"Chị..." Ngọc cũng không dám cản người điên cuồng như My lại, vết thương bỏng nặng từ chân của chị ấy đổ máu, ướt cả ống quần nhưng chị ấy vẫn đi lại như điên. My quệt nước mắt của mình, hô hào người dân mau mau mang nệm ra, mau lên một chút sẽ cứu được vài người đỡ thương tật.
Một người nhảy xuống rồi lại một người nhảy xuống. Tiếng kêu ai oán khi có một người tìm đến cái chết là thứ ám ảnh My suốt cả một đời, không bao giờ quên.
"Con, con coi xem bạn con có nằm bên kia không?" Ông ấy chỉ vào những xác chết đã được đắp chăn bên kia, nói với My.
My liền quát lên: "Không! Bạn con chưa chết, bạn con chưa chết!"
"Chị My... chị Tâm ở bên kia..." Ngọc nước mắt nước mũi tèm lem nói với My, cô vừa lại xem đám người chết bên kia, cô như khuỵu ngã khi thấy trong những người chết do nhảy lầu có cả chị Tâm.
My không tin được nhìn Ngọc, cô như người thất thần lẩm bẩm trong miệng: "Không thể nào... chị ấy thông minh lắm... không chết được..."
Nhưng Ngọc vẫn ôm mặt khóc, tiếng khóc não nề hệt như tụng kinh, khiến đầu My đau như ai đó đánh vào từng cái.
Thấy được xác chị Tâm nằm yên trên đường được người tốt bụng đắp chăn lại, My như chết đứng. Mới ban nãy còn hẹn nhau chiều nay sẽ cùng ăn đá me, vậy mà giờ chị ấy chẳng bao giờ có thể mở miệng được nữa.
Ban nãy nghe tiếng mọi người hô hào nhau chạy đám cháy, Tâm cũng cố theo mọi người, nhưng cô không thể nào chạy xuống tầng dưới được nữa. Khi lầu sáu biết cháy, lửa đã quá nặng, có người cố gắng vùng vẫy, có người gọi điện về cho người thân.
Tâm ngồi trong một góc nghe cô gái nào đó gọi điện cho chồng mình, cô ấy ôm điện thoại khóc nức nở, luôn miệng bảo: "Anh ơi cứu em... Chồng ơi cứu em..."
Lửa vẫn cháy ngùn ngụt, cô nghĩ mình sẽ chết vì ngộp ở nơi này, cô không còn đường chạy ra nữa rồi. Tâm nghe tiếng khóc của cô ấy cô cũng bật khóc, cô lục lọi tìm giấy viết. Lửa cháy xém hết tất cả mọi thứ, Tâm nắm tờ giấy trong tay thật chặt rồi cười giễu: "Giấy rồi cũng cháy mà... Mày điên vừa thôi Tâm.."
"Chị ơi em sợ..." Cô gái đó quay mặt sang nói với Tâm, Tâm vuốt vuốt mái tóc của cô ấy, cố gắng nở một nụ cười: "Em ngoan... Sẽ mau hết đau đớn thôi. Chị không còn ở đây... My phải nhớ đến chị, hiểu không? Chị thương em..."
Nói rồi Tâm mở cửa sổ ra, nhảy xuống đất. Cô là người đầu tiên nhảy xuống, một người rồi lại một người nhảy, chẳng mấy chốc số người nhảy lầu lên tới mười mấy người. Tờ giấy trong tay cô bị máu làm cho ướt đẫm, không đọc ra.
My nghe một phóng viên tại hiện trường hỏi một chú lớn tuổi có mái tóc hoa râm có đôi mắt sưng to vì khóc. Chú ấy trong làn nước mắt nói rằng: "Chúng tôi đặt tên cháu là Chiến Thắng, vì hi vọng cháu sẽ luôn chiến thắng trong cuộc đời, nhưng ngày hôm nay, con tôi đã không thể chiến thắng được ngọn lửa..."
Vị phóng viên thấu hiểu ôm lấy ông an ủi, My lắc lắc đầu để bản thân thanh tỉnh. Lửa vẫn cháy lớn, ngọn lửa oan nghiệt.
"Cho chị hỏi em làm thế nào thoát được?" Vị phóng viên nọ đưa mic vào người cô, nhưng cô gạt ra, giận dữ quát lên: "Im đi!"
Ngọc thấy vậy bèn nói: "Xin lỗi chị, chị ấy tâm trạng không ổn, chị phỏng vấn người khác đi."
"Các người nệm hơi còn không có! Các người có làm tròn trách nhiệm của mình chưa?" My nắm lấy cổ áo của một vị cứu hỏa đang đứng, ánh mắt cô giận dữ, đỏ au hệt như sẽ trích ra máu. Cô liên tục kéo cổ áo của hắn, bi thương quát lên: "Một cái nệm hơi còn không có... Các người nghỉ hết luôn đi!"
"Xin lỗi... xin lỗi em..." Anh ấy cũng khóc khi nghe cô trách mắng mình, lần này là lần cháy dữ dội nhất, thương tâm nhất hắn đã trải qua trong sự nghiệp chữa cháy của mình. Lỗi lầm do không đủ trang bị, hắn biết, nhìn người chết từng đám, có nhóm còn nằm lên nhau mà chết, hắn làm sao có thể không buồn không cảm thấy tội lỗi.
Ngọc ôm lấy My, cô biết chị ấy cảm thấy thế nào khi chị Tâm chết, nhưng chị ấy đang không còn là My nữa, chị ấy điên cuồng và có thể sỉ vả bất kì ai. Ngọc khóc òa sau lưng My, hi vọng My có thể vì cô mà dịu xuống một chút.
"Lạy trời... trời ơi, hai con không sao mẹ mừng lắm." Bà Hường mặt mày tái mét chạy lại chỗ hai cô, ban nãy nghe tin cháy bà tức tốc chạy xe đến, vừa đi vừa cầu nguyện hai đứa không có chuyện gì.
Người ta ước tính rằng có khoảng một trăm người chết do lửa và nhảy lầu, nhưng khi kiểm kê lại thì tin chính xác chỉ là sáu mươi người. Nhưng đây là một con số lớn và gây bàng hoàng cho cả Sài Gòn nhỏ bé, người dân cả nước thương xót cho về Sài Gòn. Bên trong tòa nhà Intershop có văn phòng của Intershop, công ty bảo hiểm AIA, sự việc lần này khiến công ty bảo hiểm AIA chao đảo không ít. Nhân viên AIA ở Hà Nội khóc như mưa khi nghe tin đồng nghiệp của mình chết và bị thương rất nhiều.
Đến tám giờ chiều ngọn lửa mới được khống chế, ngày hôm sau, toàn bộ trường học ở Sài Gòn dành một phút để mặc niệm nạn nhân chết trong vụ cháy. My vẫn không tin được là chị Tâm đã chết rồi, người ta mang xác chị ấy về nhà tang lễ làm đám tang chung với mọi người, cô cũng không còn sức lực phản đối.
Những thi thể đầu tiên được nhận dạng, My không dám nghe trên tin tức nữa. Nhưng cô không nghe thì người khác nghe, từng tên nạn nhân đọc lên rõ ràng, không hề đọc tắt.
Nạn nhân: Nguyễn Trương Mỹ Tâm,...
Cô nằm xuống giường bệnh che chăn lên khỏi đầu, cảnh tượng ngày hôm qua cháy vẫn hiện rõ trong tâm trí.
Đội ngũ y bác sĩ lên tới hai trăm người túc trực, số nạn nhân bị thương hiện tại là một trăm lẻ hai người, số nạn nhân là năm mươi chín. Trong bệnh viện số người thăm nuôi rất đông, ai nấy cùng mừng vì người nhà của mình còn sống. Bên cạnh bệnh viện, số người đến nhà tang lễ cũng rất đông, một bên vui mừng, một bên khóc than.
Ngày hôm sau tạm giam hai người thợ hàn gây ra vụ cháy, họ khai do lửa bén với tấm cách nhiệt nên cháy, bình gas mang theo vì lửa nên phát nổ, gây cháy lớn chắn hết lối đi của tầng 4, 5, 6. Người thứ ba đang bị truy nã.
Bàn chân của My được bác sĩ báo là rất nặng, thế nào cũng để lại sẹo. My không để tâm, cô và Ngọc nhận xác Tâm làm đám tang chung với mọi người. Phước có đến nhưng đứng xa xa trước cửa nhìn vào trong, My không gây sự với hắn, chỉ im lặng tiễn chị Tâm một quãng đường cuối cùng.
Hoa phủ trắng trước tòa nhà, nhiều người đến cúng viếng, nhiều người vẫn bàng hoàng không tin được vụ cháy xảy ra như thế.
Sài Gòn vẫn mãi không quên vết thương này, tổn thất quá nặng, quá lớn.