Tôi không vui thì bọn họ cũng đừng hòng được thoải mái. Bất kể là “được vạ má sưng” đi chăng nữa, hay cho dù phải trả giá hết thảy chỉ để cắn đứt một miếng thịt của đối phương, thì nỗi đau và vết sẹo do mảng da thịt này gây ra cũng đủ làm lòng tôi vui sướng.
“Về phần Cố Dĩnh. Hai chúng tôi vốn không ở bên nhau mà chỉ bày trò giỡn chơi với các người vậy thôi. Dù tôi có phải là con ruột của ông hay không thì tôi cũng sẽ không lấy cô ta. Đính hôn là giả, con trai cũng là giả nốt…” Tôi mỉm cười hỏi Tang Chính Bạch, “Bố à, những tưởng mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của mình nhưng kết quả lại không được như ý muốn, cảm giác đó khó chịu lắm đúng không?”
Tang Chính Bạch tái mét mặt mày, vịn bàn đứng dậy ngay tức khắc: “Tang Niệm!”
“Nếu năm đó ông quan tâm đến con trai mình một chút thì làm sao có thể để nó bị bảo mẫu đánh tráo mà không hề hay biết? Ông luôn miệng bảo rằng phát triển công ty là nguyện vọng của mẹ, đó thực sự là nguyện vọng của bà ấy sao?”
Bên tai tôi truyền đến tiếng đồ sứ va chạm, như thể có ai đó vừa hốt hoảng đặt vội tách trà xuống.
“Tang Niệm, đừng nói nữa…”
“Đó chỉ là mong muốn của ông thôi, đừng có tự làm ra vẻ tình sâu nghĩa nặng!” Giọng Kỷ Thần Phong và giọng của tôi chồng chéo lên nhau, nhưng tôi không để ý đến hắn, chỉ chăm chăm trút hết những cảm xúc mà mình đã kìm nén suốt bao năm, “Nếu bà ấy biết ông đã làm lạc mất đứa con trai mà mình phải đánh đổi cả mạng sống mới có được, thì dù cho ông có đưa công ty lên vị trí hàng đầu thế giới, bà ấy cũng sẽ không tha thứ đâu…”
“Cút, mày cút ngay cho tao!” Tang Chính Bạch quát lớn, ông ta vớ lấy ống đựng bút bằng kim loại trên bàn ném về phía tôi.
Tôi không tránh mà chỉ hơi nghiêng đầu, bút viết trong ống đựng rơi vãi đầy trên đất, phần cạnh cứng nhô ra đập thẳng vào đuôi mắt tôi. Cơn đau ập đến khiến tôi vô thức che mắt lại, chỉ một chốc sau, tôi đã thấy lòng bàn tay ươn ướt, chất lỏng đỏ tươi từ từ nhỏ xuống, thấm loang lổ trên cổ áo sơ mi trắng của tôi.
“Anh rể!”
“Ông Tang!”
Hứa Tịch và Kỷ Thần Phong đồng thời lao đến, một người chạy đến chỗ tôi, một người chạy về phía Tang Chính Bạch.
Hứa Tịch vội vàng cởi chiếc khăn choàng đắt đỏ của mình xuống để cầm máu cho tôi, song lại bị tôi chặn lại.
“Đây là lần thứ hai ông đánh tôi, nào, đánh đi, đánh nữa đi, đánh chết tôi luôn đi.” Tôi buông tay xuống, để mặc cho máu chảy thành dòng, cũng chẳng vì một cú đánh mà ăn nói nhún nhường.
Đúng là Tang Chính Bạch vẫn còn muốn đánh tiếp thật, Kỷ Thần Phong giữ chặt cái chặn giấy trong tay ông ta, hắn quay đầu quắc mắt nhìn tôi, quát: “Đủ rồi, đi ra ngoài!”
Cơ thể tôi cứng đờ trong chớp mắt, ống đựng bút của Tang Chính Bạch chẳng hề khiến tôi sợ hãi, nhưng tấm thân này lại bất giác co rúm trước tiếng quát của Kỷ Thần Phong. Đến khi hoàn hồn, tôi không ngờ mình lại nảy sinh thứ cảm xúc thảm hại đến thế, trong giây phút đó, sự căm ghét của tôi đối với Kỷ Thần Phong — kẻ khơi mào tất cả, đã vượt lên trên bất kì ai khác.
Bây giờ lại chê tôi lắm mồm cơ đấy? Thế lúc trước là thằng đéo nào cày quần quật trên người tôi như con chó động dục?
Rõ ràng tôi đã cố tăng nhanh nhịp thở, nhưng dường như nguồn cung cấp oxy đã bị cắt đứt khiến lượng dưỡng khí vận chuyển lên não chẳng được bao nhiêu. Những mảng sáng tối nhập nhèm hiện ra trước mắt, tôi ôm trán, đứng loạng choạng chực ngã khiến Hứa Tịch thảng thốt hô lên rồi vội vàng đỡ lấy.
“Mọi người bình tĩnh lại đi, Tang Niệm, dì cháu mình đến bệnh viện xử lý vết thương trước đã nhé?” Hứa Tịch vừa dỗ dành, vừa kéo tôi ra cửa.
Tôi đã đang chóng mặt, bị dì ấy kéo thì cũng chỉ có thể nương vào mà lảo đảo đi theo.
Xuyên suốt đoạn đường ngắn ngủi, tôi vẫn luôn dõi mắt nhìn Kỷ Thần Phong, mà hắn cũng đang nhìn tôi chằm chằm. Mãi đến khi tôi bị lôi ra khỏi văn phòng, ánh mắt ấy mới dời khỏi người tôi, nhưng tôi thì vẫn trân trân nhìn hắn. Cánh cửa văn phòng từ từ khép lại, tôi thấy hắn quay người nói gì đó với Tang Chính Bạch, khoảng cách quá xa khiến tôi không tài nào nghe rõ. Chỉ một chốc sau, cánh cửa gỗ đã hoàn toàn đóng kín, tuy không nhìn thấy hắn nữa nhưng tôi vẫn không thu hồi tầm mắt.
“Đi thôi, dì đưa cháu đến bệnh viện.” Hứa Tịch trùm khăn choàng lên đầu tôi, che chắn cho tôi khỏi ánh mắt dò xét của những người xung quanh.
Một nửa tầm nhìn của tôi chìm trong sắc đen của vải cashmere, tôi nắm một góc khăn choàng, ấn nó vào vết thương vẫn đang chảy máu rồi thì thào cảm ơn dì ấy.
“Không cần đâu, để cháu tự đi.” Tôi không muốn ở lại đây thêm một giây nào nữa nên bèn lịch sự từ chối ý tốt của dì rồi rảo bước về phía cửa thang máy.
“Tiểu Niệm!”
Vừa lúc gặp được một buồng thang máy trống đang chuẩn bị đi xuống, tôi bước vào trong, nhanh tay ấn nút đóng cửa.
Hứa Tịch không đuổi theo, dì ấy dừng lại bên ngoài thang máy, hai mắt đỏ hoe như thể còn nhiều điều muốn nói nhưng không thốt nổi thành lời, chỉ tiếp tục gọi tên tôi với đầy vẻ rối ren.
“Tiểu Niệm…”
Sự tình phát sinh quá đột ngột khiến dì ấy chưa kịp suy nghĩ kỹ càng, đến giờ này rồi mà vẫn xem tôi là “Tang Niệm”, là con trai của Hứa Uyển Di. Nhưng tới khi tỉnh táo lại để suy xét toàn bộ sự việc, hẳn sẽ chẳng khó để dì ngộ ra rằng tôi là một kẻ ti tiện và vô liêm sỉ đến nhường nào.
Thà nói lời tạm biệt ở đây còn hơn là sau này phải đối mặt với sự ghét bỏ của dì ấy.
Tôi phớt lờ tiếng gọi thê thiết ấy, chỉ cụp mắt, mặc cho cửa thang máy đang dần khép lại.
Tôi đến bệnh viện một mình, bác sĩ xem vết thương ở khóe mắt tôi xong thì chỉ định phải khâu khâu bốn mũi.
“Vết thương của cậu nguy hiểm thật đấy, suýt nữa là đâm vào trong mắt rồi.” Vị bác sĩ trung niên vừa khâu vết thương, vừa lo lắng thay tôi, đoạn nói: “Bị thương ngoài da thì không sao, chứ mà đụng đến mắt là phiền to luôn đấy.”
“Đập chết luôn là tốt nhất.” Tôi dửng dưng đáp.
Bác sĩ thoáng liếc sang tôi, lại hỏi: “Bị bạn gái đánh à?”
“Không. Bố bạn gái đánh.”
“Sao thế, nhà bên ấy không đồng ý cho hai đứa quen nhau ư?”
Khóe miệng tôi giật giật, đành bảo, “Chắc lão nghĩ tôi đã vấy bẩn cục cưng yêu dấu của lão rồi.”
Bác sĩ khẽ lắc đầu, “Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên(*), sao cha mẹ lại can thiệp vào chuyện yêu đương của con trẻ làm gì. Cậu vừa trẻ trung lại đẹp trai phong độ thế này, trông rất có triển vọng mà, họ không ưng cậu là do họ không đủ tinh tường thôi, đừng nản lòng nhé.” Nói xong, ông cắt chỉ khâu, ra hiệu rằng tôi có thể đi về.
(*) Nguyên văn: “儿孙自有儿孙福,莫为儿孙作马牛.”
Tạm dịch: Cháu con có phước cháu con,
Bắt làm trâu ngựa, đời còn gì vui.
Là một câu trong sách Cảnh Hạnh, ngụ ý rằng con cháu tự có phước của con cháu, bậc làm cha mẹ đừng ép con phải làm trâu ngựa theo ý muốn của mình.
Lần đầu tiên Tang Chính Bạch đánh tôi là vào ba năm trước.
Khi ấy, vì dùng chai rượu gây thương tích nghiêm trọng cho Thi Hạo nên cả tôi và Trịnh Giải Nguyên đều bị giam ở đồn cảnh sát. Tang Chính Bạch phải chạy đôn chạy đáo suốt đêm để xử lý chuyện này, đến sáng sớm hôm sau mới vớt được tôi ra ngoài, vừa trông thấy tôi ông ta đã ngoảnh mặt đi ngay, chẳng thèm ừ hử lấy một lời.
Cứ thế về đến nhà, tôi theo sau ông ta bước vào trong, nhưng còn chưa kịp phản ứng gì thì ông ta đã bất ngờ quay ngoắt lại rồi tát vào mặt tôi một phát thật mạnh.
“Bốp!”
Ông ta dồn hết sức vào cái tát này, mạnh đến nỗi khiến tôi ù cả tai, ngay cả chân răng cũng lâm râm đau nhức.
“Thằng ranh con, mày làm tao mất mặt quá.” Ông ta xỉa vào mặt tôi rồi rống lên giận dữ: “Tang Chính Bạch tao sao lại sinh ra một thằng con như mày chứ? Mày có thấy xấu hổ với mẹ mày không? Tất cả những thứ bây giờ mày đang hưởng là từ đâu mà có? Là mẹ mày đã dùng cả tính mạng để đổi lấy đấy! Điều duy nhất tao trông đợi ở mày là mày có thể giúp tao phát triển Chánh Nghị ngày thêm lớn mạnh, nhưng mày tự nhìn mà xem, bây giờ mày thành ra cái bộ dạng gì rồi? Hả? Tang Niệm, mày làm tao quá thất vọng rồi.”
Bộ dạng tôi trông thế nào ư?
Tôi chăm chỉ học hành, luôn cố gắng làm hài lòng ông ta, tôi nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho việc tiếp quản Chánh Nghị, suốt bao năm chưa từng làm sai điều gì. Vậy mà bây giờ, chỉ vì lỡ đánh một thằng chó má ăn nói xấc xược mà mọi cố gắng trước giờ của tôi đều đổ sông đổ biển hay sao?
Khi tôi làm đúng, ông ta chưa bao giờ tự hào về tôi. Đến khi tôi làm sai thì bắt đầu cảm thấy thất vọng.
“Con xin lỗi bố.”
Tuy nhiên, vì khi ấy tôi đã biết rõ lai lịch của mình, biết mình vốn chỉ là một con “mèo rừng” thấp kém nên nào dám bộc bạch những suy nghĩ trong lòng, tránh phải nảy sinh xung đột trực diện với ông ta.
Tôi nhận mọi lỗi lầm, thừa nhận tất cả những lời buộc tội của ông ta và cam đoan lần sau sẽ không tái phạm. Sau đó, quá trình “gặp chuyên gia tâm lý” và “thay đổi chuyên gia tâm lý” bắt đầu lặp đi lặp lại.
Tôi không nghĩ mình thực sự có vấn đề về tâm lý, họa chăng chỉ hơi mất ngủ và có chút lo âu, nhưng còn lâu mới đến mức cần gặp chuyên gia tâm lý, vậy nên tôi mới không bao giờ chịu hợp tác.
Chắc hẳn Chu Cập Vũ là chuyên gia tâm lý tích cực nhất mà tôi từng gặp. Nhưng cuối cùng, chẳng những không thể khiến tôi cai thuốc kiêng rượu, gã còn không giúp tôi giữ được Kỷ Thần Phong…
Bản edit này chỉ có ở wordpress của Hải Đường Lê Hoa.
Đến nửa đêm, vết thương bất chợt đau nhói khiến tôi bừng tỉnh giữa cơn mơ ngủ, đành mò mẫm đến chỗ bàn cà phê để tìm chai rượu whisky và thuốc giảm đau.
Tôi bóc một viên thuốc con nhộng ra rồi uống chung với rượu, sau đó quay về nằm vạ vật trên ghế sô pha, ngơ ngác trông lên trên trần nhà mờ tối, trằn trọc hồi lâu nhưng vẫn không sao ngủ nổi.
Những giấc mơ lộn xộn cứ lũ lượt kéo tới. Tôi mơ thấy Tang Chính Bạch, mơ về cái đêm ở đồn cảnh sát ba năm trước, và còn mơ thấy… Nghiêm Thiện Hoa.
Mơ thấy bà nắm tay tôi bước lên cầu thang thoai thoải, khi sắp về đến nhà, bà lấy kẹo trong túi ra đưa cho tôi, bảo rằng đây là quà do cậu nhỏ bên nhà chủ tặng.
“Cậu chủ nhỏ nghe nói con thích kẹo nên mới nhờ mẹ mang về cho con. Đây là kẹo nhập khẩu đấy, lần sau con có gặp người ta thì nhớ phải cảm ơn nhé, biết chưa?”
“Cậu ta chỉ cho con mấy cái kẹo mà cậu ta không muốn ăn thôi.” Tôi phụng phịu, không có ý muốn đưa tay nhận lấy.
“Con nói vậy là mẹ không cho con nữa đâu nhé, mẹ ăn một mình.” Nói xong, bà định nhét kẹo vào túi, nhưng bị tôi nhanh tay giành lại.
“Cho con rồi thì là của con.” Tôi vội vàng bóc lớp giấy gói ra rồi nhét tỏm viên kẹo trái cây óng ánh vào miệng, chỉ trong phút chốc, hương vị ngọt ngào đã ngập tràn khắp đầu lưỡi. Tôi híp mắt, tiếp tục nắm tay Nghiêm Thiện Hoa rồi vui vẻ ngâm nga một bài hát.
“Thật ra Tiểu Niệm cũng rất thích cậu chủ nhỏ mà, phải không con?”
“Không dám đâu!”
“Nhưng cậu ấy thích con lắm đấy.”
Bàn tay nhỏ nắm lấy bàn tay lớn, vì tâm trạng đang vô cùng vui vẻ nên không khỏi đong đưa liên hồi. Tiên Hiệp Hay
“Vậy thì cậu ta cứ thích đi, ai mà thèm.”
Nghiêm Thiện Hoa cũng đành bó tay, chỉ có thể bật cười: “Con đấy….” Dường như bà có rất nhiều điều muốn nói nhưng lại không biết nên bắt đầu từ đâu.
Bà đứng ngược ráng chiều, tôi nhìn về phía ấy, nhưng dù cố mở to mắt đến đâu cũng không tài nào nhìn rõ khuôn mặt của bà trong bóng tối.
Giấc mộng đột ngột kết thúc tại đây. Tôi không biết bà ấy muốn nói điều gì, thậm chí… tôi còn chưa đi hết đoạn cầu thang đó cùng bà.
Tôi đã nghĩ mình sẽ rất dửng dưng trước cái chết của Nghiêm Thiện Hoa. Chết là chết, cũng chẳng khác với cái chết của một người xa lạ là bao.
Nhưng tôi đã lầm.
Bà ấy chết rồi, trên đời này đã chẳng còn ai là máu mủ ruột rà với tôi nữa; bà ấy chết rồi, không còn ai trên đời này… có thể yêu thương tôi.
Tôi gác tay lên trán, lẩm bẩm trong bóng tối, “Kỉ Thần Phong chẳng tốt bụng mà cho tôi kẹo như vậy đâu. Cậu ta mà làm cậu chủ nhà giàu rồi thì sao nhớ tới tôi được nữa?”
Vết thương vốn không còn đau đớn bỗng trở nên buốt nhói, chất lỏng ấm áp cũng theo đó trượt dài trên gò má.
Tôi bối rối nhổm dậy.
Vết thương toác miệng à?
Tôi không bật đèn mà dò dẫm bước vào phòng tắm. Khi ấn xuống công tắc bên cạnh gương, trong khoảnh khắc ngọn đèn sợi đốt trên đầu bật sáng, những gì tôi trông thấy không phải là một khuôn mặt đáng sợ với vết thương be bét máu, mà là… một khuôn mặt đượm vẻ buồn thương, ê chề tủi hổ đong đầy nước mắt.
Thảng thốt mất mấy giây tôi mới chắc chắn được rằng người trong gương thực sự là mình.
Tôi hoang mang đưa tay sờ lên má, vừa chạm vào đã ướt đẫm tay.
Không phải máu. Mà là nước mắt.
Tôi đã khóc. Đệt mẹ… tôi mà lại khóc ư? Vì ai chứ, vì Nghiêm Thiện Hoa và Kỷ Thần Phong sao? Cút mẹ hết đi, dù máu trong người có chảy cạn đi chăng nữa thì tôi cũng sẽ không rơi một giọt nước mắt nào vì họ đâu.
Tôi nhìn chằm chằm chính mình trong gương, tròng trắng mắt vằn vện tơ máu, khoé mắt sưng tấy, ở viền mắt dưới xẹt qua một đường đỏ nhạt. Tựa như dòng sông đã vỡ mất con đập, chỉ cần mở mắt ra thôi là lệ tràn khôn nguôi.
Tổng thể khuôn mặt nom thê thảm và đáng thương đến cùng cực.
Sao tôi có thể lộ ra vẻ mặt như thế? Sao tôi có thể trưng ra dáng vẻ của kẻ đã bị đánh cho tan tác, yếu ớt đến mức chỉ có thể trốn vào một góc rồi tự mình liếm láp vết thương?
Tôi vơ vội chiếc khăn mặt treo bên cạnh rồi thô lỗ lau sạch những vệt nước khả nghi trên mặt, chẳng hề quan tâm đến vết thương nơi khóe mắt.
Tôi nhìn trừng trừng vào gương, cả người không ngừng lùi ra sau: “Cút ra khỏi đầu tao đi! Cút ngay!!”
Ném mạnh chiếc khăn về phía mặt gương, tôi điên tiết xông vào phòng ngủ, lấy nốt mấy viên thuốc ngủ còn sót lại ra và đổ hết vào lòng bàn tay.
Đều tại giấc mơ đó cả.
Tôi tin chắc rằng mọi sự mềm yếu và thất thố của mình đều bắt nguồn từ mộng cảnh viển vông đó. Và chỉ cần tôi ngủ đủ sâu, sâu đến mức mất đi ý thức thì tôi sẽ thôi mơ về những điều nực cười kia.
Trở lại phòng khách, tôi bỏ hết thuốc vào miệng rồi nuốt xuống cùng với số rượu còn lại trong chai.
Tôi không hề buồn và cũng chưa từng khóc. Đó chỉ là một cơn mơ kéo dài, một ảo giác của riêng tôi mà thôi.
Chỉ cần ngủ một giấc thật ngon, đến khi thức dậy là mọi chuyện đều đã ổn. Nghĩ vậy, tôi nằm xuống ghế sô pha, chẳng bao lâu sau, cơn buồn ngủ đã nhanh chóng kéo đến, mí mắt dần sụp xuống, tôi chậm rãi nhắm mắt lại.
Nước mắt là thứ vô dụng nhất. Nó không thể là vũ khí, cũng không thể trở thành tấm khiên che chắn cho tôi.
Tôi không cần nó.
18/6/2022
__
Tang Niệm: Anh quát em à (இдஇ;)