Nói xong anh nhìn xoáy vào mặt Thắng rồi tiếp tục:
--Có thể ra ngoài cậu sẽ trở thành ông nọ bà kia trong giới xã hội, nhưng ở trong này cậu phải tuân theo kỷ luật của trại giam, bất kỳ ai vi phạm đều bị phạt. Tạm thời cậu sẽ chưa bị xử lý nhưng khi khỏe lại cậu sẽ phải chịu hình phạt. Tôi nhắc lại đây là lần cuối cùng xảy ra sự việc này, cậu hãy nhớ đó là bài học đắt giá cho mình, cần phải tiết chế lại. Nhớ nhé!
--Dạ, em sẽ nhớ lời cán bộ dạy. Đội ơn cán bộ!
Tự nhiên Thương thấy có một cái gì đặc biệt khiến anh phải lưu tâm đến tên này. Đọc lý lịch và quá trình phạm tội của hắn, anh cực kỳ ngạc nhiên và tiếc nuối cho một trường hợp mười hai năm học rất giỏi, không những vậy, hắn lại là một học sinh giỏi toán của tỉnh. Nếu không dính vào cái án giết người này, có lẽ giờ hắn đang ngồi trên ghế của một giảng đường đại học nào đó rồi.
Bệnh nghề nghiệp thôi thúc, đứng về mặt phân tích tâm lý tội phạm thì anh biết không phải ngẫu nhiên Thắng lại giết người, mà người đó lại chính là ông nội của hắn. Chắc phải có gì ghê gớm lắm và được tích tụ lâu dài đến giai đoạn bùng phát mới như vậy. Bất giác anh lại muốn tìm hiểu ngọn nguồn câu chuyện, với đối tượng có trình độ như thế này nếu không khéo léo, hắn sẽ phán đoán tình huống mà co mình lại như vỏ ốc thì mọi cố gắng của anh sẽ là công cốc.
Thương mới được bổ nhiệm về trại giam này được ba tháng, trong đó vụ án của Thắng khiến anh lưu tâm nhất, không phải vì nó quá ghê rợn mà vì kẻ sát nhân còn rất trẻ lại không hề mang dáng dấp của một kẻ giết người như những đặc điểm của những chuyên gia tâm lý học tội phạm đã đúc kết. Kéo ghế ngồi cạnh giường Thắng, anh ôn tồn nói:
--Tôi biết cậu có nỗi khổ riêng, cũng không muốn khơi gợi những ký ức buồn của cậu, nhưng thú thực tôi thấy tiếc cho cậu. Giá như cậu có thể tiết chế được cảm xúc thì có lẽ chỗ của cậu hiện tại không phải là ở đây. Tôi muốn được chia sẻ với cậu, hãy coi tôi như một người bạn và đây là một buổi tâm sự giữa hai người đàn ông chứ không phải một cuộc hỏi cung, nên cậu có thể thoải mái yên tâm. Nếu còn e ngại cậu không nói cũng được.
Thắng khẽ nhướng đôi mắt sưng húp lên hỏi anh:
--Anh muốn nghe chuyện của em thật không? Anh không ghê tởm em à?
--Sao tôi lại phải ghê tởm cậu, trước khi cậu đến đây tôi cũng đã được tiếp cận hồ sơ của cậu, chính vì vậy tôi mới biết cậu như thế nào chứ? Nếu tin tưởng tôi thì cứ mạnh dạn tâm sự, tôi sẽ lắng nghe và biết đâu sẽ cho cậu những lời khuyên bổ ích.
Hắn không bao giờ nghĩ đến tình huống này, cứ nghĩ rằng đã vào tù là coi như bị loại khỏi cuộc sống xã hội, bản thân sẽ bị những người bình thường xa lánh, khinh rẻ. Thế nhưng một cán bộ quản giáo lại gần gũi và muốn nghe hắn tâm sự, tự nhiên mắt hắn bỗng cay cay. Từ trước đến nay có ai thèm quan tâm hắn đâu, chỉ có mỗi bà nội và bà ngoại là thương hắn mà thôi. Ngay cả người mẹ sinh ra hắn còn coi hắn như một cái gai thì người ngoài đã là gì chứ?
Vậy là đêm đó hắn đã trút hết nỗi lòng ra với anh cán bộ quản giáo trẻ tuổi, hắn kể sạch, kể hết không giấu giếm một chi tiết nào. Anh Thương ngồi nghe chăm chú, không hề xen ngang, phải mất hai tiếng đồng hồ hắn mới kể hết câu chuyện về cuộc đời mình. Đợi cho hắn ngưng xúc động anh mới nói:
--Cậu đúng là đặc biệt, cuộc đời của cậu cũng vậy. Tôi không nghĩ đến thời đại này mà cậu vẫn còn bị đối xử bất công như vậy, thế nhưng cậu lại vượt qua tất cả để trở thành trò giỏi 12 năm liền, không những vậy cậu còn đạt giải nhì môn toán của tỉnh. Tiếc quá!
Đâu phải chỉ có mình anh tiếc cho hắn, hắn cũng cảm thấy tiếc cho bản thân mình, bà nội, bà ngoại là hai người luôn kỳ vọng ở hắn. Bà nội vẫn mong hắn trở thành một sinh viên của trường đại học bách khoa, ấy vậy mà sự việc xảy ra khác nào tự hắn giội cho bà một gáo nước lạnh. Sự việc một lần nữa muốn quên, nhưng hôm nay nó lại như một thước phim quay chậm trải ra trước mắt hắn.
--Thế bố cậu không có tin tức gì à? Từ ngày đi nước ngoài ông ấy chưa một lần về nước ư?
--Dạ chưa anh, năm em được mười tuổi thì bố đi lao động xuất khẩu ở IRAQ từ ngày đó chưa một lần về ạ. Nhiều người còn bảo bố em chết ở bên đấy rồi, vì ông đi được một năm thì chiến tranh KOSOVO xảy ra, lâu thế rồi mà không có tin tức thì hẳn là chết rồi.
Nghe xong câu chuyện của tên tù nhân trẻ tuổi Thương cũng cảm thấy đầy tâm trạng, nếu là anh trong một giây phút sự tức giận được dâng lên cực điểm liệu anh có kiềm chế được không? Nhưng dù thế nào đi nữa hành động của hắn về mặt đạo lý vẫn không thể nào chấp nhận được và như vậy là phạm pháp. Mọi công dân sống trên đất nước Việt Nam đều phải tuân thủ luật pháp. Gật đầu thông cảm và an ủi hắn vài câu anh nhìn đồng hồ và nói:
--Cám ơn cậu đã tin tưởng tôi, giờ thì ngủ đi và quên đi những gì đã khiến cậu đau khổ. Tất cả đã trở thành quá khứ rồi, hãy sống cho hiện tại và tương lai. Cố gắng cải tạo cho tốt để được giảm án, đời cậu dài lắm, cậu vẫn còn rất trẻ. Không có gì là muộn cả, mạnh mẽ lên chàng trai.
Đêm ấy hắn đã ngủ một giấc thật say, không phải là do thuốc an thần mà có lẽ vì được chia sẻ với anh, hắn cảm thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều. Được vài hôm sau thì Thắng bị nhốt riêng một buồng giam và bị phạt dọn nhà vệ sinh khu trại giam mười ngày trong giờ nghỉ vì tội gây rối trật tự và đánh nhau trong trại. Nghe đâu mấy thằng bên kia cũng bị phạt những công việc tương tự, riêng thằng Tài Phốc vì là kẻ khơi mào nên cũng bị giam riêng một buồng, ngoài ra nó còn bị đánh dấu vào hồ sơ nữa thì phải.
Lại nói trong buồng giam tập thể, ngay khi Thắng bị đánh ngất xỉu và phải nằm bệnh xá. Hoàng Cá mập đã rất tức giận hỏi bọn đàn em:
--Chính lũ chúng mày đã nhờ bàn tay của thằng Tài Phốc làm việc này phải không?
Cả bọn đều cúi gằm mặt không thằng nào dám lên tiếng, nhìn vẻ mặt đằng đằng sát khí của đại ca chúng biết giờ chỉ cần ho he một tiếng thì người tiếp theo ăn đòn sẽ là chúng. Thôi thì đành im lặng nghe chửi chứ biết làm sao? Căn bản thằng oắt con ấy cũng rắn mặt khi một mình mà dám đương đầu với những tên sừng sỏ cộm cán ở đây thì cũng không phải dạng vừa. Tuy vẫn còn bực thằng nhãi đó, nhưng từ nay bọn chúng có vẻ e dè hơn và nhìn Thắng với một ánh mắt khác.
Không ngờ được rằng nhờ có món võ mà anh Trung đào tạo, Thắng lại trở thành một tay có máu mặt ở trại giam sau này, khiến cho nhiều kẻ cũng phải kiêng nể. Một điều nữa là ở trong tù khác với thế giới bên ngoài, tuy rằng ở đó luôn có kỷ luật sắt, nhưng có phải lúc nào quản giáo cũng giám sát được mãi đâu. Và để giải quyết những khúc mắc thì những tù nhân thường sử dụng nắm đấm để nói chuyện với nhau, đừng nói đạo lý ra ở đây. Kẻ nào mạnh kẻ ấy sẽ chiến thắng và được những kẻ yểu nể trọng, còn không chúng sẵn sàng dẫm đạp lên nhau để dành quyền lợi.
Tuần đầu tiên cũng qua đi, hôm nay chủ nhật đám tù nhân được nghỉ. Trong buồng giam của Thắng, tên nào cũng phấn chấn như thể trẻ con mong mẹ đi chợ về, cũng đúng thôi vì hôm nay là ngày người thân được phép thăm nuôi phạm nhân mà. Thắng cũng vậy, hắn đang mong chờ bà ngoại đến thăm. Cứ mỗi lần quản giáo đến gọi cửa phòng giam thì tất cả đều nhỏm hết cả dậy. Tên nào có người nhà đến thì vui lắm, còn những kẻ không có ai ngó nhòm thì lại ỉu xỉu như bánh đa bị nhúng nước.
Hôm nay phòng hắn có hai người được gia đình đến thăm, hắn chờ mãi vẫn không nghe gọi đến mình. Hoàng Cá mập thấy Thắng cứ nhấp nha nhấp nhổm liền nói:
--Sốt ruột hả? Ngày xưa lúc mới vào trại anh cũng như chú mày, nhưng cũng chỉ được thời gian đầu, sau chả ai thăm nom nữa, dần cũng quen. Cũng có thể do mình chịu án dài, nhưng cay nhất là con vợ bỏ đi lấy người khác khiến anh đến giờ nghĩ lại vẫn còn cay. Đời đúng là chó thật!
Nhưng rồi hắn cứ chờ mãi, đến tận trưa, xong lại chiều mà vẫn chẳng có ai gọi tên. Rất buồn nhưng hắn lại tự an ủi là có thể bà ngoại tuần này bận không đến được. Thôi cố đợi đến tuần sau vậy.
Hai thằng có quà của người thân gửi vào nên cả phòng được ăn ké. Kể ra ngoài lúc đánh nhau ra thì bọn chúng cũng có sự đoàn kết và chia ngọt sẻ bùi. Đêm đó hắn lại được rửa tai khi được nghe đàn anh kể về cuộc đời mình.
Hóa ra người mà chúng nó gọi là đại ca cũng chẳng hề vui vẻ gì. Hoàng Cá mập phải vô trại về tội chém chết anh ruột chỉ vì tranh chấp đất đai. Chuyện là bố mẹ hứa cho hắn năm mét đất để vợ chồng làm nhà, song chỉ nói mồm chứ không có giấy tờ văn tự gì cả. Hồi mới cưới nhau cuộc sống vẫn còn khó khăn nên hai người hắn không ra ở riêng mà ở luôn với bố mẹ.
Điều đó chắc cũng không có gì đáng nói nếu ngày đó anh trai hắn không ở chung. Vì là con cả nên vợ chồng ông anh cũng ở cùng một nhà với bố mẹ. Hai ông bà nói sẽ cho vợ chồng anh cả căn nhà đó và mảnh đất sau vườn, còn năm mét dài bên cạnh thì bảo để cho vợ chồng Hoàng ra ở riêng. Ngặt một nỗi ngày đó mấy ai sang tên sổ sách làm gì, cũng có thể đất đai chưa có giá nên bố mẹ cho thì cứ có tiền là xây lên thôi.
Vợ chồng Hoàng chưa có điều kiện nên chưa xây nhà được, đang yên đang lành thì bố mẹ hắn theo nhau đi chầu tổ tiên hết chỉ trong vòng hai năm trời. Đến lúc này rắc rối mới thực sự nảy sinh, vì vốn dĩ hai anh em ở với nhau đã chẳng mặn mà, hai chị em dâu hẳn là không ưa nhau, nhưng lúc còn bố mẹ thì phần nào vẫn còn e dè, khi bố mẹ khuất núi chiến tranh bắt đầu nổ ra.
Đỉnh điểm là trong một lần nghe phong phanh con đường trước nhà sẽ mở rộng nên thằng anh nảy lòng tham không chia đất cho em mà manh nha muốn đuổi vợ chồng hắn ra ngoài. Hoàng mới đầu còn nói chuyện phải trái với anh nhưng thằng anh lại quyết không nhận nhượng.
Hải, anh trai hắn cứ nhất quyết không chia cho em dù chỉ là một mét, Hải nói rằng đất đai sổ đỏ giờ mang tên hắn hết rồi, vì là con cả phải có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên nên bố mẹ đã cho vợ chồng hắn. Giờ ai cũng vợ con cả rồi thì anh em kiến giả nhất phận, có thân thì tự lo thôi.
Đàn bà quả là lắm điều, Thanh vợ Hải mượn cớ bảo nhà hắn quá nhiều đồ đạc, mà vợ chồng thị thì còn có hai đứa con đang ở tuổi học hành, không thể ở chật trội quá được, yêu cầu cô chú dọn ra khỏi nhà. Bực bội vì bị vợ chồng anh cả xử tệ lại cạn tàu ráo máng quá nên Hương vợ Hoàng mới cãi nhau với chị dâu. Thanh là một người đàn bà chua ngoa, đanh đá nên chị ta tức khí vứt tất cả đồ đạc quần áo của vợ chồng Hoàng ra sân lại còn luôn mồm rủa xả hai người là những kẻ cố đấm ăn xôi, là loại không biết điều.
Đã vậy thằng anh không hề bênh em lấy một tiếng, cứ đứng chống nạnh đưa đôi mắt vô cảm nhìn vợ chửi em. Hoàng điên tiết chỉ thẳng mặt chị dâu mà quát:
--Tôi nhịn chị như thế là đủ rồi nhé? Các người không coi đạo lý ra gì định nuốt không phần đất của tôi phải không? Đừng tưởng hất bọn này ra đường mà dễ nhé?
-- Chú định làm gì hả? Nên nhớ vợ chồng chú không có phần ở đây nhé, bố mẹ chết rồi mà vợ chồng tôi vẫn có tình có nghĩa khi cưu mang vợ chồng chú ăn ở suốt mấy năm nay. Giờ thì dọn đi chỗ khác cho tôi còn tu sửa lại nhà, đừng để tôi nói nhiều mà anh em lại khó nhìn mặt nhau...