Chết là gì?
Là khi trái tim ngừng đập, cơ thể dần lạnh buốt, thân xác cháy thành tro và nằm mãi trong chiếc bình chật chội?
Trước ngày hôm nay, Từ Ngộ chưa bao giờ có nhận thức rõ ràng về cái chết như vậy –
Chết, là khi người đã từng tồn tại trong cuộc sống của bạn mãi mãi không bao giờ có thể giao tiếp với bạn được nữa.
Không thể cùng ăn cơm, không có cách nào cùng trò chuyện, không còn ai để khoe những bộ quần áo mới mua, cố gắng thi được điểm cao cũng không có ai khích lệ…
Tất cả mọi thứ đều biến mất cùng với việc ông ngoại đột ngột qua đời.
Lúc vội vã chạy đến bệnh viện, Từ Ngộ còn chưa kịp nhận thức chuyện gì đang xảy ra.
Chẳng phải ông ngoại chỉ bị bệnh nhẹ nằm viện thôi sao? Tại sao lại đột ngột chuyển nặng? Tại sao sinh mạng chỉ còn nửa tiếng ngắn ngủi nữa thôi?
Vào ngày ông ngoại trở bệnh nặng, bà ngoại như đã được báo trước. Bà bảo các con gái bắt đầu chuẩn bị áo liệm, nghĩa trang, hũ tro cốt và những thứ khác. Phòng chứa đồ lặt vặt ở quê cũng được dọn dẹp trước, trống không, đang yên lặng chờ đợi điều gì đó.
Công việc chuẩn bị của người lớn diễn ra lặng lẽ, lũ trẻ không hề hay biết gì. Chúng còn tưởng rằng ông ngoại chỉ là bị ốm, chúng còn đang chờ đến lúc trời ấm lên, ông ngoại có thể xuất viện đón năm mới đến.
Di thể của ông ngoại được đặt trong căn phòng chứa đồ đã được dọn dẹp sạch sẽ từ trước. Từ Ngộ ngồi trên chiếc ghế nhựa bên cạnh, muốn đi cùng ông chặng đường cuối cùng. Người lớn xung quanh đang vội vã ra ra vào vào để chuẩn bị tất cả mọi thứ, Từ Ngộ không nhịn được mà vươn tay chạm vào bàn tay phải đặt trên tấm gỗ của ông ngoại – nó vẫn còn mềm và ấm, đường vân trên da rõ ràng, không khác gì người sống.
Đầu óc Từ Ngộ ong ong, cả người như mất đi cảm giác. Ông ngoại qua đời, cô lại chẳng có cảm giác gì cả.
Cô ngẩng đầu nhìn khuôn mặt ông, nhận ra hai má ông đã hóp đi rất nhiều, những đường nét của xương mặt cũng hiện lên rất rõ.
Rõ ràng hôm qua khi Từ Ngộ nhìn thấy ông trong tình trạng nguy kịch thì không phải như vậy. Khi đó khuôn mặt ông ngoại khuất dưới mặt nạ thở màu xanh, mắt nhắm nghiền, thoạt nhìn chỉ như đang ngủ.
Hóa ra đây chính là “vẻ ngoài thay đổi” [1] sao?
[1] Gốc là 脱相, mô tả ngoại hình của một người thay đổi (theo hướng xấu) sau khi trải qua một sự kiện lớn. Ở đây ý Từ Ngộ muốn nói về sự thay đổi của ông ngoại khi ông mất (má hóp, mặt tóp lại).
Giây phút này, trong không gian ồn ào nói động, Từ Ngộ không ngờ rằng mình vẫn còn tâm trí đi suy nghĩ vấn đề này.
Cho đến khi Diệp Nhiên và Diệp Tinh bước vào lau người cho ông ngoại, thay cho ông một bộ đồ liệm đỏ thẫm, cuối cùng dùng một tấm vải đỏ phủ kín từ đầu đến chân ông.
Khi Từ Ngộ trở vào, cô không thể nào nhìn thấy mặt ông ngoại được nữa, cũng được báo rằng mình không thể vén tấm vải đỏ lên, lúc này cô mới chợt nhận ra mình đã bỏ lỡ điều gì.
Vừa nãy tại sao cô không nhìn mặt ông ngoại nhiều thêm một chút? Làm sao đây, cô không thể nhớ rõ vẻ ngoài của ông ngoại nữa rồi.
Cũng vào chính lúc này, Từ Ngộ mới muộn màng ý thức được – ông ngoại đã thật sự ra đi rồi.
Ông cụ luôn mỉm cười, cưng chiều và che chở cô đã rời xa cô mãi mãi.
Từ tĩnh lặng, trái tim đột nhiên thắt lại, nỗi đau khổ tột cùng ập đến với cô.
Đó là sự khổ sở mà cô không thể nào tự giải quyết nữa.
________
Dù đã mơ hồ có dự cảm, nhưng hôm ấy Diệp Nhiên và Diệp Tinh vẫn khóc rất thương tâm, chỉ là trong sự thương tâm có xen lẫn rất nhiều hối hận. Mãi đến khi bố đã đi rồi, bọn họ mới bắt đầu ngẫm lại mình – tại sao trước đây cứ suốt ngày cãi nhau với ông cụ, tại sao mấy ngày trước ông cụ nói cơ thể không khỏe, muốn bọn họ bầu bạn, bọn họ lại chẳng thèm để ý.
Lúc muốn báo đáp bố mẹ thì đã chẳng còn được nữa.
Lúc nào cũng vậy, con người mất đi rồi mới bắt đầu hối hận.
Theo phong tục của Lung Thành, di thể của ông ngoại sẽ được đặt trong phòng chứa đồ hai ngày. Người trông đêm đầu tiên là Từ Ngộ và Từ Thịnh Lâm. Các cô con gái đều đang chuẩn bị những thứ khác, chỉ có con rể và cháu gái lớn có thể hoàn thành công việc này mà thôi.
Sắc mặt của Từ Thịnh Lâm cũng không được tốt lắm. Tuy ông ta không quá gần gũi với ông cụ Diệp, nhưng dù gì cũng là con rể hơn hai mươi năm, vẫn có chút tình cảm đặc biệt.
Buổi sáng ngày cuối cùng, sau khi tất cả người thân đến viếng ông ngoại xong, mấy người đàn ông liền khiêng di thể ông ngoại ra khỏi phòng để đồ. Bát sứ đựng tro hương bị đập xuống đất phát ra tiếng động lớn, pháo cũng được đốt lên. Trong đủ loại âm thanh hỗn tạp, Từ Ngộ cầm gậy tử tôn [2], mờ mịt theo đám người đi về phía trước.
[2] Mình tìm hiểu thì có một dân tộc tên là Thổ Gia có văn hóa dùng cây này trong tang lễ. Đây là một thanh tre được buộc giấy tiền chia làm bảy đến chín đoạn, khi đi dọc quan tài, một người sẽ dùng gậy này đập vào nắp quan tài, đánh trống khua chiêng cho đám tang lên núi. Đây là những gì mình tìm hiểu được về gậy tử tôn, còn trong truyện không hề đề cập rõ Từ Ngộ thuộc dân tộc nào và đoạn tiếp theo cũng không hề miêu tả văn hóa này nên mọi người xem như đọc thêm cho biết thôi nhé. Hoặc đơn giản là Từ Ngộ cầm một cái cây thể hiện thân phận mình là con cháu thôi. (Nguồn: Baidu)
Chiếc xe của nhà tang lễ như một con quái vật khổng lồ khoác vỏ sắt, nuốt chửng cơ thể ông ngoại.
Cơ thể Từ Ngộ bắt đầu run lên, mắt nhìn chằm chằm cánh cửa xe khép lại.
Cô là con gái, không có tư cách ôm di ảnh.
Nhưng cô thật sự muốn ôm lấy ông ngoại mình theo một cách khác, cô bắt đầu ghen tị với người có thể ôm di ảnh ông kia.
Rõ ràng cô là đứa bé ông ngoại thương nhất cơ mà, ông ngoại nhất định sẽ muốn cô đi cùng ông!
Nhưng cô không làm ầm ĩ lên, bởi vì cô không thể gây rắc rối cho đám tang được.
Dù rằng rất nhiều quy định trong đám tang đang thể hiện sự bất bình đẳng giữa nam và nữ.
Vì ông ngoại qua đời, bà ngoại đã già đi rất nhiều sau một đêm, mắt sưng húp, suýt nữa ngất xỉu.
Người lớn bận bịu, Từ Ngộ dẫn em gái yên lặng nghe theo mọi sắp xếp, trở thành đứa trẻ hiểu chuyện được người thân họ hàng khen ngợi nhiều nhất.
Cô cũng cảm thấy mình đã trưởng thành sau một đêm, không còn là đứa trẻ vô tư không lo không buồn nữa, cô thậm chí còn không dám bộc lộ cảm xúc của mình.
Giây phút duy nhất cô có thể khóc to thành tiếng là lần cuối cùng được ở bên ông ngoại, khi đi vòng quanh di thể ông ngoại ba vòng trong nhà tang lễ, cô khóc đến mức không thể nào kiểm soát bản thân.
“Ông ngoại.”
Từ Ngộ gào khóc.
Từ nay về sau, cô không bao giờ có cơ hội thốt ra hai chữ này nữa.
Cô không còn ông ngoại nữa.
Cô đã mất đi người yêu thương cô nhất.
________
Diệp Tinh xin nhà trường cho Từ Ngộ nghỉ ba ngày. Cô không hề nói cho Tôn Nhiêu Nhiêu và Từ Ngộ biết chuyện ông ngoại mình mất.
Đó là nỗi đau mà bạn bè không thể nào hiểu thấu, cô cảm thấy mình không cần sự an ủi dù có lòng tốt nhưng hoàn toàn vô dụng kia.
Cho đến khi ra khỏi nhà tang lễ, chạy về khách sạn, cô nhận được điện thoại của Trần Phóng.
Ban đầu Từ Ngộ không muốn nghe máy, thậm chí còn thấy hơi phiền, có chút không kiềm chế được tính tình mà muốn trút giận.
Nhưng điện thoại cứ liên tục đổ chuông, tiếng chuông dồn dập và chói tai khiến người ta rùng mình.
Từ Ngộ chỉ đành nghe máy, cắn chặt môi để không phát ra âm thanh.
“…”
“Từ Ngộ?”
“… Ừ.” Chỉ một âm tiết ngắn ngủi thôi cũng khiến cơ mặt cô run lên.
Đầu giây bên kia, dường như Trần Phóng nghe thấy điều gì đó không ổn.
“Làm sao vậy?”
“Trần Phóng…”
Trần Phóng nghe thấy âm thanh nghẹn ngào xuyên qua sóng điện truyền đến.
“Anh đây, đã xảy ra chuyện gì vậy? Em đang ở đâu, anh đi tìm em…”
Nghe giọng nói của anh, cuối cùng Từ Ngộ cũng không nhịn được nữa, tiếng khóc cứ thế bật ra từ trong cổ họng, chẳng thể nào ngăn cản.
“Ông ngoại em, ông ngoại em mất rồi…”
Từ Ngộ trốn trong một góc vắng người, may mà tiếng khóc của cô không khiến những người qua đường hoảng sợ.
Khóc đã trở thành một việc xấu hổ nhưng không thể nào khống chế. Từ Ngộ càng lúc càng khóc lớn hơn, ngay cả giọng nói của Trần Phóng cũng không thể nghe rõ.
Cô vội vàng cúp máy. Vắng đi người lắng nghe cuối cùng, rốt cuộc cô cũng có thể thỏa sức trút bỏ cảm xúc của mình.
Từ Ngộ dựa vào bức tường xi măng, đau đớn ngồi xổm xuống, túm lấy cổ áo suy sụp khóc lớn.
Ông ngoại.
Tại sao con người lại phải biệt ly?