một lúc. Khi nào xong thì gọi tôi.
Tôi hiểu, trong lòng anh vẫn còn khúc mắc với ông nên tạm thời chưa muốn gặp, cũng không muốn ép anh. Tôi cười bảo:
– Vâng, thế anh chịu khó đợi ngoài này tý nhé. Em vào một lúc rồi ra ngay.
– Không cần vội, tôi còn làm việc lâu. Tý nữa tôi gọi điện thoại về bảo mẹ chúng ta ăn cơm ở ngoài. Em cứ ăn cơm với ông đi rồi ra.
– Vâng. Anh có muốn ăn gì không? Em mang ra?
– Không.
– Vâng, thế em vào đây.
Tôi vui vẻ tháo dây an toàn, khi vừa bước xuống xe thì tự nhiên lại nghe anh gọi:
– Quỳnh Chi.
– Dạ?
– Đừng nói với ông tôi đến đây.
– Vâng, em biết mà.
– Ừ, đi đi.
Khi tôi chạy vào thì ông và chú lái xe đang chuẩn bị ăn cơm. Vừa thấy bóng tôi, ánh mắt ông nội đã sáng lên, cười vui vẻ:
– Quỳnh Chi đến đấy à?
– Vâng, ông nội. Anh Thành gửi ông ít sâm với đông trùng hạ thảo này. Nghe nói đồ này là đối tác bên Hàn biếu, hàng xịn đấy. Ngày mai ông uống thử xem thế nào nhé?
Ông tôi dạo này gầy đi nhiều, nhưng đồ bổ chất trong nhà cũng không động đến. Giờ nghe tôi nói mấy thứ này là do Thành gửi thì mới chịu nhận, còn bảo:
– Ừ, ông biết rồi. Đồ thằng Thành đưa thì ông uống chứ. Để mai ông uống.
– Vâng ạ.
– Thành không đến với con à?
– Không ạ, anh ấy bận lắm, chỉ đưa con đến đây rồi đi luôn. Anh ấy bảo đợi sắp xếp thời gian rỗi thì sẽ qua thăm ông, giờ con thay mặt anh ấy đến thăm với tặng đồ bổ cho ông này.
Ông nội nghe tôi nói nửa đùa nửa thật thế thì tủm tỉm cười, gương mặt nhăn nheo giãn ra thêm vài phần. Ông kéo tay tôi ngồi xuống bàn:
– Hôm nay ăn cơm ở lại với ông được không? Chắc Thành đưa đến thì nó cũng dặn ở lại ăn cơm chứ?
– Vâng. Được mà, ông đừng lo.
Thực ra, được ăn cơm với ông thì tôi vui vẻ đấy, nhưng vì có một người đang lặng lẽ nhịn đói ngồi trong xe bên ngoài nên lòng tôi không thoải mái nổi. Tôi ăn vội ăn vàng hai bát cơm, đang nhồm nhoàm nhai thì thấy anh Khoa gửi tin nhắn zalo đến:
– Nhân tài của công ty tôi đã ăn cơm chưa thế?
Tôi tiện tay nhắn lại:
– Em ăn rồi. Sếp ăn cơm chưa?
– Anh vừa ăn xong. Tự nhiên được tặng 2 vé xem phim nên định rủ em đi cùng đây. Phim mới của Marvel nhé.
Chậc, đây đúng là phim tôi thích. Mấy dạng phim tình cảm lãng mạn gì đó tôi dị ứng kinh khủng, chỉ mấy loại phim hành động bắ.n nhau chí chóe là tôi xem không dứt ra được. Lúc mới cưới, Thành có nói mua vé ở Singapore cho tôi xem phim Marvel, nhưng vì không muốn đi một mình nên tôi từ chối, xong rồi bận rộn nên lúc có bản chiếu ở Việt Nam tôi cũng quên béng luôn.
Giờ có cơ hội được đi xem phim, tất nhiên là tôi háo hức nên hỏi:
– Được luôn, nhưng suất chiếu lúc mấy giờ hả sếp?
– 2h chiều mai. Chiều mai cho cả công ty nghỉ một buổi luôn.
– Đang trong thời gian chạy deadline đấy sếp ạ. Anh chắc chắn cho cả công ty nghỉ một buổi chứ?
– Chắc chắn.
Anh Khoa còn gửi kèm tấm vé xem phim và một icon mặt cười. Poster phim quá hấp dẫn, mà còn vào giờ tôi có thể trốn được nên suy nghĩ một lúc, tôi cũng quyết định đồng ý:
– Vâng, thế thì được ạ.
– Chốt lịch rồi đấy nhé. Ngày mai hẹn nhân tài của công ty 2h chiều nhé.
– Vâng ạ.
Ông nội ngồi ở đối diện thấy tôi cứ mải nhắn tin mà không ăn mới bảo:
– Nhắn tin với ai mà quên cả ăn thế? Ăn thêm đi chứ con.
– Con ăn hai bát rồi mà, con no rồi. Ông nội ăn đi.
– Ăn thêm đi, con gầy lắm.
Nói xong, không chờ tôi trả lời đã ngước lên gọi:
– Thím Chung ơi, làm thêm cho Quỳnh Chi đồ gì ngon ngon vào nhé. Dạo này gầy lắm rồi, phải tẩm bổ đi thôi.
– Vâng, thế để cháu nấu tổ yến.
Tôi ngăn cản mãi không được, còn bị ông ép phải ăn tổ yến, cuối cùng đến tận 8 rưỡi mới có thể đứng dậy ra về.
Ông vẫn coi tôi như một đứa trẻ như cũ, trước lúc ra về còn dúi vào tay tôi bao nhiêu thứ, bảo mang về biếu lại nhà bên ấy. Nhưng tôi nhớ đến lần đầu mình mang quà đến, mẹ chồng tôi ngoài mặt thì nhận nhưng sau đó lại vứt hết ra thùng rác, tôi tiếc tấm lòng của gia đình mình nên bảo:
– Ôi nhà chồng con có thiếu thứ gì đâu. Đồ gì cũng có. Ông không cần biếu đâu. Con lấy hộp bánh bao này thôi.
– Sao lại biếu người ta mỗi bánh bao được, cầm cả mấy thứ này về chứ?
– Bánh bao để con ăn mà, đợi khi nào có dịp lễ tết gì thì biếu sau. Mấy hộp sâm này là do đối tác biếu anh Thành đấy chứ, có phải nhà anh ấy bảo con mang đến biếu đâu mà ông cứ đòi biếu lại. Thôi, con về nhé, ông vào nhà đi không lạnh đấy.
– Để ông bảo chú tài xế đưa về.
Tôi ôm khư khư hộp bánh bao, chạy nhanh như chớp ra cửa mới ngoái đầu lại, vẫy vẫy tay:
– Anh Thành sắp đến rồi, con ra đầu đường chờ anh ấy, ông vào nhà đi nhé, về đến nơi con gọi.
Dứt lời, sợ ông nhất quyết không cho tôi đi một mình nên không đợi ông đáp đã ba chân bốn cẳng chuồn mất.
Lúc tôi ra đến nơi thì xe của anh vẫn đỗ nguyên chỗ cũ, mỗi tội trong xe tối om, tôi đi đến ghé sát mặt vào kính mới thấy một bóng người mờ mờ tựa vào ghế lái, nhắm mắt ngủ ngon lành, laptop của tôi đặt trên đùi anh đã tắt màn hình từ khi nào.
Tôi không nỡ đánh thức anh nên đành ngồi xổm ở vỉa hè đợi, trời tối, hôm qua lại vừa mưa xong nên không khí ẩm thấp, muỗi nhiều vô kể. Tôi vừa vỗ muỗi vừa lẩm bẩm đếm, đến tận con thứ 25 thì mới nghe tiếng lạch cạch trong xe, chưa kịp đứng dậy thì Thành mở cửa đi xuống.
Anh nhìn tôi đang ôm hộp bánh bao, có lẽ khi ấy trông tôi chẳng khác gì dân tị nạn nên anh khẽ nhíu mày:
– Ra từ lúc nào, sao không gọi tôi?
– Em vừa mới ra đấy chứ. Anh làm việc xong rồi à?
– Ừ, làm xong ngủ quên mất.
Anh mở sẵn cửa ghế phụ, cũng không buồn vạch trần lời nói dối của tôi mà chỉ bảo:
– Lên xe đi, tôi đưa em về.
– Vâng.
Lần này, trên đường về tôi có nói ông gửi lời cảm ơn anh, rồi hỏi mấy chuyện linh tinh nhưng Thành chỉ lạnh nhạt “Ừ” một tiếng, hình như anh mệt, hoặc có lẽ tâm trạng không tốt nên không thoải mái nói chuyện như mọi lần.
Tôi nghĩ chắc anh đang khó chịu vì chờ lâu, hay là vì chuyện chị Uyên đi gặp đối tác chẳng hạn, thế nên cũng chẳng lải nhải nhiều nữa, cũng không dám đưa bánh bao cho anh, đành ngoan ngoãn ngậm miệng cho đến khi về nhà.
Mỗi tội, mãi tới lúc anh đưa trả lại laptop cho tôi, tôi mới chợt nhớ ra Zalo của mình cũng đăng nhập ở trên laptop, mà ban nãy anh Khoa nhắn tin cho tôi trong thời gian anh dùng máy, chẳng biết anh có đọc được không?
Lòng tôi bất giác như kiến bò trên chảo nóng, rõ ràng đã thống nhất không can thiệp vào cuộc sống của nhau nhưng tôi vẫn có cảm giác mình vừa làm một việc xấu. Không dám hỏi thẳng anh nên đành đợi đến khi Thành tắm xong, tôi mới dè dặt thăm dò:
– Anh dùng xong laptop rồi à? Có cần làm gì thêm nữa không?
– Ừ, xong rồi. Nhưng gần hết pin, em sạc đi rồi dùng.
– Vâng.
Tôi gật gật đầu, định không nói nữa, nhưng lại nghĩ đến việc tối nay anh chưa ăn gì thì lại thương, thế là vẫn lôi bánh bao ra đưa cho anh:
– À, đúng rồi. Anh ăn cái này đi. Nhân gà nấm, thơm lắm. Vừa mới hấp xong lúc nãy, vẫn còn nóng đấy.
Thành liếc hộp bánh bao rồi lại liếc tôi:
– Em mang từ bên ông nội về đấy à?
– Vâng. Thím Chung làm bánh bao ngon nhất mà. Lâu rồi anh không ăn nên em mang về. Anh ăn đi.
Đúng là bánh bao thím Chung làm rất ngon, tôi vẫn nhớ ngày trước Thành thích ăn bánh bao nhân gà nấm thím Chung làm nhất nên mới xin một hộp mang về. Thế nhưng cái ông này chẳng hiểu sao cả buổi tối hậm hực cái gì mà không nhận, còn bảo:
– Giờ tôi phải đến công ty, em ăn đi.
– Ơ, sao phải đến công ty giờ này hả anh? Có việc gấp à?
– Ừ, hợp đồng có vấn đề. Mọi người đang phải quay về công ty làm để sáng mai còn kịp phát hành.
– Hay là anh cầm bánh bao đi rồi ăn. Đằng nào tối nay cũng chưa ăn gì, nhịn đói làm việc hại dạ dày lắm. Với cả tối nay em ăn 2 bát cơm rồi, còn ăn một tô tổ yến nữa, no căng cả bụng, giờ không nuốt nổi bánh bao nữa. Mà để đến ngày mai thì mất ngon.
Anh trầm ngâm nghĩ ngợi một lúc, sau đó cuối cùng cũng chịu nhận hộp bánh bao từ tay tôi. Anh bảo:
– Tay khỏi hẳn chưa?
– Em khỏi rồi. Hôm nay hết đau rồi, mọi người trong công ty em còn rủ đánh cầu lông ấy chứ.
Nói đến đây, tôi lại sợ anh mắng vì chưa gì đã đòi chơi cầu lông, vội vàng bổ sung thêm:
– Nhưng mà em vẫn chưa chơi. Chắc phải đợi một tháng nữa mới dám chơi thể thao.
– Ừ. Chắc lái xe được rồi phải không?
– Vâng, lái tốt mà.
– Ừ, từ mai tôi bận việc, chắc phải đi sớm hơn em. Em chủ động tự lái xe đi làm cho tiện. Cần gì thì cứ gọi tôi.
– Vâng, em biết rồi. Em tự lái được mà, có gì thì em gọi anh.
– Ừ, đi đây.
Tối hôm ấy, anh bận công việc nên quá nửa đêm vẫn chưa quay lại. Mà tôi nằm trên giường ngẫm nghĩ mãi cũng cảm thấy có lẽ anh chưa đọc được tin nhắn ở Zalo tôi, bởi vì nếu đã đọc được rồi, hoặc thậm chí nếu có ghen thì anh cũng sẽ không bảo tôi tự đi xe vào đúng ngày mai như thế, lẽ ra anh phải quản tôi chặt hơn mới đúng.
Thế nên có lẽ tối nay anh chỉ khó chịu vì chuyện chị Uyên thôi, chẳng liên quan gì đến tôi.
Nghĩ vậy nên tôi yên tâm nhắm mắt ngủ, cũng chẳng rõ Thành trở về khi nào, chỉ biết sáng mai 6h tôi dậy đã không thấy anh ở nhà rồi.
Lúc xuống dưới nhà lại nghe mẹ chồng tôi nói mát:
– Con tôi bận rộn cả ngày rồi còn phải lo đưa cô đi đón cô về. Cô cứ như tiểu thư dẫm phải gai mồng tơi ấy nhỉ? Hơi đau tý mà làm tội con tôi suốt một tuần trời, làm nó gầy rộc đi. Mà tối qua đến giờ cơm nước cô còn lôi kéo nó đi đâu, để con tôi không về nhà ăn cơm?
Chẳng biết Thành lấy lý do gì để bảo với mẹ chồng việc bọn tôi không về ăn cơm, nhưng ở đây một thời gian, tôi nhận ra tất cả sự quan tâm của mẹ chồng đều hướng về anh. Cho nên để khỏi bị càm ràm điếc tai, tôi bắt đầu học cách thích nghi để chiều lòng mẹ chồng.
Tôi bảo:
– Đâu, tay con khỏi rồi đấy chứ, nhưng hôm qua anh Thành dẫn con đi gặp bạn nên mới về muộn mẹ ạ. Con sợ anh ấy đói nên có mang bánh bao về, nhưng anh Thành chưa kịp ăn đã phải đi có việc nên con có gói bánh bao để anh ấy mang theo rồi.