Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt
Chương 44: Thử thách
Tới sáng hôm sau, thầy đồ Thắng tới lớp thì đã thấy Minh tới rồi. Cậu nhóc đang ngồi cầm sách đọc sẵn, tiện thể cũng chỉ dạy cho Trần Cường. Nhìn nhịp sinh hoạt của Minh đã quay lại, thầy đồ cũng nhẹ nhõm phần nào, chưa nói tới vụ tạo quan hệ, nếu vì việc làm trọng tài mà cậu nhóc này quên mất việc học thì nguy thực sự.
Tuy vậy, ông vẫn ngầm để ý. Quả thực may mắn, suốt buổi học này, Minh vẫn tỏ ra chăm chú nghe giảng và nghiêm túc học tập như trước. Tuy nhiên, khi tới thời điểm nghỉ giữa giờ học để học sinh có thể ra uống nước và vận động cho đỡ mỏi tay chân, khác với khi trước chỉ ngồi trong lớp mà học, Minh giờ bước ra sân, làm những động tác kỳ lạ.
Nhìn những trò cậu nhóc làm, đám bạn xung quanh tò mò nhìn lại. Trần Cường thì trực tiếp hơn:
- Mày làm cái trò gì thế?
- À, vươn vai khởi động ấy mà.- Minh giải thích- Vốn dĩ trước đây mỗi khi chơi bóng mình cũng phải khởi động thế này, giờ vào học hăng quá nên quên, tối về hơi mệt người. Hôm qua chơi bóng lại thì nhớ ra.
- Khởi động là cái gì?- Thằng Cường càng tò mò hơn.
- Thấy người ta chặt cây bao giờ chưa?- Minh cười hỏi.
- Thấy rồi!
- Với một thân cây quá to, người ta thường chặt nông ở ngoài trước, chứ không chặt phập cái luôn. Hoạt động thể dục thể thao cũng thế, khởi động giúp cơ thể mềm mại, sẵn sàng lao vào hoạt động mạnh hơn khi chơi thể thao. Hơn nữa khởi động cũng giúp lưu thông máu tốt, hít thở đều,... Từ đó cơ thể khỏe mạnh, sức khỏe dồi dào, học hành cũng sẽ tiến bộ hơn hẳn.
- Sức khỏe thì liên quan gì tới học hành chứ! Đọc sách chứ có đi cày ruộng đâu!- Một Kim Chủ cười khẩy.
- Khổng Phu Tử đã từng đi khắp các nước để truyền đạo, nếu không có sức khỏe thì có thể làm thế được không? Minh tươi cười đáp lại
- Nói rất chuẩn!- Lũ nhóc Thổ Bảo liền vỗ tay hoan hô. Dù chính bọn nó cũng quên việc Khổng Tử đã chu du các nước, thì việc một tên Kim Chủ lòi cái ngu ra trước cũng rất thú vị.
- Vậy chả lẽ học đạo Nho lại phải đi tập võ.
- Quân tử lục nghệ là gì: Cầm, Kỳ, Thi, Họa, Xạ, Ngự. Cái gì là Xạ, đó là tập bắn cung. Cái gì là Ngự, ấy là đánh chiến xa.- Minh tiếp tục giải thích- Vì thế văn võ phối hợp mới là người quân tử.
- Đúng, chỉ văn không võ là lũ không ốm mà rên.- Lần này, tới lượt bọn Biên Man lên tiếng ủng hộ. Từ lâu nay, do có bố là quân nhân, bọn này học võ từ nhỏ, thành ra tính cục súc, thân thể khỏe mạnh nên đôi khi có dùng chút vũ lực. Vì thế, bọn nó thường bị chế nhạo là bọn vũ phu, hay bị cho là không xứng đi học đạo Nho. Nay biết rằng đạo Nho cũng đề cao vũ lực, bọn nó đâu thể bỏ qua.
Thấy sự ủng hộ của hai phe Thổ Bảo và Biên Man với những điều Minh lập luận, đám Kim Chủ càng giận ra mặt. Tuy nhiên, họ cũng chưa thể phản bác lại ngay được, vì điều mà Minh nói bọn nó cũng có nghe qua phần, hình như đúng thì phải.
Quyết không chịu thua Minh, đám Kim Chủ lập tức lao vào học, thậm chí nhờ cả những người quen đã qua giai đoạn học chữ mà đi vào học các sách cao hơn như Tứ Thư, Ngũ Kinh. Trích kinh luận điển là dễ dàng, nhưng bọn nó cũng biết là Minh giỏi, thế nên nếu có gì để Minh phản bác lại thì thực là mất mặt, thành ra chưa đứa nào dám vội quay lại tranh luận, mà vẫn cố trau dồi kiến thức.
Còn đám Thổ Bảo, do có lý lẽ từ việc Khổng Tử cũng là người khỏe mạnh mà Minh đưa ra, bọn nó có lý do để chơi bóng mà không bị cấm cản như trước. Bởi vì lượng người chơi tăng vọt, trách nhiệm của trọng tài nặng nề hơn, thành ra việc giao du với một kẻ hiểu luật như Minh đã thành một công việc thường nhật của các trọng tài khác.
Tuy nhiên, thay vì đi hướng dẫn từng người một, Minh làm như Kiệt dạy, cậu ta đề nghị các trọng tài cứ làm, sau đó về thảo luận, đúc rút kinh nghiệm, tự đề xuất các giải pháp, phản biện với nhau. Minh thì làm giám khảo và cùng tham gia phản biện cùng. Với phương pháp này, Minh không phải cật lực ra làm việc nhưng hiệu suất công việc vẫn đạt mức cần thiết.
Do lần này có chung ý kiến với Minh, lần đầu tiên đám Biên Man cũng tham gia một hoạt động thể thao chung. Bọn Biên Man tham dự ngay lập tức khiến cuộc chơi thêm phần căng thẳng, nhất là với trọng tài, khi mà đám này chơi quá mức hổ báo cáo chồn, làm đủ mọi trò bẩn. Khi bị nhắc nhở hay ra kỷ luật, đám này gần như nổi khùng lên luôn.
Chính điều này lại gây ra sự mâu thuẫn lớn giữa hai bên. Điều này đặt ra cho Minh một thách thức đầu tiên. Thật không ngờ, sự phản biện của Minh về chỉ mỗi việc tập thể dục hóa ra lại là một hiệu ứng cánh bướm mà chính cậu ta, thầy đồ Thắng và Kiệt đều không chuẩn bị trước. Những khó khăn này là thử thách đầu tiên mà Minh cần tự giải quyết, vì thầy Thắng nếu còn can thiệp tất sẽ lộ ra ý định nâng đỡ Minh, còn Kiệt thì đã về quê rồi.
Đầu tiên, Minh không vội làm gì cả, cậu hỏi ý kiến của tất cả mọi người, để xem họ khó chịu khi đám Biên Man vào chơi ở điểm nào. Thứ hai, Minh họp với trọng tài, để hỏi kỹ những tình huống chơi bẩn của Biên Man. Khi đã nắm được những vấn đề chính, Minh mới đi gặp những Biên Man tham gia đá bóng.
- Bọn này chơi thế quen rồi, không đổi phong cách đâu!- Gặp Minh cái là một câu phủ đầu ngay, tỏ ý không nghe bất kỳ điều giải gì nữa cả. Biên Man chứng tỏ cái chữ man trong tên tụi nó không phải không có lý.
- Tôi biết, nhưng hôm nay không tới dạy luật đâu, mời mấy ông đi xem mấy trận bóng đá thôi.
Tuy cũng biết là Minh sẽ khuyên can, nhưng do Minh đã khéo nói là mời đi xem bóng, bọn nó cứ đi xem xem thế nào. Tới trận bóng, chỉ vài trận đấu là bọn nó thấy say mê liền.
- Chuyền!
- Sút!
- Đá đi!
- Trời ơi! Phải chi tao đá nhỉ!
Sự cuồn hút của trận đấu làm tất cả Biên Man đều thích thú bàn luận. Đợi tới khi cảm xúc trong bọn này đã lên men, Minh mới thủng thẳng mà nói cho bọn nó biết, bọn nó sẽ không được tham gia những trận bóng này nếu như không bỏ cái trò làm ẩu.
- Không cho thì không cho, bọn ông cần à.
- Cóc thèm.
Minh cười không nói gì. Bọn Biên Man quay về tự chơi với nhau thật, nhưng lâu rồi cũng chán, vì thằng nào cũng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau, cãi nhau đánh nhau nhiều hơn chơi bóng, mất cả vui. Nhiều đứa bắt đầu ngấm ngầm đi xem bóng đá, rồi thậm chí xin gia nhập vào các đội bóng đá khác chỉ để được đá bóng cho đỡ thèm, nhưng đâu có được, cho bọn nó vào mất quyền thay người như chơi.
Chẳng mấy chốc, việc bị cấm cửa chơi bóng đã trở thành một cơn ác mộng, buộc bọn Biên Man phải tìm cách. Sau cùng, bọn nó tới tìm Minh.
- Cho bọn này vào chơi bóng cùng đi.
- Quyền quyết định không ở chỗ chúng tôi, nó nằm ở chỗ các ông. Chỉ khi nào các ông thật sự tuân theo luật chơi, bọn tôi mới có thể để các ông vào.
- Linh động không được sao?
- Các ông tự chơi với nhau không được sao?
- Thôi được rồi, bọn này đồng ý chơi theo luật.
- Để giúp các ông, bọn tôi sẽ huấn luyện và phổ biến lại luật để các ông nắm vững, tránh đến khi lâm trận lại sai.
Ham thích quá, bọn nó đồng ý. Thời gian đầu, thật sự khó chịu vô cùng, luật lệ rắc rối quá trời. Nhưng sau đã quen đi, thì được vào sân chơi với đám Thổ Bảo đông đúc thì thực sự quá tuyệt vời. Hóa ra từ khi bọn nó ngừng chơi, một số kỹ thuật đá bóng hiện đại đã được Minh phổ biến dần cho các đội, từ đó tạo thêm sức thu hút, sự cạnh tranh.
Trong khi Minh giải quyết chuyện với đám Biên Man, các Kim Chủ đã chuẩn bị lực lượng để đối đầu với cậu ta. Đó là những người đã từng học Tứ Thư, Ngũ Kinh, nay tới khiêu chiến. Nhận được chiến thứ, Minh vội tìm cách bàn bạc với Kiệt. Không như lần chỉnh đốn tác phong của Biên Man vốn chỉ là một trò chơi, đây là một cuộc so tài nghiêm túc về học vấn. Ảnh hưởng của nó tới cuộc sống sau này ở nơi học đường là rất nghiêm trọng. Thua, Minh sẽ mất hết uy tín vừa gây dựng được. Ngược lại, nếu thắng quá chói mắt, thì tất bị để ý tới.
Lần này, do đã chuẩn bị sẵn, họ dùng một câu nói của Khổng Tử để xoáy mạnh vào vấn đề thân phận của Minh:
Thiên hạ hữu đạo tắc lễ nhạc chinh phạt tự thiên tử xuất. Thiên hạ vô đạo tắc lễ nhạc chinh phạt tự chư hầu xuất. Tự chư hầu xuất, cái thập thế hy bất thất hĩ; Tự đại phu xuất, cái ngũ thế hy bất thất hĩ; Bồi thần chấp quốc mệnh, tam thế hy bất thất hĩ. Thiên hạ hữu đạo, tắc chính bất tại đại phu. Thiên hạ hữu đạo, tắc thứ dân bất nghị.
( Thiên hạ có đạo thì việc lễ, nhạc và chinh phạt thì quyết định bởi thiên tử. Thiên hạ không có đạo thì việc lễ, nhạc và chinh phạt thì quyết định bởi chư hầu. Đã quyết định bởi các chư hầu, thì vận nước không thể truyền quá mười đời, quyết định bởi đại phu thì nước nhà không hơn năm đời, bọn gia thần cầm quyền thì ba đời là tận. Bởi thế, thiên hạ có đạo thì chính quyền không nằm ở tay đại phu. Thiên hạ có đạo thì dân không bàn việc nước.)
Minh đọc xong câu này thì bắt đầu vò đầu bứt tai. Đây là một điều rất khó nói lại, vì câu này là Khổng Tử nói thật. Minh nhận được câu này thì đã tìm tới thầy Thắng, thầy cũng giải thích rằng đây là chiêm nghiệm của Khổng Tử về thời Xuân Thu, khi mà quyền hành không ở tay Thiên tử nhà Chu thì quả thực mọi việc rối ren, và quả thực người càng thấp kém mà cầm quyền, thì nước mất càng nhanh.
Kể xong câu chuyện, ông thầy đưa Minh tờ giấy, trong đó viết chữ “ Quyền”. Minh nhận tờ giấy, vừa đi vừa ngẫm nghĩ hồi lâu mới nhớ ra điển tích thầy muốn nói tới
Thuần Vu Khôn: Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dư?
Mạnh Tử: Lễ dã
Thuần Vu Khôn: Tẩu nịch, tắc viện chi thủ hồ?
Mạnh Tử: Tẩu nịch bất viện, thị sài lang dã! Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã. Tẩu nịch, viện chi dĩ thủ giả, quyền dã.
(Thuần Vu Khôn: Nam nữ không quá mức thân mật là giữ lễ chăng?
Mạnh Tử: Đó là giữ lễ
Thuần Vu Khôn: Chị dâu ngã xuống sông có thò tay ra vớt- hoặc nhảy mẹ xuống mà ôm bơi vào bờ.
Mạnh Tử: Chị dâu ngã sông mà không cứu là không có tính người! Nam nữ thụ thụ bất thân là lễ. Chị dâu ngã sông phải cứu là linh hoạt, tùy tình hình mà làm.)
Thông qua đoạn điển tích này, thầy Thắng muốn để Minh có cách giải thích nguyên nhân cậu bé dám làm một trọng tài, tự tiện đặt ra các luật. Thầm cảm ơn thầy đã cho mình một con đường, Minh vui vẻ hơn về nhà. Tới nhà thì đã thấy Kiệt lên rồi. Hóa ra hôm nay Kiệt lên thăm cậu ta. Đang vui vẻ vì được thầy giúp một bài toán khó, Minh kể lại cho Kiệt nghe. Những tưởng sẽ khiến Kiệt vui cùng, ai dè Kiệt lắc đầu ngán ngẩm.
- Toàn là sự trốn tránh thôi.
- Nhưng đó là cách tốt nhất rồi!
- Ai nói thế! Em có cách này, đảm bảo còn tốt hơn.
- Cách gì?
Kiệt cười cười
- Đi ăn cơm cho no đã, rồi ta mới bàn tiếp được