"Tạ Cẩn," Thẩm Tầm vuốt ve mặt nạ cứng lạnh, "Ta phải đi Ký Vân Quan xem sao, bất luận có thể cứu lại hay không, ta cũng muốn đến."
"Chỉ sợ Ký Vân Quan đã mất đại thế," Tạ Cẩn nhìn nàng chăm chú, đưa tay nắm lấy bàn tay nàng đang vỗ về mặt nạ siết chặt, "Ta sẽ dẫn Âm Sí Quân đi xuống từ Kỵ Long Ao, bảo vệ vùng giao tuyến giữa Tây cảnh và Bắc cảnh, trước tiên cản lại Phàn quân."
Thẩm Tầm hơi thất thần, "Cản được sao?"
"Không được cũng phải đến cản." Tạ Cẩn nói: "Nàng yên tâm, ta sẽ lượng sức mà làm, tận lực giữ chân Phàn quân để Bắc Cảnh Quân có thời gian rút lui. Một khi bảo đảm đội quân gần nhất coi giữ Ngao Long Câu đều rút, ta sẽ theo sau."
Anh hơi mỉm cười trấn an nàng: "Kỵ Long Ao có tám ngàn binh mã của Cố Trường Tư, ngoài ra chúng ta còn có ưu thế quen thuộc địa hình, ngăn cản một hai ngày không thành vấn đề."
Thẩm Tầm chỉ rúc vào lòng anh không nói lời nào, thân hình hơi phát run, đại khái chỉ ở trong lòng Tạ Cẩn thì nàng mới có thể biểu lộ một tia cảm xúc không bao giờ hé ra trước mặt người ngoài.
"Trước đó vì sao không nghĩ tới?" Nàng lẩm bẩm: "Vì sao ta -- --"
"A Tầm, đừng tự trách! Tây Lương và Phàn quốc dùng phương thức liên thủ tấn công như vậy, không ai có thể ngờ được." Tạ Cẩn ngắt lời nàng: "Khi Tây Lương và Phàn quốc kết minh, chúng ta đều cho rằng Tây Lương chỉ âm thầm hỗ trợ Phàn quốc về binh lực, không nghĩ tới Tây Lương xé rách mặt trắng trợn táo bạo khởi binh xâm lấn, hơn nữa còn là lực lượng chủ đạo của cuộc xâm lăng."
Tạ Cẩn ngẩng đầu nhìn về phương xa. Gió rít gào cuốn tung lá rụng, ngoài trời không còn thấy rõ thứ gì.
"Tây Lương đột nhiên xé bỏ hiệp nghị xâm chiếm quy mô, nhất định là ở kinh thành xảy ra vấn đề... Nàng nên có sự chuẩn bị! Bắc Cảnh Quân và bá tánh Tĩnh Châu Bình Châu sẽ mau chóng rút lui, yên tâm đi!"
"Hãy suy nghĩ theo chiều hướng tốt," Tạ Cẩn vuốt ve bờ vai nàng, "Tối nay chúng ta thâm nhập vào bụng Phàn quốc, bây giờ phát hiện hướng đi của quân Phàn và quân Tây Lương, Bắc Cảnh Quân không đến nỗi trở tay không kịp, có thể bảo tồn thực lực ở giới hạn lớn nhất. Địa bàn mất đi thì chúng ta cứ từng tấc giành lại là được."
Thẩm Tầm ngẩng đầu, gương mặt đã khôi phục bình tĩnh, chỉ dư lại trong mắt một chút gợn sóng chưa từng bình ổn, ánh mắt này đủ để Tạ Cẩn tan nát cõi lòng.
Nàng vuốt ve mặt nạ, đầu ngón tay cũng lạnh băng cứng đờ giống lớp mặt nạ đồng.
"Nếu lúc ta chạy tới mà Ký Vân Quan đã thất thủ, ta sẽ ở đường ranh Tây cảnh triệu tập bộ hạ cũ khắp nơi." Nàng nói: "Sau đó lại xem thế cục, nghĩ cách chạy tới Trần Châu ở bờ bên kia của sông Nguyên Thương hội hợp với Bắc Cảnh Quân rút lui."
"Được." Tạ Cẩn đón ánh mắt nàng, nhẹ giọng nhưng kiên định nói: "Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, Hoàng Thượng chắc hẳn sẽ hạ chỉ bảo ta lưu lại phía sau. Mà vùng đất này là nơi ta quen thuộc nhất, ta cũng muốn lưu lại nơi đó. Kỵ Long Ao có tám ngàn binh, hiện tại cũng nên phát huy tác dụng."
Nàng nhìn chăm chú Tạ Cẩn một lát, không nói gì nữa, đôi tay vòng quanh thắt lưng chàng siết chặt rồi buông ra ngay.
Tạ Cẩn thối lui vài bước, xoay người lên ngựa, nhìn nàng thật sâu rồi quay đầu ngựa vung roi quất xuống. Tuấn mã hí vang, bốn vó tung bay, lập tức mang theo người phi vào nơi cát bụi mịt mùng.
Thẩm Tầm dõi theo bóng dáng Tạ Cẩn hồi lâu, mãi đến khi chàng biến mất trong bóng đêm sóng to kích động, ánh mắt nàng vẫn cố định ở phương hướng kia.
Lúc này thám tử đi tìm hiểu tình hình quân Tây Lương đã trở lại. Không ngoài dự đoán của nàng, rất nhiều quân Tây Lương lưu lại bên ngoài Ngũ Cống Sơn đã rời đi mấy canh giờ trước, thành đội tiên phong nhào đến Ký Vân Quan, chỉ để lại một tiểu đội mai phục tại khe núi với ý đồ giám thị hướng đi của Âm Sí Quân.
Thẩm Tầm thở hắt ra một hơi.
"Kim Phượng," nàng kêu, cầm lấy mũ giáp cánh phượng từ trên lưng ngựa đội lên đầu, "Đi thôi, đến Ký Vân Quan!"
Tôn Kim Phượng vung đao, cây đao với chín vòng thép phát ra tiếng vang thanh thúy nhưng chỉ tích tắc đã bị tiếng gió gào rống áp đảo. Trường đao trong tay cô quét ngang, ánh đao lóe sáng cắt qua màn đêm và cát bụi.
"Đi!" Cô cao giọng đáp, hai chân thúc bụng ngựa.
Vó ngựa dồn dập xé toan bức màn gió, cuốn tung đám lá rụng đang nhảy múa cuồng nhiệt. Từng lớp sóng mây vẫn quay cuồng trên bầu trời, cuối cùng tảng lớn bông tuyết bắt đầu rơi xuống.
Mời vào ủng hộ bà còm ở wattpad. Mùa đông năm Chiêu Hưng thứ ba, Tây Lương Quận chúa Lam Tranh đến Đại Tuyên hòa thân vừa được sách phong Du Phi thì chết bất đắc kỳ tử trong cung. Ngay lúc cô ta vừa tắt thở, người Tây Lương mượn lý do này xé bỏ hiệp nghị ngưng chiến với Đại Tuyên, đột nhiên tấn công Ký Vân Quan là trái tim của biên giới phía Tây. Thống soái Thẩm Uyên và Tây Cảnh Quân đóng giữ Ký Vân Quan trở tay không kịp, gần hai canh giờ đã bị đại quân Tây Lương và Phàn quốc liên hợp công phá cửa thành.
Quân Tây Lương và quân Phàn binh hùng tướng mạnh giống châu chấu bay đầy trời, vọt qua cửa thành Ký Vân Quan tràn vào quan nội như nước vỡ đê. Phàn quân hơi chỉnh đốn binh lực rồi ngay sau đó bắt đầu xâm chiếm phía Bắc.
Tường thành Bắc cảnh cao lớn nguy nga, dựa theo sơn thế ngang dọc dựng lên kéo dài vạn dặm giống như con rồng khổng lồ đang nằm, lúc này thật sự chỉ là thùng rỗng kêu to, hoàn toàn đánh mất công năng củng cố và bảo vệ cường đại của dĩ vãng.
Trong bất hạnh có vạn hạnh, đó là Bắc Cảnh Quân đóng giữ dọc đường biên giới gần như không tổn hại mảy may nào, mang theo lương thảo và quân bị rút lui tới bờ bên kia sông Nguyên Thương, tránh khỏi Phàn quân như hổ như sói trước sau vây đánh.
Bá tánh Tĩnh Châu và Bình Châu cũng sớm rút lui không còn một mống. Chờ khi Phàn quân cực kỳ hung ác vọt vào trong thành, nghênh đón bọn chúng chỉ có một đám lông gà đầy đất và nồi thau chén sứt mẻ.
Trong khi Bắc Cảnh Quân che chở cho bá tánh rút lui, có một đội quân thề sống chết ngăn cản quân tiên phong hung hãn của Phàn quốc, mặc dù thương vong vô số nhưng chưa từng thoái nhượng nửa phần. Sau khi chiến đấu kịch liệt một ngày một đêm, đội quân với những binh lính đeo mặt nạ đột nhiên lui lại vào sáng sớm hôm sau, từ vùng núi non Kỵ Long Ao vượt sông Trừng Thủy rồi biến mất trong dãy đồi núi giao giới giữa Tây Lương và Phàn quốc, giấu đi tung tích.
Khi đội quân tiên phong của Tây Lương đánh vào tường thành Ký Vân Quan, Vân Huy tướng quân Thẩm Uyên - Thống soái đội Tây Cảnh Quân trấn thủ Ký Vân Quan - suất lĩnh ba vạn kỵ binh lao ra cửa thành nghênh chiến. Đội kỵ binh này ở một khe núi trống trải ngoài tường thành đã bị hơn mười vạn quân Tây Lương và quân Phàn theo sau nghiền áp. Kỵ binh Tây Cảnh Quân bại như núi đổ, chỉ trong khoảnh khắc đã bị tàn sát gần như toàn bộ ở chân tường thành.
Thẩm Uyên trọng thương được thân vệ liều chết kéo vào thành, cùng một số rất ít tàn binh lui về bờ bên kia sông Nguyên Thương.
Liên quân Tây Phàn đã chiếm lĩnh Ký Vân Quan trong thời gian cực ngắn, sau đó quân Tây Lương bắt đầu triển khai bốn phía tàn sát vùng Ngô Châu Minh Châu.
Sinh linh điêu tàn, vạn dã rên rỉ, từ đây, ba mươi hai vạn liên quân của Tây Lương và Phàn quốc hoàn toàn công chiếm biên cảnh Tây Bắc, thực mau khuếch trương phạm vi xâm lược, một đường xuôi Nam đốt giết đánh cướp. Trong nháy mắt, chiến hỏa bắt đầu lan tỏa dọc theo Quảng Nguyên cháy tới ven bờ Bắc sông Nguyên Thương.
Hơn phân nửa lãnh thổ Tây Bắc rộng lớn của Đại Tuyên bị dầy xéo dưới móng ngựa của bọn dị tộc, ngập chìm trong máu lửa tàn khốc.
Quân Tùng Châu và Trần Châu kết hợp với gần bảy vạn Bắc Cảnh Quân dựng lên doanh trại ở ven bờ Nam sông Nguyên Thương, tạm thời hình thành thế giằng co với hai mươi vạn liên quân Tây Phàn đóng quân phía Bắc bờ sông.
Đội quân liên hợp này của Đại Tuyên kết hợp với đội quân từ triều đình do Võ Quốc công Lục Ngũ Tòng thống lĩnh đổ xô lại đây, cộng thêm một ít Tây Cảnh tàn binh từ Giang Bắc, Du Châu, Bang Châu lui về, ngoài ra còn quân đội từ các châu phủ phụ cận khẩn cấp điều đến, tổng cộng có được hơn hai mươi vạn.
Còn mười mấy vạn kỵ binh khác của Tây Lương và Phàn quốc, kết hợp với đội quân Tây Phàn lục tục xuôi Nam tiến vào quan nội, chiếm hết vùng đất phía Nam của Ký Vân Quan và Ngô Châu một đường thẳng đến sông Nguyên Thương. Bọn chúng dùng Quảng Nguyên làm trung tâm, từ đó khuếch trương phạm vi công chiếm. Gót sắt quân Tây Phàn tung hoành ở phần lớn bờ Bắc của sông Nguyên Thương, như tằm ăn rỗi nuốt chửng một đám thành trì chưa bị công hãm, phá hủy vô số thành quách và thôn trang.
Một số quân coi giữ thành trì vừa nghe tin liền chuồn, bỏ lại bá tánh hoảng loạn bơ vơ giữa cơn chiến hỏa và cuộc tàn sát không nơi yên sống, kinh hãi trốn xuống miền Nam.
Đương nhiên, cũng có một vài thành trì được quân coi giữ khóa cửa bế thành bảo vệ bá tánh, quân và dân đều thề cùng nhau tồn vong, đổ hết mồ hôi và máu cũng không tiếc.
Giữa cơn bão tố, Đại Tuyên bị thương tổn nặng nề không còn dư lực để phái quân đội đi chi viện bảo vệ các thành trì ở Bắc ngạn của sông Nguyên Thương. Hai mươi vạn đại quân chủ lực của Tây Lương và Phàn quốc bèn ở bờ bên kia như hổ rình mồi tùy thời phát động, một khi đội quân này đủ sức hùng hổ vượt sông Nguyên Thương thì có thể tiến thẳng về kinh thành, thế như chẻ tre một đường công chiếm trái tim của Đại Tuyên.
Trên dưới triều đình Đại Tuyên đều biết rõ ràng, quân triều đình tập kết ở phía Nam sông Nguyên Thương tuy có hơn hai mươi vạn, nhưng ngoại trừ bảy vạn Bắc Cảnh Quân thân kinh bách chiến quân kỷ nghiêm minh, các đội quân từ châu phủ chưa hề trải qua cuộc chiến quy mô nào, sức chiến đấu không thể sánh với đội quân Tây Phàn hung hãn, một người Hồ tương đương với bảy tám cá nhân.
Huống chi trong hai mươi mấy vạn quân đội kia có vô số phe phái, muốn hòa nhập và cô đọng thành một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ trong khoảng thời gian ngắn thì nói dễ hơn làm.
Bên cạnh đó, muốn vượt qua sông Nguyên Thương để đi đến Bắc ngạn chi viện thì phải đối đầu với rừng thương mưa tên của liên quân Tây Phàn, tất nhiên sẽ có hy sinh và tổn thất thật lớn. Người cầm quyền Đại Tuyên vốn đang lo lắng thấp thỏm đành phải tạm thời từ bỏ vùng đất đó.
Quốc thổ Đại Tuyên bị chia cắt thành hai nửa với sông Nguyên Thương làm đường phân ranh.
Mảnh quốc thổ bị xâm chiếm tràn ngập khói lửa, dấu vết tàn phá trải rộng. Dân chạy nạn lang bạt kỳ hồ nức nở than khóc trong sự đói khát và sợ hãi, bao người ngã xuống trên đường xuôi Nam đào vong, trở thành những bộ xương mới trong đống xác chết khắp nơi rồi bị gió cát vùi lấp.
Tuy nhiên, tại vùng đất hoang vắng thê lương ở phía Bắc sông Nguyên Thương, một đội quân đột nhiên xuất hiện. Đội quân này tập kết tại một ít quan ải rất xa dọc đường biên giới bị tàn phá của Tây cảnh, giống như kỳ tích mà chỉnh hợp được thành một đội ngũ gần vạn người. Bọn họ xuất phát từ Trường Nguyên Trại và Kỳ Môn Quan, giương cao ngọn cờ của Tây Cảnh Quân một lần nữa, tiến hành chiến tranh du kích với quân đội Tây Phàn đang hoành hành trên vùng đất Tây Bắc rộng lớn.
Đội quân này rất tinh ranh và dũng mãnh, thường xuyên xuất hiện xung quanh các tiểu đội của Tây Lương quân và Phàn quân, dùng khí thế lôi đình vạn quân bao vây tiêu diệt sạch sẽ quân địch. Trước khi rất nhiều quân Tây Phàn kịp đuổi tới thì bọn họ đã nhanh chóng rút lui, biến mất trong vùng đất rộng lớn vô tận.
Bọn họ sẽ phân phát đồ ăn và quần áo đoạt được từ chỗ Tây Phàn cho nạn nhân gặp gỡ trên đường. Đặc biệt có những thành trì bị quân đội Tây Phàn bao vây tấn công đột nhiên được họ cứu viện. Bọn họ thường thường tập kích sau lưng đội quân đang công thành rồi dùng khí thế long trời lở đất giết tới, giải vây thành trì, hơi chỉnh đốn quân đội rồi lại đi về phương xa.
Bọn họ giương cờ Tây Cảnh Quân, nhưng mọi người đều gọi họ là Quang Minh Quân.
Bởi vì bọn họ là hy vọng duy nhất của mọi người bị nhốt trong mảnh đất nước sôi lửa bỏng này, họ xé rách bức màn âm u không thấy ánh mặt trời của cuộc tàn sát và xâm lược khốc liệt, mang đến ánh sáng cho những mảnh đất bi thương đẫm máu mà họ đi qua.
Thủ lĩnh đội ngũ này là Thống soái Thẩm Tầm của Bắc Cảnh Quân, vị này không theo Bắc Cảnh Quân rút lui mà lưu lại ở phía Bắc sông Nguyên Thương.
Bảy vạn Bắc Cảnh Quân thối lui đến Nam ngạn đã bị triều đình tiếp thu thống nhất chỉ huy, Thẩm Tầm tự nguyện lưu lại nơi này, suất lĩnh Quang Minh Quân rong ruổi khắp vùng sông núi bị chiếm đóng. Bọn họ ở lại vùng đất họ đã trưởng thành và quen thuộc, dựa vào lợi thế địa bàn mà kiên cường chống lại con dao đồ tể và sự bạo hành, như tằm ăn lá dâu, từng chút từng chút nhấm nuốt đội quân Tây Phàn rải rác khắp nơi.