Kể từ ngày linh hồn xuyên đến đây, đây là lần đầu tiên Trúc ra ngoài nhìn ngắm cảnh vật của thời đại này, cảm nhận đời sống của những còn người ở đây một cách chân thật nhất.
Chỉ mới qua nửa ngày, sợ hãi của con Đẹt đối với mợ ba đã vơi bớt đi phần nào, thay vào đó chính là cảm giác sùng bái. Nó nghe mợ nói muốn ra ngoài dạo chơi mua sắm, liền lanh lẹ hỏi: "Mợ muốn ngồi xe hộp hay xe kéo ạ?"
Trúc cố gắng lục tìm thông tin về hai thứ này trong kí ức, rất nhanh đã có kết quả.
Xe hộp ở đây cũng tương tự như xe hơi ở thế giới của cô, nhưng hình dáng bên ngoài trông khá cồng kềnh và kém linh hoạt hơn rất nhiều, còn về cấu tạo chi tiết bên trong ra sao thì cho dù cô có tháo hết nó ra cũng xem không hiểu.
Còn về xe kéo... nói thẳng ra không hề khác gì so với xe xích lô. Người đạp xe phía trước kéo theo buồng xe có mái che phía sau, người ở đây đa phần đều chuộng loại phương tiện đi lại này.
Trong nhà phú ông có đến vài chiếc xe hộp, chỉ cần lên tiếng sẽ có sẵn tài xế đưa đón tới nơi tới chốn. Nhưng ý định ban đầu của cô là ra ngoài tìm hiểu thêm về cuộc sống và tư tưởng của người dân ở đây, hít thở không khí làng quê trong lành, tham gia chút náo nhiệt... Chứ cứ nhốt mình vào trông chiếc xe chật hẹp thì còn gì thú vị nữa.
Trúc dặn con Đẹt đi gọi xe kéo chờ sẵn. Con Đẹt hớn hở vâng dạ, nhanh chóng chạy đi.
Không lâu sau, cô thong thả đi ra cửa lớn thì trông thấy một chiếc xe kéo được lau chùi khá sạch sẽ và một người đàn ông trung niên đang giữ cổ xe.
Con Đẹt thấy mợ đã ra, mồm năm miệng mười nói: "Dạ mợ, xe đã sẵn sàng, để con đỡ mợ lên xe nhé."
Trúc nhìn chiếc xe kéo trước mặt, một người ngồi phía sau thì khá rộng rãi thoải mái, hai người ngồi chung cũng có thể miễn cưỡng chịu được, nhưng thế thì chỉ tội cho người kéo xe. Mặc dù đường xá trong làng đều bằng phẳng ít dốc, nhưng đạp xe xuyên suốt một đường dài thì sao mà không mệt được.
Nghĩ vậy, cô hỏi nó: "Mợ ngồi xe rồi, em đi theo mợ bằng cách nào?"
Con Đẹt không hiểu sao mợ lại hỏi chuyện này, nhưng mợ đã dạy mợ hỏi thì phải trả lời, không được cãi mợ, vì thế nó đành đáp thật: "Thì con chạy theo xe mợ ạ, trước nay đều như vậy cơ mà?"
Với cái đôi chân ngắn ngủn này của nó, bình thường đi đường chẳng khác nào một con vịt lạch bà lạch bạch thở không ra hơi, bây giờ còn muốn chạy đua với xe, cô thật không biết nó lấy đâu ra cái tự tin này.
Hơn nữa cô cũng không có sở thích ngược đãi trẻ em vị thành niên.
"Em nhanh đi tìm thêm một chiếc xe kéo khác lại đây, đừng có chậm chạp lãng phí thời gian của mợ."
Con Đẹt vừa mừng vừa sợ, trong lòng cảm động đến lâng lâng, nhưng nó vội xua tay nói: "Dạ không cần đâu mợ, con nhất định sẽ đuổi theo kịp mà, mợ đừng lo."
Trúc trừng mắt nhìn nó, to tiếng: "Lại còn dám cãi mợ đấy à! Mợ bảo đi kêu xe thì đi nhanh, xe là để chở đồ mợ mua, chứ có phải thương tiếc gì em đâu mà em lắm lời thế."
Con Đẹt nghe thế bĩu môi, nói: "Dạ mợ, con đi ngay ạ."
Trúc nhìn nó lon ton chạy đi rồi mới hầm hừ tự mình trèo lên xe ngồi chờ.
Chỉ một thoáng, con Đẹt lạch bạch chạy tới với một chiếc xe kéo. Thấy thời gian cũng không còn sớm nữa, Trúc giục nó: "Nhanh lên xe đi. Nhìn khắp cái làng này chắc chỉ có mỗi em dám bắt chủ ngồi chờ dưới trời nắng chang chang thôi đấy."
Con Đẹt thở hổn hển mấy hơi, rồi lè lưỡi bò lên xe kéo.
Hai chiếc xe kéo một trước một sau nối đuôi nhau chạy trên đường làng. Trúc nhìn đồng ruộng bát ngát mênh mông cùng với những con người đang cong lưng cày cấy, bên những gốc cây to ven đường có vài người đang ngồi đó nghỉ ngơi, nói với nhau vài chuyện lặt vặt trong nhà, mấy đứa con nít tay chân lấm lem bùn đất đuổi bắt nhau bên lề, âm thanh nô đùa cười nói trong trẻo và ngây ngô.
Một khung cảnh có thể thanh lọc và xoa dịu tâm hồn.
Phải chật vật chen chúc trong chốn náo nhiệt hoa lệ mới nhận ra được thứ cả đời luôn hướng tới chỉ vỏn vẹn trong hai chữ bình yên.
Nơi này tuy được gọi là làng Tiền, nhưng thực tế lại lớn bằng cả một huyện, sở dĩ vẫn gọi là làng bởi vì người dân ở đây đã quen miệng gọi thế từ năm này qua tháng nọ, là huyện hay làng thì cũng là nhà của mình mà thôi.
Mà nơi đông đúc nhất, náo nhiệt nhất trong làng chính là Chợ Chiều. Nói nó là chợ, thì nó lại rộng lớn và trải dài suốt mấy con đường. Đó là nơi mọi người tập trung buôn bán, có tiệm quần áo, tiệm trang sức, quán ăn, có sạp bán hàng rong hay các thím các bà trải chiếu bán chút rau dưa, bán từng con cá... Sở dĩ gọi là Chợ Chiều là do mọi người thường tập trung đông đúc vào giữa trưa đến chiều tối, mà chữ "chiều" này còn có ý là chiều theo khách mua hàng.
Cửa hàng của phú ông cũng ở đó.
Phú ông ruộng đất bao la, phần lớn đều cho người trong làng thuê lại trồng lúa. Đến mùa lúa chín, ông sẽ thu mua lại số lúa của họ với giá cả hợp lí phải chăng, sau đó sản xuất thành gạo, vận chuyển lên tỉnh buôn bán.
Người trong làng ai cũng quý phú ông Lê Dư, giàu mà không kiêu căng hống hách, lại thường hay giúp đỡ người khác, danh tiếng của ông cực kì tốt.
Xe chạy đến đầu chợ thì dừng lại. Con Đẹt ở phía sau vội vàng nhảy xuống chạy tới đỡ mợ xuống xe, sau đó dặn dò hai người kéo xe đến chỗ nào đó mát mẻ ngồi chờ, khi nào trở về nó sẽ đến gọi.
Nó thuê xe kéo trọn một ngày này, cho nên không cần lo lắng lúc về không tìm được xe.
Trúc nhìn con nhóc mới mười mấy tuổi cứ như bà cụ non lắm lời, lại rất vừa lòng với sự nhanh nhẹn của nó.
Một chủ một tớ bắt đầu đi dạo.
Lúc này vừa qua giữa trưa không lâu, người qua lại cũng dần đông đúc. Cô nhớ đến một loạt món ăn má chồng gợi ý, suy ngẫm nên nấu món gì thật ngon để dỗ chồng cho tốt đây.
Có điều... dỗ chồng là chuyện lâu dài không cần quá nóng vội, điều trước mắt bây giờ cần làm chính là phải tận hưởng chút thời gian tự do quý báu này, vui chơi cho thoả thích.
Sau khi đi quanh quẩn một vòng, cô kéo con Đẹt tới một hàng chè ven đường ngồi xuống, gọi hai chén chè đen.
Con Đẹt nuốt nước miếng nhìn chén chè trước mặt, sau đó lại ứa nước mắt.
Mợ ba đối xử với nó thật tốt.
Trúc ăn xong một chén chè, ngọt mà không ngấy đúng là rất ngon. Vừa định trả tiền rời đi thì bàn kế bên lại vang lên tiếng tán gẫu qua lại.
Dì mập mạp nói rằng: "Mọi người có nghe tin gì chưa, con dâu nhà phú ông Lê Dư tỉnh lại rồi, không có chết."
Dì gầy tong teo lại bảo: "Sao lại thế được? Hôm trước vừa nghe sắp "đi" rồi cơ mà."
Dì mập mạp lại cãi: "Đi cái gì mà đi, tỉnh rồi. Nghe nói vừa tỉnh liền chạy đi quát tháo với bạn của chồng nữa mà. Mắng chửi ghê lắm cơ."
Dì thấp người dáng be bé hóng hớt: "Thật ư? Hôm bữa tôi còn nghe phong phanh cậu ba Hưởng sắp bỏ vợ rồi, chắc là có ý với cô bạn cùng nhà."
Dì gầy chậc lưỡi mấy tiếng, nói: "Bỏ cũng đúng thôi, có cô vợ nào mà chọi chồng bể đầu cơ chứ?"
Dì cao chòng ngòng lại hỏi: "Vậy là bỏ nhau chưa?"
"..."
Thật ngại quá, chưa bỏ được đâu.
Trúc thầm nghĩ thế, nhưng lại không hiểu vì sao buổi trưa mới nói chuyện với cô Liễu xong thì chưa được bao lâu tin tức đã truyền tới tận chợ rồi.
Đứa nào dám thọc mạch đó đa?
Con Đẹt ăn xong chén chè trong sự cảm động vô bờ bến, lại nghe được mấy người đó nói xấu mợ ba của nó, nó tức giận phồng mặt muốn cãi lại, nhưng mợ ba đã kêu nó trả tiền rồi đứng dậy bỏ đi.
Nó trả tiền xong, lẻo đẻo đi theo sau lưng mợ, ấp úng nửa ngày mới nói: "Mợ ơi, mấy người đó nói bậy nói bạ mà thôi, mợ đừng để trong lòng nhá."
Trúc không ngờ con nhóc hay nhát gan sợ sệt lại lên tiếng an ủi mình, cô cười, nói với nó: "Mợ ba của em tiếng xấu đồn xa, có lạ gì mấy lời này đâu mà em lo."
Con Đẹt bĩu môi, vì một chén chè mà xém nữa nó quên mất ác danh lừng lẫy của mợ rồi.
Vừa lúc hai người đi ngang qua một sạp bán quần áo đổ đống, Trúc thấy ánh mắt nó liếc tới đó mấy lần, thích mà không dám nhìn lâu, cô bèn thở dài dừng lại trước sạp hàng.
Lúc còn sống trong viện mồ coi, cô cũng từng ao ước có được một bộ váy mới, nhưng cô không dám mở miệng nói xin viện trưởng. Cô hay ngồi trên xích đu trước cổng, ánh mắt thiết tha trông chờ những người làm thiện nguyện sẽ lại ghé thăm, vì mỗi lần họ đến đều mang theo rất nhiều quần áo quyên tặng, mặc dù đều là đồ đã được dùng qua, nhưng rất sạch sẽ và đáng quý.
Khi đó, chắc cô cũng bằng tuổi con Đẹt bây giờ.