Quyển III: Cao Nguyên Sắc Máu
C 32: Lấy công làm thủ
Bên trong P'Lư đánh giết những kẻ cố phá cổng, bên ngoài các đội quân cứu viện cũng bắt đầu hành động. Họ đi vòng quanh, đánh trống, reo hò, thổi tù và để khiến địch biết tới sự hiện diện của mình, không thể toàn lực công thành, thế đã là sự trợ giúp lớn nhất dành cho đám người P'Lư rồi. Tất nhiên, nếu đối phương coi họ không dám tấn công mà toàn lực công thành, bọn họ cũng sẽ cho chúng biết mùi lợi hại. Chỉ huy quân cứu viện là Lý Tuấn, người không có lý do gì phải tham công liều lĩnh, lại cũng đủ bản lĩnh để quyết chiến khi thấy cần.
Hai ngày sau, do không thể toàn lực công phá, đồn lũy quân miền xuôi vẫn đứng vững. Lúc này, tinh thần quân Chiêm- Thượng bắt đầu sa sút nhẹ. Nếu như là P'Lư, cậu ta có lẽ không bắt được thời cơ này để ra tay, nhưng những tay tham mưu cho P'Lư thì phát hiện được vụ này. Ngày công thành thứ tư, quân địch còn đang leo tường, cố chiếm một góc, quân bên ngoài lại đi phá cửa,... thì cổng mở tung, P'Lư dẫn quân xung trận, chém giết lung tung cả.
Đúng như câu nhất cổ tác khí, quân Chiêm- Thượng lúc này chiến ý đang xuống, bị đánh thì phản công yếu ớt hoặc bỏ chạy, thậm chí vứt cả vũ khí ra đất. P'Lư dẫn quân đi phá một trận, đang đánh hăng thì có kèn báo hiệu rút lui. Tuy đang hăng tiết, P'Lư vẫn ra lệnh lui quân, quân sĩ. Các binh sĩ đang đánh hăng, lại bị bắt lui, nhiều người thì nhìn thấy trên đất có một ít đồ đạc, vũ khí rơi ra, toan nhặt nhạnh, nhưng các chỉ huy và P'Lư kiên quyết lui, họ phải phụng phịu mà lui. Vừa may, quân của Mala kéo tới, giả như P'Lư chần chờ một chút, chắc chắn là toi.
- Trận này khiến chúng phải rén một phen!- P'Lư quay về, nhận một chén rượu, uống cạn, tinh thần hăng hái vô cùng.
- Tuy quân ta thắng một trận, chênh lệch còn nhiều. Địch sau thất bại này, sẽ rút kinh nghiệm, chưa chắc ta đã làm lại được đòn như thế.- Những tham mưu nhắc nhở P'Lư.
- Tôi hiểu mà. Vậy mấy ngày nữa quân ta cứ tử thủ hả?
- Không, ta phải vừa công vừa thủ, cũng như hôm nay, có thể tấn công thì tấn công, có điều tướng quân dặn dò anh em tướng sĩ, chớ để bị địch dụ, đánh tới là lui. Trong trường hợp đối thủ tỏ ra yếu thế, cũng chớ ham đánh tới cùng, chúng không yếu đâu. Nói chung là, không thể khinh địch.
Những ngày tiếp theo, đã được quán triệt tốt việc không khinh địch, nên quân của Mala dẫu có giả vờ yếu thế hay cố tình vứt chiến lợi phẩm để dụ quân miền xuôi tự lao đầu vào bẫy hay là rối loạn hàng ngũ khi tranh chiến lợi phẩm, thì đều thất bại. Cảm thấy đối phương quá mức cẩn trọng, Mala quyết định phải đánh lớn, hắn lệnh tấn công dữ dội trở lại nhưng những ngày công thành đầu tiên. Mala lệnh không được lùi, ai lùi là chém.
P'Lư chỉ huy toàn quân chiến đấu quả cảm mà có lúc hệ thống phòng ngự tưởng như đã vỡ. Có điều vẫn là câu nhất cổ tác khí, quân Chiêm- Thượng những ngày đầu hăng nhất cũng chưa phá được đồn, giờ vì sợ mà phải lao lên, sĩ khí sao duy trì lâu dài được. Trong khi đó, bên P'Lư, các tham mưu ngoài nhiệm vụ hiến kế, còn kiêm luôn vai trò chính ủy, trước là động viên anh em, sau duy trì tinh thần đoàn kết giữa lính và dân, không để như lần trước quân Chiêm- Thượng kích động khiến hai bên không tin nhau, lính không dám chiến tới cùng vì sợ dân đổi ý khi bản thân kiệt lực, nên phải bỏ làng chạy.
Càng đánh càng vô vọng, Mala cũng dần cảm thấy lực lượng ứng cứu của quân miền xuôi phả hơi nóng vào gáy. Đội quân cứu viện đang tổ chức vận động chiến, luồn rừng đi ra phía sau, tập kích các đội ngũ vận chuyển lương thảo, vũ khí tới cho những toán quân công phá công sự của quân Chiêm- Thượng. Quân tấn công công sự phải có số lượng áp đảo quân phòng ngự, đồng nghĩa với việc tiêu hao lương thảo, thuốc men, vũ khí cũng lớn hơn. Quân phòng thủ có tích trữ sẵn, quân tấn công phải vận chuyển tới. Việc tập trung quân cho công đồn sinh ra vấn đề thiếu quân bảo hộ đội vận lương, nhiều đội vận lương bị tâp kích, hoặc bị cướp, hoặc bị phá, không thì cũng chậm trễ thời gian vận tới cho đạo quân đang chiến đấu.
Quân đội thiếu lương, thiếu thuốc khiến tỉ lệ chết sau khi bị thương hoặc việc vết thương bị nhiễm trùng, khiến người vốn chỉ bệnh nhẹ giờ lại thành bệnh nặng, số người mất khả năng chiến đấu tăng liên tục. Nhận thấy đây là thời cơ tổ chức một trận đánh lớn khiến địch phải mất thời gian tổ chức lại, các tham mưu cử người ra ngoài bắt liên lạc với cánh quân của Lý Tuấn. Do đội quân của Mai Xuân Nghiêm dọn dẹp hết đám người của A Trang, không ai biết được sự liên lạc hay ngăn cản.
Hai cánh quân bắt liên lạc với nhau, quyết định tổ chức một trận phối hợp. Hôm đó, như mọi khi, quân đội miền xuôi và quân Chiêm- Thượng tiếp tục hoạt động công thành thủ thành, theo đúng bài, P'Lư lại dẫn quân ra công kích để khiến địch phải phân tán lực lượng, không thể duy trì thế công. Hai bên đang đánh nhau một cách hết sức bình thường, thì tiếng hô xung phong từ đâu vang lên.
Quân của Lý Tuấn xuất trận, họ phối hợp với quân của P'Lư kẹp đội quân đang công thành vào giữa, tấn công và tiêu diệt. Mala vội điều quân lên ứng cứu, thì quân của Lý Tuấn chia ra, một phần đi chặn đầu quân của Mala, làm chậm khả năng ứng cứu, cho quân của Tuấn và P'Lư thêm thời gian để làm tổn thất kha khá lực lượng đang bị bao vây. Thấy quân cứu viện của miền xuôi bao vây, quân công thành Chiêm- Thượng hoảng loạn, bỏ cả việc công thành. Thế là dân trong làng A Mui kéo cả ra, mang theo vũ khí như lao ném, tên để cung cấp cho quân P'Lư thoải mái mà dùng. Truyện Đông Phương
Những trận mưa tên mưa lao giáng xuống đầu những tên lính Chiêm- Thượng, quân của P'Lư cùng Lý Tuấn đánh như vũ bão. Liệu đường không thể chống nổi hay cố thủ chờ viện binh, đám tướng lĩnh quân Chiêm- Thượng liều chết phá vây, tinh thần quân Chiêm- Thượng không giữ nổi, tan vỡ. Lý Tuấn và P'Lư cho người truy kích thêm một đoạn ngắn, rồi điều binh qua hỗ trợ đội quân đang căng mình chống đỡ quân Chiêm- Thượng tăng viện. Toàn bộ quân đội miền xuôi hỗ trợ nhau vừa đánh vừa lùi vào khu công sự. Nghỉ ngơi chỉnh đốn một hai ngày, quân của Lý Tuấn phá vây mà đi, lại tiếp tục công việc đánh du kích như xưa.
Quân Chiêm- Thượng hiện tại đã gặp một vấn đề sau trận chiến, họ có nhiều thương binh, nhiều kẻ không thể chiến đấu nhưng vẫn phải ăn, phải dùng thuốc. Lượng hàng phải vận chuyển tăng chóng mặt mà quân bảo vệ cứ phải mỏng dần đều. P'Lư bên trong phối hợp thêm, lắm khi cho quân truy đuổi xa hơn, quân của Mala lại rơi vào thế thủ.
- Khốn kiếp!- Mala đập vỡ bát đựng thức ăn, chửi ầm lên. Không ngờ bọn khốn kia lại đánh dữ tới thế, dường như là muốn quấn lấy không cho quân của hắn tiến thêm một bước nào để chờ quân miền xuôi lên thật vậy. Chúng đánh công kiên tại làng A Mui và nhiều nơi khác, dường như không lo lắng vấn đề thương vong cho dù biết Mala đang điều thêm quân tới.
- Tướng quân Mala, ngài cứ bình tĩnh đã, có gì từ từ tính, giận quá không tốt lắm!- Siu Klen thấy Mala không giữ được bình tĩnh, cũng chỉ biết an ủi xuông.
- Bình tĩnh, giờ ta bình tĩnh kiểu gì, bọn khốn kiếp, rõ ràng không có viện binh sao không chịu lui quân chứ hả?- Mala chửi ầm lên. Chửi chán chê, hắn vặc lại hội Siu Klen xem có thật là sẽ không có viện binh không.
Siu Klen phải nhắc lại những phân tích của hắn, rằng miền xuôi phải lo việc bảo vệ các ruộng vườn, thành trì, hầm mỏ,.... hơn là điều quân lên chinh phạt họ. Mala cũng tin thế, nhưng để cho chắc, hắn sai người đi tìm Sri Bai ở Bắc Bình hỏi lại về tình hình chiến đấu ở đõ cùng với nỗi lo của bản thân. Sri Bai báo việc thất bại khi định một đòn diệt chủ tướng địch, nhưng cam đoan địch không thể chuyển quân vì dưới này đang đánh trận rất dữ, đại quân hai bên va nhau suốt.
Đồn Thượng Bàn vốn dùng để phòng quân Thượng đánh xuống nay được Sri Bai chỉ huy quân Thượng xây dựng cải tạo lại để phòng quân miền xuôi đánh ngược lên. Nó được bố trí hầm hào, máy bắn đá, nơi để các tay nỏ đứng bắn nỏ xuống, các cửa được gia cố. Quân miền xuôi từng thử đánh chiếm lấy đây vài lần mà không được. Quân Thượng thậm chí còn vài lần dụ quân miền xuôi vây chặt nơi đây, sau đó đưa quân đi đường nhỏ xuống chặn đường vận lương đồng thời đánh phá vài ngôi làng vừa mới đưa người về, làm miền xuôi vừa phải vây thành vừa phải giữ đất.
- Báo với tướng Mala là binh lực địch chỉ tăng không giảm, không thể có chuyện chuyển quân lên đâu.- Sri Bai tuyên bố chắc nịch. Ngoài ra, hắn cũng thúc dục Mala sớm chuyển quân tới đây hỗ trợ. Người Thượng dù có mấy trận thắng, vẫn rất muốn về quê cũ. Nếu Mala kéo quân tới, có thể áp đảo người Thượng, khiến họ không dám kêu gào nữa.
Mala bấy giờ mới hơi an tâm. Hắn bình tĩnh mà phân tích lại, cảm thấy có khi đối phương chính vì biết không có tiếp viện nên mới đánh kiểu đó. Yếu phải giả như mạnh, nếu không kẻ mạnh sẽ ăn tươi nuốt sống mình. Mala hồi đáp với Sri Bai rằng lão sẽ sớm khiến đám Minh ăn đủ, rồi kéo quân xuống ngay, vì diệt xong bọn Minh, mới yên mặt sau chứ nếu khinh xuất kéo quân xuống ngay sẽ bị truy đuổi.
Mala chơi trò tương kế tựu kế, cho lính giả làm vận lượng, đợi khi quân miền xuôi đánh úp, thì bỏ đống lương giả để dụ địch tham mà mang vác, rồi cho quân mình luồn ra sau mà đánh lén. Đòn này quả là độc, quân miền xuôi ăn cú đau điếng, trong vài ngày không dám nhòm ngó các đội vận lương. Nhưng sau đó quân miền xuôi đổi kế, đánh đội vận lương tiếp, nhưng lại bố trí quân mai phục, quân tiếp viện của Chiêm- Thượng chạy qua ổ phục kích là ăn đủ luôn. Nhưng Mala không hề nản, cứ tiếp tục đốc chiến khắp nơi, cho quân đánh phá rộng khắp các chiến trường, không chú tâm phá đồn hay giành kết quả thực chất, mà là để tăng cường mức độ cuộc chiến, để dân Thượng biết hắn không nản lòng.