Giang Từ Chu bảo: “Ngày ấy ai ai cũng nghĩ bước lên Tiển Khâm đài là một vinh dự đặc biệt, học trò được chọn lên đài, mai này làm quan cũng sẽ được đánh giá cao. Từ Thuật Bạch còn trẻ, về sau có thể thi cử nhân, thậm chí là tiến sĩ, tiền đồ vô lượng.”
Phù Đông đáp: “Đúng thế, nếu tiên sinh có thể lên Tiển Khâm đài, như vậy ma ma ở trang viên sẽ nể chàng, giao tôi cho chàng, nhưng… Điều tôi quan tâm lúc ấy không phải là chàng có lên đài hay không…”
***
Trong sương phòng ở Phiêu Hương trang, mị hương ngào ngạt nồng tứ phía, thơ văn vừa chép thanh ngát mùi mực đen.
Phù Đông nhìn Từ Thuật Bạch chằm chằm: “Vì sao anh muốn chuộc thân tôi?”
“Ta…” Từ Thuật Bạch nhìn xuống, “Ta không có học trò, cô là học trò duy nhất của ta, một ngày làm thầy suốt đời làm cha, ta không nỡ nhìn cô lạc chốn phong trần, chỉ cần có cách, nhất định ta sẽ dẫn cô rời khỏi đây.”
Phù Đông nói: “Nhưng tôi nghe các chị em trong trang viên nói, người chịu chuộc thân cho chúng tôi thường thật lòng thích chúng tôi. Anh thật sự chỉ xem tôi như học trò, hay cũng… thích tôi như bọn họ nói?”
Không đợi Từ Thuật Bạch đáp, nàng nói tiếp: “Nếu anh thích tôi thì không cần chuộc thân cho tôi, sau này trang viên bán tôi đi, làm nô tì, tì thiếp hay nô bộc, tôi đều chấp nhận, chứ tôi tuyệt đối không muốn làm thiếp của anh.”
Nhưng nghe lời ấy, Từ Thuật Bạch lại chẳng nói gì. Y chỉ bảo: “Chuyện chuộc thân hãy để ta lo, cô cứ việc chờ.”
***
“Hôm ấy sau khi chàng đi, rốt cuộc tôi đã đợi bao nhiêu ngày ở Phiêu Hương trang? Có thể là mười ngày, cũng có thể là hai tháng, tôi cũng chẳng nhớ. Dần dà Từ Đồ cũng ít ghé, mãi cho tới ngày Tiển Khâm đài sắp sửa hoàn công, chàng đột ngột đến trang viên, mà lại chỉ đến một mình. Chàng bảo, chuyện chuộc thân cho tôi đành phải tạm gác lại, vì chàng sắp lên kinh rồi…”
***
Phù Đông ngạc nhiên, “Lên kinh? Nhưng Tiển Khâm đài sắp hoàn thành rồi mà, anh không lên đài à?”
Ánh mắt Từ Thuật Bạch đanh lại, phất tay nói: “Không lên Tiển Khâm đài cũng được!”
Chàng dừng một lúc, cuối cùng vẫn giải thích với Phù Đông: “Ta lên kinh chính vì Tiển Khâm đài, muốn đánh trống Đăng Văn* cáo ngự trạng, vụ án này liên lụy quá lớn, không thể chậm trễ một khắc nào…”
(*Trống Đăng Văn được đặt ở kinh đô để mỗi khi dân chúng bị oan ức thì đánh trống lên cho triều đình biết, đăng văn có nghĩa tiếng trống đánh lên để thấu đến tai vua.)
***
Thanh Duy sửng sốt: “Cáo ngự trạng? Y có nói vì sao lại muốn cáo ngự trạng không?”
Phù Đông lắc đầu: “Tôi có hỏi chàng, chàng chỉ bảo chuyện rất nghiêm trọng, nếu biết nhiều, sợ một sơ suất nhỏ cũng sẽ gặp họa sát thân, nên không cho tôi biết nhiều.”
***
Phù Đông hỏi: “Anh vội vã lên kinh như thế, có mang đủ tiền không?”
Chẳng đợi Từ Thuật Bạch trả lời, nàng trải khăn gấm lên bàn, lấy hết vòng cổ trâm ngọc trong rương đặt vào, lại đi tới giường lấy hai mươi lượng mình giấu, gói ghém kỹ càng rồi đưa hết cho Từ Thuật Bạch, nói, “Anh cầm đi.”
Từ Thuật Bạch nhìn nàng mà không nhận.
Một lúc sau, chàng đặt tay nải lên bàn rồi mở ra, nhìn lướt qua những vòng vàng trâm ngọc, cuối cùng dừng lại ở cây trâm song phi yến.
Đấy là một cặp trâm đôi, chàng lấy một chiếc, khẽ mỉm cười, “Có nó là đủ rồi.”
Dừng một lúc, chàng gỡ thẻ bài bên hông xuống, đưa cho Phù Đông, “Nhà ta nghèo khó, trên người chẳng có của nả nên hồn, cả đời chỉ dựa vào thi thư đi lên, tấm thẻ bài này được quan phủ tặng vào năm ta thi đậu tú tài, ta rất thích nó, luôn đeo bên mình. Cô cầm lấy giữ kỹ, đợi ta quay về.”
Nhưng chàng đi chuyến ấy lại đi thẳng không về.
***
Phù Đông vẫn nhớ, ngày Từ Thuật Bạch rời đi là mồng bảy tháng Bảy.
Mồng bảy tháng Bảy năm Chiêu Hóa thứ 13, hai ngày trước khi Tiển Khâm đài hoàn công.
Phù Đông chẳng chờ được Từ Thuật Bạch quay về, mà thứ nàng nhận được lại là tin dữ kinh thiên động địa.
Tiển Khâm đài sập, rất nhiều học trò lên đài, thợ mộc dựng đài và cả dân chúng đều đã bị đè chết.
Như thể trời đất đảo lộn ngay tức khắc, huyện Sùng Dương Lăng Xuyên vang vọng tiếng lầm than, triều đình chấn động, Chiêu Hóa đế dẫn theo triều thần đích thân tới núi Bách Dương, ra lệnh điều tra rõ nguyên nhân gây sập.
Điều đầu tiên tra được là vấn đề về gỗ, tin tức Lang trung bộ Công Hà Trung Lương cấu kết với Tri phủ Ngụy Thăng tráo gỗ dỏm đã lan truyền khắp nơi, Chiêu Hóa đế hạ lệnh chém đầu ngay dưới núi Bách Dương, Từ Đồ tráo gỗ cho bọn họ đã tự sát vì sợ, một nhà 27 người, không một ai còn sống.
Phiêu Hương trang cũng trong cảnh hỗn loạn.
Ma ma thần hồn nát thần tính – trước khi Tiển Khâm đài gặp chuyện, đám Hà Trung Lương, Từ Đồ là khách quen nơi này – bọn họ sợ đại họa ập xuống đầu mình, người này tiếp người kia nhanh chóng bán kỹ nữ đi rồi bỏ trốn ngay trong đêm.
May mắn thay hội Hà Trung Lương không chỉ mua vui ở mỗi Phiêu Hương trang, tai họa Tiển Khâm đài có quá nhiều manh mối nhiêu khê, quan phủ không điều tra tới những kỹ nữ hạ đẳng ấy, thế là nhân lúc rối loạn, Phù Đông trốn khỏi Phiêu Hương trang, đến một gia đình giàu có.
Cuối cùng nàng vẫn chẳng được như kỳ vọng của Từ Thuật Bạch – giữ sạch tấm thân làm người đàng hoàng, mà vẫn tiếp tục số mệnh ba phen bốn bận hầu người, tiếp tục lăn lộn chốn phong trần. Nàng dùng mọi cách để được sủng ái trong những trạch viện ấy, rồi dần dà bị chán ghét vứt bỏ, cuối cùng như một món hàng được chào giá, bán sang nhà khác.
Chỉ là… đôi khi thu mình trong góc khuất ánh trăng, nàng lại nhớ đến những lời Từ Thuật Bạch đã nói.
Chàng thư sinh ngây thơ trẻ trung ấy, ban đầu nói chuyện thường hay đỏ mặt:
“Không phải như vậy, có nghề có thể làm, có thể lại không thể.”
Nghề nào mà không thể? Những năm qua, Phù Đông đã dần dà hiểu ra.
Những phù hoa lộng lẫy đạt được bằng cách bán mình, thì đến cuối cũng chỉ là vầng trăng dưới nước mà thôi.
Sở dĩ ta là người, vì ta nào phải một món hàng bị bán.
Và khi đã tỏ tường điều ấy, Phù Đông đeo đuổi một suy nghĩ, nàng nên chuộc thân cho mình rồi tới Tiển Khâm đài, nhận thi thể của Từ Thuật Bạch.
Nàng không biết vì sao chàng lại đến Tiển Khâm đài, chỉ biết nửa năm sau khi đài đổ, nàng tìm thấy tên chàng trong danh sách những sĩ tử mất mạng.
***
Khi Phù Đông đến núi Bách Dương nhận thi thể Từ Thuật Bạch thì đã là mùa xuân năm Gia Ninh thứ hai, nói là nhận thi thể, kỳ thực sau trận hỏa hoạn nhằm ngăn ngừa ôn dịch, thứ còn lại chỉ là di vật của người đã khuất.
Phù Đông vừa thấy di vật của Từ Thuật Bạch, lập tức ngẩn ra.
Đó là một tấm thẻ bài, bên trên khắc tên chàng, quê quán cùng công danh tú tài của chàng.
Nó giống hệt thẻ bài mà Từ Thuật Bạch đã tặng nàng lúc trước.
Phù Đông nhanh chóng nhận ra, thẻ bài quan phủ đưa cho nàng là giả, thẻ bài thật đang ở chỗ nàng.
Nhớ lại những chuyện trước khi Từ Thuật Bạch rời Lăng Xuyên, Phù Đông cảm thấy sống lưng buốt giá…
“Không lên Tiển Khâm đài cũng được!”
“Ta lên kinh chính vì Tiển Khâm đài! Muốn đánh trống Đăng Văn cáo ngự trạng!”
“Vụ án này liên lụy rất lớn, không thể chậm trễ một khắc nào.”
“Nếu quá nhiều, chỉ một sơ suất cũngsẽ rước họa vào thân, cô cứ coi như chưa nghe gì, trước khi mọi chuyện lắng xuống, chớ nói với người khác là cô quen ta.”
Từ Thuật Bạch là người rất dứt khoát, nếu chàng đã nói không muốn lên đài thì chắc chắn sẽ không đổi ý.
Như vậy có nghĩa, Từ Thuật Bạch mất tích trên đường lên kinh, rồi có kẻ cố ý ngụy tạo thông tin rằng chàng đã chết dưới Tiển Khâm đài.
***
Phù Đông nói: “Nhận ra thẻ bài thật giả, tôi biết sự việc không đơn giản nên không tiết lộ với ai, một mình đi về. Rồi lại nghĩ, ngay từ đầu chuyện này đã rất lạ. Có thể người khác không hiểu Từ Đồ, nhưng tôi biết rõ lão là kẻ hám danh trục lợi, tham sống sợ chết, khi Tiển Khâm đài sập, lão không trốn đã đành, nào có chuyện sợ tội mà tự vẫn? Dù tự vẫn thật đi chăng nữa, tại sao phải kéo theo một nhà hai mươi bảy người chết chung? Nhưng điểm quan trọng nhất thì tôi lại bỏ qua.”
“Là gì?” Thanh Duy hỏi.
“Làm quan.” Giang Từ Chu nói.
“Đúng, làm quan.” Phù Đông gật đầu: “Giang công tử là dòng dõi quý tộc, chắc đã quá quen tác phong trong triều, hẳn có thể nhận ra chỗ kỳ lạ ngay. Mà tôi khi ấy chỉ là một kỹ nữ ở Phiêu Hương trang, nghe các ân khách bảo tiên sinh sắp lên kinh làm quan, nhưng cũng chẳng mấy để bụng.”
“Về sau dò la kỹ mới biết, làm quan ở kinh, nếu không phải con nhà thế gia được hưởng phước đời trước, thì ắt phải xuất thân từ bảng vàng, song lúc ấy tiên sinh chỉ là một tú tài, dù có thể lên Tiển Khâm đài, được Hà Trung Lương hay Ngụy Thăng tiến cử, con đường làm quan sẽ thuận lợi hơn, nhưng nào có chuyện nhanh như thế đã lên kinh làm quan?”
“Hay là, trong triều còn có một nhân vật còn lợi hại hơn thế, có thể vượt qua quy chế để đề bạt một tú tài, cho chàng làm quan trước rồi mới từ từ thi sau?”
***
Phù Đông điều tra được chuyện này, bèn đi tìm ma ma ở trang viên ngày trước hỏi thăm.
Rời trang viên, ma ma cũng không được sống tốt, chỉ mới mấy năm ngắn ngủi mà đã bệnh tật đầy mình. Có nhẽ vì cận kề cái chết, mà người ta cũng nói năng nhẹ đi, bà nói: “Ngươi hỏi cậu thư sinh kia à. Thư sinh đó là một đứa bé ngoan. Ma ma sống đến chừng này tuổi, gặp được rất ít người tốt, mà cậu ta là một trong số đó. Nhưng ta khuyên ngươi, chớ có tìm cậu ta nữa, cậu ta không sống nổi đâu, người mà Từ Đồ đắc tội… ghê gớm lắm.”
“Là ai?” Phù Đông hỏi.
Ma ma nói: “Ta cũng không rõ, nhưng có một lần nghe bọn họ nhắc đến, hình như là họ hàng của Hà gì ấy… À, họ hàng của Hà Trung Lương. Gọi là Lão Hà đại nhân hay Tiểu Hà đại nhân nhỉ? Nói hắn ta rất ghê gớm, có thể để cậu thư sinh làm quan.”
—