Mình giải thích chút về tiêu đề chương này để mọi người hiểu. Trong chương hôm qua có một bài hát Tố Diệp đã nghe thấy trong giấc mơ. Đó là bài "Thanh Đăng Hành". Bài hát này tới từ một truyền thuyết về "Bách quỷ dạ hành" (Ma quỷ đi tìm người trong đêm). Thanh Đăng Hành là một tiểu yêu gác trước Quỷ Môn Quan, trong tay luôn cầm một chiếc lồng đèn với ngọn lửa xanh le lói, trong đó đốt 100 ngọn nến. Mỗi lần nó kể một câu chuyện là sẽ dập tắt một ngọn nến, cho tới khi ngọn nến thứ chín mươi chín lụi tắt thì ngày mới sẽ bắt đầu. Nếu để nó kể câu chuyện thứ 100 thì ngọn đèn xanh đó sẽ dẫn theo một người rời khỏi nhân gian.
Đúng như câu “đất Giang Nam mưa bụi mịt mù”.
Làn mưa như lớp bông, mưa không quá lớn nên không hề ảnh hưởng tới mọi hoạt động tại đây. Các ngôi nhà ngõ nhỏ hai bên đường vẫn rất náo nhiệt, những đứa trẻ nô đùa đuổi bắt trong màn mưa lất phất. Tố Diệp cuộn hẳn rèm lên, như thế, cảnh trấn Thiên Đăng trong mưa hoàn toàn nằm trọn trong tầm mắt cô.
Sau khi từ chức cô đã rời khỏi Bắc Kinh, rời xa đô thị huyên náo, rời xa chốn người tranh kẻ đấu hỗn loạn. Thời gian hơn một tháng cũng không quá dài nhưng đủ để khiến tâm hồn cô thanh tịnh. Cô không ra nước ngoài, chỉ tới thôn Trường Bách Sơn* gần nửa tháng, cố gắng tận hưởng cảnh đẹp cùng cảm giác thư thái khi tắm suối nước nóng ở Thiên Trì, sau đó liền tới trấn cổ này. Ở đây không giống như Chu Trang hay Đồng Lý, khu vực thương nghiệp không sầm uất. Ít nhất thì những gì cô nhìn thấy cho tới giờ này đều là cuộc sống muôn màu muôn vẻ của cư dân nơi đây.
*Thuộc ba tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang.
Cô thích vẻ đẹp tự nhiên không bị thương nghiệp đẽo gọt này, một nét đẹp mộc mạc. Bất luận sức hấp dẫn của cổ trấn này đối với thế giới bên ngoài là lớn hay nhỏ, ít nhất nó khiến cô rung động. Cô muốn thời gian tới sẽ ở lại đây, sống trong một nhà trọ độc đáo. Mỗi ngày sau khi thức dậy được nghe tiếng chim hót líu lo, ngắm nhìn các gia đình khói bếp nghi ngút, thoải mái hưởng thụ được đi chân trần trên những con đường đá.
Cô nghĩ đây là cuộc sống mà cô muốn.
Con thuyền len vào giữa một khu nhà, Tố Diệp đang tò mò liền nhìn thấy trước mặt có hai chiếc thuyền đi tới, tốc độ rất chậm, dần dần áp sát lại gần thuyền của cô. Một trong số chúng chất đầy vàng mã, trên đầu thuyền của chiếc còn lại có một người đàn bà trang điểm rất đậm trông như bà đồng, mắt nhắm chặt, trong tay còn cầm tràng hạt. Hai chiếc thuyền một trước một sau đung đưa lắc lư. Người trên bờ hình như đã quen với cảnh này, không lấy làm lạ. Nhưng Tố Diệp thì rất hiếu kỳ, không nhịn được phải hỏi nhà thuyền.
Nhà thuyền đã đội nón lên từ lâu, sau khi nhìn cô thì cười ha ha: “Cô gái! Hôm nay chẳng phải là ngày mười bốn tháng bảy sao. Ngày mai chính là ngày Xá tội vong nhân*. Bắt đầu từ tối nay trên sông sẽ có lễ cúng cô hồn và thả hoa đăng. Cô vừa nhìn thấy Phật bà của cổ trấn này. Cứ mỗi khi tới giữa tháng bảy âm lịch Phật bà đều sẽ ngồi trên sông này niệm Phật. Còn trên chiếc thuyền kia chính là vàng mã để tối nay bắt đầu đốt. Đây là phong tục từ thời ông bà tổ tiên chúng tôi rồi. Cứ tới rằm tháng bảy là đốt vàng mã, đó gọi là “kết duyên quỷ”**.
*Lễ xá tội vong nhân hay còn gọi là lễ Vu Lan hay còn tên khác là tết Trung Nguyên: Theo truyền thuyết, Địa Tạng Bồ Tát, hay còn gọi là “Diêm Vương gia”, sau khi mẹ người qua đời thì bị nhốt dưới 18 tầng địa ngục chịu đủ giày vò. Diêm Vương không nỡ nhìn thấy cảnh ấy nên cứ ngày rằm tháng bảy lại thả mẹ ra khỏi lao ngục. Mà khi cửa nhà lao mở ra thì các hồn ma khác cũng theo đó thoát ra ngoài. Sau này người dân gọi ngày này là ngày xá tội vong nhân, các hồn ma sẽ lên trần thế quấy nhiễu.
**Tập tục này được giải thích như sau: Bạn gặp được người nào tức là người ấy có duyên với bạn, bạn gặp ma nào cũng tức có duyên với ma đó. Một số vùng Giang Nam có tập tục cúng cô hồn. Tối đó phải tới những nơi con người hay tụ tập như vệ đường, bên giếng, bên sông, dùng các đồ vật có tiếng vang để gõ, để đánh, đốt vàng tiền. Cứ một người đốt vàng mã thì một người gõ mâm. Tập tục này đa phần là các bà dẫn theo cháu gái cháu trai.
Lúc này Tố Diệp mới chợt nhớ ra, thì ra chớp mắt đã tới rằm tháng bảy rồi. Người sống trong đô thị hiện đại đều quen dùng dương lịch, sớm đã quên mất cách tính lịch của các cụ ngày xưa rồi. Cô khẽ thở dài, nhìn theo chiếc thuyền mỗi lúc một xa, chỉ biết cảm thán.
Ngày xá tội vong nhân, cô thích gọi nó là tết Trung Nguyên hơn, đây cũng là một cách gọi của Đạo gia Trung Quốc, theo Phật giáo nó được gọi là lễ Vu Lan. Tới ngày này, gần như hơn một nửa người dân Trung Quốc đều hóa vàng mã. Sống ở Bắc Kinh đã không còn được nhìn thấy rất nhiều tập tục truyền thống, thật không ngờ ở đây vẫn còn cảm nhận được không khí của ngày tết này.
Mặc dù nói là tết Trung Nguyên.
Tố Diệp còn nhớ khi cô còn rất nhỏ đã từng nhìn thấy hàng xóm ven đường đốt vàng mã. Cô cũng từng nhìn thấy mẹ làm như vậy, cô hỏi tại sao, mẹ liền bảo cô mình thành tâm đốt vàng mã thì những người thân của mình đã qua đời sẽ không phải chịu đói chịu khổ. Sau đó cô lại về Bắc Kinh sống một khoảng thời gian. Trong thời gian đó, mỗi khi tới dịp lễ này cậu sẽ ra ngã tư đốt vàng mã, nhưng vẫn phải tránh để quản lý thành phố phạt tiền. Cô biết cậu đốt ẹ. Mãi sau này cô lên đại học rồi ra nước ngoài. Ở đó chỉ có ngày lễ Halloween, trẻ em xách túi tới gõ cửa từng nhà để xin kẹo, nếu không cho thì sẽ làm loạn, thế là từ đó cô không còn đón tết Trung Nguyên nữa.
Nhưng dù là người Trung Quốc hay người nước ngoài, nội tâm của con người ở một mức độ nào đó đều tín ngưỡng hoặc tôn kính điều gì đó, chỉ khác ở cách biểu hiện mà thôi. Tố Diệp thích những ngày lễ tết truyền thống thế này. Ở nước ngoài cô có thể vui vẻ hòa vào không khí ngày lễ của quốc gia đó, nhưng ở Trung Quốc cô lại được hưởng thụ một cách đầy tự hào, vô lo vô nghĩ. Điều này chứng tỏ cô vẫn còn gốc rễ, người còn gốc rễ sẽ không bao giờ cô độc, chẳng phải sao?
Nghĩ tới đây Tố Diệp bỗng khẽ mỉm cười, dường như trong một khoảnh khắc cô bỗng nhận ra mình nghĩ thoáng thật rồi.
“Cô gái! Tối nay ra ngoài xem thả hoa đăng nhé, đây cũng là tục lệ của trấn Thiên Đăng chúng tôi đấy, nhưng xem xong rồi thì phải về nhà sớm một chút. Người già đều nói đêm rằm tháng bảy không nên về nhà muộn.” Bác lái đò cười sảng khoải, khua nhẹ mái chèo.
Tố Diệp khẽ cười: “Vâng ạ!”
Quả nhiên cổ trấn vừa chập tối, các nhà bắt đầu đốt vàng tiền. Tố Diệp ăn chút đồ, chuẩn bị đi về nhà trọ. Cô đi bộ trên con đường đá, gần như không biết nên đặt chân xuống chỗ nào. Từ nhỏ cô đã nghe mẹ dạy rằng không được dẫm chân lên tiền giấy, nhất là vàng mã được đốt trong tết Trung Nguyên, vì dẫm chân lên đó đồng nghĩa với chặn đường thu nhặt tiền của ma quỷ.
Thế nên đi trên con đường này cô gần như phải đi vòng. Hai người già từ phía trước đi tới thì không may mắn như vậy. Họ liên tục dẫm chân lên tiền giấy, rồi lại phải vội vàng chắp hai tay hướng lên trời xin lỗi. Tố Diệp thấy vậy không nhịn được cười, đây có lẽ chính là “nhập gia tùy tục”. Hai người già đó thấy cô cười, cũng ngượng ngập vò đầu mỉm cười, ngập tràn thiện ý.
Không khí ban đêm được lấp đầy bởi mùi tro nhàn nhạt. Tối nay, bọn trẻ trong các gia đình đều ngủ rất sớm. Nhà trọ mà cô ở được đặt trên trang web Ctrip, được mọi người khen nức nở. Khi đến nơi xem quả thật như lời trên mạng, hai vợ chồng chủ nhà tính tình đều rất tốt. Họ còn có một cậu con trai năm tuổi tên là Tiểu Đậu Tử. Thằng bé như một niềm vui nhỏ, cứ thấy Tố Diệp là cười rất ngọt ngào.
Thấy cô trở về, cô chủ nhà thò đầu ra, cười tít mắt hỏi: “Đã ăn cơm chưa? Hôm nay cô làm cá, vẫn còn nóng đấy.”
Tố Diệp mỉm cười nói đã ăn rồi, sau khi cảm ơn cô về phòng nghỉ ngơi sớm.
Cổ trấn về đêm hoàn toàn chìm trong yên tĩnh. Các nhà đều tắt đèn, sao trên trời càng nhiều hơn, càng sáng hơn. Đêm ở đây không giống với Bắc Kinh, không có đèn giao thông, bóng xe, đến đèn đường cũng ít đến đáng thương.
Nhưng cả trong không gian yên bình như thế này, Tố Diệp cũng không được ngủ ngon giấc.
Ánh trăng men theo góc cửa sổ tràn vào trong phòng, lạnh lẽo như bạc. Tia sáng yếu ớt chiếu sáng gương mặt cô khi chìm trong giấc mơ. Mí mắt cô chớp chớp liên hồi, điều đó có nghĩa là cô đang mơ, mồ hôi trên trán càng lúc càng dầy đặc.
“Tam Hà dẫn dắt linh hồn, nước mắt lã chã rơi. Châm lên ánh đèn xanh âm u le lói. Đi qua ngõ sâu dài dằng dặc. Phẩy nhẹ vạt sương sáng sớm…” Có người hát câu này bên tai cô, giọng hát trải dài, như một thanh âm từ chân trời vọng tới, cũng lại giống tiếng gọi mơ hồ từ địa phủ vọng lên. Nền là một thứ nhạc quỷ quái, mỗi một âm điệu đều là bán âm* nhưng rõ ràng nó càng khiến tai đau nhức.
*Hay còn gọi là âm giai nửa cung là một âm giai gồm 12 nốt cách đều nhau nửa cung.
Từ xa cô dường như nhìn thấy một cái bóng nhỏ xíu đang chạy dưới ánh trăng. Một bé trai và một bé gái. Cậu bé không ngừng nắm tay cô bé chạy thục mạng, trong không khí phảng phất mùi tro vàng mã, tiền giấy bay đầy con ngõ nhỏ nhưng không thấy một bóng người.
Từ xa xăm, giọng hát ấy như một âm hồn vất vưởng: Đóng lại cánh cửa loang lổ màu sơn, dập tắt ngọn đèn thứ chín mươi chín, nhìn hồng trần phù phiếm trong tam giới, lắc lư ngọn đèn xanh trong tay, mong thời khắc được trở về địa ngục…
“Mau chạy đi!”
“A…” Tố Diệp lại một lần nữa choàng tỉnh bởi tiếng nói quen thuộc và gấp rút ấy. Đôi mắt cô vì hoảng hốt mà mở trừng trừng. Một lúc sau cô mới bật dậy khỏi giường, cầm lấy chiếc điện thoại ở đầu giường lên xem giờ, lại là một rưỡi sáng.
Tóc cô ướt rượt mồ hôi, trong căn phòng dường như vẫn còn mùi tro vương vất đâu đây.
Tố Diệp giơ tay lau mồ hôi, cố gắng nhắm mắt ngủ tiếp. Gần một tháng nay, mặc dù tinh thần cô đã thoải mái hẳn nhưng giấc mơ này chưa một lần buông tha cho cô, thường xuyên tới làm phiền giấc ngủ của cô, chỉ có điều…
Cô nhớ lại giọng nói vừa nghe thấy trong mơ. Thanh âm của người phụ nữ như đang niệm kinh Phật, trầm thấp, nhưng lại nhấn nhá như điệu hí khúc Côn Khúc. Tuy vậy nhạc nền rất kỳ quái, vẫn là bài hát cô thường hay nghe thấy, nhưng giọng nói của người phụ nữ ấy thì chỉ sau khi tới trấn Thiên Đăng mới nghe thấy.
Cô hít thở sâu, nhìn ra xung quanh, nhất thời không phân biệt rõ mình đang mơ hay tỉnh. Cô thậm chí còn nghi ngờ, giọng nói của người phụ nữ ấy thật sự tồn tại trong giấc mơ của cô sao?
Cô lại cố gắng phân tích giấc mơ của mình, cuối cùng cũng rất dễ hiểu. Có lẽ sau khi tới Côn Sơn cô được nghe quá nhiều hí khúc, lại đúng thời điểm diễn ra tết Trung Nguyên thế nên trong giấc mơ mới xuất hiện hình ảnh tiền giấy và giọng nói người phụ nữ chưa bao giờ thấy đó.
Nhưng mà…
Tố Diệp suy nghĩ thật kỹ, ca từ người đó hát rất rõ ràng, giống như lời bài hát lại giống như một bài ca dao truyền thống nào đó. Khi cô cố gắng nhớ lại xem người đó đã hát cái gì thì phát hiện nội dung của giấc mơ càng lúc càng mờ nhạt.
Khi Tố Diệp mơ màng tỉnh dậy lần thứ hai đã là một giờ chiều của ngày hôm sau rồi. Sau khi đánh răng rửa mặt xong xuôi, cô định ra ngoài chơi. Tiểu Đậu Tử nhảy nhót tới trước mặt, kéo tay cô: “Chị xinh gái ơi! Mẹ em bảo em hỏi chị có ăn cơm không?”
“Chị không ăn đâu, chị ra ngoài đi dạo đây.” Cô xoa đầu Tiểu Đậu Tử.
Tiểu Đậu Tử như một cậu nhóc già đời, đi theo cô xuống nhà, còn dặn dò thêm: “Tối nay chị phải về nhà sớm đấy nhé, là ngày xá tội vong nhân đấy.”
“Biết rồi!” Tố Diệp khẽ cười.
Ở Côn Sơn có ba vật quý: đá Côn Sơn, hoa quỳnh, sen chung gốc*. Đương nhiên, cả ba thứ quý báu này Tố Diệp còn chưa có cơ hội đi xem. Đi được vài con đường cô liền cảm nhận được nơi đây là bắt nguồn của hí khúc đúng là không phải hư danh, gần như nhà nào cũng bật hí khúc.
*Hai đóa hoa sen cùng mọc từ một gốc.
Nơi đây từng sản sinh ra ba người tài trong lịch sử của Côn Sơn: Cố Viêm Vũ, Chu Bách Lư, Quy Hữu Quang… Nơi đây lại có ba bảo vật quý hiếm, nơi đây còn là khởi nguồn của tạp kỹ, nơi bắt nguồn của hí khúc… Đây chắc chắn là niềm tự hào của người dân Côn Sơn.
*Cố Viêm Vũ (1613-1682), người dân tộc Hán, thời nhà Minh, là một nhà tư tưởng, lịch sử học, ngôn ngữ học nổi tiếng. Chu Bách Lư (1627 – 1698), tự Trí Nhất, hiệu Bách Lư, người cuối nhà Minh đầu nhà Thanh. Là một nhà lý học (phái triết học duy tâm thời nhà Tống và nhà Minh), một nhà giáo dục nổi tiếng. Quy Hữu Quang (1506 – 1571), một vị quan thời nhà Minh, một tác giả tản văn và cổ văn nổi tiếng.
Con đường đá là một trong những cảnh đẹp nổi tiếng của trấn Thiên Đăng. Truyền thuyết kể rằng viên đá ở đây được gọi là “son hồng”, một cái tên tuyệt đẹp. Tố Diệp đi trên con đường thông từ Nam tới Bắc này, nhìn gì cũng cảm thấy mới lạ, tới khi bụng sôi òng ọc rồi cô mới quyết định không để mình chịu khổ nữa, lựa chọn một nhà hàng ngon nhất ở đây để dùng bữa.
Khung cảnh trong nhà hàng này không tồi, có thể nhìn ra chuyên phục vụ những bữa ăn thịnh soạn cho những người khá giả. Ngay cửa vào là tác phẩm chạm trổ hình ảnh các cô gái chàng trai trong điệu hí khúc, sống động như thật, được làm từ đá Côn Sơn. So với việc ăn uống, nơi đây thích hợp ngồi nhàn hạ ngắm cảnh hơn. Tốt nhất là gọi một chén trà, tựa cửa ngắm cảnh. Tố Diệp quyết định ăn chơi một lần, đặt một phòng ngắm cảnh. Từ vị trí này của cô nhìn ra vừa hay thu trọn vẹn cảnh đẹp Giang Nam tượng trưng nhất cho trấn Thiên Đăng vào tầm mắt.
Ngắm mãi ngắm mãi, ánh mắt cô bất giác dừng lại ở cửa sổ kế bên. Bên cạnh là một phòng VIP, vì mở cửa sổ lại là góc 45 độ, Tố Diệp không những nghe được tiếng nói chuyện cười đùa bên trong mà chỉ liếc mắt một cái đã bắt được hình ảnh người đàn ông đang ngồi thưởng trà.
Anh ngồi hơi nghiêng, đối diện tầm mắt của Tố Diệp, bên cạnh là một người đẹp dịu dàng, quấn lấy anh như dây tơ hồng, những ngón tay được sơn khẽ đặt lên vai anh, ánh mắt đầy mê hoặc.
Tố Diệp sững sờ.
Niên Bách Ngạn, sao anh lại ở đây?