Ngày mười ba tháng mười một, Trần Kính Tông gặp được Hà Thanh Hiền, là người mà mọi người nói là bạn cũ của Lão đầu tử nhà hắn, cũng là người đã từng nói công danh của đại ca và tam ca nhà hắn có lai lịch bất chính.
Trần Kính Tông chưa kịp đứng vào hàng ngũ dành cho quan võ thì đã thấy Lão đầu tử nhà hắn quay đầu nhìn mình, ý bảo hắn qua đó.
Trần Kính Tông đương nhiên không thể không nể mặt phụ thân mình, hắn từ từ đi lên phía trước.
Trần Đình Giám giới thiệu hắn với Hà Thanh Hiền: “Đây là đứa con trai thứ tư nhà tôi.” Rồi bảo Trần Kính Tông hành lễ với bậc tiền bối.
Trần Kính Tông bình thản không nóng không lạnh gọi một tiếng bá phụ.
Hà Thanh Hiền liếc hắn từ trên xuống dưới một lần rồi quay sang nói với Trần Đình Giám bằng một giọng có vẻ khinh thường: “Hắn thừa hưởng được tướng mạo từ ngươi đấy chứ nhỉ?”
Ý nói bóng gió là cái chức phò mã của Trần Kính Tông là dựa vào khuôn mặt đẹp trai mà có, đáng lẽ từ đầu Trần Đình Giám nên từ chối tứ hôn của tiên đế, đừng có chỗ thơm nào cũng để phần cho con mình.
Trần Đình Giám không có một chút phản ứng gì, nhưng Trần Kính Tông không thích câu đó, hắn nhìn Hà Thanh Hiền nói: “Ngài nói rất đúng, ta rất biết ơn Lão đầu tử nhà mình đã cho ta khuôn mặt này, chứ nếu mà ta xấu hơn một tí, lại đen và lùn thêm một tí nữa thì chắc Trưởng Công chúa đã không chọn ta rồi.”
Hà Thanh Hiền: …
Đằng sau truyền tới mấy tiếng cười trộm của mấy người đang đứng nghe lén, lời của Trần Kính Tông rất thẳng thắn, phò mã mà “xấu một tí, đen và lùn một tí” thì không phải là đang ám chỉ dung mạo của Hà Thanh Hiền hay sao chứ?
Thật ra thì ngũ quan của Hà Thanh Hiền khá đoan chính, nhưng ai bảo ông ấy lại biến màu da của mình thành màu nâu vàng của lúa mạch, giờ lại đứng bên cạnh Trần Đình Giám rồi còn trào phúng ám chỉ Trần Kính Tông dựa vào nhan sắc để lên làm phò mã cơ chứ.
“Lui ra!” Trần Đình Giám quát đứa con trai ngang tàng của mình.
Trần Kính Tông thuận miệng nói luôn cả ông ấy: “Thủ phụ đại nhân quả là một người có lòng bao dung, rõ ràng người ta không thích người mà người còn bảo con trai mình đi lên làm quen.”
Hắn nói xong thì xoay người rời đi.
Trần Đình Giám lườm hắn một cái rồi lại nhìn về phía Hà Thanh Hiền.
Lần này Hà Thanh Hiền lại cười nói: “Tính tình này của hắn thì không giống người nhà họ Trần của ông tí nào cả.”
Trần Đình Giám phất ống tay áo một cái, không thèm giả vờ khách sáo gì nữa.
Tới giờ lên triều, cuối cùng thì Trần Thủ phụ Trần Đình Giám trước giờ không ai dám động cũng đã có đối thủ, ông ấy và Hà Thanh Hiền cãi nhau ầm ĩ vì bất đồng quan điểm.
Cả đám quan văn và quan võ đều sửng sốt, bọn họ đều tưởng Hà Thanh Hiền là người mà Trần Đình Giám mời tới để giúp ông ấy phổ biến chính sách mới mà, sao bây giờ Hà Thanh Hiền chỉ trích luôn cả Trần Đình Giám thế này?
Nhưng mọi người đã nhanh chóng tỉnh táo lại, bởi vì bọn họ phát hiện Hà Thanh Hiền muốn xử lý bọn họ, mà Thủ phụ đại nhân thì rất khó chịu vì Hà Thanh Hiền quá nghiêm khắc và cứng ngắc, còn đang bảo vệ cho bọn họ nữa kìa.
Lúc này, ngay cả đám quan viên vẫn luôn không thích Trần Đình Giám đều tạm buông xuống thành kiến mà giúp đỡ ông ấy đối phó với Hà Thanh Hiền, dù sao thì Trần Đình Giám cũng chỉ muốn bọn họ phải chăm chỉ làm việc, tự bỏ tiền túi ra giúp đỡ triều đình, còn Hà Thanh Hiền lại chỉ hận không thể dán cho bọn họ một cái tội quan tham nhũng, đây là tội nặng lắm đó.
Chập tối hôm đó, toàn bộ các quan lại ở kinh thành đều kéo thời gian làm việc thêm ít nhất hai khắc đồng hồ mới ra về.
Màn đêm buông xuống, Trần Kính Tông vừa về tới phủ là đã càm ràm với Hoa Dương về Hà Thanh Hiền: “Ông ta không thích Lão đầu tử, đại ca và tam ca của ta thì thôi đi, mắc mớ gì mà vừa mới gặp mặt đã tỏ vẻ khinh thường ta chứ?”
Hoa Dương: “Ông ấy khinh thường chàng như thế nào?”
Trần Kính Tông: “Ngoài miệng thì bảo ta đẹp trai nhưng thật ra trong lời có ý bảo ta ngoại trừ khuôn mặt ra thì chẳng có gì xứng để cưới một công chúa cả.”
Hoa Dương: “Ít ra thì ông ấy còn khen chàng đẹp trai mà.”
Trần Kính Tông bỏ đũa xuống, nhìn nàng với vẻ mặt khó tin: “Chẳng phải nàng kính trọng Lão đầu tử nhà ta nhất, còn vì thế mà cũng coi trọng ba huynh đệ chúng ta nữa sao? Thế mà giờ Hà Các Lão đi khắp nơi nói xấu phụ tử nhà ta thì nàng lại nói đỡ cho ông ta? Có mới nới cũ cũng không nhanh như thế chứ?”
Hoa Dương: “Ta chỉ nhận xét công bằng thôi mà. Ông ấy với phụ thân là bạn bè cũ, phụ thân lên chức Thủ Phụ ba năm mới nâng đỡ ông ấy lên, ông ấy khó chịu với phụ thân, lại giận cá chém thớt ba huynh đệ chàng là chuyện bình thường, chàng không cần phải tính toán với ông ấy làm gì cho mệt.”
Trần Kính Tông nhớ tới cảnh cãi nhau ồn ào túi bụi của hai Lão đầu tử ở trên triều lại cảm thấy có chút sung sướng: “Ta đoán bây giờ Lão đầu tử chắc sẽ rất hối hận vì đã nghe theo lời khuyên của nàng.”
Hoa Dương: “Ý chí của phụ thân rộng sâu như biển cả, nếu ông ấy dám điều Hà Thanh Hiền vào kinh thì nhất định đã chuẩn bị sẵn sàng mọi việc từ sớm rồi.”
Trần Kính Tông: …
Giờ thì hắn hiểu rồi, trong lòng nàng thì hai Lão đầu tử đó là giỏi nhất.
Cuối tháng mười một, đại tẩu Du Tú dẫn Uyển Nghi tới thăm Hoa Dương, còn giúp Tôn thị đưa một cái hộp gấm cho nàng.
Bên trong hộp gấm là một bộ “Điều lệ đo đạc” hoàn chỉnh, là quyển sách do chính Trần Đình Giám viết tay.
Kiếp trước, vào năm Nguyên Hựu thứ hai, triều đình phổ biến toàn quốc hệ thống đo đạc đất đai, “Điều lệ đo đạc” cũng được in ấn và dán công khai ở mỗi phủ quan của các huyện, thôn, trấn. Hoa Dương đã từng sai người lấy một phần về cho nàng xem.
Mặc dù nàng không thể nhớ chính xác từng câu từng từ một nhưng vẫn có thể nhớ được nội dung căn bản, bản này so với bản còn đang ở trên tay nàng thì có chút khác nhau.
“Điều lệ đo đạc” của công phụ có tổng cộng tám cái, bản ở kiếp này cũng có tám cái, nội dung giống nhau cũng khá nhiều, nhưng ở bản điều lệ trong kiếp này có thêm sự tham gia của Hà Thanh Hiền, ví dụ như thước đo được thống nhất toàn quốc, các quan lại địa phương không được tự mình thay đổi. Lại ví dụ như các quy định xác thực là loại đất rừng, đất bùn, đất xây nhà, mồ mả phải được phân chia rõ ràng từ đất ruộng tốt, ruộng trung bình, ruộng kém, không được lộn xộn.
Ngoài ra, trong bản điều lệ mới có quy định cặn kẽ về các vấn đề trừng phạt khi các quan lại cũng như quân dân làm sai phạm, khuyến khích người dân kiểm tra giám sát và tố cáo, chỉ cần phát hiện ra có người khai dư hay khai thiếu, thì ngoại trừ bị tịch thu ruộng đất ra, nhẹ thì bị phạt tiền, giáng chức, nặng hơn thì bị bỏ tù, lưu đày, xử trảm.
Công phụ viết thêm cho Hoa Dương một bức thư, nói cho nàng biết rằng mẫu hậu và đệ đệ của nàng đã giúp cho ông ấy rất nhiều để hoàn thiện bản điều lệ lần này. Đợi đến năm sau khi bản điều lệ được phổ biến trên toàn quốc thì đệ đệ nàng sẽ điều bốn người Cẩm Y Vệ đi các tỉnh phủ, hai người Cẩm Y Vệ xuống các huyện thành để đốc thúc. Sau khi Cẩm Y Vệ tới còn sẽ động viên các học trò ở địa phương nghiên cứu “Điều lệ đo đạc”, cũng sẽ đi giảng giải ở các thị trấn, thôn trấn cho người dân, để tránh việc người dân hiểu sai, gây hoang mang lòng dân dẫn đến rối loạn triều chính.
Ngay cả Cẩm Y Vệ cũng đã ra quân, các quan viên địa phương bị các điều luật cũ tra tấn hơn ba năm, còn có ai dám ăn chặn của người dân nữa chứ?
Hoa Dương tin tưởng bản điều lệ này sẽ có hiệu quả tốt hơn kiếp trước, chỉ cần Hà Thanh Hiền ở lại Nội Các, thì một đòn này trong năm tới sẽ càng ích nước lợi dân hơn.
Khi người dân không còn là nạn nhân của chính sách mới thì tội thứ năm của công phụ “Tăng thuế hại dân” sẽ trở thành lời không xác thực.
Hoa Dương thở dài nhẹ nhõm một hơi.
Trong bảy tội danh của công phụ thì cái khó hóa giải nhất chính là tội thứ năm này, bởi vì nó liên quan tới các chính sách mới.
Cũng may nàng đã làm cho tính cách của công phụ đã dần dần thay đổi trong vô thức, công phụ đồng ý cho Hà Thanh Hiền vào kinh, chính sách mới sẽ càng hoàn mỹ hơn.
Hoa Dương rất thích bản điều lệ mới này, lúc Trần Kính Tông về thì nàng vẫn còn đang đọc mê say.
Trần Kính Tông cởi giày, ngồi xuống bên cạnh nàng, hắn liếc mắt một cái là đã nhận ra được chữ viết của Lão đầu tử nhà hắn. Sau lại bị Hoa Dương xúi giục mà đọc hết bản điều lệ này.
Hoa Dương hỏi hắn: “Chàng thấy sao?”
Trần Kính Tông có thể thấy được vẻ kiêu ngạo trên khuôn mặt nàng, bộ dáng kia cứ như Lão đầu tử là phụ thân ruột của nàng vậy, vẻ mặt sung sướng đắc ý chạy tới trước mặt hắn mà khoe khoang.
Trần Kính Tông không chịu khen Lão đầu tử: “Tiên đế cho ông cụ làm Thủ Phụ, nếu như ông cụ không làm được gì ra hồn thì chẳng khác gì ăn không ngồi rồi.”
Hoa Dương: "Thủ Phụ hiểu biết sâu, không có mấy người dám công khai đắc tội hoàng tộc và quan thân trong thiên hạ đâu. "
Trần Kính Tông: “Nàng cũng là người của hoàng thất, chắc cũng có nhiều đất đai chứ hả?”
Hoa Dương: “Nhưng đó là do Phụ hoàng ban thưởng cho ta, ta không có tham nhũng một mẫu nào cả.”
Trần Kính Tông: “Nhưng mà hai, ba phần mười thuế ruộng đất được dùng để phụng dưỡng gia tộc hoàng thất, nếu dựa theo cải cách của hai Lão đầu tử kia thì cây đao kia sớm muộn gì cũng sẽ rơi lên cổ hoàng thất, đến khi đó nàng có hận bọn họ không?”
Hoa Dương: “Rơi thì rơi thôi, nếu như người dân không sống được nữa thì ta đeo vàng bạc có ý nghĩa gì chứ, nếu người dân không còn đói, không còn khổ nữa thì hoàng thất cũng sẽ sống tốt.”
Trần Kính Tông xoa xoa hai má nàng: “Nàng đúng là tiên nữ hạ phàm mà.”
Lần này, hắn cười thật lòng, trong mắt không hề có một chút vẻ khinh thường hay chế giễu nào.
Hoa Dương nhìn thẳng vào mắt hắn, sau đó đẩy tay hắn ra, lại đưa bản điều lệ và thư của công phụ cho hắn rồi nói: “Chàng cầm đi đốt đi.”
Trưởng Công chúa lại có được bản sao của một bản điều lệ chưa được công bố do chính Thủ Phụ biên soạn, đây là việc không hợp quy củ, dù công phụ không dặn nhưng Hoa Dương vẫn biết cái gì cần thiết phải làm.
Trần Kính Tông kéo một chiếc đèn lồng sang, hắn tháo chụp đèn ra, rồi lấy từng tờ giấy một châm vào ngọn lửa.
Hoa Dương ngồi ở bên cạnh hắn, nhìn những trang giấy kia dần dần bị đốm lửa nuốt trọn rồi biến thành tro bụi.
Ánh lửa ấm áp, xua tan một tầng khói mù ở sâu trong lòng nàng.
Sau khi ăn xong, nằm ở trên giường, Hoa Dương hỏi: “Sắp tới tháng chạp rồi, kỳ nghỉ đông năm nay chàng có kế hoạch gì chưa?”
Trần Kính Tông ôm nàng: “Chưa, ta chỉ muốn dính liền với nàng mỗi ngày mà thôi.”
Trong sách nói, phu thê ân ái là phải “dính” nhau, nhưng hắn thích chữ “liền” hơn.
Hoa Dương trừng hắn.
Trần Kính Tông tỏ vẻ không phục: “Cuối kỳ mùa xuân, hạ, thu còn có thể đi ra khỏi thành ngắm cảnh cùng nàng. Mùa đông lạnh như thế, không ở nhà ôm nhau thì đi đâu chứ?”
Phu thê mới cưới, nếu chỉ có thể ở nhà thì niềm vui thú duy nhất không phải là “dính liền lại với nhau” hay sao chứ?
Hoa Dương hỏi hắn: “Chàng có biết suối nước nóng không?”
Trần Kính Tông giật mình, ngoài miệng thì nói: “Chưa nghe qua bao giờ, ta chỉ biết võ bọ ngựa thôi.”
Hoa Dương: …
Nàng liếc hắn một cái, giải thích cho tên Phò mã chưa từng được hưởng thụ qua lợi ích của việc làm nhi tử của Các lão: “Suối nước nóng là một loại nước suối ấm áp được phun ra từ sâu trong lòng đất, giống nước nóng mà chúng ta tắm ấy. Cách phía bắc Kinh thành hơn tám mươi dặm có một dãy núi có suối nước nóng, có tên là núi Thang.”
Trần Kính Tông: “Thế thì chúng ta tới đó.”
Hoa Dương: “Chàng mơ đấy à, nơi tốt như thế đã sớm bị hoàng thất chiếm rồi, được xây thành hành cung, trừ phi mẫu hậu hay đệ đệ đi thì chúng ta mới được đi theo, không thì không vào được.”
Trần Kính Tông: “Nếu đã đi không được thì nàng nói với ta làm gì chứ?”
Hoa Dương: “Bên ngoài hành cung còn có vài dòng suối nước nóng rời rạc, nhưng mà đã sớm bị người khác chiếm lấy xây biệt viện rồi, ta xuất cung được mấy năm nay vẫn chưa gặp ai bán biệt viện nào ở bên đó cả.”
Trần Kính Tông: “Sao nàng cứ lòng vòng mãi thế, thế rốt cuộc là có đi hay không?”
Hoa Dương nhịn cười nói: “Mấy năm trước cô mẫu có mua được một cái biệt viện ở đó, nếu như năm nay cô mẫu không đi thì chúng ta có thể tới đó ở nhờ một thời gian.”
Trần Kính Tông: “Hiểu, cô mẫu thích gì, ngày mai ta sẽ sai người đi sắm quà để hiếu kính ngài ấy.”
Hoa Dương: “Chàng hiếu kính ta là được rồi, còn nói thì để ta đi nói với cô mẫu.”
Trần Kính Tông lập tức đè nàng ra hôn.
Hoa Dương: …
Chờ hắn hôn đã rồi thì Hoa Dương mới nói: “Ta muốn quà của chàng chứ không phải cái này.”
Trần Kính Tông: “Ta chính là món quà tốt nhất, cô mẫu không thể xài được, nhưng hiếu kính nàng thì rất hợp.”
Hoa Dương không thèm, đẩy hắn ra.
Trần Kính Tông nắm lấy cổ tay nàng, Trưởng Công chúa bá đạo chỉ có thể tức giận nằm đó ỡm ờ nhận sự hiếu kính của hắn.