Học đường.
Cuối cùng cũng đến giờ tan học, dưới ánh mắt kính sợ của bốn đứa trẻ, Trần Đình Giám sải bước không nhanh không chậm.
Đến khi bóng hình ông ấy khuất dần, bấy giờ Tam Lang mới chạy tới bên cạnh Uyển Nghi: “Tỷ tỷ, giờ chúng ta đi tìm tứ thúc đi, trưa nay ăn cơm bên ngoài!”
Uyển Nghi cũng đang có ý này, vui vẻ kéo tay Đại Lang: “Đi thôi, ta nghe nói dọc đoạn đường kinh thành mở rất nhiều sạp ăn vặt, thú vị hơn việc đi tửu lầu rất nhiều!”
Đại Lang nhìn tay tỷ tỷ.
Thật ra y rất khó chịu, y không thông minh bằng Nhị Lang, hôm nay lại làm tổ phụ nổi giận, y đang thất vọng về bản thân.
Nhưng tay tỷ tỷ ấm áp quá, nụ cười của tỷ tỷ trông tươi tắn như vậy.
Suy cho cùng, Đại Lang mới chỉ có bảy tuổi, tận sâu trong xương tuỷ y vẫn là kẻ ham chơi, nghĩ đến việc có thể theo tứ thúc ra ngoài là lại hào hứng. Tứ thúc không giống tổ phụ, phụ thân rất coi trọng việc học hành của y. Trong tích tắc, nỗi khổ sở của Đại Lang tựa như bầu trời mây đen kín lối, chỉ cần một trận gió nhẹ đã dễ dàng thổi xa.
“Ừm!”
Bốn tỷ đệ giống như những chú chim sẻ nhỏ vừa thoát khỏi cái lồng sắt, bay thẳng về phía Tứ Nghi Đường.
Hoa Dương và Trần Kính Tông đang ngồi trên chiếc trường kỷ trong buồng thứ hai, vừa nói chuyện câu được câu không lại vừa chờ phòng bếp đưa bữa trưa tới.
“Công chúa, nhóm đại tiểu thư tới, đang chờ ở tiền viện.”
Triều lộ bước vào bẩm báo.
Hoa Dương cười: “Dẫn họ vào đây.”
Triều Lộ rời đi, bấy giờ nàng quay đầu nhìn về phía Trần Kính Tông.
Trần Kính Tông có vẻ không vui: “Nàng muốn nghe ông cụ giảng bài, ta đâu được lợi lộc gì, tại sao tới cuối cùng còn ép ta dẫn bọn chúng ra ngoài?”
Hoa Dương: “Không phải ta cố ý sai khiến chàng. Bản thân ta cũng đâu có ngờ, khi ta hỏi Uyển Nghi muốn nhận phần thưởng gì, nàng lại nói chỉ muốn ra ngoài chơi.”
Lúc tìm Uyển Nghi để thương lượng kế hoạch lừa gạt cha phu quân giảng bài, Hoa Dương đã chuẩn bị sẵn bạc để thưởng cho bọn nhỏ, nhưng không ngờ Uyển Nghi lại làm chủ thay các đệ đệ, nói chỉ muốn được tứ thúc dẫn đi chơi.
Tất nhiên, Hoa Dương rất muốn thỏa mãn tâm nguyện đơn giản và bình dị này của bọn nhỏ.
Trần Kính Tông: “Không đi.”
Hoa Dương nhíu mày: “Rõ ràng lúc trước chàng đã đồng ý với ta.”
Trần Kính Tông: “Nàng không coi ta là trượng phu, không đau lòng cho ta. Khi còn bé ở với ông cụ chịu khổ chịu uất ức biết bao nhiêu, ta chưa từng được nhàn hạ thoải mái dù chỉ một giây.”
Hoa Dương: “… Được rồi, ta đau lòng cho chàng mà.”
Trần Kính Tông: “Rõ là cưỡng ép, không hề có thành ý.”
Hoa Dương nghiến răng, nhìn qua khung cửa sổ, bóng dáng bọn nhỏ đã xuất hiện trên hành lang.
“Cuối cùng là chàng muốn gì?”
Trần Kính Tông nhìn ra ngoài cửa sổ, sau lại nhìn nàng, giơ tay, khẽ vỗ vị trí bên cạnh mép trường kỷ.
Hắn không nói bất cứ điều gì, thậm chí khuôn mặt vẫn vô cùng đứng đắn. Có điều, một ngọn lửa u ám, ham muốn hiện rõ nơi đáy mắt hắn, dù Hoa Dương có đứng cách xa mười trượng cũng cảm nhận được sức nóng.
Trong lúc bọn họ đang giằng co, bọn trẻ đã chạy tới dưới mái hiên, tiếng Tam Lang cười nói vui sướng vang lên.
Hoa Dương trừng mắt liếc hắn một cái, sau đó quay mặt đi, xem như cam chịu.
Nhìn khuôn mặt ửng hồng và vành tai đỏ bừng của nàng, hắn chậm rãi bước xuống từ chiếc trường kỷ, nhanh chóng đi ra ngoài.
“Tứ thúc!”
Nhị Lang, Tam Lang cùng chạy tới.
Trần Kính Tông giơ tay ôm đầu, đối lập với hai tiểu tử kia, Uyển Nghi và Đại Lang lại khá trầm tính, chững chạc. Đại Lang nói: “Đi thôi, tứ thúc sẽ đưa các con tới tiệm ăn.”
Uyển Nghi nhìn vào bên trong: “Chúng con chưa nói lời cảm ơn với tứ thẩm.”
Tới cũng tới rồi, không chào hỏi thì quá thất lễ.
Trần Kính Tông nhướng mày: “Người đi cùng các con là ta, sao phải nói lời cảm ơn với nàng?”
Uyển Nghi hừ một tiếng: “Nếu không nhờ tứ thẩm lên tiếng, liệu tứ thúc có thèm đả động đến bọn con không? Trước đây người có bao giờ thu xếp mấy việc này.”
Trần Kính Tông: …
Đúng lúc này, Hoa Dương đi từ bên trong ra. Trần Kính Tông quay đầu nhìn lại, thấy sắc mặt nàng đã khôi phục lại vẻ bình thường vốn có, khác cái là không chịu nhìn thẳng hắn.
“Chẳng phải nói muốn đến tiệm ăn sao? Xuất phát ngay bây giờ đi, nếu không đợi lát nữa nhà ăn nhiều khách, có khi phải xếp hàng đấy.” Nàng cười nói với bọn nhỏ.
Tam Lang: “Tứ thẩm cũng đi cùng đi?”
Hoa Dương cười đáp: “Ta còn chuyện khác cần làm, hôm nay không thể đi cùng các con được.”
Trần Kính Tông: “Được rồi, đi thôi, nếu không để lát nữa ông cụ biết, có muốn đi cũng không được.”
Tức khắc, bốn đứa trẻ không dám trì hoãn thêm nữa, cả đám vây quanh thân hình cao lớn của tứ thúc rồi rời đi.
Hoa Dương đứng ở cửa, mãi đến khi Trần Kính Tông đang đi trên hành lang bỗng quay đầu nhìn lại, nàng trừng mắt liếc hắn một cái, xoay người đi vào buồng trong.
Xuân Hoà Đường.
Tôn thị nhìn trượng phu đang đứng rửa tay trước thau đồng, nói với giọng điệu buồn bực: “Rõ là đi dạy bọn nhỏ học, sao chàng lại tỏ vẻ như thể đầy rẫy tâm sự thế?”
Trần Đình Giám cười khổ: “Thật ra ở học đường không có vấn đề gì hết, chỉ có điều là sau khi ra khỏi học đường, ta mới biết Công chúa và lão Tứ đứng ngoài nghe lén.”
Thật ra ông ấy cũng chẳng thấy lạ khi lão Tứ làm chuyện hoang đường, điều khiến ông ấy ngờ vực là tại sao Công chúa cũng…
Nếu thật sự muốn nghe ông ấy giảng bài, chỉ cần mở miệng chào hỏi rồi vào trong ngồi, tại sao phải đứng ngoài quan sát âm thầm như thế?. truyện teen hay
Lúc nghe được tin tức này, Trần Đình Giám phản ứng lại ngay, có thể việc cháu gái mời ông ấy giảng bài là do Công chúa hoặc lão Tứ đứng sau bày mưu đặt kế.
Trần Đình Giám làm quan hơn ba mươi năm, lúc ra ngoài đường, khi mấy người đồng liêu chạy tới chào hỏi, ông ấy sẽ căn cứ vào nét mặt đối phương, giọng điệu để phân tích điều gì đó. Về đến nhà, cả thể xác lẫn tinh thần của Trần Đình Giám mới được thả lỏng, có lẽ ông ấy sẽ đoán được tâm tư của con trai và đề cao cảnh giác việc mấy đứa cháu gài bẫy ông ấy.
Tôn thị ngẩn người, khi thấy trượng phu lo nghĩ vì sợ bị cháu gái ruột tính kế, bà ấy có hơi bất lực. Đột nhiên, tâm trạng Tôn thị tốt hơn bao giờ hết, có cảm giác vui sướng khi thấy người gặp hoạ: “Trách ai, không phải tại chàng quá nghiêm khắc sao? Chàng doạ Đại Lang sợ tới nỗi đổ bệnh, chắc đây là lần đầu tiên Công chúa nghe nói trên đời có tổ phụ vô lương tâm như thế cho nên muốn tận mắt chứng kiến.”
Trần Đình Giám: “Đừng nói bật, lão Đại đã giải thích rồi. Cơ thể Đại Lang ốm yếu nên mới nôn mửa như thế, không liên quan gì tới ta.”
Tôn thị: “Chàng cũng biết đó là lão Đại, hắn có thể trách cứ vi sư như chàng quá nghiêm chăng? Đừng nói là Đại Lang, dù chàng có chọc em khóc, lão Đại cũng không dám nói nửa chữ không phải với chàng.”
Trần Đình Giám: “Nàng càng nói càng vô nghĩa.”
Bấy giờ, quản gia ở tiền viện phái một nô tỳ tới báo tin, nói Phò mã đã dẫn bọn trẻ ra ngoài.
Đây có khác nào nói thẳng mặt Trần Đình Giám, rằng khóa học buổi sáng là bọn nhỏ phối hợp với Tứ Nghi Đường rồi tỉ mỉ thiết kế.
Mà vấn đề là, cuối cùng thì người chỉ đạo tất thảy là lão Tứ hay Công chúa? Mục đích của cả hai là gì?
Tôn thị ngồi vào bàn ăn, đoán già đoán non: “Chắc là Công chúa đó, lão Tứ được chàng dạy dỗ, sao hắn có thể không hiểu chàng là loại người thế nào.”
Trần Đình Giám yên lặng ăn cơm.
Tôn thị: “Lại nói nữa, chắc chắn hôm nay chàng lại nổi giận với bọn nhỏ đúng không? Nếu biết Công chúa đứng ngoài nghe lén, sao chàng không kiềm chế chút?”
Trần Đình Giám: “Công chúa là cành vàng lá ngọc, tất nhiên ta tự biết lựa lời nói, để tránh đụng chạm Công chúa.”
Tôn thị: “Vậy tức là, Công chúa đang muốn xem bộ mặt thật của vi sư như chàng.”
Trần Đình Giám đã đoán được, thậm chí còn nghĩ tới cả Thái tử trong cung.
Nhưng Trần Đình Giám cũng không thấy hối hận điều gì, nghiêm sư xuất cao đồ, huống hồ hôm nay cả Đại Lang lẫn Nhị Lang đều phạm phải sai lầm không đáng có, và tất cả đều tránh được nếu dùng thái độ đúng đắn.
Công chúa nhân hậu, có thể nàng sẽ không thể hiểu được hành động của ông ấy. Có thể vì chuyện này mà nàng không còn kính trọng ông ấy, tất cả đều là chuyện Trần Đình Giám có thể gánh vác. Suy cho cùng, ông ấy không thể mắt nhắm mắt mở bỏ qua cho Đại Lang và Nhị Lang chỉ để làm hài lòng Công chúa, như vậy sẽ chỉ gây ảnh hưởng xấu tới đám tôn tử.
Ông ấy cũng không sợ Công chúa tới tìm Hoàng thượng và nương nương nói gì đó vì lòng quan tâm dành cho Thái tử. Nhớ lại trước đây, ông ấy từng đối xử khá nhẹ nhàng với Thái tử, chính nương nương là người yêu cầu ông ấy phải nghiêm khắc.
Nghĩ vậy, Trần Đình Giám yên tâm thoải mái nghỉ ngơi một buổi.
Sau khi tỉnh ngủ, Trần Đình Giám đi vào thư phòng.
Nửa canh giờ trôi qua trong vô thức, thê tử đi tới, nhìn ông ấy bằng ánh mắt như đang xem trò vui: “Công chúa tới, đang chờ chàng trước thính đường.”
Trần Đình Giám đặt cuốn sách xuống, cúi đầu nhìn bộ râu và quần áo trên người, khi chắc chắn là không có chỗ nào thất lễ, ông ấy mới sải bước đi tới trước viện cùng thê tử.
Hoa Dương ngồi trên vị trí chủ vị ở thính đường, thấy Nhị lão tới, nàng khẽ cười.
“Thần bái kiến Công chúa.” Trần Đình Giám vẫn lịch sự như mọi khi.
Hoa Dương: “Phụ thân miễn lễ, mời ngồi.”
Trần Đình Giám tự giác ngồi xuống chiếc ghế dành cho khách bên trái Công chúa. Ở đây có hai chiếc ghế dành cho sách, Tôn thị ngồi vào chiếc còn lại.
Trần Đình Giám hơi nghiêng người, nhìn con dâu là Công chúa đang ngồi trên vị trí chủ bằng ánh mắt bình thản, chờ đợi Công chúa mở miệng trước.
Hoa Dương cười nói: “Chắc phụ thân đã đoán được con bày mưu đặt kế kêu Uyển Nghi lừa gạt người, có chỗ thất lễ, mong phụ thân bao dung.”
Nàng dám làm dám chịu, thoải mái hào phóng, khí chất lỗi lạc phân minh khiến Trần Đình Giám phải bật cười: “Công chúa nói quá lời, thần chỉ có hơi hoang mang, không hiểu tại sao Công chúa lại làm như vậy. Nếu Công chúa muốn nghe thần giảng bài, thần đây sẽ đích thần dọn bàn cho người trên học đường.”
Hoa Dương có chút ngượng ngùng, ngón tay thon dài tựa ngọc khẽ vuốt ve mép chén trà, bấy giờ mới lên tiếng giải thích: “Lúc trước Đại Lang bị bệnh, con có nhắc chuyện này với Phò mã, ai ngờ chàng ngắt lời nói do người dạy học quá nghiêm khiến Đại Lang sợ hãi. Khi đó con không tin, Phò mã đã lấy ví dụ lúc chàng và người ở chung khi còn nhỏ để chứng minh, nhưng con vẫn không tin. Trong lúc cả hai tranh cãi, con đã nghĩ ra cách này, mạo phạm người rồi.”
Tôn thị cười nói: “Đúng là lão Tứ khi đó thiếu lễ nghi đức độ, nhưng hắn khinh thường nói dối, về việc này ta thấy hắn nói không oan cho cha đâu. Ta có thể làm chứng.”
Khuôn mặt Trần Đình Giám thoáng lộ vẻ ngượng ngùng, đang tính biện minh cho bản thân lại nghe Công chúa nói: “Nghiêm sư xuất cao đồ, nhóm Đại Lang còn nhỏ, chúng không hiểu nỗi khổ tâm của phụ thân, chờ đến khi lớn tự ắt sẽ rõ.”
Trần Đình Giám nhìn Công chúa bằng ánh mắt ngạc nhiên, ông ấy còn tưởng Công chúa sẽ không tán thành việc ông ấy nghiêm khắc.
Thật ra khoảng cách giữa hai người không phù hợp để nói chuyện tiếp, Hoa Dương đề nghị một cách thành khẩn: “Nghe nói phụ thân chơi cờ rất giỏi, mong người chỉ giáo cho con.”
Trần Đình Giám lại càng ngạc nhiên hơn.
Tôn thị sai nha hoàn đi lấy bàn cờ.
Rất nhanh sau đó, nha hoàn đặt bàn cờ trên bàn trước mặt Hoa Dương, Trần Đình Giám ngồi đối diện nàng.
Tôn thị kêu đám nha hoàn lui ra, bà ấy cầm kéo cắt tỉa chậu hoa cỏ đặt bên cửa sổ để Công chúa thoải mái trò chuyện với lão gia. Nhưng suy cho cùng, con dâu và cha chồng ngồi với nhau, ít nhiều cũng có vẻ không hợp lắm.
Càng ngày Hoa Dương càng thích mẹ chồng, mặc dù xuất thân nghèo hèn ở Lăng Châu, nhưng cách đối nhân xử thế lại không thua kém gì các tông phụ cấp thế gia.
Nàng chơi cờ với cha chồng, đi được mấy nước cờ, hai người bắt đầu hàn huyên: “Phụ thân, thật ra con có điều thắc mắc. Đại ca, tam ca và Phò mã đều là con của người, cũng từng được người đích thân dạy dỗ, nhưng tại sao đại ca và tam ca đều đỗ Trạng Nguyên Thám Hoa khoa cử cao trung mà chỉ riêng Phò mã lại không thích đọc sách, chọn con đường học võ? Chẳng lẽ lúc dạy dỗ Phò mã, người không dành hết tâm huyết như lúc dạy dỗ đại ca với tam ca?”
Trần Đình Giám nhìn bàn cờ, đáp: “Phi thần không tận lực, nói đến có lẽ Công chúa chê cười. Năm đó, Phò mã là người thần bỏ nhiều tâm huyết dạy dỗ nhất, chỉ tiếc là, Phò mã trời sinh nổi loạn, một hai phải đối nghịch với thần.”
Hoa Dương: “Vậy theo cách nhìn nhận của phụ thân, xét về thiên phú hay tư chất cũng được, Phò mã có thua kém đại ca và tam ca?”
Trần Đình Giám trầm mặc khoảng mấy giây, sau lại nói: “Xét về thiên phú, hắn chỉ hơn chứ không hề thua kém hai vị ca ca, tiếc là hắn không dồn hết tâm tư vào việc đọc sách.”
Hoa Dương: “Phò mã không thích đọc sách thật sao? Buổi sáng Nhị Lang đọc sách, đọc “Sáu Mươi Mà Nghễnh Ngãng”, trong khi con còn chưa kịp phản ứng, Phò mã đã cười phá lên. Mặc dù nói chàng đã bỏ văn học võ từ sớm, nhưng vẫn nhớ kỹ những điều mình học khi còn nhỏ. Nếu chàng thật sự chán ghét đọc sách như vậy, sao có thể nhớ rõ mồm một thế chứ?”
Trần Đình Giám sửng sốt.
Tôn thị đang tỉa cành hoa cũng quên cả cử động.
Hoa Dương lại tiếp tục: “Không giấu gì phụ thân, lúc mới gả cho Phò mã, thấy lời nói và hành động của chàng thô tục như vậy, con rất không vui. Chỉ nói tới việc rửa chân trước khi đi ngủ, con càng lạnh lùng càng nói lời châm chọc với chàng, Phò mã lại càng ra sức đối nghịch con. Khoảng thời gian đó, con và chàng có vô vàn những mâu thuẫn, đám nha hoàn bên cạnh ai cũng cười nói cách con đối đãi với Phò mã giống người như đúc, kiểu gì cũng thấy chàng không vừa mắt.”
“Sau đó, thị trấn trên có trận lũ lụt, Phò mã cõng con lên núi cõng con xuống núi, suốt cả đoạn đường chàng chưa từng để con đặt chân xuống con đường lầy lội nửa bước. Con cảm động trước sự săn sóc của chàng, không nói những lời lạnh nhạt, châm biếm. Con nhượng bộ trước, chàng cũng tự giác sửa lại những tật xấu thô bỉ đó mà không cần con khuyên bảo.”
Nói đến đây, Hoa Dương nhìn Các lão phía đối diện, nhẹ giọng hỏi: “Phụ thân có từng nghĩ tới chưa? Đối với người ăn mềm không ăn cứng như Phò mã, nếu năm đó người chịu nhượng bộ chàng, chàng thấy thoải mái, biết đâu sẽ ngoan ngoãn đi theo người đọc sách? Sau đó, với trí tuệ bất phàm của chàng, chàng sẽ được xưng tên đầu bảng vàng Trạng Nguyên, và khi chàng trưởng thành, chàng cũng sẽ bước lên Nội Các như người, thể hiện nhiều tài cán giúp đỡ việc triều chính?”
Tại sao năm đó Trần Đình Giám cương quyết ép nhi tử học văn?
Bởi vì với thân phận là một quan văn có chức vụ cao trong Nội Các như ông ấy luôn cảm thấy rằng làm quan văn sẽ có triển vọng hơn. Còn các tướng lĩnh bên ngoài, họ sẽ chỉ biết ra trận đánh giặc, chịu sự chi phối từ triều đình, chỉ huy và các hạn chế từ Nội Các.
Trần Đình Giám có thể tức giận khi nhi tử không nghe lời, nhưng nếu có người đủ khả năng khiến ông ấy tin rằng ông ấy hoàn toàn có thể đề cử lão Tứ đi thi khoa cử. Nhưng cuối cùng vì ông ấy không chịu nhân nhượng, lùi một bước thỏa hiệp, dẫn tới việc lão Tứ bỏ lỡ cơ hội làm quan văn và tiến vào Nội Các, một người phụ thân như Trần Đình Giám sẽ rất áy náy.
Rất lâu trôi qua, nhưng quân cờ trong tay Trần Đình Giám không hề được thả xuống.
Hoa Dương nhìn ông ấy bằng ánh mắt chân thành: “Phụ thân đừng tự trách, trong lòng con, người là một người cha vô cùng tốt. Người làm việc trong triều đình, dù từ trước đến giờ người luôn bận rộn với công việc bộn bề, nhưng người vẫn lo lắng cho con cái trong nhà, vẫn nguyện ý dành chút thời gian quý báu của mình để đích thân dạy dỗ chúng. Về việc nước người không thẹn với quân với dân, về việc nhà, người dạy dỗ ra các nhân tài như đại ca và tam ca, đến cả Phò mã dù tuổi còn trẻ nhưng đã trở thành quan võ xuất sắc…”
“Công chúa quá khen, thần không dám nhận.” Trần Đình Giám rời bàn, cúi đầu thật sâu hành lễ với Công chúa.
Hoa Dương cười nói: “Người làm mọi việc rất tốt, đây là chính miệng phụ hoàng và mẫu hậu nói. Người là một người cha tốt, đây là điều con dâu tận mắt chứng kiến, nào có quá lời?”
Tôn thị yên lặng lắng nghe hồi lâu, bấy giờ mới lên tiếng: “Công chúa, đừng thấy ông ấy khiêm tốn mà tưởng thật, biết đâu lại đang nở hoa trong lòng ấy chứ. Người chỉ nên chỉ ra khuyết điểm của ông ấy, tránh để tâm hồn ông ấy vi vu lên chín tầng mây.”
Trần Đình Giám: …
Hoa Dương khẽ cười, mời ông ấy ngồi xuống, giọng nói có hơi tinh nghịch: “Vậy con dâu có thể nghe mẹ chồng, tiếp tục chỉ ra khuyết điểm của người?”
Trần Đình Giám vội nói: “Công chúa cứ việc nói thẳng.”
Hoa Dương: “Vậy thưa vẫn là câu nói đó. Về chuyện nước, không ai bắt bẻ được người. Con dâu chỉ hy vọng khi dạy dỗ Đại Lang, hay thậm chí là Thái tử người có thể dùng thái độ ôn hoà chút. Bọn họ phạm sai lầm lớn, người nghiêm khắc cũng không đáng trách. Nhưng nếu chỉ là những sai sót nhất thời, hoặc sơ sẩy đọc sai chữ hay thậm chí là thỉnh thoảng ham chơi, mong người hãy nhẹ nhàng nhắc nhở, đừng dùng thái độ chỉ trích gay gắt như vậy. Nhị Lang là người hoạt bát thích cười, nhìn thì có vẻ không chịu ảnh hưởng gì nhiều, nhưng Đại Lang da mặt mỏng, đầu óc tinh tế nhạy cảm, nếu người dùng những lời nghiêm khắc tàn khốc đó với tiểu tử, con dâu sợ Đại Lang sẽ không thành đại ca, ngược lại sẽ như nhị thúc học ở quê nhà.”
Trần Đình Giám: …
Tôn thị đưa lưng về phía bọn họ, nghiến răng: “Chàng dám doạ cháu ngoan của ta thành như vậy, lúc sinh thời ta không rời khỏi chàng, nhưng nếu có kiếp sau, ta tuyệt đối không qua lại với chàng!”
Trần Đình Giám bất lực nhìn thê tử, ngẫm nghĩ một lát, sau gật đầu nói: “Thần hiểu ý Công chúa, khi còn nhỏ Phò mã kiêu ngạo, cứng đầu, Đại Lang nhạt cảm lại rụt rè, thần không nên trách móc chúng quá nặng nề. Đúng là nên hành xử theo tính khí của chúng.”
Hoa Dương thở phào một hơi: “Ý của con là như vậy.”
Trần Đình Giám bỗng ngẩng đầu, nhìn thẳng nàng: “Vậy còn Thái tử thì sao? Công chúa muốn thần dạy dỗ Thái tử thế nào?”
Lão Tứ, Đại Lang đều là người của Trần gia bọn họ, người Công chúa thật sự quan tâm nên là Thái tử.
Hoa Dương là Công chúa thân phận tôn quý, nhưng nàng chưa từng tham gia chuyện triều chính, đột nhiên bắt gặp ánh nhìn như xuyên thấu của Thượng Đường đại phu liền lựa chọn lảng tránh theo bản năng.
Trần Đình Giám cười cười, khẽ nói: “Hôm nay thần và Công chúa chỉ đang tán gẫu, Công chúa cứ nói đừng ngại. Ra khỏi căn phòng này, thần sẽ không nói với bất kỳ kẻ nào.”
Hoa Dương ổn định tinh thần, nhanh chóng sắp xếp lại những lời mà nàng soạn ra trước đó, nói với âm lượng mà đến cả mẹ chồng nghe cũng không rõ: “Có thể phụ thân chưa biết, thật ra Thái tử rất giống Phò mã. Đệ ấy thông minh, mặt mũi sáng sủa. Vẫn là câu nói đó, nếu đệ ấy phạm sai lầm lớn, người cần nghiêm khắc, nhưng nếu đó chỉ là những tiểu tiết, người nên dịu dàng chút, lời càng dễ nghe càng lọt tai đệ ấy. Phụ tử hoà thuận mới có thể đồng lòng đối đầu với thế giới bên ngoài, người và Thái tử hoà thuận, tương lai mới có cái gọi là quân thần một lòng. Nếu sau người có kế sách trị quốc gì đó, Thái tử mới nguyện ý phối hợp với người.”
Trần Đình Giám thầm siết chặt quân cờ trong lòng bàn tay.
Hoa Dương nhìn quân cờ của mình: “Người đừng coi Thái tử như đại ca hay tam ca, hãy coi đệ ấy như Phò mã khi còn nhỏ. Thử hỏi, người muốn Thái tử lớn lên sẽ giống Phò mã, đối đầu với người trên mọi phương diện, hay là tín nhiệm người như phụ hoàng tín nhiệm người, yên tâm giao Nội Các cho người?”
Trần Đình Giám cúi đầu.
Ông ấy không muốn Thái tử giống như lão Tứ, đối đầu với ông ấy trên mọi phương diện, cũng không muốn Thái tử biến thành Cảnh Thuận Đế thứ hai.
Ông ấy chỉ hy vọng Thái tử sẽ trở thành một Minh Quân anh dũng, một vị vua biết việc hiền đúng đạo, lại biết chăm lo việc nước!
“Công chúa yên tâm, thần hiểu nên làm thế nào.”