Em bảo quà của anh tốt nhất thì quà của anh là tốt nhất.
Sau trận tình ái mãnh liệt, Phương Hạo nằm trên nền đất, châm một điếu thuốc lá. Lần này Trần Gia Dư không tham gia mà anh tựa đầu lên vai Phương Hạo, sau đó đưa tay nắm lấy tay cậu ấy.
Phương Hạo thấy anh ấy làm vậy thì chuyển điếu thuốc sang tay trái, rồi chợt hỏi Trần Gia Dư: “Anh còn nghĩ vậy không?”
Trần Gia Dư không theo kịp suy nghĩ của Phương Hạo, nghe cậu ấy hỏi vậy thì ngây người: “Nghĩ gì cơ?”
Phương Hạo: “Ngày kỷ niệm chỉ có ý nghĩa với người ngoài.”
Trần Gia Dư cuối cùng cũng hiểu Phương Hạo đang nói gì, phì cười: “… Đệt.” Anh không kìm nổi, chửi thề một câu, “Anh lấy đá đập chân mình mất rồi.” Lúc ấy, khi nói câu này, Trần Gia Dư đang chỉ ngày kỷ niệm vụ việc hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông. Mà như hiện tại, ý nghĩa của ngày này cũng đã thay đổi rồi.
Phương Hạo không quá để ý: “Em cũng chỉ nói vậy thôi.”
Trần Gia Dư không cam lòng, biện bạch với cậu ấy: “Có ý nghĩa, có ý nghĩa. Ngày 11 tháng 12 đúng không, anh nhớ kỹ rồi. Về sau hàng năm tới Hồi Long Quan, dâng hương bái Phật lễ tạ cảm ơn.” Không cần cố gắng nhớ, cả đời anh vốn dĩ đã chẳng thể quên nổi ngày này. Bản thân những con số ấy không mang ý nghĩa gì, thế nhưng phần tình cảm chất chứa đằng sau nó lại mang sức nặng.
(Hồi Long Quan: một khu vực ở vùng ngoại ô phía Bắc của Bắc Kinh, thời nhà Minh từng có một ngôi đền Đạo giáo tên “Huyền Phúc Quan” được xây dựng tại đây. Các hoàng đế thời Minh thường dừng chân tại đây khi tới núi Thái Sơn bái kính hoàng lăng nên ngôi đền này còn tên gọi khác là “Hồi Long Quan”)
Phương Hạo rút tay lại, đánh nhẹ lên ngực Trần Gia Dư, cười đùa: “Thôi anh đừng.”
Chẳng qua, vận mệnh cũng thật quá trùng hợp. Dường như có một bàn tay to lớn đẩy anh lao mình vào dòng nước lũ, bảo với anh rằng: Chính là ngày hôm nay. Chính là lúc này đây. Việc anh và Phương Hạo trở thành người yêu, có lẽ là vô tình, có lẽ là cố ý, từ nay trở đi cái ngày 11 tháng 12 này trong ký ức của anh đã được đắp miếng dán, viết lại ý nghĩa.
Hai người họ nằm vậy một lúc thì cảm thấy lạnh. Trần Gia Dư mặc quần áo, lấy khăn lau chùi tủ và cửa tủ giúp Phương Hạo. Sau đó nhân lúc cậu ấy đi tắm trước, anh nhặt đám mô hình máy bay dưới đất, để lại về vị trí cũ.
Đến khi Phương Hạo đi ra thì thấy những món đồ trong tủ đã được đặt lại về kệ trưng bày, chỉ trừ một chiếc máy bay. Không phải chiếc nào khác mà chính là chiếc mô hình máy bay Lang Phong đã tặng Phương Hạo vào một tháng trước – chiếc Concorde cánh tam giác, phía sau có in cờ hiệu nho nhỏ của hãng Air France. Lúc này, những mô hình khác đều đã nằm ngay ngắn về lại đội hình, chỉ còn Concorde là còn phơi bụng trên thảm.
Phương Hạo phì cười thành tiếng: “Anh để bụng thật đấy.”
Trần Gia Dư tỏ vẻ vô tội, nói: “Nếu anh nói anh để bụng thì em có đem cất nó đi không?”
Phương Hạo nghiêm túc ngẫm nghĩ thật, sau đó nghiêm túc trả lời: “Sẽ không đâu. Anh để bụng thì anh cố nhịn đi.”
Trong mắt Phương Hạo, quan hệ giữa anh và Lang Phong cực kỳ trong sáng. Ai để bụng thì đó là vấn đề của người ấy, có vấn đề thì phải giải quyết, chứ không thể bắt anh đem cất món quà người ta tặng đi được.
Trần Gia Dư cũng không bất ngờ trước câu trả lời của Phương Hạo, ngược lại điều anh thích chính là sự thẳng thắn này của cậu ấy. Anh bảo: “Thế cứ để vậy không phải là được rồi sao.”
Cuối cùng, Phương Hạo phải tự mình đi qua, nhặt mô hình máy bay Concorde lên rồi đặt lại ngay ngắn vào trong tủ: “Không phải em đã nói với anh rồi sao. Chuyện giữa em và Lang Phong đã sớm là quá khứ rồi.”
Trần Gia Dư cuối cùng vẫn hỏi: “Vì sao lúc ấy em không nhận lời cậu ta? Cậu ta cũng rất đẹp trai mà.” Lúc nói ra mấy chữ cuối này, Trần Gia Dư chỉ hận không thể cắn má trong.
Phương Hạo đáp: “Không phải gu của em. Thì không thấy ưng mắt, không có duyên thôi.”
Trần Gia Dư như vớ bở, hỏi Phương Hạo: “Vậy… anh là gu của em?”
“Ừm.” Phương Hạo thừa nhận, Trần Gia Dư lúc này mới thỏa mãn.
“Không phải hôm ở nhà hàng Thái Sơn anh có hỏi em thích mẫu người như nào sao, lúc đấy đáng nhẽ ra em nên nói thật với anh.” Trần Gia Dư tính toán nợ cũ với Phương Hạo.
Phương Hạo mỉm cười, không nói gì.
“Thật ra điều anh để bụng không phải con người cậu ta. Cậu ta rất tốt, tính tình cũng thẳng thắn.”
Phương Hạo chờ anh nói tiếp: “Thế nhưng?”
Trần Gia Dư cực kỳ nghiêm túc: “Anh để bụng chuyện cậu ta tặng em món quà tốt nhất.”
Phương Hạo suy nghĩ một lúc lâu, cuối cùng chỉ bảo: “Quà của anh là nặng nhất mà. Với cả món quà đó của cậu ấy… cũng không phải quà sinh nhật.”
“Quà của cậu ta là tốt nhất.” Hôm ấy khi vừa bước chân vào trong nhà Phương Hạo, nhìn thấy tủ đựng bộ sưu tập mô hình máy bay kia, Trần Gia Dư lập tức hiểu vì sao Lang Phong lại tặng Phương Hạo mô hình Concorde. Sẽ là nói dối nếu bảo lúc đó anh không ghen.
Phương Hạo cảm thấy cái tính so đo, hiếu thắng mặc kệ thời điểm, mặc kệ tình huống này của Trần Gia Dư thật thú vị. Bản thân Phương Hạo không quá để ý vấn đề này, hơn nữa Lang Phong cũng không nghĩ ra món quá dựa vào hiểu biết của cậu ta về anh mà là – “Lang Phong hỏi anh Sâm mới biết.”
Trần Gia Dư nói: “Sớm biết vậy thì anh cũng nên đi hỏi Chu Kỳ Sâm, gần quan được ban lộc. Kết quả lại bị cậu ta giành mất.”.
Truyện đề cử: Bà Xã Ngang Ngược, Cuối Cùng Cũng Tìm Được Em!
“Bây giờ phỏng chừng không còn là anh gần anh Sâm nữa rồi, giờ Lang Phong mới là người gần quan.” Phương Hạo cười nói. “Thôi được rồi. Anh đừng xoắn xuýt chuyện một món quà đó nữa.” Anh kéo đầu Trần Gia Dư, khẽ hôn lên tóc anh ấy: “Em bảo quà của anh tốt nhất thì quà của anh là tốt nhất.”
Sáng hôm sau, đáng nhẽ ra Trần Gia Dư có báo với Trần Chính và Tào Tuệ là buổi sáng sẽ về nhưng rồi sau lại đổi thành về nhà ăn trưa, một lúc sau nữa anh lại gọi điện kêu Tào Tuệ và Trần Chính cứ ăn trước đi. Nguyên nhân đương nhiên là anh ở nhà nấu bữa nửa buổi cho hai người anh và Phương Hạo, sau đó vừa xem TV vừa chờ cậu ấy chạy bộ buổi sáng về, bữa nay phải chờ khá lâu. Cuối tuần Phương Hạo chạy đường dài, vậy nên khi về tới thì đã khá muộn. Hai người họ vừa ăn vừa xem TV vừa tán gẫu, Trần Gia Dư cứ thế dây dưa ở nhà Phương Hạo mãi tới tận trưa mới rời đi.
(Bữa nửa buổi: bữa ăn kết hợp giữa bữa sáng và bữa trưa)
Buổi sáng Phương Hạo ăn bánh năng lượng rồi ra ngoài chạy bộ. Trần Gia Dư thật sự rất bái phục sự kiên trì của cậu ấy. Kể từ sau khi lên kế hoạch luyện tập cho cuộc đua 100km, hàng ngày có thể chạy được bao nhiêu thì cậu ấy sẽ chạy bấy nhiêu. Cho dù tối hôm trước anh mới đè cậu ấy ra làm trên tủ đựng bộ sưu tầm thì sau một giấc ngủ, Phương Hạo đã lại lập tức phục hồi sức lực. Chẳng qua, trước đây cũng không phải chỉ mới một lần Trần Gia Dư quyến rũ Phương Hạo không thành. “Sáng em phải đi chạy. Tối cho dù có làm gì thì anh cũng phải để em gối đầu đi ngủ trước một giờ” – Theo nguyên văn lời Phương Hạo. Đương nhiên, họ cũng không phải chưa bao giờ “phá giới”, nó là vấn đề khác rồi.
Nhìn lại bản thân, từ sau khi bắt đầu giai đoạn thử cùng Phương Hạo, Trần Gia Dư chỉ luôn chạy qua chạy lại giữa ba chỗ là sân bay, nhà Phương Hạo và căn nhà bên Lệ Cảnh của mình, không hề tới phòng gym. Đến nỗi huấn luyện viên lúc trước hay tập boxing cùng anh còn nhắn tin Wechat hỏi sao dạo này anh không tới. Tuy vài tuần lễ chưa đến mức khiến mọi nỗ lực trước đây của anh đổ sông đổ bể nhưng Trần Gia Dư cũng tự nhắc nhở bản thân, dự định buổi chiều sẽ đi tập một chút.
Trần Gia Dư nấu xong bữa sáng thì mới bật điện thoại lên. Hôm qua điện thoại rung làm anh thấy phiền nên lúc tối đã dứt khoát tắt máy đi ngủ. Sau khi bật điện thoại, hơn 50 cuộc gọi nhỡ lóe sáng, đều là số lạ, ngoài ra còn mấy chục tin nhắn chưa đọc trên Wechat. Trần Gia Dư đại khái cũng có thể đoán được là có liên quan tới vụ việc hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông. Hôm nay dẫu sao cũng là ngày kỷ niệm tròn ba năm, vậy nên tối qua hẳn có rất nhiều người biết số điện thoại của Trần Gia Dư đều muốn phỏng vấn anh để nạy được mấy lời từ miệng anh. Năm đầu tiên, năm thứ hai, Trần Gia Dư đều có phản hồi, đương nhiên là đăng một bản thảo rất chi là chính thức sau khi bàn bạc thống nhất nội dung cùng phòng quan hệ công chúng của hãng. Thế nhưng năm nay, bên hãng không tìm tới, bản thân Trần Gia Dư cũng không muốn trả lời nữa. Anh mặc kệ người ngoài có buông tha chuyện này hay không, trong lòng anh phải thử buông bỏ trước đã.
Trần Gia Dư nhìn lướt qua đống tin nhắn chưa đọc, phần lớn đều từ những người không quá quen thân, thế nhưng cũng có một vài cơ trưởng trong hãng có quan hệ tốt với anh. Họ chia sẻ cho anh một bài đăng Weibo.
Trần Gia Dư nhấn vào xem. Bài đăng là của một tài khoản có tích V nổi tăm trong giới hàng không. Nội dung đại khái là một điều tra nghiên cứu gần đây đã mời 25 vị phi công thực hiện mô phỏng tình huống hạ cánh khẩn cấp khi hai bên động cơ cùng gặp sự cố của chuyến bay CA416 năm ấy. Tỷ lệ thành công trong số 25 vị phi công này là 100%, thậm chí có người còn có thể hạ cánh với vận tốc thấp hơn 226 nút trên hệ thống giả lập.
(Tài khoản có tích V nổi tiếng: gốc tiếng trung là “大V”, ý chỉ những tài khoản đã được xác minh danh tính (verified), có tiếng tăm, lượng người theo dõi trên 500k)
Mấy người chia sẻ bài viết này cho anh, trong số đó anh mở tin nhắn của Thiệu Anh Bằng đầu tiên.
Thiệu Anh Bằng hỏi: “Tiểu Trần, cậu đã xem tin này chưa?”
Trần Gia Dư biết Thiệu Anh Bằng vì hôm trước thấy anh có hỏi mấy lần về chuyện huấn luyện giả lập này, rõ ràng trong lòng cũng bận tâm về kết quả, vậy nên sau khi tin tức được đăng tải thì đã ngay lập tức báo cho Trần Gia Dư. Nếu kết quả này là thật, tỷ lệ thành công là 100% thì cũng không có nghĩa rằng Trần Gia Dư và Thường Tân là phi công tệ, nó chẳng qua chứng minh những người tham gia cuộc thử nghiệm mô phỏng đều là những phi công giỏi đạt tiêu chuẩn. Thật ra so với kết quả thì Trần Gia Dư tò mò về nguyên nhân hơn.
Thiệu Anh Bằng cũng không biết vì lý do gì mà bên hãng lại thực hiện cuộc thử nghiệm mô phỏng này cũng như tại sao kết quả lại lọt tới tay tài khoản tích V kia. Anh ta chỉ biết an ủi Trần Gia Dư: “Không phải bên hãng đăng, cũng không rõ đáng tin tới mức nào nữa.”
Trần Gia Dư chỉ đáp: “Dạ, cảm ơn anh Bằng. Chuyện này em quả thực chưa từng nghe tới.”
Một lúc sau, Chu Kỳ Sâm cũng nhắn tin cho anh. Vì hôm đó anh có hỏi Chu Kỳ Sâm về việc không nâng công suất động cơ lên tới mức 70%, đối phương đọc được bài viết này trên mạng, phỏng chừng cũng một cộng một bằng hai đoán được suy nghĩ trong lòng Trần Gia Dư.
Chu Kỳ Sâm rất khích lệ: “Ông đừng tin bài viết đấy. Thử nghiệm mô phỏng không mô phỏng được cụ thể tình huống kẹt van nạp nhiên liệu, hơn nữa mấy người tham gia thử nghiệm có ai mà không thuộc nắm lòng chuỗi thao tác mấy ông thực hiện năm đó, đều có thiên lệch kẻ sống sót cả.”
(Thiên lệch kẻ sống sót: tiếng Anh là “survivorship bias”, là một hiệu ứng tâm lý học nói về việc con người đã tin tưởng quá mức vào những phương pháp mà được cho là thành công)
Anh ta không rõ về tình hình thực tế đằng sau cuộc thử nghiệm mô phỏng này nên hỏi Trần Gia Dư: “Này là bên hãng nào kiếm chuyện à? Đã có báo cáo cuối cùng rồi còn làm trò này.”
Trần Gia Dư cười khổ, trả lời Chu Kỳ Sâm: “Chỉ sợ là hãng bọn tôi…”
Chu Kỳ Sâm nhắn một chuỗi chấm lửng, sau đó gửi chiếc emoji “ôm ôm” rồi nói thêm: “Được rồi, anh Gia, qua Hải Nam bọn tôi luyện tiếng Anh đi.”
Trần Gia Dư trò chuyện với Chu Kỳ Sâm một lúc, tâm trạng cũng đã khá hơn. Song, anh vẫn cảm thấy không thể bỏ qua, vậy nên trên đường về Lệ Cảnh, Trần Gia Dư gọi điện cho Đỗ Lập Sâm – một lãnh đạo bên hãng mà anh quen thân. Bản thân Đỗ Lập Sâm cũng là phi công già với hơn bốn mươi năm kinh nghiệm, là thành viên tổ bay cấp cao, mấy năm trước vừa chuyển sang làm quản lý. Từ khi Trần Gia Dư còn là cơ phó dự bị mới gia nhập công ty, Đỗ Lập Sâm đã rất tán thưởng anh, trước giờ vẫn luôn yêu quý và thiên vị anh, ngoại trừ trong hai việc. Thứ nhất là năm đó Trần Gia Dư không chịu tham gia chương trình “Cảm động Trung Quốc”, thứ hai là anh không chịu làm con rể của ông. Cho dù vậy, Đỗ Lập Sâm vẫn luôn có quan hệ tốt với anh, mấy năm nay nhiều lần chiếu cố, bản thân ông cũng biết rõ Trần Gia Dư là một phi công như thế nào.
(Thành viên tổ bay bao gồm phi công, cơ giới trên không, dẫn đường trên không, thông tin trên không và các thành viên chuyên ngành khác trên máy bay, trực thăng. Bên Trung, thành viên tổ bay được phân cấp chức danh thành cấp 1, cấp 2, cấp 3 và cấp cao (còn cách gọi khác là sơ cấp, trung cấp, phó cao cấp và chính cao cấp). Tiêu chuẩn để trở thành phi công cấp cao là phải có giấy phép phi công thương mại hoặc giấy phép vận tải hàng không; tổng số giờ bay tích lũy ≥ 5000 giờ, trong đó phải là cơ trưởng đủ 10 năm, có số giờ bay tích lũy ở vị trí cơ trưởng ≥ 3000 giờ)
Đỗ Lập Sâm ở đầu bên kia điện thoại cam đoan với anh: “Chuyện này cháu cứ yên tâm. Báo cáo điều tra năm ấy đã có từ đời nào rồi, chắc chắn không phải thực hiện để bới móc lỗi sai của cháu đâu.”
Trần Gia Dư thở dài, nói rõ đầu đuôi với ông: “Cháu không có ý kiến gì với việc sử dụng sự cố thực tế để thực hiện huấn luyện với buồng lái giả lập cả. Điều này hiển nhiên nên thực hiện nhiều hơn, tình huống càng thật càng tốt. Thế nhưng lại vào thời điểm mấu chốt này, còn bảo rằng vận tốc tiếp cận có thể không cần nhanh như vậy… Cháu thật sự rất bồn chồn.”
“Gia Dư này, chuyện thay đổi hạng mục buồng lái giả lập là do thành viên mới tới của hội đồng quản trị yêu cầu, không phải ý của bên bọn chú.” Đỗ Lập Sâm an ủi Trần Gia Dư mấy câu không có hiệu quả, chỉ đành tiết lộ thêm một chút với anh.
“Mới tới…” Trần Gia Dư đang lái xe, một tay nắm vô lăng, một tay bóp trán.
Đỗ Lập Sâm thì vẫn câu đó: “Chú không thể nói thêm với cháu được nữa. Dù sao thì báo cáo cũng là kết luận cuối cùng rồi, cháu đứng bận tâm dư luận trên mạng.”
Thế nhưng, lời của Đỗ Lập Sâm vẫn chưa đủ để thuyết phục được Trần Gia Dư. Nếu không có ý phán xét lại một lần nữa các thao tác của anh trong sự cố hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông thì để tài khoản Weibo có tích V tiết lộ những số liệu kia làm gì chứ?
Vừa vào tới cửa, Trần Chính thấy Trần Gia Dư về muộn nên hỏi: “Tối qua con không ở nhà à? Tuần trước cũng không thấy con.” Tào Tuệ cũng đang ngồi trong nhà. Trạng thái của bà có vẻ khá ổn, đang xem TV.
Trần Gia Dư hơi khựng lại. Tuần trước anh có ca trực liên tiếp nên đúng là đã ở lại nhà Phương Hạo. Thế nhưng vốn dĩ anh không phải ngày nào cũng qua nhà bố mẹ, không ngờ Trần Chính lại chú ý tới chuyện này. Câu hỏi này được đặt ra giữa lúc anh đang khoan khoái sau khi trở thành người yêu chính thức của Phương Hạo, đồng thời cũng đang ấm ức khi biết về bài viết liên quan tới thử nghiệm mô phỏng trên Weibo, khiến Trần Gia Dư trước giờ luôn suy xét thỏa đáng lại không có thời gian để chuẩn bị trước đáp án.
Một lát sau, Trần Gia Dư nói với hai người một nửa sự thật: “Dạ, hai hôm nay bên hãng khá bận nên con ở nhờ nhà bạn bên Đại Hưng cho gần sân bay.”
Trần Chính tìm được cớ, lại nói anh: “Con thấy chưa. Lúc đầu bố đã bảo với con là chỗ này quá xa, con đừng chuyển tới rồi mà.”
Trần Gia Dư mấp máy môi, kết quả Tào Tuệ lại góp lời hòa giải: “Gia Dư này, căn hộ chỗ Cảng Lam Hà của con giờ vẫn đang cho thuê à?” Bên Cảng Lam Hà là căn hộ anh mua hai năm trước ở Đại Hưng. Khu dân cư rất ổn, căn hộ hai phòng ngủ một phòng khách gần 160 – 170m2. Ý của mẹ anh là nếu không cho thuê thì Trần Gia Dư có thể ở lại bên đó.
Anh hiểu ý mẹ, chẳng qua anh nói: “Dạ, con đang cho một gia đình có hai con nhỏ thuê rồi ạ. Người ta thuê dài hạn, được gần hai năm rồi, cũng bớt lo.”
Trần Chính thấy không hỏi được nguyên do chuyện kia nên cũng không hỏi tiếp nữa, thay vào đó ông nhắc đến một việc còn khiến Trần Gia Dư phiền lòng hơn: “Dạo gần đây có phải con đắc tội với ai bên hãng không? Cuộc thử nghiệm trên buồng lái giả lập được tổ chức gần đây sử dụng tình huống hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông? Hơn nữa còn đưa ra kết luận là con tiếp cận sân bay quá nhanh?”
Trần Gia Dư nhắm mắt lại. Anh quả thật đã xem thường mạng lưới quan hệ của Trần Chính rồi. Dù anh không kể chuyện này với Trần Chính thì ông cũng có cách để biết được, anh muốn trốn cũng chẳng có nơi để trốn: “… Sao bố biết vậy ạ?”
Trần Chính nói: “Chú Lưu Thụy của con kể. Có thành viên mới tới của hội đồng quản trị tên Đoàn Khải Minh nhất quyết muốn tái hiện lại tình huống sự cố thực tế trên buồng lái giả lập, tình huống đầu tiên được chọn là sự cố năm ấy của bọn con.” Phó Tổng giám đốc Lưu Thụy có quen biết với bố Trần Gia Dư. Phỏng chừng là trên bàn cơm hay trong một tình huống nào đó khác, câu chuyện này được truyền qua truyền lại rồi truyền tới tai Trần Chính.
“Thì sự cố lớn nhất trong vòng năm năm trở lại đây cũng chỉ có sự cố năm ấy của bọn con thôi mà.” Trần Gia Dư biện hộ cho bản thân trong vô thức, sau đó anh mới nhận ra trọng điểm không nằm ở đó: “Bố nói người này họ Đoàn ạ?”
Huyệt thái dương của anh khẽ giật. Sẽ không… trùng hợp vậy chứ? Khổng Hân Di nghỉ việc; cố tình sắp xếp cho một nhóm phi công trẻ thực hiện thử nghiệm trên buồng lái giả lập tình huống hạ cánh khẩn cấp sau khi hai động cơ gặp trục trặc của chuyến bay CA416 năm ấy, sau đó chứng minh những gì anh làm khi ấy cũng không thật sự hoàn hảo. Nhẽ nào tất cả đều vì anh mắng Đoàn Cảnh Sơ một câu lúc trên đường lăn, sau đó khi bộ phận Nhân Sự tiếp nhận điều tra khiếu nại thì anh làm chứng cho Khổng Hân Di?
Tối đó, khi về tới nhà mình, Trần Gia Dư cảm thấy cả thể xác lẫn tinh thần đều kiệt quệ. Anh nghĩ không biết có nên nói chuyện này với Phương Hạo không, cuối cùng vẫn là thôi. Kể cả có nói thì một kiểm soát viên không lưu như cậu ấy cũng chẳng thể giải quyết được chuyện gì, ngược lại còn khiến cậu ấy phải lo lắng. Nghĩ tới đây, như thể tâm linh tương thông, Phương Hạo cũng đang nghĩ tới anh, điện thoại Trần Gia Dư nhận được một tin nhắn email gửi từ hòm mail công việc của Phương Hạo. Anh bèn nhấn mở. Sau vài bước thao tác trên máy tính, anh nhìn thấy lịch làm việc của hai người đã kết hợp làm một. Màu đỏ là anh, màu lam là Phương Hạo. Các ô màu đỏ và xanh lam có lúc chồng chéo lên nhau, có lúc lại đồng thời để trống.
Trần Gia Dư cảm thấy tâm trạng tốt hơn được một chút. Anh kiểm tra thời điểm hiện tại, ô xanh lam đang đi được một nửa – Phương Hạo đang trực. Anh vốn định gọi điện thoại cho Phương Hạo, lúc này chỉ đành chấp nhận phương án thứ hai, nhắn một tin “Chào buổi tối” gửi cậu ấy. Vốn dĩ Trần Gia Dư còn định nhắn thêm câu gì đó thân mật một chút nhưng rồi nghĩ qua nghĩ lại, anh có quá nhiều điều muốn nói, nếu gõ hết ra thì có khi ngọt tới ngất mất. Hơn nữa, anh cũng có rất nhiều điều muốn nghe Phương Hạo nói, vậy nên chờ cậu ấy tan ca rồi gọi điện vẫn là phù hợp hơn. Anh bèn đi tắm rồi lên giường chờ, chờ một lúc, không biết thiếp đi từ lúc nào.