Hoàng hậu bị cấm túc chẳng phải là chuyện nhỏ. Không chỉ hậu cung nhiễu loạn mà triều chính cũng bắt đầu dậy sóng. Phe cánh Hà thái sư không ngừng dâng tấu mong hoàng đế bỏ lệnh cấm túc hoàng hậu. Dương thượng thư cũng liên tục xin diện thánh sau mỗi buổi chầu, mục đích không ngoài việc thỉnh cầu hoàng đế xem xét lại vụ giáng chức ngớ ngẩn của Dương Ngọc Huệ. Lại cũng có người tỏ ra quan ngại về việc hậu cung rơi vào tay công chúa địch quốc, sợ rằng sẽ để lại mầm họa về sau. Không chỉ vậy, sắp tới đây là sinh thần mười chín tuổi của hoàng đế. Việc tổ chức thọ yến trọng đại nhường này sao có thể giao vào tay một kẻ mù tịt lễ nghĩa như thế cho được?
Ta nghe kể lại mà hết mực tán thành. Rường cột quốc gia có khác, suy nghĩ thực là thấu đáo! Ngay cả hoàng hậu mà mỗi lần tổ chức yến tiệc còn mệt bở hơi tai, ta làm thế nào mà đảm đương cho nổi? Lúc hoàng đế ra khẩu dụ bảo ta quản lý hậu cung, ta đã đánh hơi được mùi phiền phức. Nhưng bây giờ, khi Thượng cung cục đến hỏi ý ta nên tổ chức thọ yến ra sao, ta mới nhận ra mình không chỉ gặp phiền phức, mà còn là phiền phức cực lớn.
Ta lọ mọ đến Thuận Ninh cung hỏi ý thái hậu thì bà đóng cửa không tiếp. Ta đem chuyện này nói với hoàng đế, hắn lại gạt đi bảo ta làm thế nào cũng được. Ta cùng đường, đành phải tìm Lý Thọ bàn bạc. Lý Thọ suy nghĩ hồi lâu, bèn hiến kế: năm trước hoàng hậu ra lệnh chuẩn bị những gì thì năm nay cứ bảo Thượng cung cục làm giống hệt như vậy là được. Ta cảm thấy không có biện pháp nào khả thi hơn, bèn gọi Chúc Thượng cung đến nói y lời Lý Thọ. Chúc Thượng cung là người công chính liêm minh, không ngả về phe nào. Ta đem hết nỗi lòng một kẻ lễ nghi dốt nát kể lại cho bà nghe. Chúc Thượng cung tỏ ra thông cảm, đồng ý giúp ta chịu trách nhiệm khâu chuẩn bị. Nhưng công việc tổ chức thọ yến đòi hỏi phải có nữ quan cấp cao giám sát, mà bên cạnh Chúc Thượng cung không có đủ người đáng tin. Ti trưởng Ti chế phòng, Cao Bối Châu được việc nhưng lại là kẻ gió chiều nào che chiều ấy. Chúc Thượng cung ngỏ ý muốn thăng Tạ Thu Dung lên hàng tam phẩm Thượng nghi để phụ giúp bà. Thực ra việc thăng chức trong Thượng cung cục do bà toàn quyền quyết định, chỉ vì Tạ Thu Dung còn trẻ mà thời gian qua đã thăng tiến khá nhanh, Chúc thượng cung không tiện tự mình thăng chức cho nàng nên mới muốn xin lệnh của ta. Chuyện này ta mừng còn không kịp, bèn lập tức đồng ý. Biết rằng vừa mới nắm quyền cai quản hậu cung tạm thời mà đã vội vàng phong thưởng cho Tạ Thu Dung, ở trong mắt người khác sẽ thành chuyện không hay. Thế nhưng dẫu sao, tiếng tăm có tốt đến đâu cũng không mài ra ăn được. Nếu có thể dựa vào sự việc lần này mà làm được một việc tốt cho Tạ Thu Dung thì ta có phải mang tiếng xấu cũng cam tâm tình nguyện.
Ở hậu cung, ta bị việc tổ chức thọ yến cho hoàng đế làm đau đầu mệt óc thì bản thân hắn mấy ngày này cũng chẳng vui vẻ gì. Từ sau hôm thọ yến thái hậu, hoàng đế mỗi ngày bãi triều xong đều phải đến trốn ở Bách Thược cung. Liễu Yến Yến trời không sợ, đất không sợ, tất nhiên càng không sợ mấy lão quan già. Đại thần trong triều sai thái giám đến cầu kiến đều bị nàng ta hung hăng đuổi đi sạch. Hoàng đế được yên thân đôi ba hôm thì đến lượt phụ thân của Liễu Yến Yến gặp chuyện. Liễu Yến Yến hết mình bảo vệ hoàng đế khỏi đám quần thần phiền phức, coi là xả thân cứu giá cũng chẳng sai. Ấy thế nhưng trong mắt quan viên, hành vi ấy lại là hồ ly mị chủ, rất cần phải được bài trừ. Nhưng Liễu Yến Yến ở trong hậu cung, bọn họ bài trừ thế nào được? Người lãnh đủ đương nhiên là Liễu thái phó. Liễu Yến Yến nghe tin phụ thân mình bị đồng liêu khó dễ, liền nổi đóa đòi hoàng đế xử phạt hết đám người kia, trả lại công bằng cho phụ thân nàng ta. Hoàng đế xem như tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, phải cuốn gói chạy khỏi Bách Thược cung. Cẩm Tước cung chắc là nhờ vậy mà có vinh dự tiếp đón thánh giá.
Hoàng đế đến lúc trời đã tối mịt, vẫn là kiểu tự tiện đi vào không thèm thông báo. Hắn vừa vào trong phòng, liền bắt gặp cảnh ta đang ngồi chăm chú đọc ghi chép nhân thân cung nữ của Ti Lễ phòng đưa đến. Sau khi Tư An phản bội, những người từng có qua lại với nàng ta đều phải điều tra kĩ càng. Ngọc Nga và Ngọc Thủy dành cả một ngày thẩm vấn bọn họ. Kẻ nào hơi có điểm khả nghi ta đều trả lại Thượng cung cục cả. Người làm việc cho mình không cần nhiều, chỉ cần trong sạch, ngay thẳng. Những cung nữ hạ đẳng làm việc chăm chỉ lâu nay cũng được xem xét thăng cấp. Tạm thời sắp xếp như vậy để ta có thời gian tuyển chọn người mới thật cẩn thận.
Ta thấy hắn xuất hiện cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên. Thời gian này, hậu cung không có quá nhiều chỗ hắn có thể dừng chân. Ta sai người nấu cho hắn một ít thức ăn lót dạ để hắn uống thuốc, sau đó nghỉ ngơi sớm. Dáng vẻ hắn thực mệt mỏi. Hai người chúng ta không nói chuyện nhiều như thường lệ, chỉ lặng lẽ nằm cạnh bên nhau. Dưới chăn, bàn tay hắn âm thầm tìm đến đan chặt lấy tay ta. Độc chất trong người hoàng đế phần lớn đã bị ép ra ngoài, sức khỏe hắn tốt lên, hàn chứng dai dẳng từ thuở nhỏ cũng dần thuyên giảm. Tay hắn không còn lạnh lẽo như trước mà dường như còn ấm hơn cả tay ta. Ta chợt nghĩ, lời hứa bách niên giai lão hôm nào biết đâu lại có thể thành hiện thực.
Vừa nghĩ ngợi mông lung, ta vừa lơ mơ ngủ, chẳng rõ được bao lâu thì bị tiếng ồn ào phía ngoài cửa đánh thức. Ta giật mình định ngồi dậy xem có chuyện gì thì sự nhớ ra tay mình vẫn đang ở trong tay hoàng đế. Để khỏi đánh thức hắn, ta đành phải nằm dỏng tai lên nghe ngóng. Thì ra là Lý Thọ đang nói chuyện với một kẻ mà ta không nghĩ đến – Ngọc Lăng.
Ban đầu Ngọc Lăng nói những gì, ta còn mê ngủ nên không rõ, chỉ thấp thoáng nghe Lý Thọ hạ thấp giọng trả lời:
- Hoàng thượng đã ngủ rồi. Cô về bảo Tô tiểu chủ có gì thì ngày mai hẵng cầu kiến.
Lý Thọ sợ đánh thức hoàng đế nên nói rất khẽ, nhưng trong giọng nói vẫn lộ rõ ý cảnh cáo. Ngọc Lăng cục mịch đâu hiểu được, vẫn cứ khăng khăng:
- Tiểu chủ nhà ta bệnh thực là nặng lắm! Nhất định phải gặp hoàng thượng...
Ta thở dài trong lòng. Tô Nhược này vừa khỏi bệnh đã lập tức kiếm chuyện rồi.
Đọc tiếp tại truyenazzmoi.com nhé !
Lý Thọ cứng nhắc đáp:
- Bệnh nặng thì lại càng không thể gặp hoàng thượng. Nhỡ lây cho người thì bao nhiêu mạng cũng không đền cho đủ.
Lý Thọ đã nói đến vậy mà vẫn như đàn gảy tai trâu. Ngọc Lăng càng cố ý lớn tiếng hơn:
- Xin công công cứ vào trong bẩm báo một tiếng giúp ta đi! Hoàng thượng thương tiểu chủ của ta như vậy, người nhất định sẽ đi thăm nàng mà!
Chất giọng the thé của Ngọc Nga xé tan bầu không khí thanh tĩnh buổi đêm, xuyên thẳng vào chỗ chúng ta. Bên cạnh ta, hoàng đế đột ngột trở mình, kéo chăn che kín tai. Đến nước này, ta không thể nằm yên được nữa, bèn lồm cồm bò dậy khoác áo đi ra.
Lý Thọ vẫn đang giằng co với Ngọc Lăng. Nhìn mặt hắn rõ ràng là muốn bóp chết nàng ta lắm rồi, ngặt vì hoàng đế còn cần đến Tô Nhược nên hắn mới phải cố nói chuyện đàng hoàng. Lý Thọ trông thấy ta lò dò vén màn bước ra thì giật mình, hoảng sợ nói:
- Nương nương thức giấc rồi ư?
Lý Thọ thì quan tâm gì việc ta ngủ hay thức, hắn chỉ lo kinh động đến hoàng đế thôi. Ta gật đầu trấn an hắn rồi nói:
- Bản cung đang ngủ thì nghe có tiếng người nói chuyện xôm tụ, cứ ngỡ trời đã sáng rồi.
Ta nhìn ra bầu trời đen kịt ngoài sân, vờ ngạc nhiên nói tiếp:
- Hóa ra vẫn còn tối đen như mực. Chẳng hay bên chỗ Tô sung hoa có việc gì mà không đợi nổi đến khi trời sáng?
Lúc này, nét mặt ta hoàn toàn lạnh lùng, không hề có một chút vẻ xuề xòa, dễ chịu thường ngày. Ngọc Lăng hơi giật mình, ngập ngừng đáp:
- Tiểu chủ của nô tỳ đột nhiên cảm thấy không khỏe...
Chẳng đợi nàng nói hết những lời vô nghĩa kia, ta đã cắt ngang:
- Không khỏe thì đi mời thái y. Cầu kiến hoàng thượng để làm gì? Hoàng thượng có chữa bệnh được đâu?
Ngọc Lăng đuối lý, cắn môi lí nhí đáp:
- Là do tiểu chủ nói... hậu cung nhiều âm khí quá... nên ảnh hưởng sức khỏe của người... nên người mới muốn gần bên hoàng thượng để hưởng chút dương khí...
Loại lý do này mà cũng có can đảm nói ra, thực khiến người ta bội phục. Ta cau mày:
- Nơi dưới chân thiên tử làm thế nào lại nhiều âm khí? Ăn nói hồ đồ. Nếu tiểu chủ nhà ngươi thật sự thiếu dương khí, bản cung ân chuẩn cho nàng sáng mai ra sân lớn Cẩm Tước cung ngồi phơi nắng vài canh giờ là được.
Ngọc Lăng chưa từng thấy ta đanh đá như vậy, sợ đến vã cả mồ hôi trán nhưng vẫn cố cứu vớt:
- Nhưng mà tiểu chủ của nô tỳ...
Ta dợm bước đến gần Ngọc Lăng, nhìn thẳng vào cặp mắt ti hí của nàng ta:
- Đừng quên, bản cung cũng là chủ nhân của ngươi.
Thẳng thắn mà nói, cung nhân trong Cẩm Tước cung đều là người hầu kẻ hạ của ta. Ta muốn trách muốn phạt ra sao, tiểu chủ của các nàng có thể nói đỡ, nhưng không được quyền can thiệp. Ngọc Lăng ngốc nghếch đến đâu cũng biết điều này. Ta vừa nói vậy, nàng ta liền tái mặt cáo lui rồi ba chân bốn cẳng chạy mất.
Lý Thọ cười cười, chắp tay nói:
- Vẫn là nương nương lợi hại nhất.
Ta thở dài ngán ngẩm:
- Tô Nhược này, thực khiến ta đau đầu quá.
Lý Thọ cũng thở dài theo:
- Vị Tô tiểu chủ này đúng là đặc biệt hơn người. Có điều này chắc nương nương chưa biết...
Lý Thọ tức cảnh sinh tình, bèn đem toàn bộ chuyện của Tô Nhược kể lại. Thì ra sau khi Tô Nhược tiến cung, hoàng đế đã sai hắn đích thân đến Tô phủ điều tra lần nữa để chắc chắn nàng ta không có liên hệ gì với bọn loạn thần tặc tử Trang thị. Lý Thọ hỏi han hết người trong phủ, lại săm soi kĩ lưỡng từng ngóc ngách phòng nghỉ của Tô Nhược thì đi đến kết luận Tô Nhược không phải đồng bọn của Trang thị, nhưng vụ việc xảy ra khi đó nàng ta cũng không hoàn toàn vô can.