Lúc này tâm trạng Đoạn Khánh Tân mới khá hơn, cô ấy ngồi xuống bên cạnh Trần Gia Bảo, ngước mắt lên thấy Hà Kim Hương và Chu Linh Hoa thì thầm nghĩ trong bụng Trần Gia Bảo cũng thật là có vận đào hoa, không ngờ ngoài Đoạn Thi Dương ra thì còn có hai cô gái xinh đẹp thế này ở bên cạnh.
Hà Kim Hương vội vã chào hỏi Đoạn Khánh Tân.
Đoạn Khánh Tân mỉm cười gật đầu, mặc dù thấy bất mãn trong lòng nhưng cô ấy vẫn luôn nhớ mục đích của mình, cô ấy điều chỉnh lại cảm xúc rồi nói với Trần Gia Bảo: “Lúc ở trên giảng đường, cậu chỉ tập trung nhấn mạnh Đạo giáo, nhưng ngoài Đạo giáo ra thì còn có Nho giáo. Hơn nữa, nói một cách nghiêm túc thì từ trước đến nay, Nho giáo vẫn luôn có sức ảnh hưởng nhiều hơn Đạo giáo, nếu Đạo giáo theo đuổi bản nguyên căn bản nhất của vũ trụ thì Nho giáo lại hoàn toàn thiên về tính thực dụng.”
Trần Gia Bảo lắc đầu, cười.
“Sao hả? Cậu cảm thấy tôi nói không đúng sao?” Đoạn Khánh Tân ngây ra.
“Đương nhiên là không đúng rồi.” Trần Gia Bảo mỉm cười và nói: “Những lập luận này của cô chính là thực trạng hiểu biết không đến nơi đến chốn của xã hội ngày nay đối với tư tưởng Nho giáo. Nói một cách nghiêm túc thì mục tiêu theo đuổi căn bản nhất của Nho giáo không khác gì so với Đạo giáo, cũng đều là theo đuổi “Đại Đạo”. Chẳng qua là Nho giáo có bề nổi và bề chìm, bề nổi chính là xây dựng “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” của xã hội còn bề chìm chính là tu hành, cũng tức là tu đạo.
Tiếc là mọi người chỉ biết đến bề nổi của Nho giáo mà không hề biết đến bề chìm của nó, thế là cho rằng Nho giáo nông cạn hơn Đạo giáo, đó chỉ là một loại thành kiến. Chẳng hạn như “Trung Dung”, tâm pháp căn bản nhất của Nho giáo đều nằm hết trong “ Trung Dung”. Mở đầu là nhắc ngay đến “Bản tính là do trời cho, thuận theo tính thì gọi là đạo, tu đạo thì gọi là giáo.”
Trong lời mở đầu của “Trung Dung”, câu đầu tiên đã nhấn mạnh cái gì gọi là “đạo”, thật ra “đạo” ở đây và “đạo” mà Đạo giáo theo đuổi không có gì khác nhau, chỉ là người thế tục không hiểu rõ mà thôi. Giảng viên Tân, tôi cũng hỏi cô, cái gì gọi là “mệnh trời”?
“Mệnh trời?” Ánh mắt Đoạn Khánh Tân thoáng nét mơ hồ, cô ấy lắc đầu và nói: “Ba mươi tuổi chín chắn, bốn mươi tuổi không còn mơ hồ, năm mươi tuổi thì biết mệnh trời, nói thật lòng tôi không biết cái gì gọi là mệnh trời.”
Phản ứng của Đoạn Khánh Tân nằm trong dự đoán của Trần Gia Bảo, anh mỉm cười và nói: “Năm mươi tuổi thì biết mệnh trời, đó là cảnh giới của Khổng Phu Tử. Vậy cô đã phát hiện ra mối liên hệ của nó với quyển “Chu Dịch” mà Khổng Phu Tử đọc lúc năm mươi tuổi chưa? Vì vậy Khổng Phu Tử mới nói “Không đọc “Dịch” thì không thể biết mệnh trời là gì.”
“Chu Dịch vốn dĩ thảo luận về chân lý vận hành của vũ trụ, nội dung của nó và “Đạo Đức Kinh” có thể chứng minh cho nhau, còn cái gọi là “Đạo” của Khổng Phu Tử thì lại nằm trong “Chu Dịch”. Vì vậy mới nói, Nho giáo và Đạo giáo về căn bản không có sự khác biệt”
“Lấy một ví dụ, người trong Đạo giáo thường hay nói “Đến với đạo bằng lòng chân thành” mà trong “Trung Dung” lại chú trọng thảo luận cái gì gọi là “lòng thành”, làm sao để làm có được “lòng thành” cũng như vô số thứ thần kì, huyền diệu của “lòng thành”. Đó chính là mối liên hệ nội tại của Nho giáo và Đạo giáo. Đáng tiếc là từ lâu bề chìm của Nho giáo đã không còn ai kế tục.”
Trần Gia Bảo nói xong thì thở dài tiếc nuối.
Đoạn Khánh Tân mở to hai mắt, trong lòng cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Trước giờ cô ấy chưa từng nghĩ đến những điều mà Trần Gia Bảo vừa nói, khoan hãy nói là đúng hay sai nhưng ít ra thì nghe có vẻ rất có lý. Đúng vậy, cực kỳ có lý, ngoài việc nó đi ngược lại với cái nhìn thông thường của người trong thế tục ra thì không có bất cứ vấn đề nào khác.
“Đúng là trong đầu Trần Gia Bảo có rất nhiều kiến thức mà bản thân mình không có. Lần này mình đến tìm Trần Gia Bảo thật không sai!”
Đoạn Khánh Tân cảm thấy phấn khích, đôi mắt xinh đẹp cũng bắt đầu sáng lên, trong mắt của cô ấy thì Trần Gia Bảo đã trở thành một bảo tàng khiến cô ấy không thể kiềm chế được mà phải khai thác sâu hơn.
Thế là cô ấy hào hứng đưa ra cho Trần Gia Bảo thêm mấy vấn đề nữa, đến mức tiệc chào đón tân sinh viên đặc sắc đã bắt đầu mà cô ấy cũng không thèm xem.
Nhưng câu trả lời của Trần Gia Bảo cũng không làm cô ấy phải thất vọng, câu nào câu nấy cũng vượt ngoài sức tưởng tượng. Thậm chí rất nhiều lý luận còn đi ngược lại cái nhìn thông thường của người đời nhưng Trần Gia Bảo lại dùng những quyển sách kinh điển của Nho giáo và Đạo giáo làm dẫn chứng để chứng minh, chuyện này giúp cô ấy đột nhiên ngộ ra nhiều điều, trong lòng cảm thấy vô cùng kinh ngạc và càng cảm thấy tò mò với Trần Gia Bảo hơn.
Lúc này, Trần Gia Bảo giống như một thầy giáo còn Đoạn Khánh Tân lại như một học trò.