*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Một ngày trước khi đi, cha mẹ Phương Mục Dương chủ động mời đồng nghiệp tại xưởng sản xuất máy móc nông nghiệp ra nhà hàng dùng cơm, cảm ơn bọn họ đã chăm sóc mình suốt những năm qua. Những vật dùng còn sử dụng tốt nhưng không thể mang theo trong nhà đều đã bàn giao cho chủ nhân mới, chỉ đợi khi nào khởi hành là người ta sẽ mang đi. Số hành lý mà bọn họ muốn đưa theo mình có hạn, trong đó một nửa là đồ do Phương Mục Dương gửi tới, mà quan trọng nhất chính là một số sách vở cùng với cả một tập thư. Số lượng thư không nhiều lắm, nhưng số con chữ trong thư thì rất đáng nể, một xấp mười sáu lá thư mà lượng chữ viết chi chít cả mặt trước lẫn mặt sau phải đến khoảng năm sáu nghìn. Có những chỗ phải soi kính lúp mới đọc rõ được, mà cũng có những tờ giấy viết thư thực ra chỉ là giấy bổi(1) mà thôi. Thực ra Phương Mục Dương cũng không hề hay biết ông già cận thị nặng nhà mình ban đêm đã phải chật vật thế nào, anh chỉ đơn giản là không kìm được nên mới viết nhiều như vậy mà thôi.
(1) Giấy bổi: Giấy thô làm từ rơm, sậy, cỏ dại và các loại thực vật khác.
Phương Mục Dương lấy ra một bao thuốc lá Trung Hoa, ném cho cha mình, bảo ông vừa hút vừa nói.
Ông Phương nhìn bao thuốc, kinh ngạc hỏi: “Anh lấy ở đâu ra đấy?”
“Tiền Phí Nghê cho còn thừa một chút, con liền mua thuốc cho cha. Mấy năm nay không được hút, chắc là thèm nhỏ dãi rồi chứ gì?”
“Sao có thể nói chuyện với người lớn như thế hả? Chẳng biết lễ phép gì cả.” Vì gìn giữ tôn nghiêm của người làm cha, ông Phương đành nghiêm mặt nói. “Những năm này về cơ bản tôi đã bỏ thuốc lá rồi, không tin cứ hỏi mẹ anh mà xem.”
Thực ra ông Phương cũng không nói dối, nhiều năm rồi ông gần như không mua hộp thuốc lá nào, bình thường cũng chỉ hút thuốc lá quấn giấy giống những người dân ở đây.
Phương Mục Dương rút một điếu thuốc ra, lấy diêm quệt lửa, đưa tới tầm tay ông Phương. Ông Phương thành thạo dùng ngón tay kẹp lấy, rít một hơi thật sâu, chầm chậm nhả khói, vừa hút vừa dạy dỗ: “Tôi hiểu được tấm lòng hiếu thuận của anh đối với tôi và mẹ anh, nhưng anh dùng tiền hồi môn của Tiểu Phí mua thuốc lá và quần áo cho chúng tôi, Tiểu Phí và cha mẹ con bé sẽ nghĩ thế nào về nhà mình? Đợi khi nào tôi được phát bù tiền lương, anh lấy mà đưa cho Tiểu Phí đi.”
Lần đầu tiên hai vị nhà họ Phương làm cha mẹ chồng đã là chuyện mười mấy năm trước rồi, mà lần đó cũng khác hẳn với lần thứ hai. Hồi con trai cả kết hôn, ông Phương vẫn còn đang nắm giữ chức vụ quan trọng, con trai cả của ông bất kể kết hôn với ai cũng không thấp hơn nhà họ, chưa kể đứa con trai ấy của ông cũng coi như là tài mạo song toàn. Khi con trai út lấy vợ, tuy rằng thời kỳ khó khăn nhất đã qua, nhưng gia đình họ vẫn chưa có tiến triển gì tốt đẹp. Nghịch tử gia cảnh không tốt, bản thân lại chẳng có nghề ngỗng gì, vậy mà lại có một công nhân chính thức chịu lấy nó, còn tự có nhà được phân, quả thực vô cùng hiếm thấy. Lúc nhận được tin tức kết hôn của Phương Mục Dương, ông Phương còn kích động ra cửa hàng mua một bình rượu trắng kém chất lượng, lấy tin mừng làm đồ nhắm mà uống hết nửa cân rượu, trong lòng có một loại vui sướng từa tựa trút bỏ gánh nặng.
Song ông Phương dù sao cũng vẫn là người có lương tâm, cho dù đang mừng vui thì vẫn cảm thấy có hơi áy náy. Cùng là một cuộc hôn nhân, nếu như một bên cảm giác mình quá được hời, thì bên còn lại chắc chắn sẽ cảm thấy mình bị thiệt.
Ông lại hỏi: “Lần trước tôi gửi anh trà cho Tiểu Phí, uống có quen không?”
Cái vùng này chẳng có gì, nhưng riêng lá trà thì lại cực kỳ thừa thãi, thậm chí mua trà cũng không cần phiếu.
“Quen lắm ạ, uống hết rồi.” Mặc dù Đại Hồng Bào thì gần như không uống, đều mang ra luộc trứng hết.” Lần trước anh trai Phí Nghê mua được rất nhiều trứng gà từ chỗ một người dân sống ở ngoại thành, còn tặng cho bọn họ một sọt nhỏ. Phương Mục Dương đã dùng Đại Hồnng Bào luộc một nồi trứng to, giữ lại một nửa, còn một nửa đưa đến nhà cha mẹ của Phí Nghê. Hai loại trà kia Phí Nghê gần như ngày nào cũng uống, bây giờ đã uống hết rồi.
“Thế bây giờ mua thêm nhiều nhiều chút, mang về cho ông bà thông gia uống thử xem sao.”
Phương Mục Dương mua cho cha mẹ hai vé nằm, còn anh thì vẫn dùng vé ngồi cứng bình thường. Cha Phương đưa tiền cho con trâi, bảo anh mang đi đổi sang vé nằm giống họ. Phương Mục Dương nhận tiền mà không đổi vé, anh nói rằng tấm lòng của họ anh nhận, nhưng anh vẫn thích ngồi hơn.
Ông Phương thật ra cũng có chút vui mừng, sau khi có gia đình riêng, nghịch tử cũng đã biết tiêu xài tiết kiệm hơn chút.
Phí Nghê vừa về đến cửa là đã thấy Phương Mục Dương đang nấu mì trong nhà: “Anh về từ khi nào vậy?”
“Chiều nay.”
“Sao không báo trước cho em? Em còn đi đón mọi người nữa chứ.”
“Chẳng phải hôm nay em vẫn phải đi làm à? Cha mẹ bảo anh không được cản trở công việc của em.”
“Lần này cha mẹ anh về ở chỗ nào thế?”
“Nhà cửa vẫn chưa ổn định, hiện giờ bọn họ vẫn đang ở tạm nhà khách của đơn vị bên mẹ anh.”
“Sao anh vẫn còn tự nấu cơm vậy? Không phải là nên cùng ăn tối với bọn họ sao?”
“Yên tâm đi, cha mẹ còn được ăn ngon hơn chúng ta rất nhiều.” Vừa mới xuống xe lửa đã có người giơ thẻ ra đón bọn họ, tự xưng là tài xế của một vị lãnh đạo nào đó. Phương Mục Dương theo cha mẹ lên chiếc xe hơi Volga còn mới tới tận tám phần. Tầm năm giờ chiều, vị tài xế kia lại tới đón gia đình họ đi dự tiệc, mà điểm đến lại vừa đúng là nhà hàng nơi Phương Mục Dương đang làm việc.
Anh đang xin nghỉ vì việc gia đình, không tiện dùng bữa ở đó, cho nên tự mình bắt xe buýt trở về nhà.
Phí Nghê lấy một xấp phiếu mua hàng từ trong túi ra, giao cho Phương Mục Dương: “Đây là của anh cả chị hai cho em, cha mẹ anh vừa về, chắc là cần mua thêm nhiều vật dụng, mà nếu không có phiếu thì cũng chẳng mua được gì cả. Anh cứ đưa chỗ phiếu này cho cha mẹ đi, sau này chắc chắn sẽ cần.”
Phương Mục Dương nhéo má Phí Nghê: “Ngày mai là gặp mặt rồi, em tự đưa cho họ đi, nếu không bọn họ lại tưởng rằng anh chỉ biết áp bức bóc lột em, không phải áp bức bóc lột mỗi em, mà còn áp bức bóc lột cả nhà em nữa.”
“Anh đừng có mà bốc phét, làm gì có cha mẹ nào nghĩ về con mình như vậy chứ?”
Phương Mục Dương cười: “Đó là em chưa gặp ông già nhà chúng ta đấy thôi. Ngày mai em nhất định phải nói cho bọn họ biết, cuộc sống của em không phải chỉ toàn dầu sôi lửa bỏng.”
Bởi vì ngày mai sẽ đi gặp cha mẹ chồng, trong lòng Phí Nghê cũng cảm giác hơi căng thẳng. Cô không biết gì về cha mẹ chồng của mình, đối tối với bọn họ cũng chỉ bởi họ là cha mẹ của Phương Mục Dương mà thôi. Lần đến nhà họ Diệp vẫn để lại ấn tượng rất xấu trong cô, sự khắc nghiệt của mẹ Diệp là điều cô không thể đoán trước được. Lần này Phí Nghê cảm giác cha mẹ Phương Mục Dương dù có tệ cũng không thể tới mức ấy, nhưng vẫn không quên việc chuẩn bị trước tinh thần. Nếu như họ sống tệ quá thì cùng lắm ít qua lại hơn là được, dù sao cô và Phương Mục Dương cũng đã sinh hoạt riêng rồi.
“Anh thấy em đi gặp họ thì mặc bộ nào hợp lý hơn?” Phí Nghê đang phân vân giữa hai bộ đồ, muốn nhờ Phương Mục Dương giúp cô chọn lấy một bộ.
“Chẳng bộ nào hợp lý cả.”
“Tại sao chứ?”
“Không chỉ hai bộ quần áo này không hợp lý, cho dù em có đổi sang bộ khác cũng không hợp lý. Vấn đề không nằm ở trên trang phục.”
“Thế là ở đâu?”
“Ở em đó.”
“Anh nói thế là có ý gì?”
“Em quá đẹp, bọn họ mà trông thấy em là sẽ cảm thấy anh không xứng với em.”
Phí Nghê nhịn không được mà bật cười: “Anh ấy, chẳng nói được cái gì đứng đắn cả. Làm gì có cha mẹ nào cảm thấy con mình không xứng với người khác chứ?” Huống chi điều kiện của anh cũng không kém, mà cha mẹ nhìn con mình thì luôn phiến diện hơn người ngoài.
Lần đầu tiên Phí Nghê gặp cha mẹ chồng là ở nhà khách.
Nếu tình cờ gặp cha mẹ chồng trên đường thì chắc chắn Phí Nghê cũng sẽ nhìn lâu hơn một chút. Thực ra vẻ ngoài của Phương Mục Dương đúng là được kết hợp từ các đặc điểm của cha mẹ anh, nhưng khí chất thì lại khác nhau một trời một vực. Trên người cha mẹ Phương Mục Dương, đặc biệt là mẹ anh, luôn toát ra một phong thái rất “nghiêm túc”, mà cái nghiêm túc này hoàn toàn không giống kiểu nghiêm túc nhặt nhạnh ba cọc ba đồng của mấy bác bán rau ngoài chợ. Nhìn thoáng qua thì bọn họ có vẻ không phải là người để ý đến tiền.
Hai vị nhà họ Phương trông thấy Phí Nghê thì suy nghĩ đầu tiên chính là, cô còn giống người nhà bọn họ hơn cả Phương Mục Dương. Phương Mục Dương ở trong nhà vốn là thành phần cá biệt.
Phí Nghê cũng gọi bọn họ là cha mẹ theo Phương Mục Dương.
Giáo sư Mục đưa cho Phí Nghê một cái bao lì lì, xem như là quà gặp mặt. Bao lì xì ấy là do bà tự tay làm từ giấy đỏ, sau khi làm xong còn nhờ chồng viết thêm mấy chữ để có vẻ trang trọng hơn. Vì mấy chữ này mà ông Phương đã phải căng đầu vắt óc đến tận nửa đêm, song cuối cùng ông vẫn chỉ đề xuống bốn chữ thông dụng nhất: trăm năm hòa hợp. Viết xong chữ rồi, giáo sư Mục bỏ vào đó một trăm tệ đã chuẩn bị sẵn. Tiền lương của bọn họ trước kia vẫn chưa được phát bù, mà mức lương hiện tại thì chẳng bằng được trong quá khứ. Bà vốn định đợi đến khi nào được phát hết lương sẽ cho nhiều hơn một chút, nhưng lần đầu tiên gặp mặt, không thể đi tay không được, đành phải đưa tạm trước một trăm tệ. Cho đi một trăm tệ này rồi, số tiền tiết kiệm của họ cũng chẳng còn lại bao nhiêu.
Phí Nghê biết bọn họ chưa nhận lại lương, trong túi không có nhiều tiền, đang ngần ngừ định không lấy, nhưng lại nghe thấy ông Phương bảo đừng chê ít.
Phí Nghê đành đưa tay ra nhận rồi nói lời cảm ơn.
Lần này Phí Nghê đến, còn cố ý mang theo hai cuốn tranh liên hoàn trước đó của Phương Mục Dương cho cha mẹ anh xem.
Phương Mục Dương không ngờ Phí Nghê còn bán dưa đến tận trước mặt cha mẹ mình.
Ông Phương cầm cuốn tranh liên hoàn, cẩn thận lật giở vài tờ, xác định đúng là bút tích của con trai ông, vậy mà nghịch tử chẳng hề nhắc tới câu nào. Sau khi xem qua một lượt thì ông đóng cuốn tranh lại, đưa sang cho vợ mình đọc.
Ông vốn còn tưởng rằng con trai đã bỏ bê chuyện vẽ tranh từ lâu, cũng bởi thế mà thi thoảng còn áy náy trong lòng, cảm thấy mình đã hại nó. Nghịch tử ngoài vẽ tranh ra thì chỉ có duy nhất một việc khác nó kiên trì được, đó là kéo đàn, nhưng kéo đàn thì cũng chỉ có thể kéo chơi chơi vậy thôi, không thể coi là nghề nghiệp…
Ông Phương khen ngợi con trai trước mặt Phí Nghê.
Phương Mục Dương phát hiện cha anh quả thực rất có tài khua môi múa mép, những lý do khiến ngày xưa anh ăn đòn, hiện tại đều đã biến thành ưu điểm của anh.
Hồi hai tuổi anh quét vôi hết tường nhà, bôi đen đồ vật trong nhà, giờ phút này lại biến thành tuổi còn nhỏ mà đã bộc lộ năng khiếu hội họa phi thường, mà chuyện anh mang đ ĩa ăn ra đựng màu vẽ cũng biến thành sử dụng tất cả những gì có thể để vẽ… Tóm lại, từ khi còn bé anh đã là một đứa trẻ ngoan, cha mẹ thương yêu hết mực.
Phương Mục Dương nhìn cha cười cười, ý là cha nói như vậy không cảm thấy ngượng mồm ư?
Ông Phương cũng rất khó xử, nếu cứ nói xấu nghịch tử trước mặt con dâu thì sao mà được? Một đứa con trai chẳng ra gì mà lại quẳng cho người ta lấy về làm chồng, người ta sẽ nghĩ thế nào về kẻ làm cha là ông chứ?
Phí Nghê lắng nghe ông Phương quảng cáo bán hàng một cách giả dối, môi vẫn giữ nguyên nụ cười.
Cô dùng tiền trong bao lì xì và phiếu công nghiệp mua thêm một vài vật dụng cho cha mẹ Phương Mục Dương, đồng thời cũng sắm mới một số nhu yếu phẩm hàng ngày như khăn tắm, xà phòng, kem đánh răng, dầu gội…
Những thứ ấy, Phương Mục Dương đều đưa hết cho cha mẹ mình.
Hai vợ chồng già nhận được mấy món đồ kia, một mặt cảm thán con dâu vừa chu đáo vừa cẩn thận, mặt khác lại thấy băn khoăn trong lòng.
Ông Phương vốn dĩ chưa mong ngóng gì chỗ tiền lương phát bổ sung, bởi vì họ vẫn còn đủ tiền để dùng, nhưng sau vài lần nhận được quà của con dâu, ông lại nhịn không được mà gọi điện sang giục giã. Một mình nghịch tử dựa dẫm con gái nhà người ta là đủ rồi, bọn họ không thể bắt chước theo được.
Chẳng bao lâu sau, chuyện nhà cửa của nhà họ Phương đã được ổn định. Bọn họ vẫn chuyển vào khu nhà cũ, chẳng qua là lần này ở tầng thứ ba. Những món đồ bị niêm phong lúc trước mà vẫn còn tìm thấy trong kho thì đều được mang trả lại. Ông Phương không bận tâm về chuyện mất mát đồ đạc, điều duy nhất khiến ông đau lòng là nhiều bức tranh chữ và một số cuốn sách cổ ông cất giữ đã không còn bóng dáng nữa. Nhưng nghĩ đến khoảng thời gian trước kia của bản thân, ông Phương vẫn có thể an ủi chính mình, thôi thì giữ được một phần cũng đã là tốt lắm rồi, chẳng phải những năm qua không có tranh chữ ông vẫn sống được đấy sao?
Ngoài nhà ở ra, bọn họ còn lấy được tiền lương phát bổ sung cùng với cuốn sổ tiết kiệm của ngày trước. Bởi vì nhà họ chẳng bao giờ giữ được tiền, số tiền trong số tiết kiệm còn chẳng bằng phần lẻ của lương nhận về.Bonus
Giấy bổi
Thuốc lá Trung Hoa
Xe Volga