Sang tới ngày mai là vừa tròn một trăm ngày tôi bị trôi dạt tới vùng quê vừa hoang vu lại hẻo lánh này.
Nơi này đúng thật là chốn rừng thiêng nước độc, thời điểm tôi tỉnh dậy thì nửa người vướng vào một thân cây, nhờ vậy mới không bị dòng nước cuốn đi tiếp. Tôi bò ra khỏi suối, toàn thân ướt nhẹp run cầm cập, ấy vậy mà đi tới đi lui không kiếm được một nhà dân nào.
Cực chẳng đã, tôi đành tự đánh lửa, lại kiếm một hang động nhỏ ngủ lại, vật vờ sống tạm được mấy ngày đầu tiên.
Sau khi tỉnh táo hơn, tôi tự hỏi bản thân nên làm gì. Bởi vì có một sự thật không mấy vui vẻ lắm đó chính là tôi mất trí nhớ rồi.
Người mất trí nhớ có biết mình mất trí nhớ không? Tôi không rõ lắm, chỉ biết bản thân chẳng nhớ được chính mình là ai, cũng chẳng nhớ mình tới từ đâu, trong nhà có bao nhiêu anh chị em, đã cưới vợ sinh con hay chưa. Nhưng hiển nhiên một người trưởng thành chẳng thể mọc ra từ trên cây, tôi đành kết luận rằng mình bị mất trí nhớ rồi.
Tôi sống vật vờ bên trong cánh rừng này một thời gian, mỗi ngày sẽ đi ra ngoài xa hơn một chút để thăm dò, sau một tháng thì đại khái nghe ngóng được không ít.
Nơi mà tôi mắc kẹt quả thật là chốn khỉ ho cò gáy có tên rừng U Minh. Từ đây muốn tới được thôn gần nhất cũng phải hơn mười dặm đường, nếu chỉ dùng hai chân đi bộ thì cũng phải mất cả ngày trời.
Thôn U Minh cũng chẳng khá hơn rừng U Minh là bao, xơ xác điều hiu, người trẻ tuổi đều đã đi xa kiếm ăn, sót lại chỉ toàn mấy ông bà già và trẻ nhỏ.
Dân số ít ỏi nên khi có kẻ lạ mặt là tôi xuất hiện thì gần như ai nấy đều phát hiện ra ngay. Phải mất một thời gian dài họ mới tạm tin rằng tôi không phải người có ý đồ xấu, thật sự chỉ mất trí nhớ nên không biết đi đâu về đâu.
Có lẽ do mặt tôi có nhiều sẹo quá nên họ nghĩ tôi từng đâm thuê chém mướn, chính tôi lúc mới nhìn thấy còn tự hỏi bản thân ngày xưa gây thù chuốc oán cỡ nào.
Nhưng người chỉ có thể mất trí nhớ chứ sao có thể đổi cả tính được, tôi tự thấy bản thân hiền hoà tốt bụng, nói không chừng vì hiền quá nên mới bị kẻ khác bắt nạt ra cơ sự này.
Vì chẳng nhớ được gì nên tôi cũng chẳng biết nên đi đâu, cứ thế sống tạm tại thôn U Minh vậy.
Kỷ niệm một trăm ngày trôi dạt tới đây, tôi nhặt được một đứa trẻ.
Nó khác với tôi, một đứa bé nhỏ xíu lại bỗng dưng xuất hiện giữa rừng U Minh. Lần đầu tiên gặp mặt, tôi suýt còn không nhận ra đó là người, bởi vì toàn thân nó đầy rẫy vết thương, tựa như con thú sắp chết vậy.
Tôi mang bé con về nhà chăm sóc tắm rửa, mất ba ngày nó mới tỉnh lại. Khi tôi hỏi nó tên gì, đến từ đâu, nó ngơ ngẩn chẳng biết gì cả, dường như còn chẳng hiểu tôi đang nói gì. Vì vậy tôi đoán chắc nó là người dân tộc, hoặc ngoại tộc ở nơi khác lạc sang đây.
Lại mất thêm vài tháng, đứa bé nghe nói được ngôn ngữ nơi đây, nó mới bảo tôi rằng tên nó là Man Di.
Tôi cảm thấy cái tên này nghe không hay lắm, hỏi nó vì sao lại lấy tên này. Man Di bảo nó nhớ dường như có khá nhiều người gọi nó như thế, cho nên nó liền mặc định đó là tên của mình.
Đứa trẻ đáng thương. Chắc đám người kia ỷ vào việc nó không biết nói tiếng của mình, cộng thêm vẻ ngoài khác lạ nên mới mắng chửi nó là "man di mọi rợ".
Man Di hỏi tôi tên gì, tôi liền trầm ngâm không biế nói sao.
Vì đúng thật tôi chẳng nhớ ra được mình tên gì. Từ ngày mở mắt tại rừng U Minh, đầu óc tôi vẫn luôn như tờ giấy trắng, chẳng biết mình là ai.
Trừ Man Di ra, trước giờ chẳng ai hỏi tôi tên gì, vì vậy tôi chưa từng bận tâm nghĩ về việc cần có một cái tên.
"Man Di đặt cho ta một cái tên đi." Tôi xoa đầu nó.
Man Di nghiêm túc suy ngẫm, hồi sau mới khẽ nói: "Hồ Huyên."
Tôi nghe cũng êm tai, không thành vấn đề gì cả. Chỉ là tôi hơi thắc mắc vì sao Man Di lại chọn nó thôi.
"Bởi vì..." Man Di ngượng ngùng đáp, "Ta cảm giác người mang tên này... là người xinh đẹp lại tuyệt vời nhất trên đời."
Coi cái miệng dẻo chưa kìa, tôi bắt đầu thích cái tên Hồ Huyên này, thích cả thằng nhãi con Man Di rồi.
Dù sao cũng đã lỡ "nhặt" được người rồi, tôi cảm thấy mình cần phải chịu trách nhiệm với nó. Huống hồ bé con cũng chẳng có nơi nào để đi, tôi cứ giữ nó lại nuôi thêm một miệng ăn cũng không sao.
Người dân nơi này đối với sự xuất hiện của tôi vốn đã nghi ngờ, nay lại thêm một đứa trẻ đến từ rừng U Minh thì càng không nồng nhiệt đón chào. Dẫu sao trong mắt họ rừng U Minh là nơi có đi không có về, đột nhiên chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi lại nhảy ra hai người sống, kẻ nào cũng khả nghi như nhau, dĩ nhiên chẳng thân thiện nổi.
Tôi thì chẳng hề hấn gì mấy, dẫu sao tôi đã trưởng thành rồi, bọn họ có muốn nghi kỵ nói xấu gì cũng chỉ xì xào sau lưng. Nhưng Man Di thì khác. Nó chỉ mới là đứa trẻ, trẻ con nơi đây luôn ỷ vào việc nó không sõi tiếng với không cha không mẹ để mà ức hiếp.
Có điều Man Di cũng chẳng phải kẻ hiền lành. Sức nó lớn, bản tính còn hung dữ, kẻ nào dám chọc tới thì nó sẽ đánh lại ngay.
Dĩ nhiên phần hung dữ này tôi chỉ phát hiện ra khi trông thấy nó đánh nhau với người ta, chứ ở nhà Man Di hiền như cục bột, tôi bảo gì nó cũng một dạ hai vâng.
Ở thôn U Minh được một năm, tôi quyết định dọn đi. Tuy nơi này không tính như tệ, cuộc sống trôi qua khá êm đềm, đáng tiếc lại quá hẻo lánh không có mấy cơ hội phát triển.
Man Di còn trẻ, tôi hy vọng nó sẽ được nhìn ngắm thế giới rộng lớn, đạt được những thành tựu phi thường hơn. Có thể đây chỉ là cảm nhận của riêng tôi, song từ lần đầu gặp mặt, tôi đã thấy Man Di không phải người tầm thường, tương lai sớm muộn cũng làm nên nghiệp lớn.
Mà sự nghiệp lớn nhất tôi có thể nghĩ tới chính là... làm quan.
Đúng vậy, tôi quyết tâm sẽ cho Man Di đi học, để đường công danh rộng mở, ngày nào đó sẽ áo gấm về làng trong vẻ vang.
Mà muốn học thì phải tìm đến những thị trấn lớn đông người hơn, có thầy giáo tốt, không thể cứ quanh quẩn mãi ở thôn U Minh được. Người ở đây không xem trọng việc học, không phù hợp cho Man Di bồi dưỡng tài năng.
Chỉ có kinh thành mới là chốn phồn hoa náo nhiệt nhất trần thế. Tôi muốn đem Man Di lên kinh thành.
Vì thế tôi và nó cùng nhau rong ruổi lên đường. Chúng tôi mua một quyển Tam Tự Kinh cũ mèm từ tên bán hàng rong, mỗi ngày sẽ cùng nhau học tập, biết được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Dọc đường đi chúng tôi ăn nhờ ngủ đậu, hết tiền thì đi làm công kiếm chút vốn dằn túi, ăn uống tiết kiệm thì cũng chẳng đến nỗi nào. Ròng rã ba tháng trời, chúng tôi cuối cùng cũng đến được cổng kinh thành.
Nào ngờ ngay thời khắc mấu chốt như vậy, Man Di đột nhiên nói tôi: "Huyên ơi, ta nghĩ kỹ rồi, ta không muốn làm quan."
Tôi khép Tam Tự Kinh lại: "Thế ngươi muốn làm gì?"
Ngẫm lại tôi dường như đang áp đặt mong muốn của bản thân lên Man Di, điều đó là không nên. Cho dù nó nói nó muốn làm thợ mộc hay nông dân thì tôi cũng đều hoan nghênh ủng hộ cả.
Nào ngờ đáp án của Man Di lại ngoài dự đoán của tôi: "Ta muốn tu tiên."
Tu tiên... Hai chữ này như giấc mộng xa vời đối với người phàm, tôi không biết nên nói gì với nó nữa.
Từ xưa tới nay không thiếu người mong muốn theo đuổi tiên đạo. Thế nhưng ai cũng biết tiên duyên chỉ có thể cầu chứ chẳng mong được đáp lại. Trăm ngàn người phàm may ra mới có một người có căn cốt để tu tiên, hơn nữa con đường này gian truân gập ghềnh vô cùng, đâu phải muốn đi là đi.
Có điều thời điểm nhìn vào ánh mắt trông mong của Man Di, tôi không tài nào thốt nổi câu "từ bỏ đi". Tôi thầm nghĩ, nói không chừng nó lại có thể làm được. Mà cho dù không thể cũng không sao cả, chí ít chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi.