Tiêu Lâm vừa thản nhiên vừa tùy ý khiến người trẻ tuổi kia nghi hoặc, chẳng lẽ người này chỉ đến đây đối phó cho qua?
Nhưng Tiêu Lâm đã xếp bút mực giấy nghiên một cách chỉnh tề, có thể thấy người này vô cùng thận trọng và để tâm đến việc thi cử.
Sự nghi hoặc và ngờ vực trong ánh mắt người trẻ tuổi nhạt đi, hỏi thẳng: “Huynh đài nắm chắc như vậy hẳn là tài hoa hơn người, không biết quý tính của huynh đài là gì?”.
“Ta họ Tiêu, tên Tiêu Hình, tự Tuyền Lâm. Nếu huynh không chê thì có thể gọi ta là Tiêu Lâm, bằng hữu của ta đều gọi ta là Tiêu Lâm”.
“Tại hạ Ngụy Thanh, tự Sơ Liêm. Hôm nay vinh hạnh được làm quen với Tiêu huynh, xin được chỉ giáo nhiều hơn”.
Họ Ngụy, lẽ nào là người của hoàng gia? Tiêu Lâm đáp lễ: “Khách sáo khách sáo, vinh hạnh được làm quen”.
Vừa khéo gian riêng của Ngụy Thanh ở ngay bên cạnh.
Hắn ta xấp xỉ tuổi Tiêu Lâm, tính cách cũng gần gũi thân thiện, thế nên hai người trò chuyện hợp nhau.
Thông qua Ngụy Thanh, Tiêu Lâm đã hiểu hơn về hoàng triều Đại Ngụy. Mặc dù Ngụy Thanh nhỏ tuổi, nhưng hiểu nhiều biết rộng hơn người đồng lứa.
Tiêu Lâm trước sống ở thế kỷ hai mươi mốt, kể những chuyện trong ngoài nước cho Ngụy Thanh nghe. Ngụy Thanh nghe đến say mê, hắn ta chưa từng được nghe thế giới mà Tiêu Lâm kể, không khỏi nổi lòng hiếu kỳ, nhiệt huyết sôi trào.
Nếu không phải cuộc thi bắt đầu, hai người đã kéo bàn ra, bày vài vò rượu và một đĩa đậu phộng, nói chuyện cả ngày cả đêm.
Mặc dù năm nào Đại Ngụy cũng tổ chức cuộc thi, nhưng năm nào cũng chỉ có một kiểu ra đề. Năm nay vòng thi đầu vẫn là tứ thư ngũ kinh.
Đề ra: Hiểu thế nào là “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ vu chí thiện”.
(Đạo đại học nằm ở chỗ làm sáng tỏ đức sáng, gần gũi dân chúng, dừng ở nơi chí thiện).
Câu này từ Đại học – Lễ ký, trọng điểm nằm ở chỗ các sĩ tử phải trình bày làm sao tu thân, trị quốc, bình thiên hạ.
Đề này có lẽ là do hoàng đế đích thân ra đề, quan viên triều đình tuyển chọn phải là nhân sĩ tài đức vẹn toàn. Hoàng đế muốn dùng đề này để xét xem những văn nhân sĩ tử này nghĩ thế nào về phẩm đức của mình, cách đối đãi với bách tính thế nào.
Thời đại học, Tiêu Lâm chuyên viết luận văn tư tưởng giáo dục như thế này, còn làm ở viện bảo tàng nhiều năm ngấm dần, từ lâu đã hiểu rõ tâm tư của hoàng đế thời cổ.
Hắn cầm bút lông không hề do dự, chắp bút nhanh nhẹn, nước chảy mây trôi, giống như đang chép sách.
Mặc dù Tiêu Hình thi rớt liên tục, làm bài thi không ra làm sao, nhưng chữ viết lại rất đẹp.
Tiêu Lâm vung bút, đến giờ Ngọ thì đã sắp làm xong, bài viết lưu loát, viết đến mức hắn cảm thấy vô cùng kích động, sung sướng tột cùng.
Lúc này có người còn đang khổ sở suy nghĩ, không suy ra được nội dung quan trọng. Tuy cuộc thi chưa kết thúc, nhưng thí sinh được phép ăn cơm.
Tiêu Lâm viết xong chữ cuối cùng, cầm bánh bao lên gặm.
Lúc này ở bên ngoài gió lớn nổi lên, trông như sắp mưa. Tiêu Lâm nhanh chóng cất bài thi của mình đi, tránh bị mưa ướt.
Lúc này, Ngụy Thanh ở bên cạnh lên tiếng: “Đại nhân, làm phiền đưa vải dầu cho huynh đài ở bên cạnh”.
Quan giám khảo mất kiên nhẫn: “Láo xược! Đang trong thời gian thi, không ai được qua lại với nhau, ngươi nghĩ đây là đâu? Nếu có ai không mang vải dầu thì dầm mưa đi!”.
Lúc này, Ngụy Thanh khẽ giọng nói gì đó, lại lấy một mảnh ngọc bài chứng minh thân phận từ trong tay áo ra. Quan giám khảo sợ hãi run rẩy, không những chuyển vải dầu cho Tiêu Lâm mà còn cung kính treo lên giúp cho hắn.
“Tiêu Lâm huynh, vải dầu có thể che mưa. Huynh mặc áo mỏng manh, cảm lạnh thì không hay”.
“Đa tạ, lần sau ta mời huynh uống rượu”.
“Được”.
Quan giám khảo hắng giọng, nhìn Ngụy Thanh như van xin, có người khác ở đây, không thể ưu tiên thêm được nữa.