Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt
Chương 74: Hậu chiến
Ngay khi vừa đánh xong lũ cướp, dân Hồng Bàng lập tức tổ chức đám ma cho những người hi sinh trong trận chiến. Trong những ngày cuộc chiến diễn ra, họ được chôn vội, không kèn không trống, không tiếng khóc than. Tất cả phải im lặng, một là để không lộ vị trí, hai là không để sự bi thương ảnh hưởng. Nhưng giờ, họ có thể tổ chức một đám tang cho những người đó rồi.
Do đã mấy ngày trôi qua, thi thể những người chết cũng đã có mùi, hơn nữa số người chết cũng nhiều nữa, nên công đoạn viếng được bỏ luôn, họ chỉ có vài tiếng để làm một đám ma tập trung, thổi một đoạn nhạc tiễn đưa, cả làng cùng thắp hương, đọc điếu chung, rồi chôn cất những con người kia. Do làng Hồng Bàng vừa trải qua một trận chiến, thời gian chôn cất gấp gáp, không thể thuê đâu được người tới kèn trống đám ma với cả viết điếu, Kiệt đứng lên nhận trách nhiệm việc này. Thấy rằng kèn trống không kịp tới, Kiệt dùng lời hát làm bản nhạc tiễn đưa. Bài hát cậu chọn là Hồn Tử Sĩ, người đứng ra hát là những người thanh niên thuộc đội lính Hồng Bàng. Họ và người chết là đồng đội, là láng giếng, đã cùng nhau tập luyện, sống như anh em một nhà, đã cùng nhau chiến đấu, cùng sống chết kháng địch, được nhìn hết sự tàn khốc của chiến tranh, lại hiểu được sự chính nghĩa của cuộc chiến này, dù giọng không hay, thì tâm tình họ cũng diễn đạt được hết cái hồn của bài hát: ghi nhớ công ơn những liệt sĩ đứng lên kháng chiến bảo vệ đất nước.
Hồn Tử Sĩ được sáng tác bởi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Thời điểm sáng tác của bài hát vào khoảng 1942-1943, trong 1 đợt cắm trại do Tổng hội Sinh viên Đông Dương tổ chức tại Mê Linh. Trong dịp này, Lưu Hữu Phước đã sáng tác bài hát nguyên thủy với tên gọi "Hát Giang trường hận". Bài hát với nhịp điệu trầm hùng, gợi nhớ đến công ơn và sự hy sinh của Hai Bà Trưng kháng chiến chống ách đô hộ của nhà Hán. Năm 1944, Lưu Hữu Phước vào Nam Bộ theo yêu cầu của Mặt trận Việt Minh tham gia vận động cho phong trào "Xếp bút nghiên" của sinh viên 3 miền Nam - Trung - Bắc rủ nhau bỏ học để trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng. Đầu năm 1945, khi tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập, ông trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào. Tháng 8/1945, ông tham gia giành chính quyền tại Sài Gòn. Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông giữ chức vụ Giám đốc phòng xuất bản Nam Bộ cho đến tận tháng 5/1946. Chính trong thời gian này, ông cùng với 1 đồng nghiệp có tên là Hồng Lực đã sửa chữa và đổi tên lại bài hát "Hát Giang trường hận" thành "Hồn tử sĩ" để tưởng nhớ và chiêu hồn các anh hùng liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Đêm khuya âm u
Ai khóc than trong sương mù?
Gió rít qua lũy tre như nghiến răng vương mối thù
Hồn ai kia đau xót chơi vơi?
Hồn quân Nam căm uất chưa nguôi.
Uất khí ngất đất,
Bao lớp mây che kín trời
Sóng thét qua bãi lau như nhắc người xưa anh dũng
Đã hy sinh giữ gìn nước non
Lòng Bà Trừng vững bền sắt son
Làn gió đưa sóng trào, nước pha máu hồng rừng gươm đao
Cờ Bà Trừng lướt gió
Nước sông Hát cuốn mau.
Rền rĩ như có người, thoáng nghe gió gọi từ xa xôi
Có tiếng loa rộn rã núi đồi
Nào ai yêu nước nhà, yêu giống nòi thề một lòng
Vùng lên trong mưa gió trong gươm súng
Đoàn quân anh dũng tiến lên gìn giữ lấy non sông
Tường đồng là nhân dân
Là ngàn người chung sức như một đứng lên,
Ta cùng tiến!
Quyết giết hết quân thù,
Đón ánh sáng chiếu rạng nước nhà thắm tươi
Đến muôn đời
Nhân dân đau thương
Ghi nhớ ơn của bao người
Chiến đấu dâng tấm thân cho nước nhà, cho giống nòi
Nhìn gương xưa liệt sĩ nêu cao
Lòng sôi lên cương quyết noi theo
Nước mắt rớt xuống,
Bao xót thương bên nấm mồ
Khói bốc nghi ngút bay quyện lá cờ
Chưa khô máu những con yêu thác vì nước non
Ngàn muôn năm Tổ Quốc ghi ơn.
Ngay khi bài hát đang dang dở, dân Hồng Bàng đã òa khóc, cả Kiệt và đội hát cũng thế, họ vừa khóc vừa hát, nghe chả ra sao cả, nhưng cũng đâu ai để ý nổi. Bài hát kết thúc rồi, mà những tiếng khóc vẫn còn đó. Kiệt cũng khóc, nhưng cậu lau nước mắt rất nhanh, rồi đứng lên đưa tờ giấy viết lời điếu cho Bá hộ Đào, rồi thì Đỗ Bá Xuyên để một trong hai người này lên đọc lời điếu cuối cùng trước khi mang quan tài ra nghĩa địa, nhưng ông ta cũng chịu không đọc nổi. Sau rốt, Kiệt phải lên đọc.
Về những môn xã hội kiểu này, Kiệt không tinh thông, may mà cậu có sẵn hàng ngàn thước văn hay để học lỏm. Hôm nay, do phải nhắc tới thương binh tử sĩ, Kiệt vay mượn tạm mấy lời của Chủ Tịch Hồ Chí Minh:
- Khi làng ta bị bọn cướp biển tấn công, ta thấy chúng tới ào ạt như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập làng ta. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của tất thảy người dân. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của làng đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản bè lũ cướp biển hung tàn xâm phạm tới làng. Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh mọi người dân ta. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản của toàn thể làng ta. Họ quyết liều chết chống địch để cho dân làng ta được sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Đó là các tử sĩ hôm nay chúng ta chôn cát. Nay, trong thời khắc cuối cùng trước khi tiễn đưa những con người ấy ra nơi an nghỉ cuối cùng, ta hãy cũng nhau mặc niệm trong ít lâu, để nhớ kỹ những con người ấy, những con người phi thường mà làng ta đã sinh ra vậy. Phút mặc niệm bắt đầu.
Đám tang kết thúc khi ngôi mộ cuối cùng được đắp xong, tất cả cùng nhau về làng, ăn uống, nói chuyện, chia sẻ với nhau những câu chuyện. Họ không buồn rầu quá nữa, cũng không khóc nhiều nữa, vì hôm nay đã được khóc đã lắm rồi. Hơn nữa, những lời điếu văn và bài hát mà Kiệt tung ra, cũng an ủi phần nào thân nhân người mất, rằng cái chết của họ thực cao quý, thực phi thường.
Bữa cơm kết thúc, Kiệt gọi những nhân vật quan trọng nhất làng: ba dòng họ Hoàng- Đào- Đỗ, các cụ tiên chỉ trong làng, các nhân vật chức sắc, các tiểu đội trưởng để bàn bạc các vấn đề liên quan tới công tác hậu chiến.
- Đã thống kê lại thiệt hại tài sản rồi chứ?
- Yên tâm đi nhóc Kiệt, bọn ta đang làm hết tốc lực rồi!- Cac vị chức sắc trong làng nói. Giờ đây vai vế của họ thực sự kém hơn trước rất nhiều, thậm chí chỉ như những tay sai cho 3 dòng họ lớn, không, là tay sai cho Hoàng Anh Kiệt. Kiệt nói gì, họ làm nấy, được cái tiền công cao hơn, con cháu trong nhà cũng được bổ nhiệm vài chức vụ thích hợp mà Kiệt có thể.
- Tốt, ta nên sớm biết thiệt hại mà tìm cách khắc phục lại sớm công việc!- Bá hộ Đào gật gù
- Còn với những người đã chết, hãy nhanh chóng thống kê lại, quan tâm đặc biệt tới nhà nào có mẹ góa con côi, hoặc con một trong nhà, hoặc là lao động chính… Đây là những trường hợp cần được quan tâm đặc biệt, mà sắp tới cần có chính sách riêng cho họ.
- Chính sách? Chính sách là gì?
- Chính sách là một hệ thống nguyên tắc có chủ ý hướng dẫn các quyết định và đạt được các kết quả hợp lý. Chính sách cháu muốn nói tới là chính sách cho các gia đình có thương binh, liệt sĩ. Họ vừa mất một người con, một người thân, một người chồng, một người cha, vì ai. Vì làng? Làng phải làm sao đó để giúp lại họ, bồi thường cho họ, về tình cảm lẫn vật chất.
- Vậy cứ cho họ một khoản tiền là được nhỉ?
- Không chỉ tiền đâu! Của cho không bằng cách cho, những người ở đây đều qua đám tang rồi đúng không, cũng có người có người thân bị chết, chắc phải hiểu cảm giác chứ!
Nghe Kiệt nói, tất cả lặng đi một hồi.
- Vậy về chính sách chắc cháu đã có ý tưởng qua, nói ra cho mọi người cùng nghe chứ!- Đỗ Bá Xuyên nói luôn. Mỗi khi Kiệt đề ra ý tưởng gì, gần như nó luôn có điều hay để nói
- Vậy cháu đề nghị trước luôn. Về mặt tiền bạc, ta cần hỗ trợ họ một khoản tiền hàng tháng, với gia đình nào tương đối đầy đủ, khoảng tiền này là vào khoảng 40 cân gạo, với gia đình mà mất lao động chính, mất con độc nhất, là vào khoảng 70 cân gạo. Về mặt tinh thần, ta lập một quỹ nhỏ, để khi trong nhà những người kia có người đau ốm thì tới thăm, rồi thì động viên trẻ em các gia đình tới giúp đỡ các nhà kia,…. Quan trọng nhất, là phải tìm được cách để tự họ vươn lên: công việc phù hợp, đào tạo nghề,…
- Thế có nhiều quá không?
- Về mặt tinh thần thì tiền bỏ ra có nhiều gì đâu, mà còn việc để trẻ em tới giúp còn có lợi, sau này mọi người sẽ càng biết quý làng. Đây là cực lợi đó. Còn ở khoản kinh tế, tính ra từ khi làng Hồng Bàng ta cải cách, tiền lương một tháng một người đàn ông có thể kiếm được tương đường 45 cân gạo, phụ nữ cũng phải 30 cân gạo. Nay nhà họ mất đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ nhỏ phải cáng đáng, đền bù một chút có là gì.
- Nhỡ như có người dùng tiền ấy mà tiêu xài không phải lối thì sao?- Đỗ Bá Xuyên nghi ngờ. Ông là người làm ăn nhiều, biết bản tính con người khó mà tin được.
- Thì ta chia nhỏ số tiền đó, lĩnh theo từng đợt 7 ngày một. Tính bằng hiện vật là nhiều, tiền mặt thì vừa phải thôi. Hơn nữa, ta cũng cho người thường xuyên tới thăm hỏi, động viên, đồng thời điều tra luôn, xem con dâu có ngược đãi mẹ chồng, mẹ có bỏ bê con nhỏ, hay là người trong nhà đấu đá vì tiền,… Mà cháu nói rồi phải không, ta cần biết đầu tư cho con người, như là tạo công ăn việc làm phù hợp, cho trẻ em và cả người lớn cơ hội đi học chữ nghĩa, học nghề,… để tự họ có thể kiếm sống, thậm chí no đủ, thừa thãi tiền bạc rồi thì tiền tiêu thoải mái cũng là đúng đắn.
- Cháu nói dễ dàng quá rồi đấy!
- Khó khăn mới cần chúng ta đi khắc phục chứ!