Lại nói về Bảo Yến, kể từ khi Bảo Yến chuyển đi chưa từng thư từ hay liên lạc gì với Thanh Phong, mà chỉ thông qua Y Vân để hỏi thăm tình hình của cậu ấy. Khi Y Vân xảy ra tai nạn Bảo Yến cũng chỉ kịp về thăm Y Vân một lần, sau lần thăm đó cũng hơn hai năm rồi Bảo Yến không có tin tức gì của Y Vân. Bảo Yến nghe ngóng được sở dĩ nhà Y Vân buộc phải chuyển đi nguyên nhân là từ phía gia đình Cẩm Nhung gây khó dễ.
Kể từ khi Y Vân xảy ra tai nạn thì tin tức về Thanh Phong cũng bị gián đoạn. Lúc trước thư từ qua lại Bảo Yến biết được Thanh Phong mong muốn trở thành bác sĩ giống như Y Vân. Mà gia đình Y Vân lại rất khó khăn nên cô bạn đã nói cho Bảo Yến biết bản thân sẽ thử sức với học viện quân y. Bởi vì học ở đây không mất tiền học phí lại còn được lo ăn ở, như vậy bố mẹ sẽ không phải vất vả nuôi cô bạn ăn học nữa.
Tuy nhiên Y Vân lại lo lắng không biết học xong lớp mười hai bản thân cô bạn có đủ tiêu chuẩn dự thi hay không nữa, bởi vì lúc này cô bạn nhỏ có vẻ như đang bị suy dinh dưỡng nặng vậy, mặc dù đã cố gắng ăn uống rèn luyện như thế cũng vẫn nhỏ gầy nhất lớp.
Ban đầu Bảo Yến có ý định thi ngành dược nhưng biết Thanh Phong có ước mơ trở thành bác sĩ nên Bảo Yến cũng muốn thử sức bản thân vào học viện quân y. Nhỡ đâu hai người có duyên gặp lại thì sao. Khi nhận được giấy triệu tập nhập học của cả đại học dược và học viện quân y thì Bảo Yến lại phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt của gia đình.
Gia đình của bảo Yến rất mong muốn cô bạn theo ngành dược, và đây là lần đầu tiên Bảo Yến kiên quyết cãi lại lời bố mẹ, Bảo Yến cũng hy vọng lựa chọn của mình sẽ không khiến bản thân của mình sau này phải hối hận. Đất không chịu trời thì trời lại phải chịu đất, không khuyên can được con gái bố mẹ Bảo Yến vẫn căn dặn và chuẩn bị đầy đủ hành trang cho con gái nhập học.
"Để trở thành một bác sĩ quân y con phải có nghị lực, ý chí phấn đấu rèn luyện hơn người bình thường rất nhiều. Bởi vì ngoài học tập thành một bác sĩ con còn phải hoàn thành nhiệm vụ là một chiến sĩ."
Bố của Bảo Yến nói, Bảo Yến biết bố mẹ mình chỉ là muốn tốt cho mình nên mới ngăn cản mình đi học trường này. Cô bạn khẽ cười nói:
"Vâng, con biết."
Nghe xong bố của Bảo Yến liền gõ lên đầu cô bạn một cái và nói:
"Con thì biết cái gì chứ? Chắc con lại nghe người ta nói nhất y nhì dược nên mới khăng khăng theo ngành y phải không? Con có biết nhất y có nghĩa là gì không là theo học ngành này vất vả nhất, thời gian chôn vùi tuổi thanh xuân dài nhất. Đã thế con lại còn lựa chọn học viện quân y. Con có biết quân đội nổi tiếng với câu nói gì không? Đó là thà đổ mồ hôi trên thao trường còn hơn là đổ máu trên chiến trường, có nghĩa là gì là vừa phải học tập vừa rèn luyện rất gian khổ đấy con ạ!"
Bố của Bảo Yến tức giận nói một tràng dài, cô bạn nghe xong không có lấy một chút lo lắng mà chỉ khúc khích cười hóa ra là do bố quá lo lắng. Cô bạn trấn an bố:
"Con đã biết tất cả những điều này, bố mẹ phản đối là lo con không trụ vững được, nhưng đây lại là ước mơ của con nên con sẽ kiên trì đến cùng. Bây giờ khi con xách ba lô ra khỏi nhà con chỉ là một nữ sinh yếu đuối nhưng sau này khi trở lại con sẽ trở thành một bác sĩ, một chiến sĩ mạnh mẽ và khi đó bố mẹ sẽ được tự hào vì con."
Sở dĩ Bảo Yến kiên quyết lựa chọn nhập học học viện quân y là vì thấy trong danh sách trúng tuyển có một nam sinh có họ tên và ngày tháng năm sinh hoàn toàn trùng với Thanh Phong. Bảo Yến hy vọng đây chính là Thanh Phong, nam sinh mà cô bạn tâm tâm niệm niệm.
Nghĩ đến đây trong lòng Bảo Yến không biết là may mắn hay là bản thân mình quá đáng thương nữa. Bởi vì nếu đúng nam sinh đó chính là Thanh Phong thì quả là may mắn nhưng lại đáng thương ở chỗ là cậu ấy bởi vì Y Vân mà viết tiếp ước mơ bằng cách biến ước mơ của Y Vân thành ước mơ của chính cậu ấy.
Nhập học chỉ diễn ra trong ba ngày, bảo Yến đã đến trước một hôm thuê nhà nghỉ, cô bạn đứng ở cổng trường chờ Thanh Phong đến rồi cùng vào nhập học. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai trôi qua, rồi đến ngày thứ ba cũng là ngày cuối cùng Bảo Yến vẫn kiên trì chờ Thanh Phong đến phút chót. Sắp hết thời gian nhập học rồi cổng chính cũng đã đóng mà vẫn chưa thấy Thanh Phong xuất hiện.
Trong lòng Bảo Yến không biết nên vui hay nên buồn nữa. Tự nhiên cô bạn không còn ý định học ở đây nữa. Một chân đã bước qua ngưỡng cổng phụ rồi vậy mà Bảo Yến vẫn từ từ quay người lại, bất ngờ lúc này cô bạn bị va chạm với hai nam sinh đang hấp tấp chạy đến.
Cả ba đều bị ngã lăn kềnh ra đất, nhưng rồi cũng nhanh chóng lồm cồm bò dậy khi nhận ra là người quen cảm giác bực bội tan biến thay cho sự bất ngờ và vui mừng. Hai nam sinh này không ai khác chính là Thanh Phong và Thanh Tùng.
Sau khi Bảo Yến chuyển đi mỗi thứ sáu hàng tuần Bảo Yến đều từ thành phố đạp xe về thăm bà và cố tình ở cổng trường chờ Thanh Phong. Lần thứ nhất rồi đến lần thứ hai Thanh Phong còn thấy là ngẫu nhiên nhưng những lần tiếp theo diễn ra Thanh Phong thấy đây chính là do Bảo Yến cố ý về gặp cậu nên cậu bạn đã tránh mặt. Người biết chuyện này còn có cả Thanh Tùng, bởi vì không ít lần cậu bạn bắt gặp vẻ mặt thất vọng của Bảo Yến.
Nay gặp mặt ở đây có đánh chết Thanh Tùng cũng không tin là trùng hợp, hơn nữa cậu bạn lại còn thấy Bảo Yến không có ý định vào đăng ký nhập học. Cả ba chỉ gật đầu chào nhau rồi vào làm thủ tục nhập học trước. Thời gian nhập học cũng đã sắp kết thúc mà tương lai là một bác sĩ quân y thì tác phong chuyên nghiệp cũng cực kỳ quan trọng, hơn nữa sau này bọn họ còn nhiều cơ hội nói chuyện với nhau.
Sau khi xong xuôi thủ tục nhập học cả ba nhanh chóng đi nhận quân tư trang sau đó được đưa đến phòng ký túc xá. Kí túc xá nam nữ hai khu khác biệt, Thanh Phong và Thanh Tùng được ở chung một phòng kí túc xá. Phòng kí túc rộng khoảng ba mươi mét vuông có công trình phụ khép kín, có khu phơi đồ phía cuối phòng.
Trong phòng có ba giường đơn hai tầng chắc chắn và tủ đồ cá nhân của từng học viên được bố trí sắp xếp rất khoa học, mỗi phòng kí túc có sáu học viên đều là những anh tài của khu vực phía Bắc quy tụ lại. Ngay lúc này bọn họ chính thức là quân nhân, đã là quân nhân thì phải tuân thủ quy định tuyệt đối.
Trên bức tường dễ nhìn thấy nhất của phòng kí túc xá được dán tờ nội quy học viên, bên cạnh là thời gian biểu huấn luyện. Cả Thanh Phong và Thanh Tùng đọc nội quy và thời gian biểu xong thì choáng váng. Từ năm giờ sáng đến chín giờ tối lịch học tập và huấn luyện kín mít không có lấy một khe hở.