Sáng sớm, nắng chiếu rực rỡ, cữu nương chạy đến đập cửa ầm ầm.
Diệu Diệu tỉnh lại trong lúc ngủ mơ, lại cảm thấy mí mắt mười phần nặng nề, vô luận cô dùng khí lực lớn đến đâu cũng không mở ra được. Toàn thân cao thấp đều đau cực kì, là tổn thương hôm qua bị cữu nương đánh, Diệu Diệu hơi động thân thể, phía sau lưng lại đau rát.
Đây là chỗ hôm qua bị cữu nương đánh nhiều nhất. Trước bị cữu nương vỗ một cái, sau lại bị nhánh cây quất mấy cái, mặc dù có tiểu ca ca ở trong mơ thoa thuốc nhưng trong hiện thực, cô vẫn chỉ đang nằm ngủ trong căn phòng để đồ lạnh băng.
Cữu nương cảm thấy Diệu Diệu khiến nàng ta mất hết mặt mũi, ngay cả cơm cho cũng không cho cô ăn, thuốc cũng không cho bôi.
Diệu Diệu chỉ cảm thấy đói bụng, tiếng kêu giống như đánh trống thùng thùng, lại như có bông tắc lại lỗ tai khiến cô không nghe rõ được. Diệu Diệu muốn đứng lên, nhưng toàn thân trên dưới đều cạn sạch sức lực, mở miệng muốn nói gì đó, chỉ là cuống họng lại đau rát, dù thế nào cũng không phát ra được âm thanh, Diệu Diệu muốn uống nước, chỉ có thể từng ngụm từng ngụm nuốt nước bọt xuống.
Cô xẹp miệng, nước mắt không nhịn được rơi xuống.
Tiếng mắng của cữu nương cách cánh cửa truyền vào trong tai, Diệu Diệu lại không nhịn được nhớ tới mẫu thân. Nương khi còn sống, đối với cô rất ôn nhu, có một lần bị bệnh, mẫu thân liền ôm cô ngủ suốt cả đêm, còn hát điệu hát dân gian, dỗ cô đi ngủ, uống thuốc đắng như vậy, mẫu thân còn cho cô kẹo mạch nha để ăn nữa.
Nhưng mẫu thân đã chết rồi.
"Nha đầu thối!" Cữu nương cách cánh cửa gầm thét: "Đã mấy giờ rồi hả, còn trốn ở trong đấy mà ngủ, lão nương khổ sở nuôi cái đồ ký sinh trùng nhà ngươi mà ngươi còn đùa nghịch chọc giận lão nương hả!"
"Gâu! Gâu gâu!"
"Cút ngay! Con chó chết tiệt!"
"Gâu gâu!"
Trong viện tiếng chó sủa đánh thức mọi người, ngoại trừ biểu ca đang ở bên ngoài thì tất cả mọi người đều đi ra.
Cữu cữu đen mặt hỏi: "Làm cái gì thế hả? Mới sáng sớm đã ồn ào?"
Cữu nương chống nạnh, mặt mũi đều là tức giận: "Còn không phải là cái con nha đầu chết tiệt kia sao, đến lúc nào rồi mà còn trốn ở bên trong chơi bời!"
Cữu cữu nghe vậy, sắc mặt càng thêm khó coi, hắn đập cánh cửa gọi vài tiếng, thấy Diệu Diệu vẫn không ra liền đi đến bên cửa sổ.
Nhẹ nhàng đẩy cửa gỗ ra. Người nhỏ bé nằm ở trên giường, con mắt nhắm chặt, bất tỉnh nhân sự.
Cữu cữu duỗi tay lần mò, biết là nguy rồi.
"Nó nóng quá."
"Nói không chừng là bị bệnh."
Trương phụ cũng nhíu mày: "Cái này không được, hôm qua bà đánh nó thành dạng này, mọi người trong thôn xóm đều thấy được, nếu có cái gì không hay xảy ra, còn không biết nói nhà chúng ta thế nào."
Từ khi chuyện của nương Diệu Diệu xảy ra, Trương gia cực kỳ chú trọng thanh danh, nương Diệu Diệu không còn nhưng để lại một tiểu nha đầu, là bọn họ niệm nhớ tình cũ, khoan hồng độ lượng. Nhưng hôm qua cữu nương đánh người náo lớn như vậy, nếu là Diệu Diệu cứ thế mà không xong, cái này về sau còn không biết lại muốn nghị luận nhà bọn họ sao nữa.
Cữu nương đánh cháu gái đến đổ bệnh, về sau bọn họ làm sao còn mặt mũi mà ngẩng đầu trong thôn chứ!
Sắc mặt cữu nương trở nên hết sức khó coi: "Nhà chúng ta cũng không có bạc để mời đại phu cho nó, cùng lắm thì cho nghỉ ngơi hai ngày, hôm nay không bắt làm việc."
"Bà hôm qua không nên đem những vật kia bán đi, nếu không bây giờ có thể xảy ra chuyện này sao?"
"Đó là vì mua sách cho Bảo nhi !"
"Đồ nương Diệu Diệu để lại đâu? Không phải bị bà bán hết rồi đấy chứ?"
"Ta là chuẩn bị đồ cho Bảo nhi đi học, đọc sách phải phí bạc, một nhà nhiều người chờ ăn cơm như thế, nơi nào còn thừa!"
"..."
Diệu Diệu nhắm mắt lại, nghe bên tai tiềng ồn ào, nghĩ đến mẫu thân ruột của mình, bất tri bất giác liền ngủ thiếp đi.
Lúc cô tỉnh dậy, chỉ có Đại Hoàng nằm dưới giường, khắp người đau nhức, toàn thân cao thấp đều vô cùng khó chịu. Diệu Diệu giơ tay lên, mông lung ở giữa, nhìn đến trên tay mình có đắp chút thảo dịch.
Cữu nương không nỡ chi bạc mời đại phu, Trương gia ai cũng không nỡ, tranh cãi suốt một hồi, cuối cùng đưa ra phương án hái thảo dược đắp lên vết thương của cô, còn đun một bát nước thuốc đen tuyền, còn có một bát cháo loãng. Cũng may mạng Diệu Diệu lớn, hôm sau cơ thể cũng dần dần chuyển biến tốt.
Diệu Diệu mơ mơ màng màng gọi: "Nương..."
Đại Hoàng lập tức tỉnh lại, cái đuôi vẫy vẫy, đôi mắt đen nhánh tràn đầy vui sướng, nó lại gần liếm liếm khuôn mặt tiểu cô nương, cái lưỡi nóng hầm hập như gọi thần trí Diệu Diệu về.
"Đại Hoàng, phụ thân ta khi nào thì tới đón ta ..." Diệu Diệu nhắm mắt lại, trong miệng mơ hồ không rõ: "Đồ của nương cũng đã bị mất, liệu phụ thân có cảm thấy ta vô dụng không..."
Đại Hoàng ử ử mấy tiếng, cuộn mình ngồi bên cạnh cô, lông mao mượt như nhung cọ cọ lấy người Diệu Diệu, trấn an liếm lấy vệt nước mắt trên mặt cô.
Diệu Diệu rất nhớ mẫu thân.
Cô nhớ cái ôm ấm áp của mẫu thân, sau khi uống thuốc xong còn có kẹo mạch nha, mỗi lúc trời tối sẽ hát ru giúp cô chìm vào giấc ngủ nhẹ nhàng, còn có bàn tay ôn nhu vuốt ve trán của mẫu thân, còn nhớ tới lời mẫu thân nói muốn đưa cô đi học.
Nếu mẫu thân có thể trở về, cô sẽ không suốt ngày nhắc đến phụ thân nữa, cô nhất định sẽ ngoan ngoãn, làm Diệu Diệu ngoan của mẫu thân.
"Đó đều là đồ nương ta để lại cho ta..." Cô buồn bã nhỏ giọng: "Đồ của nương cũng mất rồi, đều bị cầm đi..."
"Ẳng..."
Trong cái thôn này, có ai mà chưa nghe qua thân thế của Diệu Diệu chứ?
Lúc nương Diệu Diệu mới nói ra sự tình, còn nói với tất cả mọi người rằng phụ thân Diệu Diệu là một đại tướng quân, đại tướng quân là nhân vật như thế nào chứ, sao có thể đi coi trọng một cô nương thôn dã chỗ bọn hắn? Chắc chắn là bị một tên lưu manh ngoài đường lừa đến thất thân, còn bị lừa còn chấp mê bất ngộ! Trong làng ai cũng không tin.
Người người đều nói Trương gia bị cái cô nương này hại thảm, nhưng cũng không lâu lắm, Trương gia liền có nơi ở mới, nhà được lợp gạch ngói, rất sáng sủa, cuộc sống cũng dần được cải thiện. Nương Diệu Diệu chịu khổ, công việc trong nhà từ nhẹ đến nặng đều phải làm không thiếu cái nào, tiền bạc kiếm được hơn phân nửa đều phải đưa cho cả nhà.
Diệu Diệu năm tuổi, đã có thể biết một số việc. Cô nhớ rõ, sau khi nương qua đời, ngoại tổ phụ không muốn nương được nhập mộ tổ, trong viện ầm ĩ không ngớt, cô khóc lớn đuổi theo lên núi, đứng trước mộ nương khóc rất lâu, mãi đến khi đêm khuya mới về nhà, cữu nương bắt cô dọn tới gian phòng để đồ, cái gì cũng không cho giữ lại.
Về sau nhị biểu ca đi học, đại biểu ca thì lên thị trấn tìm được một công việc tốt, trên đầu cữu nương cũng được thêm cây trâm mới, mà cây trâm đó lại chính là đồ của nương cô.
Hiện tại những đồ vật cuối cùng cũng đã bị cữu nương bán mất.
Diệu Diệu thút thít thì thầm, lời nói mơ hồ không rõ, mí mắt của cô nặng nề, lại dần ngủ mê man.
Đại Hoàng cắn lấy cái chăn đắp kín lên, nằm xuống bên cạnh, cái đuôi to dài vuốt vuốt tiểu cô nương, Diệu Diệu nghĩ đến mẫu thân, ở trong mơ mỉm cười ngọt ngào.
Có lẽ là sợ cô bệnh chết, hiếm có một ngày cữu nương không tới bắt cô đi làm việc.
Diệu Diệu nằm trên giường rất lâu, mãi đến khi có thể bò dậy, mới chạy tới bên dòng suối nhỏ rửa qua mặt mũi rồi đeo cái sọt lên núi cắt cỏ.
Cữu nương bất mãn với cô, từ trước đến nay dù tiểu cô nương có nhẫn nhục chịu đựng đến đâu thì ở trong nhà vẫn luôn bị soi mói, vô luận Diệu Diệu làm cái gì cũng đều bị nàng ta quát tháo. Những người khác trong Trương gia thì luôn lạnh lùng, chỉ cần không có chuyện gì lớn thì ngay cả cô như thế nào cũng không thèm liếc nhìn.
Bây giờ phụ thân tướng quân còn chưa không trở về đón mình, Diệu Diệu cũng chỉ có thể kìm nén, dùng biện pháp mà tiểu ca ca trong mơ dạy để thoát thân.
Trong lúc Diệu Diệu chờ đợi thì tin tức biên quan đại thắng cũng truyền đi khắp nơi. Cả nước trên dưới đều hân hoan nhảy cẫng, trên mặt dân chúng vui mừng hớn hở, ngay cả nông hộ nơi thôn dã cũng vì cái này mà cao hứng.
Diệu Diệu biết tin sớm hơn mọi người lúc này đang chờ mong nhắm mắt lại, chìm vào mộng đẹp.
Giống như ngày mai khi mở mắt ra, cha của bé sẽ trở về!
...
Sáu năm trước, chiến sự biên quan báo nguy, một đạo thánh chỉ gấp triệu Nguyên tướng quân đến biên quan. Sau đó chiến sự căng thẳng, lại mấy năm chưa chinh chiến, mãi đến khi Nguyên tướng quân bất hạnh thất lạc, cùng mấy ngàn tướng sĩ mất mạng khác, tin tức truyền đến kinh thành, bách tính đau buồn vô cùng, Nguyên lão tướng quân nhận nhiệm vụ lúc lâm nguy, chỉ huy tướng sĩ xuất chinh.
Mặc dù không tìm được thi thể của Nguyên tướng quân nhưng mãi không thấy tung tích, các tướng sĩ tìm được đều không còn mạng, mọi người đều cho rằng Nguyên tướng quân không có khả năng còn sống. Thậm chí cả phủ tướng quân cũng treo cờ trắng, dựng mộ quần áo.
Ai có thể ngờ tới, Nguyên tướng quân lại khởi tử hoàn sinh trở lại?
Khi đó Nguyên lão tướng quân dẫn binh đi đánh quân địch, tình hình chiến đấu giằng co, chiến sự đánh đến thế hiểm, bỗng nhiên, thế trận của địch đại loạn, có một đội binh sĩ từ phía sau tập kích bất ngờ, làm cho quân địch rối loạn trận địa. Nguyên lão tướng quân xa xa liếc mắt một cái đã nhận ra con, trong lòng kích động cảm khái, nước mắt tuôn đầy mặt, hai cha con liên thủ, thế như chẻ tre, một hơi bức lui quân địch.
Khoảng cách từ biên quan đến kinh thành hơi xa, lúc tin tức truyền đến kinh thành thì biên quan đã liên tục truyền đến tin chiến thắng. Tận mắt nhìn thấy Nguyên tướng quân chết đi sống lại, các tướng sĩ vui mừng khôn xiết, đúng là nhất cổ tác khí(*), đánh cho quân địch liên tục bại lui, kết thúc chiến sự nhiều năm.
(*) Nhất cổ tác khí: một tiếng trống làm tinh thần hăng hái thêm.
Tin tức truyền đến kinh thành, tim rồng hoàng đế cực kỳ vui mừng, vỗ tay luôn miệng nói tốt.
Ngày đại quân hồi kinh, hoàng đế tự mình chờ ở cửa thành nghênh đón. Khắp các con đường của kinh thành, dân chúng đứng đầy hai bên, nhao nhao nhón chân lên nhìn phía cửa thành, trông mòn con mắt.
Xa xa nhìn thấy một hàng người dài, quân kỳ phần phật, tướng lĩnh cầm đầu cưỡi ngựa đi phía trên, dẫn theo các binh sĩ đến trước cửa thành. Người dẫn đầu dáng người cường tráng, mày kiếm mắt sáng, trên người chiến giáp lóe hàn quang, sau lưng khoác gió tinh hồng cuồn cuộn, tràn đầy túc sát chi khí, sắc bén không thể đỡ.
Tuyên Trác đứng cạnh hoàng đế, ánh mắt đầy sùng kính nhìn nam nhân cao lớn uy mãnh kia.
Nguyên Định Dã nắm chắc dây cương, nhảy xuống ngựa, binh giáp phát ra tiếng lạnh lẽo cứng rắn.
Ánh mắt của hắn đảo qua mọi người ở cửa thành, dừng lại chốc lát, cuối cùng thở dài.