Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt
Chương 91: Mọi Đá Vách
Huyện Thanh Sơn là huyện ở phía cực tây của Phủ Tân Bình, tây giáp Trấn Nam Bàn. Tuy nhiên, huyện trị của Thanh Sơn là chếch hết về phía đông, đồng thời 17 ngôi làng ở đây, cùng nằm hết ở phía đông, phía tây, không có cơ sở hành chính. Không phải bởi phía này là núi đá cao chót vót hay rừng thiêng nước độc, mạn phía đông cũng rừng thiêng nước độc không kém, nhưng vì nguồn lợi khai mỏ quá cao, người ta bất chấp mà tới. Nguyên nhân chính là bởi đấy là nơi cư trú của những người dân tộc thiểu số được gọi là Mọi Đá Vách.
Thực ra ngày trước địa bàn những kẻ bị gọi là Mọi Đá Vách này sống là toàn bộ huyện Thanh Sơn. Tuy nhiên, dưới thời họ Dương soán đoạt họ Triệu, để tăng thanh thế, quân Bách Việt từng tiến tới đây chiếm đóng một hồi rồi lại rút. Tới thời kỳ Bách Việt thành nội thuộc của Đại Hoa, huyện Thanh Sơn mới chính thức được cai trị, người bản địa bị đẩy lùi.
Tất nhiên, họ cũng không bỏ cuộc sớm, mà cố chống cự. Ở phần phía đông, địa thế tương đối bằng phẳng, quan quân dùng ưu thế về lượng và chất đè bẹp họ, đẩy họ vào vùng núi đá kia. Song cũng chỉ vậy thôi, vì phía tây một dãy núi bao quanh, cao và hiểm trở, đường lên đều là đường độc đạo, cực kỳ khó đi. Chính vì thế, quan quân ở huyện Thanh Sơn không thể dẹp nổi. Đi số lượng nhỏ thì bị phục kích tiêu diệt, đi số lượng lớn lên thì đám mọi Đá Vách rút vào sau núi, vây không vây nổi, lên núi thì không thể dàn trận, mất ưu thế quân số, địch lại biết rõ địa thế, nên đánh chỉ thiệt thân. Dần dần, để tránh thiệt hại, quan quân cùng Mọi Đá Vách lập giao kèo, từ dãy núi kéo về phía đông thì họ quản, từ dãy núi về phía tây thì Mọi Đá Vách quản. Hai bên không ai phạm ai.
Nói thì nói thế, nhưng những người dân chất phác miền núi làm sao đấu trí lại được với những quan lại ngày ngày đấu mưu đấu trí được. Việc chia ra mà quản, thực sự là một cái bẫy tinh vi. Khu vực phía tây tuy có dãy núi che chở, địa hình hiểm trở dễ thủ khó công, nhưng tài nguyên cũng ít ỏi, đất đai cằn cỗi, khoáng sản không nhiều, lại thiếu một thứ rất trí mạng: muối. Ban đầu, dân ở đây còn đốt cỏ chấm tro, sau quan quân huyện Thanh Sơn mang muối lên trao đổi, rồi sau đó tìm hiểu đường đi nước bước, mua chuộc một số kẻ dẫn đường. Sau đó, quan quân huyện Thanh Sơn phát động chiến tranh, đánh thẳng vào, bắt được đại bộ phận dân ở đây, biến họ thành nô lệ, một số ít ẩn vào núi, trốn được.
Từ đó, dân ở đây không còn tin tưởng dân miền xuôi, không buôn bán trao đổi, mà chuyển sang nghề ăn cướp. Họ thường xuyên cướp phá, gây họa cho những vùng khai mỏ và làng xóm ở huyện Thanh Sơn. Tất nhiên, quan quân không để yên chịu trận, cũng ra tay bắt được vài tên, mà chưa thấy tác dụng gì, bọn này rất cứng đầu cứng cổ, tra khảo mất nhiều thời gian, mà dù tra ra đi lên cũng không xong. Đám Mọi Đá Vách thông đường đi, số lượng ít dễ trốn, truy quét không xong. Từ đây, Mọi Đá Vách thành một vết thương hở của huyện Thanh Sơn, khiến cho Huyện lệnh Thanh Sơn khi đó là Bùi Đắc, người đã lập kế diệt Mọi Đá Vách khi trước bị trách phạt nặng nề, nhiều năm liền không lên chức, cuối cùng thì trung niên về hưu, giờ đang làm một thương nhân nhỏ ở rìa đông huyện Thanh Sơn. Và Kiệt giờ đây đang cùng người thương nhân ấy nói chuyện. Đi cùng với cậu là ông chú thứ ba, Hoàng Văn Đình.
Hai năm trước, trong khi thực hiện nhiệm vụ tìm hiểu thông tin chuẩn bị cho việc kinh doanh sau này, Hoàng Văn Đình có biết tới Bùi Đắc. Lúc đó, Bùi Đắc đang là một chủ tiệm bán bàn ghế, từ khi nghỉ hưu tới nay ông ta đã làm qua nhiều việc, kinh doanh nhiều nghề song thua nhiều hơn thắng, tiền để dành cũng thu nhỏ lại nhiều. Quan lộ không hanh thông nên phải nghỉ quan sớm, người đi trà lạnh, không ai hỗ trợ, đã thế cái tiếng sai lầm trong việc tấn công Mọi Đá Vách khiến chúng liên tục làm loạn ở huyện Sơn Hải khiến việc làm ăn của Bùi Đắc gặp khó khăn. Trái với những kẻ giàu có và quyền lực ở huyện Thanh Sơn, làng Hồng Bàng lúc này đang ở thế chuẩn bị bùng nổ, vì thế Bùi Đắc là một khoản đầu tư mà Đình đánh giá là sẽ sinh lời, bởi Bùi Đắc từng là một viên quan Huyện lệnh. Với chức vụ này, ông ta hẳn sẽ có nhiều thông tin. Hoàng Văn Đình báo cáo chuyện này, Kiệt chấp thuận đầu tư, thứ họ bỏ ra là giấy. Làng Hồng Bàng làm được giấy tốt, trắng và bền, họ bán nó cho Bùi Đắc với giá phải chăng, ông ta có thể kiếm lời hơn từ bán giấy, mà nghề bán giấy thì lại nho nhã hơn nghề khác nhiều. Dần dà, Bùi Đắc cũng có cảm tình với dân Hồng Bàng.
Giờ đây, làng Hồng Bàng đang trong quá trình lớn mạnh, sản xuất được nhiều hàng hóa hơn, tạo ra được nhiều phát minh, dạy dỗ được nhiều người có học, đồng thời cũng ngốn rất nhiều tiền. Muốn có được thêm tiền, thì họ cần một thị trường lớn và nguồn nguyên liệu rẻ hơn nữa. Huyện Sơn Hải giờ đã bị bão hòa thị trường, nguồn nguyên liệu cũng không còn dồi dào như trước, khai thác quá độ sẽ cạn kiệt, Kiệt nhắm tới hàng xóm là huyện Thanh Sơn.
- Nói tới thì thật xấu hổ, vì ham lập công, mà cuối cùng lại khiến huyện Thanh Sơn ngày đêm bị tàn phá!- Bùi Đắc lè nhè nói. Ông ta đang đi nhậu với Hoàng Văn Đình, và cứ mỗi lần nhậu là Đắc lại kể một chút về quá khứ của mình, lùi từng chút một. Và giờ, thì ông ta nhớ tới ký ức vụ diệt trừ Mọi Đá Vách.
- Ông anh, vụ này thì tôi không đồng ý lắm đâu nhé. Chính ra người ta phải thăng quan cho ông anh về việc này.- Hoàng Văn Đình cười nói
- Chú đừng có giễu tôi.
- Chế giễu cái gì nào, tôi không phải người trong quan trường, tôi không dám nói, nhưng mà hai thằng cháu trưởng nhà tôi, cả thằng con riêng của bà chị dâu lẫn thằng cháu đích tôn nhà tôi nó đều bảo anh làm thế là đúng.
- Thật ư? Nó nói thế nào?
- Nó bảo rằng việc dồn Mọi Đá Vách về phía tây là một nước cờ mà nếu không ra tay như anh, thì chuyện nhất định còn tệ hơn nữa. Phía tây ít tài nguyên, dân ở đó đông đảo, càng ngày càng đói kém. Để cho lũ mọi kia vẫn đủ người, chắc chắn sẽ là một vụ nổi loạn quy mô cực lớn.
- Đúng thế, đúng thế mà!- Bùi Đắc vỗ bàn, mọi thứ trên bàn nảy lên, cho thấy ông ta dùng lực mạnh thế nào.- Chỉ vì muốn tôi không đứng thành hàng, không lập bè phái thì liền trù dập, khốn nạn.
- Ôi, cái việc quan trường, ông cũng nghỉ rồi, nghĩ lại làm gì cho khổ.
- Đúng thế, nghĩ lại mà làm gì chứ!
Hai bên uống rượu tiếp, nhưng Bùi Đắc đã dần hỏi chuyện Đình về hai đứa cháu trai mà cậu em xã hội này nói tới. Đình không chút dấu giếm ông anh, kể lại mọi chuyện, khiến chính Đắc cũng có chút ngạc nhiên.
- Chuyện anh cậu lấy cả trâu lẫn nghé mà cứ kể hoài thế à.
- Ôi giời ơi, ông anh tôi thì còn hãnh diện khoe khoang, khoe suốt từ hồi rước về cơ. Mà cũng tại bà chị dâu thì giỏi, thằng con riêng cũng ngoan ngoãn, nếu không có thằng Kiệt áp lại, có khi cũng hơi hổ thẹn với giống nhà mình.- Đình than thở, nhưng cũng là đòn gợi mở sự tò mò của Bùi Đắc. Vừa nói, Hoàng Văn Đình vừa nhớ lại cuộc trò chuyện với Kiệt về vấn đề Mọi Đá Vách sau lời nhận xét trên kia, những lời phía sau mà Đắc biết, chắc sẽ càng khiến ông ta phải sợ nữa:
- Tiếc là lão già Bùi Đắc này thấy một không thấy hai, với địa hình hiểm trở như thế, có cá lọt lưới là điều nhất định xảy ra. Cho nên, ông ta cũng có khuyết điểm.
- Mày cứ chê ông ta, chứ mày cũng nói ông ta làm đúng mà.
- Cháu nói ông ta làm đúng bao giờ, hả?
- Mày vừa nói lúc nãy!
- Cháu chỉ nói ông ta nhận ra mối nguy của dân Đá Vách thôi!- Kiệt không biết dân ở đó là dân gì, nên gọi họ là dân Đá Vách, sống ở thế kỷ 21, cậu ta có thể không thích một vài sự lạc hậu trong phong tục tập quán của dân tộc khác, song tuyệt không kỳ thị man mọi gì hết.
- Vậy nếu là mày, mày sẽ làm gì?
- Cháu sẽ thuê dân ở đó xuống làm việc. Hầm mỏ cần người lao động, dân ở đó cần kiếm sống, hai bên cùng được lợi.
- Việc làm ở hầm mỏ quá tệ, bọn mọi đó.
- Chú ba, với người Hoa, ta cũng là man mọi, đừng xúc phạm kẻ khác văn hóa với ta, được chứ! Còn vấn đề lao động, cái này cho thấy các vị quan luôn luôn thiếu sót trong việc làm thực tế, họ không biết việc xây nhà thì tốt thật đấy nhưng chịu tu bổ cái nhà thường xuyên còn tốt hơn. Họ có thể làm như cháu đang hướng dẫn làng Hồng Bàng làm đây, thường xuyên kiểm tra để xem có vấn đề gì, có vấn đề thì tìm ra nguyên nhân và sửa chữa. Vì thế, những việc ta làm có thể mới, có nhiều vấp váp nhưng ít hậu quả nghiêm trọng. Quay lại vấn đề làm việc, nói thẳng, là ông ta nên kiểm tra vụ đó, ai cố tình ép dân Đá Vách làm việc nặng, thì phạt, đảm bảo quyền lợi cho họ, như thế họ chẳng biết ơn ông ta lắm ư. Cho dân Đá Vách việc làm, cũng tức là khiến họ không có thời gian mà nghĩ việc làm loạn, đồng thời cũng dễ kiểm soát họ hơn. Để họ ở địa bàn của mình tốt hay để họ dưới sự kiểm soát của mình thì tốt hơn đây.
- Mày thực sự khiến chú sợ rồi đấy, Kiệt. Nếu như mày có cơ hội, tao sợ rằng mày sẽ khôi phục được Bách Việt mất.
- Cháu đâu có thời gian cho việc đó!- Kiệt cười.
- Chứ mày thích gì?
- Một cuộc sống tiện nghi, nơi mà chú có thể tắm nước nóng thoải mái và mùa đông ( bình nóng lạnh), uống đồ lạnh mùa hè ( tủ lạnh), có gió lạnh thổi khi nóng ( quạt và điều hòa), không sợ hãi bệnh tất, trừ phi nó quá kinh khủng ( bệnh viện, thuốc men),…
- Nó thật sự tầm thường quá à. Chỉ cần mày giàu là có được thôi!
- Không!- Kiệt cười và lắc đầu, như kiểu nó đang nghĩ tới một điều gì và thất vọng về điều ông ta vừa nói vậy. Thứ mà Kiệt nghĩ, chính là để có những điều tầm thường ấy, nếu lịch sử ở đây và thế giới của cậu là tương đương, thì phải là 700 năm nữa cơ.