Quyển III: Cao Nguyên Sắc Máu
C 91: Huyết chiến (1)
- Đại nhân, đây là kết quả thu thuế tháng này!- Hoàng Văn Định dâng sổ sách kiểm toàn thuế lên. Hiện tại, Định đang đảm nhiệm việc thu thuế ở cảng Thị Lị Bị Nại. Cũng đã được một năm rưỡi kể từ cái ngày ông phát điên phát khùng muốn chứng tỏ bản thân vì bị phu nhân Amira coi thường. Kiệt mất nửa năm chữa trị và giúp ông rèn luyện cơ thể một chút, sau đó giúp ông ta mua chức quan ở trấn Hoài Nhân này.
Chức quan này khi Hoàng Văn Định mua, giá rất rẻ. Kể từ khi Hiên Giáo phản loạn, Chiêm Thành thù địch, thuyền bè các nước không tới cảng Thị Lị Bị Nại làm ăn nữa. Thứ nhất sợ bị các nước Chiêm Thành thù địch, gây khó dễ khi qua đó làm ăn, dù sao mỗi nơi mỗi mặt hàng, phải qua lại làm ăn nhiều nơi mới đa dạng hàng hóa để kiếm lời. Thứ hai, sau khi Hiên Giáo phản loạn, công nghiệp của Hoài Nhân đình đốn, giáo chúng vốn dĩ đảm nhiệm công việc trong xưởng giờ từ bỏ đi làm nông hết, hàng hóa không còn đa dạng như xưa, muốn mua cũng chả có mà mua. Vậy là thương nhân lũ lượt bỏ đi, việc thu thuế ở Thị Lị Bị Nại có cũng như không, quan thu thuế ở cảng thất thu, chức quan giá rẻ như bèo, không ai thèm mua.
Hoàng Văn Định tới hỏi mua, viên quan cũ mừng như bắt được vàng, còn các quan chức khác, như Lữ Liêm, lại càng trọng thị. Hoàng Văn Định là cha của Kiệt, Kiệt khi xưa hợp tác với Hiên Giáo, giúp Hiên Giáo phát triển bằng sức mạnh kỹ thuật, cũng vì Lữ Liêm tham quá mà khiến Kiệt bỏ đi. Giờ nếu có Hoàng Văn Định ở đây, biết đâu có thể moi được thứ công nghệ gì từ Kiệt thì sao? Thế là Lữ Liêm còn vung tiền ra giúp Định mua chức quan luôn, lại tổ chức tiệc tùng linh đình chào đón.
Hoàng Văn Định cũng không làm họ thất vọng, ông ta tới làm quan, cũng được con trai giúp đỡ cực nhiều, Kiệt thì cho công nghệ và lập kế sách, Minh cử người tới bảo vệ ông, có thêm các anh em trong thương hội, như bọn Chu Văn Bàn, còn thằng Tài thì trực tiếp theo cha để giúp cha một tay tiện thể giám sát ông, tránh cho cha phạm sai lầm không thể vãn hồi. Dưới tổ hợp trợ giúp này, nhậm chức một cái là Hoàng Văn Định bắt đầu lập công tích liền. Trước tiên, theo như Kiệt chỉ dẫn, ông ta tìm gặp Lữ Liêm, đề nghị không phục công nghiệp để có hàng hóa thu hút thương nhân.
- Không phải ta không nghĩ được vậy, có điều Hiên Giáo làm phản, tín đồ của chúng quay lưng với ta, tuy không phản kháng, nhưng làm việc tiêu cực biếng nhác, các xưởng chẳng mấy thu nhiều làm ra ít, chẳng thà đóng cửa.
- Đại nhân, các xưởng đã đóng cửa lâu chưa?
- Cũng được năm rồi đó.
- Vậy giờ ta có thể mở lại rồi.
- Ý mi là sao?
- Đại nhân, xưởng đóng cửa, những người vốn làm trong đó tất nhiên mất nguồn thu nhập chính, so với nông nghiệp, công nghiệp kiếm tiền cao và nhanh hơn, lúc đầu họ còn có thể vì tôn giáo mà kiên trì, giờ đói khổ ập tới, nếm trải cả năm rồi, mà Hiên Giáo vẫn bị ta áp chế, họ có thể kiên trì sao?
- Mi nói không sai, sao ta không nghĩ ra chứ.
- Cái này cũng nhờ kinh nghiệm, tôi trước cũng đi làm thuê, mất việc cái lo là nghĩ lắm, rồi người làng Hồng Bàng hồi bị cướp biển đánh phá, vốn đang có cơ sở sản xuất ngon, mất đi rồi thì tiếc mãi không thôi.
Hoàng Văn Định chia sẻ vậy, Lữ Liêm động tâm, cho người đi làm thử. Quả đúng như lời Hoàng Văn Định nói, không bao lâu có người bắt đầu tới xin làm việc, thái độ không còn tiêu cực như xưa. Sản xuất bắt đầu trở lại, Lữ Liêm đang định cười thì Hoàng Văn Định tạt gáo nước lạnh, báo rằng sản xuất ra là một chuyện, nhưng giờ khách đã bỏ đi hết, phải kiếm lại khách. Nếu không hàng làm ra lại vứt đấy mà thôi.
- Ông có cách nào không?
- Về trước mắt, là phải đem hàng lên Tân Bình, bán lại nơi đó để xuất được hàng hóa đã. Chí ít có tiền xoay vòng vốn.
- Còn về lâu dài.
- Ta phải đem thương nhân quay lại. Có thể chào hàng với họ tại các cảng ở Tân Bình.
- Vậy cũng được, cứ bắt đầu thế đã, rồi họ sẽ truyền miệng lẫn nhau!- Lữ Liêm cười, tay xoa xoa
Thực ra, Hoàng Văn Định rất khó chịu, muốn nói rằng bản thân còn biết những cách khác tốt hơn, Kiệt đã từng nói hết với ông, nhưng nó thông qua thằng Tài nhắc nhở ông chớ vội đem ra dùng hết. Lý do vì để thực hiện những việc sau, trừ phi ông là người cầm quyền tuyệt đối, nếu không sẽ lãng phí vô ích những sách lược ấy. Tài ngồi phân tích cho ông quan viên sẽ nổi loàng tham và làm loạn kế sách của anh trai thế nào, Hoàng Văn Định cuối cùng nhịn lại, dùng kế sách ngu xuẩn nhất. Có điều kế ngu xuẩn nhất của người có nhiều kiến thức như Kiệt là đủ rồi, kinh tế Hoài Nhân từng bước phục hồi, các thương nhân thấy sản phẩm từ Hoài Nhân khôi phục, cũng bắt đầu quay lại mua bán ở Hoài Nhân, tàu bè cập cảng Thị Lị bị Nại, thuế thu được tăng dần.
- Thuế bị hao hụt rồi!- Lữ Liêm nói với giọng hơi không vui, tháng này thuế không bằng tháng trước, việc hao hụt thuế bắt đầu diễn ra trong 3 tháng liên tiếp
- Tôi đã đi dò hỏi, các thương nhân nói rồi, vì bên ta bắt đầu thu hút nhiều thương nhân tới đây, Vitariji đã biết và uy hiếp bọn họ!- Hoàng Văn Định giải thích, rồi lấy ra một sổ sách ghi chép lượng tàu thuyền qua lại cảng thời gian qua, cho thấy lượng tàu thuyền tới cảng tăng dần lên rồi bắt đầu chững lại, sau đó giảm xuống.
- Mẹ kiếp, lũ khốn kiếp đó!- Lữ Liêm nghe vậy đập bàn chửi lớn.
- Vậy giờ có cách nào cứu vãn!- Trương Văn So nhìn qua Hoàng Văn Định dò hỏi
- Nếu như chúng ta có thể sản xuất nhiều hàng hơn, hạ giá cả hàng hóa xuống thì là một cách. Thương nhân tham lợi, họ có thể bất chấp. Từng có người nói thế này: "Với một lợi nhuận thích đáng thì thương nhân trở nên can đảm, được bảo đảm 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tiền vào đâu cũng được, được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên, được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo, được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người, được 300% thì không có tội ác nào nó không dám phạm dù có nguy cơ treo cổ."
( Câu nói của Karl Marx, Kiệt trích lại cho ông già nghe)
- Chà, nhận định đúng đắn đó!- Lữ Liêm nói đầy giễu cợt. Hoàng Văn Định nghe vậy thì bụng thầm chửi, mi coi thường thương nhân mà quên nhìn lại mình, ăn trên đầu người ta như vậy thì còn tệ hơn. Ít nhất thương nhân còn phải bỏ vốn, bỏ sức, bỏ trí tuệ, bọn mi thì sao, cứ thấy ăn là chọc đũa vào, lại còn ăn tham nữa chứ.
Lữ Liêm ngay lập tức ra lệnh mở thêm xưởng, tuyển thêm nhân công, hạ lương nhân công, tăng giờ làm để tăng sản phẩm và hạ giá hàng hóa, nhưng những điều này lập tức bất thành. Vốn dĩ vì miếng cơm manh áo mà dân chúng Hoài Nhân phải tạm bỏ qua hiềm khích cũ, nhưng giờ bị bóc lột quá, mâu thuẫn liền bùng lên, người ta chống đối, tiêu cực lãn công, thậm chí sẵn sàng xung đột vũ lực,....
- Gô cổ bọn chúng lại, giết vài thằng là yên ngay ấy mà!- Phạm Thời Trực đề xuất, xong Lữ Liêm đã bớt ngu hơn ban đầu, hỏi ý kiến thêm nhiều người khác. Trương Văn So, Hoàng Văn Định cho rằng càng trấn áp chỉ càng thêm tệ, nếu như có loạn thì khách mới tới sẽ lại bỏ đi.
- Vậy các người có kế gì không?
- Đại nhân, bây giờ hãy giữ nguyên lương cho nhân công, việc tăng giờ làm cũng được, nhưng phải tăng lương nếu làm thêm giờ, như thế cũng là một cách.
- Vậy thì còn lợi nhuận sao?
- Lợi nhuận còn, chỉ hơi mỏng một chút, còn hơn là không có!- Hoàng Văn Định kiên trì
- Thực ra cũng không phải không có cách khác!- Đặng Lượng lên tiếng. Hoài Nhân làm ăn kém, tự nhiên ngân sách dành cho binh sĩ ít đi, thời gian công nghiệp đình đốn, đạo quân của Đặng Lượng cũng chịu tổn thất không nhỏ, không có tiền nâng cấp vũ khí, tu dưỡng, rồi tiền nuôi ngựa bị cắt xén bớt, đàn ngựa chiến gầy,... Từ đó, Đặng Lưọng biết rằng bản thân phải quan tâm tới kinh tế của Trấn Hoài Nhân.
- Ngài có cao kiến gì?
- Tôi nghĩ nên dụng binh. Nhưng không phải với đám dân kia, mà là đám chống đối bằng vũ lực, những kẻ ở núi rừng phía tây.
- Tên Lijutora sao?
- Đúng thế. Nếu đánh vào đó, bắt người đem về làm nô lệ, ta bắt chúng là kiểu gì thì sẽ phải làm kiểu đó, mà khi ấy ai dám làm loạn.
- Ta cũng đã cứ quân tới đó mà có được đâu.
- Đại nhân, khi đó quân ta phải phòng bị quân Vitariji, quân lực dành cho phía đó hạn chế, tuy cũng cố gắng dùng tinh binh, nhưng số lượng ít nên không hiệu quả. Nhưng giờ có thay đổi, ta có thể tăng quân đánh mạnh vào đất Hiên Giáo.
- Sao ông tin rằng Chiêm Thành không dám đột kích?
- Tôi được biết giờ quân Chiêm Thành đang xúc tích lực lượng, là thời cơ thích hợp để ta xuất quân.
- Là sao, nếu chúng xúc tích lực lượng, chẳng phải ta càng nên cẩn trọng ư?
- Đại nhân không biết rồi, các nước Chiêm Thành vốn không phải một thể thống nhất, muốn tập trung quân lực lại đấu với ta, chúng cần rất rất nhiều thời gian, từ thỏa đàm số quân đống góp, rồi vận lương, rồi chọn tướng, rồi tập trung quân, xuất quân,... Đến bây giờ quân của Vitariji ở biên giới chưa động thì nghĩa là việc tụ binh còn chưa xong, thời gian của ta còn dư dả rất nhiều.
Đặng Lượng phân tích, chỉ ra rằng chỉ cần trong thời gian ngắn đạt được thắng lợi, thì quân địch chỉ mới tụ binh là bên ta đã thắng, chúng tất nhiên phải tự giải tán, không dám ham chiến. Thậm chí dù kẻ địch nhất thời chiếm được vài nơi, cũng sẽ nhả luôn, thu binh lại.
- Chẳng lẽ người Chiêm lại nhát như vậy?- Phạm Thời Trực tỏ ý nghi ngờ
- Không phải nhát gan, mà là sợ. Nếu chúng chiếm được Hoài Nhân vào lúc toàn bộ Chiêm Thành chưa kịp hội binh, cũng tức là chúng tự bày mình trước đại quân Nam Giao từ các Phủ khác tới chi viện.- Đặng Lượng giải thích, Nam Giao Đô Ty lâu này đã nhằm vào các nước Chiêm Thành, quân lực cũng đang chuẩn bị, và rõ ràng quân đội Nam Giao có thời gian tập trung ngắn hơn hẳn bên Chiêm Thành. Tức là quân Vitariji có chiếm được Hoài Nhân cũng tự đưa bản thân ra trước hàm sói. Tóm lại, bên ta đánh Hiên Giáo, tuy có chút mạo hiểm, nhưng không tới mức đại nguy.