–Tốt nhất là như lời bác nói, đừng để tôi phát hiện ra điều gì khuất tất thì ngay cả cái mạng cỏ của bác cũng không giữ được đâu. Đi nhanh rồi về!
–Cảm ơn cô chủ ạ.
Bác Phú vừa rời đi thì ngay lập tức Trà Giang móc điện thoại, nhìn ngó xung quanh không thấy ai, ả mới nói nhanh:
–Anh cho người theo sát thằng già quản gia cho em, hình như lão muốn giở trò đấy.
Đầu bên kia vang lên tiếng chửi thề:
–Mẹ kiếp! Nó dám? Anh thách cả họ nhà nó đấy, yên tâm anh đang ngồi ở quán café cạnh nhà em đây. Ok thấy rồi, để anh xem thằng quản gia ấy to gan lớn mật cỡ nào?
Nhìn thấy cổng công ty địa ốc Long Thành đang ở trước mặt, bác Phú vỗ vỗ vào vai người xe ôm nói:
–Cho tôi xuống đây.
Rồi móc túi lấy tiền đưa cho anh ta, đoạn, kín đáo quan sát không thấy ai bám theo mới tiến vào bên trong. Khi vừa đến gần cổng bảo vệ thì có một người đàn ông tiến lại, người này đội mũ lưỡi trai, mắt đeo kính đen ghé sát tai bác Phú nói:
–Lão già, định đến ton hót với chủ à? Lão rõ ràng muốn c.hết?
Bác chưa kịp định thần thì cảm thấy một vật sắc nhọn kề ngay vào hông mình, chẳng cần nhìn bác cũng biết đó là thứ gì liền lắp bắp nói:
–Tôi…tôi không phải….cậu hiểu lầm rồi…cậu là ai?
–Lão không có quyền lên tiếng ở đây, nếu muốn sống thì bỏ ngay cái ý định tiếp cận giám đốc đi, lão tưởng anh ta sẽ tin lời lão à? Đừng có thấy đỏ mà tưởng chín, già rồi thì tốt nhất là nên yên phận. Cút về nhà ngay! Cút!
Bác Phú sợ hãi ngước lên nhìn kẻ kia, rồi đành lủi thủi bước ra ngoài, tưởng là thoát nào ngờ thằng kia chỉ vào chiếc xe máy dựng gần đó nói:
–Lên xe, tôi sẽ chở lão về nhà. Cứ ngoan ngoãn yên phận có phải tốt hơn không? Mọi nhất cử nhất động của lão và mụ giúp việc kia đều bị đưa vào tầm ngắm hết rồi, khôn hồn thì nhắm mắt lại, làm đúng phận sự của mình thôi. Biết ít đi một chút thì đỡ tổn thọ, tò mò nhiều quá không tốt đâu! Nhớ đấy!…
Ba năm sau.
Từ ngày bà Hiền mất đi Trà Giang đã thay bà quán xuyến hết mọi việc trong nhà, Quốc Thái lúc này cũng đã hơn ba tuổi và Quốc Thành gần 6 tuổi. Mặc dù Thành Long tuy không còn lạnh nhạt với Trà Giang như trước nhưng anh vẫn không thể dành tình cảm cho cô, có chăng chỉ là một sự cảm kích vì cô đã chăm con cho anh mà thôi. Nghe Trà Giang nói để cho bọn trẻ không bị mặc cảm thì cô muốn anh không tiết lộ cho chúng biết cô không phải là mẹ đẻ của chúng, hãy cứ coi như cô là người đẻ ra hai đứa đi. Thấy như vậy cũng không vấn đề gì nên anh đồng ý. Vì vậy trừ hai người giúp việc trong nhà ra thì người ngoài đều nghĩ Quốc Thành và Quốc Thái là do Trà Giang sinh ra.
Tuy nhiên vì không phải là giọt máu của mình, không phải do bản thân mang nặng đẻ đau nên Trà Giang không hề yêu thương hai đứa trẻ, nhưng ả cũng không đánh chúng, chỉ những khi có Thành Long ở nhà ả mới tỏ vẻ quan tâm đến hai đứa mà thôi, còn bình thường ả đều phó mặc cho hai người giúp việc. Kể cũng lạ, mặc dù Trà Giang đã dùng đủ mọi biện pháp nhưng mấy năm liền cô ta vẫn không hề mang thai, giữa hai người vẫn chưa thể có một đứa con chung như ả hằng mong muốn.
Vậy là bao nhiêu tội lỗi ả ta lại đổ hết lên đầu Nguyệt Cầm, rằng tại cô mà ả đã bị mất đi khả năng làm mẹ, kể từ cái ngày cô làm cho ả sảy thai ấy. Thành Lonh cũng tưởng thật mà vô tư tin như vậy, ở ngoài thương trường anh lạnh lùng, năng động và quyết đoán là thế, song về mặt tình trường này thì so ra với Trà Giang anh chỉ như một con nai vàng ngơ ngác mà thôi. Nhưng bảo để hận Nguyệt Cầm thì anh không thể, anh chỉ trách tại sao cô lại âm thầm bỏ anh mà đi, trong khi hai người vẫn đang yêu nhau nhiều như thế?
Quốc Thành và Quốc Thái càng lớn càng thông minh, hai anh em lại rất nhường nhịn và quý mến nhau. Cả hai đều đinh ninh bà Trà Giang chính là mẹ đẻ của mình và chẳng hề mảy may nghi ngờ gì cả cho đến tận hai mươi sáu năm sau…
Trở lại thực tại, Nguyệt Cầm cứ hồi tưởng những đoạn quá khứ đau thương mà nước mắt ngập tràn khóe mi. Chị không thể nào quên được ả đàn bà đó, chỉ vì ả mà vợ chồng, mẹ con chị phải chia ly. Ả đã hơn ba lần sai người truy sát chị và mẹ, khiến hai mẹ con phải bán xới khỏi quê hương lưu lạc đến tận vùng cực nam xa xôi của đất nước.
Giờ này khi đã gặp được con mà chị cũng không dám nhận, chỉ dám lén lút dõi theo chúng từ xa. Còn gì đau đớn hơn như vậy nữa? Từ khi đặt chân về lại mảnh đất này chị cảm thấy nguy hiểm bắt đầu rình rập, chị rất muốn một lần gặp lại người ấy nhưng lại sợ sẽ đem lại sự nguy hiểm cho các con, rất muốn nói với anh tất cả mọi chuyện mà chị phải gánh chịu suốt hai mươi sáu năm qua nhưng liệu anh có tin chị không hay sẽ tin vào ả đàn bà ma quỷ đó?
Và giải pháp được chị đưa ra chính là im lặng, chị sẽ quyết định im lặng và rời xa mảnh đất này, điều quan trọng là cuộc sống của hai đứa con thì chị đã biết rồi, chỉ cần tương lai của chúng được tốt đẹp và hạnh phúc thì người làm mẹ như chị cũng yên lòng. Ngày mai chị sẽ trở lại Hà Tiên, chị sẽ về với mẹ….
Sau khi tìm hiểu và biết rõ về thân thế của mình, Quốc Thái đã âm thầm điều tra và quyết tâm tìm ra sự thật. Anh muốn tìm hiểu ngọn ngành về bà Trà Giang, ẩn sau gương mặt lúc nào cũng chứa đầy quyền uy và cao cao tại thượng đó thì còn gì nữa? Liệu có phải vì sự có mặt của bà ta mà mẹ anh mới phải bỏ đi, hay đằng sau còn ẩn chứa những bí mật?
Bà Trà Giang đích thực là tiểu tam phá vỡ hạnh phúc của ba mẹ anh hay bà chính là người đã hy sinh cả tuổi xuân của mình để chăm lo cho anh và Quốc Thành như lời ba anh nói? Anh biết việc này vô cùng khó khăn thậm chí có thể đối mặt với nguy hiểm nhưng anh không màng, chỉ cần tìm lại được mẹ đẻ và em gái của mình thì kể cả nhảy vào lửa anh cũng làm. Anh sẽ bắt đầu điều tra từ Trà Giang, bà ta sẽ là người đầu tiên, chỉ có tìm hiểu được tất cả về bà ấy thì anh tin mọi bí mật mới được vén màn.
Mấy ngày nay Quốc Thành thấy em trai trầm tư hẳn, thi thoảng Quốc Thái lại bỏ đi đâu đó nhưng vì tôn trọng em trai nên anh không hỏi. Giữa buổi sáng hôm đó khi đang chăm chú làm việc thì điện thoại của Quốc Thái đổ chuông, anh cầm máy đi ra ngoài nghe. Đầu bên kia có tiếng đàn ông vang lên:
–Tôi cung cấp cho cậu một tin sốt dẻo đây, tôi vừa phát hiện mẹ cậu vào một ngôi nhà ở quận Hai Bà Trưng.
–Anh nói tiếp đi, tôi đang nghe.
–Cậu phải hết sức bình tĩnh nhé, tôi thấy trong ngôi nhà ấy có một người đàn ông và mẹ cậu với ông ta đã nói chuyện với nhau rất thân mật, lát sau họ cãi nhau.
–Anh có ghi âm được cuộc nói chuyện đó không?
–Tôi rất tiếc, vì ngôi nhà đó có gắn camera nên tôi chỉ dám lựa chỗ camera không quét tới để quan sát nên không nghe rõ lắm. Chỉ thấy mẹ anh nói ngày mai bà ấy sẽ đến.
–Mấy giờ?
–Tôi thấy bà ấy nói là ngày mai thôi, còn giờ giấc cụ thể không thấy nói.
–Được rồi, cảm ơn anh. Anh tiếp tục theo dõi người đàn ông ấy cho tôi.
Sáng hôm sau Quốc Thái kêu đau đầu và nghỉ ở nhà không đến công ty, bà Trà Giang thấy cậu hai nay không đi làm thì thò đầu vào hỏi:
— Sao nay con không đến công ty à?
–Dạ con mệt quá mẹ, đầu đau như búa bổ ý.
–Vậy con nằm nghỉ đi, mẹ đi đằng này một chút.
Đợi cho bà Trà Giang đi rồi anh mới móc điện thoại ra gọi cho ai đó:
–Hãy bám theo mẹ tôi và thông báo lịch di chuyển cụ thể của bà ấy cho tôi biết, nhớ không được để lạc mất con mồi nghe chưa?
–Cậu yên tâm, tin vào tôi đi.
Một lúc sau, điện thoại của anh đổ chuông, đầu bên kia lại vang lên thông báo:
–Mẹ cậu vẫn đến số nhà X trên phố Hai Bà Trưng cậu có cần đến đó xác thực không?
–Gửi định vị qua cho tôi, còn anh cứ ở nguyên đó.
Rồi anh nhanh chóng thay đồ và phóng xe máy ra khỏi nhà, lúc đi cô Nghĩa còn gọi với:
–Cậu đang mệt mà, cậu đi đâu vậy?
–Cháu đi mua ít thuốc, cô đóng cửa lại đi.
Theo định vị, chỉ tầm hai mươi phút sau anh đã có mặt tại nơi mà người ban nãy gọi điện, phóng tầm mắt sang ngôi nhà bốn tầng trước mặt anh thầm đánh giá. Tại sao bà Trà Giang lại vào đây? Theo lời tên kia thì trong nhà ấy có một người đàn ông trung tuổi, vậy người đó là ai? Anh kín đáo tìm chỗ gửi xe rồi đội chiếc mũ lưỡi trai che kín mặt, mắt lại đeo kính đen nên nhìn khó mà nhận ra. Quốc Thái móc điện thoại ra gọi, đầu bên kia bắt máy ngay:
–Alo, tôi đến rồi, anh đi đi. Có gì tôi sẽ gọi sau!
Ngồi ở quán café đối diện, Quốc Thái cứ vừa nhâm nhi ly café vừa dõi mắt sang bên đường, chẳng ai biết anh đang nhìn gì. Chắc phải tầm gần hai tiếng sau, khi anh cảm thấy mất kiên nhẫn thì cánh cổng ngôi nhà đối diện mới hé mở, bà Trà Giang bước ra. Chỉ chưa đầy năm phút sau đã có một chiếc taxi trờ tới, bà ta nhanh chóng leo lên và chiếc xe phóng vút đi. Người đàn ông trung tuổi nhìn hút theo cho đến khi chiếc xe đi khuất mới đóng cổng lại. Khách trong quán lúc này cũng thưa nên Quốc Thái vẫy một em phục vụ đến đặt lên bàn tờ 200 rồi hỏi:
–Em có rảnh không, ngồi tâm sự với anh một lát.
Em phục vụ đoán khách muốn tâm sự, lại thấy đang rảnh nên ngồi xuống ghế bên cạnh. Quốc Thái vờ vô tư hỏi:
–Em làm ở đây lâu chưa? Anh thấy căn nhà bốn tầng kia đẹp phết em nhỉ? Nhưng hình như có mỗi cặp vợ chồng trung niên ở thì phải.
Cô bé nhân viên có vẻ hay chuyện liền nói luôn:
–Dạ em làm ở đây cũng được 3 năm rồi ạ. Từ khi em phục vụ ở đây thì có thấy vợ ông ta bao giờ đâu, nhà chỉ có hai bố con thôi mà.
–Ồ vậy hả? Anh cứ tưởng bà hồi nãy bước ra là vợ ông ấy chứ? Đang tính hỏi thuê nhà để mở văn phòng.
–Ôi bà đó không phải là vợ ông ta đâu anh, nhưng em cũng hay thấy bà ấy đến đây, là bạn bè thân thiết gì đó thôi. Còn ngôi nhà đó chắc họ không cho thuê đâu anh, chỉ để ở thì phải, đấy là em đoán vậy.
Quốc Thái lại hỏi:
–Ngôi nhà đẹp thế mà ở hết thì hơi phí em nhỉ? À thế con ông ấy là trai hay gái em?
–Là con gái anh ạ, chị này cũng đi làm ở công ty nào ấy nhìn sang chảnh lắm. Á à em biết rồi hay anh định tán chị ấy đúng không?
Quốc Thái nhướng mày lên tỏ vẻ không vui, cô gái thấy vậy thì biết mình lỡ lời liền chữa thẹn:
–Em xin lỗi, em chỉ đùa thôi ạ. Mà chị này cứ đi làm đến tận chiều mới về nên bình thường chỉ có mình ông ấy ở nhà thôi, buổi trưa ông ta đặt cơm tháng bên quán ăn văn phòng bên cạnh, chỗ đó bọn em cũng hay ăn….