Phòng sách tạm đóng cửa cả tuần nay rồi, rất có thể sẽ dài hơn cho đến khi tìm được người trông coi. Cũng phải thôi, ai mà chịu nổi công việc tẻ nhạt này chứ. Nguyên đang đau đầu về vấn đề tìm người, chứ phòng sách đóng cửa thì làm gì còn cơ hội làm quen lại với cô nhóc khóa dưới kia chứ.
Nói về Nguyên thì phải nói gia đình nhà cậu cũng có chút điều kiện, mẹ cậu mất sớm khi cậu lên ba, lúc đấy anh trai đã mười tuổi rồi, cậu và anh trai được lớn lên cho tới ngày hôm nay là nhờ bàn tay chăm sóc của ông bà ngoại. Kể từ khi mẹ cậu mất cậu cũng không còn được gặp lại bố nữa. Có người nói bố cậu bỏ đi theo người đàn bà khác, cũng có người nói với cậu rằng ông ấy chết rồi. Dần dần kí ức về người bố cũng xóa nhòa dần trong trí nhớ của cậu.
Cậu lớn lên trong tình yêu thương của ông bà ngoại, sống một cuộc sống vui vẻ vô lo vô nghĩ. Cậu bộc lộ thiên phú kinh doanh rất sớm, thư viện tư nhân còn gọi là bách hóa Nguyên Minh chính là ý tưởng kinh doanh đầu tiên của cậu, lúc này cậu mới chỉ là học sinh lớp tám. Khách hàng tiềm năng trong ý tưởng kinh doanh của cậu là học sinh- sinh viên vị trí của khu đấy phải nói là cực kỳ đẹp tọa lạc giữa trung tâm huyện lại còn gần cổng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường cao đẳng sư phạm.
Khi đọc bản kế hoạch kinh doanh chi tiết cho một học sinh lớp tám viết ra, khiến ông ngoại một cán bộ kinh tế đã về hưu phải vô cùng kinh ngạc và hài lòng. Ông không đắn đo suy nghĩ mà thực hiện ngay cả khi đã lường trước được mức độ mạo hiểm của bản kế hoạch này là năm mươi phần trăm. Lúc này việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rất mới mẻ, đầu tư một lúc một trăm cây máy tính sao lại không mạo hiểm được chứ?
Cái đặc biệt mà thằng cháu này ra đòn đánh cực chuẩn vào tâm lý của ông đó là ý tưởng về kinh doanh phòng sách, vừa bán, vừa cho thuê, vừa là nơi đọc sách giá rẻ cho học sinh sinh viên. Ông mừng đến rơi nước mắt khi thằng cháu này lại có tâm đến vậy.
Ngược lại với Nguyên thì anh trai của cậu trầm tính, luôn dấu kín tâm sự nên trong nhà không ai biết được trong lòng anh ấy nghĩ gì. Khi anh ấy có giấy báo đỗ đại học tuyên bố không đi học. Anh cương quyết xuống tóc đi tu, đã ba năm nay rồi anh không về thăm nhà cũng không gặp bất cứ anh lên thăm. Ông bà ngoại rất phiền lòng, có mụn con gái duy nhất thì mất sớm, nay có hai thằng cháu thì giờ đây cũng con như còn một. Vì vậy mà ông ngoại ra sức đào tạo Nguyên.
Bách hóa Nguyên Minh này kinh doanh đã gần được ba năm rồi, tình hình rất tốt, sau hai năm đã thu hồi vốn. Mặc dù xung quanh đã mọc lên nhiều tiệm internet nhưng không vì vậy mà ảnh hưởng đến việc kinh doanh của bách hóa.
Giờ đây ông ngoại giao bách hóa này cho Nguyên trông nom hoàn toàn, và chuyển hẳn về trang trại cây ăn quả làm bạn với cây trồng vật nuôi. Hai năm qua ông cũng để cho cậu tập xử lý dần việc của bách hóa Nguyên Minh, lại không bị ảnh hưởng đến thành tích học tập nên ông yên tâm.
Nhìn khuôn mặt như đưa đám của Nguyên, Trường Anh cũng chả có cách gì giúp được bạn. Nếu là cậu có đánh chết cậu cũng không làm công việc trông coi phòng sách nhàm chán. Chắc ai yêu sách lắm mới làm được công việc này. Bỗng nhiên cậu hét lên như điên:
"Có cách rồi!"
"Nói xem!"
Nguyên lạnh nhạt nói, cậu không tin Trường Anh sẽ đưa ra cách gì hay ho nhưng chắc chắn cậu đủ kiên nhẫn nghe bạn diễn giải.
"Sao không thuê cách anh chị sinh viên làm theo buổi ấy!"
Quả nhiên là ý tưởng hay. Vậy là Nguyên viết thông báo. Cũng phải thôi, sinh viên thiếu nhất là tiền, dư dả nhất là thời gian. Không thuê được một người thì thuê hai người thay phiên nhau, đặc biệt hỗ trợ chỗ ở. Lương cũng không quá thấp, kèm theo việc không phải thuê nhà thì là điều kiện quá hấp dẫn với sinh viên. Quả thật là cái khó ló cái khôn.
Cũng cả tuần rồi Vân đều tiu nghỉu ra về, có thể nói phòng sách này giúp đỡ cô nàng rất nhiều, đôi lúc cảm thấy mất cân bằng thì cô đọc thể loại sách bồi dưỡng tâm hồn. Phần lớn còn lại là dọc tài liệu tham khảo, kết quả học tập của cô hai tháng nay tiến bộ rõ rệt.
Vân vẫn thấy cảm giác thầy cô và bạn bè tuy không thích mình nhưng cũng không quá khắt khe với mình. Và điều quan trọng là cô nàng không còn bận tâm yêu ghét của nhóm người ấy nữa vì cô đã xây dựng mục tiêu tương lai cho chính mình là trở thành một bác sỹ.
Ngoài giờ học trên lớp, thì tất cả thời gian ban ngày của Vân đều ở trong phòng sách của bách hóa Nguyên Minh. Hôm nay cũng bất giác đi vào bách hóa như mọi ngày, nhưng cánh cửa phòng sách vẫn im lìm. Quay ra phía ngoài đập vào mắt cô nhóc là thông báo tuyển người trông coi phòng sách. Đọc qua điều kiện trong đầu Vân loé lên một ý nghĩ táo bạo, nhưng cô nhóc lại thấy rất băn khoăn.
Vân về bàn bạc và thuyết phục bố mẹ cho mình đi làm thêm ở phòng sách, ban đầu bố mẹ cương quyết phản đối nhưng Vân lại mang kết quả học tập trong hai tháng gần đây ra thuyết phục. Cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý cho cô nhóc nộp hồ sơ làm thêm, ông bà cũng chắc chắn con gái sẽ không được nhận vì nó còn nhỏ quá mới chỉ là nữ sinh lớp mười.
Hồ sơ rất đơn giản chỉ cần có bản photo công chứng giấy chứng minh nhân dân, và sổ hộ khẩu là được, nếu là học sinh sinh viên đến làm thêm thì cần xuất thẻ học sinh, sinh viên. Thêm một lần nữa Nguyên lại vò đầu bứt tai khi không biết xử lý thế nào với bộ hồ sơ của Vân, vì ngày mai là ngày chọn người rồi. Trường Anh bĩu môi nói:
"Có vậy mà cũng phải suy nghĩ, nhóc đấy làm buổi sáng thì cậu làm nốt buổi chiều. Nếu mà nhóc đấy ở lại bách hóa càng tốt, càng có cơ hội bồi đắp tình cảm chứ sao!"
Không mở miệng thì thôi, mỗi lần mở miệng Trường Anh mà không cà khịa Nguyên thì cậu cũng thấy ngứa ngáy. Nguyên thấy Trường Anh nói không phải không có lý. Trong lòng cậu tự có quyết định.
Ngày hôm sau Nguyên chỉ định chị phụ trách chỉ tuyển Vân, và không được cho cô bé biết cậu là chủ nhân bách hóa này ai tiết lộ lập tức bị đuổi việc. Bách hóa lớn thế này mà đang kinh doanh tốt như vậy, lương thưởng khá tốt nên Nguyên tin không ai tự đạp đổ bát cơm của chính mình.
Cậu đã chuyển toàn bộ đồ dùng cá nhân của cậu về nhà riêng, căn phòng này cậu bày trí sắp xếp thành hai phòng nhỏ. Nếu như Vân ở lại thì có phòng cho cô nhóc. Một nhóm học sinh, sinh viên đứng chờ xin việc, trong đó có cả Nguyên. Chị Thanh- người phụ trách bách hóa nhìn trong nhóm học sinh sinh viên này chỉ có Vân là con gái nên chị nhanh trí hỏi:
"Ưu tiên bạn nữ, bạn đã được nhận, bạn có thể làm vào buổi nào trong ngày?"
"Em có thể làm buổi sáng!"
"Bạn nào có thể làm buổi chiều thì đứng qua bên này!"
Chị Thanh giơ tay trái lên chỉ các bạn nam phía sau nhanh chóng phân ra. Được năm bạn trong đó có Nguyên, chị Thanh mỉm cười hỏi tiếp:
"Bạn nào có thẻ đọc sách tại phòng sách đưa ra cho chị xem!"
Lúc này ba thẻ đọc sách được đưa ra, người được nhận là Nguyên. Vân nhanh chóng nhận ra Nguyên, nên cô nhóc luôn cúi đầu. Nhìn thấy bộ dạng này của Vân thì Nguyên thấy rất hài lòng, nhưng cậu lại vờ như chưa từng quen Vân. Trông số người không được chọn cũng thấy biện pháp tuyển người như thế này không công bằng nên chất vấn chị Thanh:
"Cùng có thẻ như nhau, chị dựa vào đâu mà nhận cậu học sinh kia mà không hỏi thêm gì?"
Chị Thanh liếc nhìn về phía Nguyên mỉm cười mà chửi thầm trong lòng: "Dựa vào cậu ta là chủ bách hóa này, đồ ngu!" sau đó chị giơ thẻ của hai người lên và nói:
"Dựa vào những con số trên thẻ đọc sách, cậu học sinh kia đã đọc sách ở đây hai năm rồi, còn các cậu người thì không có thẻ người thì là sinh viên năm hai rồi mới có thẻ!"
Nguyên cong miệng lên cười nhẹ, chả trách sáng sớm nay chị ấy dúi vào tay cậu cái thẻ đọc mà hai năm nay cậu chưa từng động vào nó. Thẻ của cậu là thẻ đầu tiên của phòng sách này, nếu cậu bị loại thì không ai được nhận. Hiểm, chiêu này của chị Thanh cũng hiểm thật.
"Mọi người đến đây đều là cơ hội ngang nhau, việc chị ưu tiên cô bé học sinh kia là không thỏa đáng."
Một người khác bên hàng không có thẻ, cũng không chịu bỏ qua mà lên tiếng hỏi. Chị Thanh chưa vội trả lời mà quay sang chỗ Vân nói:
"Em đưa cho chị mượn thẻ đọc phòng sách của em!"
Giơ thẻ đọc của Vân lên, khiến nhóm người kia không phản bác được câu nào nữa mà dời khỏi bách hóa. Chị Thanh hỏi qua tình hình của hai bạn rồi dẫn hai bạn đến phòng đọc hướng dẫn công việc của người trông coi, giờ giấc làm việc, lương thưởng và chế độ nghỉ ngơi. Suốt thời gian này Nguyên vẫn tỏ vẻ không biết Vân, khiên cô nhóc buông lỏng cảnh giác hơn và cho rằng lâu như vậy rồi cậu ta làm sao nhớ nổi mình là ai chứ.
Tiếp tục đi đến khu nghỉ ngơi, thì tương đối rộng, thoáng và sạch sẽ. Chị Thanh hỏi hai bạn có ai ở lại bách hóa không? Nếu ở lại thì ở phòng chị Thanh chỉ, chính là phòng Nguyên đã chuẩn bị. Vân nhìn thoáng qua khoảng sân riêng biệt, rất rộng ở ngay cạnh vườn hoa, cô nhóc ngập ngừng chỉ tay đến chỗ đó rồi hỏi:
"Em thấy ở đây không có khu bếp, nếu ở lại thì em có thể nấu ăn ở chỗ kia được không?"
Chị Thanh liếc nhìn Nguyên, nhận được sự cho phép của cậu thì chị ngập ngừng một lát rồi nói:
"Được! Nếu quyết định ở lại thì chủ nhật các em lên đây chuẩn bị phòng, nếu không thì thứ hai có mặt lúc 6h để bắt đầu làm việc."