Trên đường chèo thuyền mang mấy sọt trái cây và mật ong về nhà, Dịch Huyền hỏi Hà Điền: "Hôm qua em sao vậy?"
Cô biết anh đang hỏi gì, sau khi suy nghĩ, cô nói: "Em không hề giận, chỉ là... em hơi bối rối mà thôi. Em vẫn chưa nghĩ ra phải đối xử với anh như thế nào nữa."
"Vậy bây giờ em đã nghĩ ra chưa?"
Cô bật cười: "Còn chưa nghĩ ra."
Dịch Huyền cũng cười: "Vậy thì em cứ từ từ mà suy nghĩ!"
"Được."
Những ngày hai người yêu nhau sẽ như thế nào?
So với hoa còn đẹp, so với mật còn ngọt ngào hơn.
Cho dù làm gì cũng đều cảm thấy vui vẻ.
Đúng như Dịch Huyền nói, dù là sửa nhà vệ sinh, hay là thuộc da thì họ cũng đều cảm thấy vui, chưa kể những lúc xử lý hạt hạnh, hoa quả sấy khô, anh đào ngâm, hay mận tẩm mật ong thì càng khỏi phải nói.
Sau khi Hà Điền không còn tỏ ra khó chịu và phản kháng với việc "hôn môi" nữa, Dịch Huyền, người vừa mới biết được "mùi vị của tủy", luôn muốn nắm bắt mọi cơ hội để được hôn. Buổi sáng khi Hà Điền vừa thức dậy, anh sẽ muốn hôn lên mái tóc mềm mại như nhung và khuôn mặt nhỏ nhắn còn chưa tỉnh ngủ của cô. Mỗi lần muốn ăn cơm hay ăn mừng, ăn sáng gì đó, anh đều muốn hôn lên vành tai và tóc mai của cô, sau khi ăn xong, để tỏ lòng biết ơn đôi bàn tay bé nhỏ này đã làm ra những món ăn ngon, anh còn kéo tay cô đến trước mặt mình, hôn hoài hôn mãi.
"Nhìn đi, em xem, trên mu bàn tay của em còn có một cái lúm nhỏ này, giống như bàn tay em bé vậy!" Nói xong còn nắm chặt ở trong tay xoa xoa bóp bóp.
Mỗi lúc như vậy, Hà Điền đều nhìn về phía Lúa Mì, cảm thấy rất đồng cảm với nó.
Trước đây Dịch Huyền thường hay bóp chân của Lúa Mì, dạy nó cách bắt tay. Sau khi bắt tay, anh sẽ bóp chân nó mà nói: "Đệm thịt nhỏ đáng yêu quá!"
Nếu không phải cô đứng thẳng cao bằng vai anh, cô đoán có lẽ mình cũng sẽ bị bắt phải làm những động tác giống như Lúa Mì, nhếch cái mũi, chấp tay đứng hai chân này nọ cũng không chừng.
Những điều này đều ổn, ít nhất là không ảnh hưởng đến công việc hàng ngày.
Nhưng mà có điều... quá lãng phí thời gian.
Lúa Mì, kẻ bất ngờ bị thất sủng, hoàn toàn cảm nhận được sự cay đắng của một "cẩu độc thân".
Khi hai người chủ ôm nhau hôn hít này nọ, nó thường ngồi dưới chân họ và phát ra âm thanh rên rỉ, như thể nó không hiểu chuyện gì đang xảy ra, hoặc là đang theo dõi và bình luận.
Đôi khi, nó sẽ có vẻ hơi bồn chồn, quay từ bên này sang bên kia, vòng quanh họ, ngửa mặt chó lên tò mò và phát ra những tiếng kêu kỳ quái. Không biết nếu dịch từ ngôn ngữ của chó ra thì, có phải cũng sẽ giống với cái giọng mà nó đã dùng khi Dịch Huyền nâng nó lên cao hay không?
Một lần, Hà Điền lại nghe thấy tiếng Lúa Mì kêu một cách kỳ lạ, cô bối rối giãy giụa khỏi vòng tay của Dịch Huyền: "Lúa Mì đang nhìn kìa."
Dịch Huyền ôm cô không buông, nhìn Lúa Mì rồi cười nói với Hà Điền: "Chắc hẳn là nó ngửi được mùi gì đó rồi."
"Mùi gì?"
Anh cười nhìn cô, siết chặt tay hơn: "Theo em là gì? Là Pheromone* đó."
* Ở trường hợp này có thể được hiểu là chất hấp dẫn sinh dục.Hà Điền đưa tay lên vả nhẹ vào mặt anh. Anh cũng không dám nói bậy nữa.
Dịch Huyền muốn giảm bớt nỗi đau khổ cho "cẩu độc thân" Lúa Mì, anh để Hà Điền ở một bên chỉ đạo, còn mình thì làm chuồng cho nó.
Loại chuồng này khá tân tiến, cách xây dựng giống hệt như xây nhà gỗ, nhưng gỗ mà họ đang sử dụng nhỏ hơn nhiều.
Hà Điền đoán là Dịch Huyền muốn học cách xây nhà nên bây giờ làm mô hình nhỏ để luyện tay nghề một chút.
Cái chuồng được dựng và đặt ở hiên nhà, và Lúa Mì đáng thương đã bị đuổi ra ngoài, không còn đặc quyền vào nhà bất cứ lúc nào cũng được nữa. Bây giờ nó đã có kích thước gần bằng một con chó săn trưởng thành, làm hư hết hai cái giỏ, lẽ ra phải nên dọn ra từ lâu rồi.
Nhưng nó vẫn kháng nghị một cách giận dữ trong vài ngày, phớt lờ Dịch Huyền, người đã xây chuồng chó và chuyển nó ra ngoài.
Ngay sau khi thu số quả đã phơi khô lại xong, đã có thể đi bắt cá hồi.
Họ cũng chế tạo ra vài máy cho ăn tự động, đặt chúng trong kho nơi nuôi thỏ và vịt.
Máy cho ăn tự động được chế tạo theo nguyên tắc cài đặt thời gian nhỏ giọt cổ xưa. Một số ống tre sẽ được nâng lên bằng giá đỡ, các giọt nước nhỏ dần xuống chiếc phễu lớn của ống tre bên dưới, khi nước trong ống tre đạt đến độ cao nhất định, ống tre sẽ nghiêng và nhỏ giọt vào phễu tiếp theo, nước từ ống tre cuối cùng sẽ đẩy một ống tre xuống, viên bi nhỏ trong ống lăn đi và làm bật một cái chốt mở. Ống tre chứa thức ăn sẽ được đổ vào máng treo bên ngoài chuồng mỗi ngày.
Mặc dù phương pháp này có hơi rườm rà, nhưng nó hoạt động tốt và rất dễ thực hiện.
"Mấy ngày này tụi mày chỉ có thể ăn cỏ khô thôi!" Đêm trước khi khởi hành, Hà Điền và Dịch Huyền đã bổ sung thêm thức ăn giàu protein cho vịt và thỏ. Có năm máy cho ăn tự động được xếp thành hàng trong kho. Hầu như không còn chỗ trống để đứng nữa.
Sáng sớm hôm sau, họ mang theo Gạo, Lúa Mì, lều và dụng cụ lên đường.
Thực ra, Hà Điền lo lắng cho mấy cây trồng ở nhà hơn là vịt và thỏ. Bởi vì kê, khoai tây và khoai lang là những thực phẩm chủ yếu trong mùa đông này. Còn củ cải trắng, cà rốt và cải thảo là những loại rau dự trữ cho mùa đông, cũng như bắp cải, ớt, cà chua, dưa leo... thứ nào cũng đều đang trong giai đoạn tươi ngon hết.
Dù đã có hàng rào bao quanh và treo chuông gió, cối xay gió, nhưng ai mà biết được trong những ngày khi họ không có ở nhà này, những "vị khách" không mời mà đến có chạy ra đất trồng của họ nhai phá hay không?
"Có một năm, em và bà đi bắt cá, khi trở về thì đất trồng kê đều đã bị lật lên hết, là heo rừng kéo đến phá. Mùa đông năm đó, chúng em chỉ có thể dùng củ cải trắng để làm lương thực chính." Hà Điền lo lắng nói.
Dịch Huyền hỏi: "Làm cách nào mà có thể sử dụng củ cải trắng như lương thực chính được?"
"Thì ngâm gạo tạp qua đêm rồi nấu với củ cải đã cắt, làm cơm củ cải. Củ cải nấu chín mềm, vị cay bị gạo tạp hút hết cả rồi, nhiều khi còn bị gạo đen, gạo tím nhiễm màu, ăn cùng với cá xông khói... " Hà Điền cười: "Thực ra nó khá là ngon đó."
Dịch Huyền hỏi vậy là vì muốn làm cho cô vui vẻ: "Vậy thì năm nay chúng ta cũng làm một ít ăn đi."
"Được thôi."
Bọn họ vẫn qua sông bằng cầu dây.
Lần này khi qua cầu, Gạo đã biết cầu an toàn, tuy còn sợ hãi nhưng nó chỉ đứng giữa cầu một lúc đợi cầu bớt lắc, rồi qua cầu một cách trôi chảy.
Sau khi qua cầu, tiếp tục đi trong khu rừng rậm và đi về hướng Bắc theo con suối nhỏ khoảng một tiếng đồng hồ nữa, khu rừng bỗng mở ra, cây cối đột ngột thưa thớt, nắng gắt hơn hẳn.
Tương tự như đường lên núi lửa, ở đây cũng đã mở ra một con đường.
Con đường mòn nhân tạo này rộng chừng một mét, gần như thẳng tắp, những cây giữa đường đã bị đốn hạ, chỉ còn trơ lại một vài gốc cây, nhưng giờ cũng đã mọc đầy cành và lá mới.
Hà Điền và Dịch Huyền vừa đi vừa chặt bỏ những cành lá mọc trên những gốc cây đó. Lúc này, Gạo cũng đã biết tự giác, khi bọn họ chặt cành, nó sẽ nghênh ngang tiến về phía trước, vừa đi vừa ăn những cành mới và lá non trên gốc cây.
Cây cối hai bên đường cũng đã được cắt tỉa, những cành cây cách mặt đất bốn năm mét đã bị chặt hết, cao thẳng tắp, những tán cây hai bên trái phải đã sắp muốn chạm vào nhau, đến lúc đó, trên đường sẽ hình thành một cái mái che tự nhiên. Và sau khi bị cản nắng, những gốc cây trên con đường này sẽ khó có thể mọc lại cành và lá mới được nữa.
Có một số gốc cây ven đường do không được tiếp xúc với ánh nắng, ẩm thấp, nên đã trở thành nơi trú ngụ mới của rêu xanh và nấm mốc.
Khi Hà Điền nhìn thấy các loại nấm có thể ăn được, cô sẽ chỉ cho Dịch Huyền xem, nào là nấm sừng hươu, nấm thịt, nấm hương, nấm có tán...
Con đường này có chiều dài dài hơn một km, vừa đi vừa tỉa lại cành, hái nấm, nên họ đi rất chậm.
Phải mất hai tiếng đồng hồ mới đi xong con đường này.
Cuối lối đi có một lùm cây, vì năm ngoái Hà Điền không đến được nên lùm cây này đã lan ra lối đi; dây leo, cỏ dại, cây non, hoa dại và nhiều cây mâm xôi chen chúc nhau khiến họ không thể đi qua được.
Lùm cây này ngăn con đường dẫn ra một con sông nhỏ, Hà Điền và Dịch Huyền chỉ có thể dùng một cái lưỡi liềm lớn để phát cây, tìm đường ra, mới có thể đến được bờ sông.
Cuối cùng cũng đến được bờ sông, mặt trời đã lên cao, thời gian nóng nhất trong ngày cũng bắt đầu.
Lúc này rất thích hợp để qua sông.
Con sông nhỏ này chỉ rộng ba bốn mét, nước trong suốt như pha lê, dưới đáy sông là những viên đá màu xám hình tròn, nơi sâu nhất có thể không tới eo của Hà Điền, và nước chảy cũng không gấp lắm, có thể đi bộ băng qua.
Hà Điền tháo túi trên lưng Gạo xuống, trong đó là quần áo thay và túi ngủ của họ: "Tiếp theo chúng ta phải nhấc túi qua sông chứ nếu để Gạo mang qua, em sợ túi sẽ bị ướt."
Vừa nói, cô vừa cởi thắt lưng, quàng qua cổ, sau đó cởi quần dài và vớ ra, cho vào túi rồi lại mang giày rơm vào.
Cô vốn tưởng rằng Dịch Huyền cũng sẽ làm như vậy, nhưng khi cô ngẩng đầu lên, Dịch Huyền lại lộ ra một bộ dạng đã lâu không xuất hiện, đỏ mặt nhìn ngón chân của cô, đừng nói là quần, ngay cả thắt lưng cũng còn chưa cởi nữa.
Sau một hồi thì anh cũng cởi vớ ra cất kỹ, đeo thắt lưng và các đồ dùng lên vai như Hà Điền đã làm, rồi buộc khẩu súng ngắn ngang vai: "Đi thôi, lát nữa anh sẽ thay quần sau."
Hà Điền nhìn anh từ trên xuống dưới, có chút tò mò, cười hỏi: "Anh sao vậy?"
Dịch Huyền nghiêng mắt qua nhìn cô: "Không sao cả."
Nước trong sông nhỏ là nước tuyết tan từ trên núi chảy xuống, ngay giữa trưa mùa hạ mà vẫn lạnh thấu cả xương. Dưới đáy sông có rất nhiều sỏi đá, sỏi nhỏ sẽ theo cát tiến vào trong giày, xen vào kẽ các ngón chân, sỏi lớn thì trơn trượt, may mà đế giày rơm tạo lực bám tốt nên họ mới không dễ dàng bị ngã.
Sau khi qua sông, họ lại gặp phải một lùm cây rậm rạp khác, cây thấp nhất cũng cao khoảng sáu mét.
Hà Điền lấy quần áo sạch trong túi ra đưa cho Dịch Huyền, nhìn anh một chút, liền đỏ mặt nở nụ cười.
Anh nhìn ra được lý do vì sao cô lại cười, cũng trừng mắt làm ra vẻ cảnh cáo cô, rồi cũng cười theo.
Quần làm bằng vải lanh ngâm nước đã hoàn toàn dính vào người, thật ra cũng không khác biệt gì mấy so với không mặc.
Khi Dịch Huyền thay quần áo, Hà Điền không khỏi suy nghĩ, có phải cởi quần ra rồi thì có thể nhìn thấy đuôi rồng không?
Quần áo ướt có thể đem phơi trên bụi cây, còn giày thì đổi một đôi khác, Dịch Huyền đang sửa sang lại quần áo thì nghe thấy Hà Điền hét lên: "Cá! Cá tới rồi!"
Cô rút vợt cá từ trong túi đựng trên lưng Gạo ra, nhảy xuống sông, nhấn vợt vào trong nước.
Dịch Huyền vội vàng đến giúp, nước bắn tung tóe thành một đám sương mù trắng xóa, anh và Hà Điền cùng nhau nắm tay cầm của vợt cá cố nhấc nó lên. Bên trong vợt là một con cá hồi đang điên cuồng vặn vẹo, lớp vảy màu bạc sáng lấp lánh bên dưới ánh mặt trời.
Cả hai lôi vợt vào bờ, kinh ngạc hét lên.
Con cá hồi bạc này nặng ít nhất một chục ký, dài gần bằng cánh tay của Dịch Huyền, có đầy vảy bạc nhỏ và một số mảng màu xám gần lưng.
Cá được kéo vào bờ vẫn còn đang không ngừng giãy, vợt cá cũng theo đó mà nẩy lên theo.
Hà Điền đè đầu con cá, ấn đầu gối vào mình nó, dùng ngón tay ngoáy vào mang cá, xé rách mang màu đỏ, con cá chết ngay sau đó. Cô mang cá đến bên sông rửa sạch, lấy dao rạch bụng và lấy nội tạng cá ra.
Đây là cá trống, bên trong bụng có rất nhiều mỡ.
Vậy là cơm trưa hôm nay đã có rồi.
Dịch Huyền tìm một ít củi khô, xếp đá, dựng một đống lửa rồi nhóm lửa lên, sau đó anh tìm hai cành cây dài, chặt ngọn của nó thành hình chữ Y, cắm vào hai bên đống lửa. Hà Điền lấy hai miếng thịt cá ra xiên vào hai cành cây. Đặt hai xiên cá cạnh nhau trên giá rồi nướng.
Đầu cá và xương cá đều bỏ đi, ném xuống sông, mỡ cá thì cho Lúa Mì ăn.
Cá hồi chỉ sau vài phút nướng là đã có thể ăn được, thịt cá ban đầu có màu cam giờ đã chuyển sang màu hồng nhạt, mỡ chảy ra, mùi thơm phức, rắc một chút muối lên, nhẹ nhàng thổi thổi, ăn ngon cực kỳ.
Từ lúc này trở đi, khi ăn, hai người đều sẽ ngồi đối diện nhau và phải luôn tỉnh táo. Bởi vì nơi này gần với địa bàn của loài gấu.
Bữa trưa này đến rất kịp thời và ngon miệng, duy nhất không được hoàn mỹ chính là họ chỉ có thể ngồi ăn ngoài nắng.
Lúc chặt củi Dịch Huyền cũng đã cắt một vài ngọn cỏ và treo chúng lên nón của hai người để tạo ra một chút mát mẻ. Gạo vui vẻ nghỉ dưới gốc cây, Lúa Mì thì vì bơi qua sông mà ướt cả người nên giờ đang nằm phơi nắng, tội nghiệp vô cùng, may mắn là có đồ ăn ngon, Hà Điền cho nó một miếng cá sống lớn, còn có mỡ cá vừa ngon vừa bổ dưỡng nữa.
Ăn no rồi, vừa vặn có sức mà chặt cây dọn đường.
Phía sau có một khu rừng, trong rừng còn có một con đường do ông bà của Hà Điền mở ra, có thể giảm thiểu thời gian băng rừng rất nhiều.
Đến chiều tối, họ đến một thung lũng sông, ở đây có nhiều thác nước lớn nhỏ, thượng nguồn là con sông với rất nhiều cá chết mà họ đã trú lại lúc mùa đông, các con sông ở hạ lưu liên tục tách ra rồi lại nối nhau kéo dài hàng trăm km, dẫn ra biển. Cứ đến mùa hè, cá hồi và các loài cá di cư nở ra ở các suối trên núi sẽ lội ngược dòng, trở về nơi sinh sản và đẻ trứng tại đó.
Bọn họ đã tìm được một nơi thích hợp trong khu rừng để trú lại, dựng một chiếc lều bên sông.
Trong vài ngày tới, họ sẽ bắt càng nhiều cá hồi càng tốt, đảm bảo một mùa đông không lo rầu về cái ăn cái mặc.