Hơn 10h tối, một đêm mùa đông, thành phố vắng tanh, hiếm hoi lắm mới có vài chiếc xe qua lại. Hơi sương phủ xuống, dưới ánh đèn có thể nhìn thấy từng lớp, từng lớp chùng chình giăng lối.
Huyền đi bộ trên con phố nhỏ không một bóng người. Ánh mắt cô hoang hoải, nhìn xa xăm về phía cuối đường, chỉ thấy thăm thẳm mênh mông. Cảm giác cô đơn và nỗi buồn òa ập đến. Huyền bước xuống lòng đường, cứ thế vô thức bước đi. Bất ngờ, cô nghe thấy một tiếng hét lớn:
- Cẩn thận! Coi chừng xe…
Đầu óc Huyền trống rỗng, chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, sau vài giây, chỉ thấy một thứ âm thanh kinh hãi, xé toạc đêm đông yên tĩnh. Tiếng xe phanh cháy mặt đường. Lúc này, cơ thể Huyền bắt đầu có cảm giác, cơn đau ập đến, từ bả vai, cánh tay, phần thắt eo cho tới cả 2 chân, toàn thân như thể xương cốt đang gãy rời ra từng khúc.
Đã có một lực rất mạnh xô Huyền ngã vật xuống đường. Cô nằm im với hi vọng cơn đau ấy bớt dần đi. Được vài phút, Huyền đảo mắt nhìn rộng ra xung quanh. Thế rồi, tim như bắn ra khỏi lồng ngực. Cái đau trên thân thể trong phút chốc bay biến đi đâu mất khi cách mình một đoạn là người thanh niên nằm trên máu. Thân hình anh ta cao lớn nằm bất động dưới đất. Không biết còn sống hay đã chết, chỉ thấy chiếc áo sơ mi trắng trên người máu thấm ra ngoài, đỏ đầm đìa, trông rất đáng sợ.
Huyền lập tức hiểu ra vấn đề. Chính anh ta đã vừa cứu cô thoát chết. Là anh ta đẩy cô ngã nhào vào một góc còn bản thân bị chiếc xe kia tông vào, dù cho người tài xế cũng đã cố phanh gấp lại. Huyền không đứng lên được, lồm ngồm bò lại về phía anh ta, lay lay người gọi:
- Anh gì ơi, anh gì ơi, anh còn sống không? Huhu…
Nước mắt Huyền giàn giụa, giọng nói run rẩy. Chàng thanh niên ấy vẫn không trả lời. “Không lẽ… chết rồi” - Huyền đã nghĩ như thế nên càng sợ hãi. Cô khóc to hơn, tay đập liên hồi lên người anh ta:
- Anh gì ơi, trời ơi, anh cứu tôi làm gì, tôi chết thì mặc tôi, anh cứu làm gì để ra nông nỗi này. Anh có làm sao thì tôi chết bao nhiêu lần mới trả hết cái tội này đây.
Tới lúc này, đỗ xe gọn vào bên đường xong, người tài xế cũng hớt hải chạy lại, mặt cắt không còn giọt máu, run bần bật hỏi:
- Còn sống không? Hay chết rồi?
Huyền mếu máo:
- Em cũng không biết, em gọi nhưng không thấy có phản ứng gì.
Vẫn không từ bỏ hy vọng, Huyền lay thêm lần nữa:
- Anh gì ơi, anh đừng chết nhé. Sao anh dại dột thế, đi cứu tôi làm gì để rồi giờ thành ra thế này…
Vài giây sau, chàng thanh niên có phản ứng. Cậu ta dùng chút sức lực còn lại để giữ lấy tay Huyền, ngăn tác động của cô lên bả vai đau điếng, cất giọng nói:
- Tôi chưa chết mà nghe cô rủa có lẽ cũng khó sống được. Cô làm ơn đừng đập vào người tôi nữa, tôi đau sắp tắt thở rồi.
Thấy anh ta còn sống, Huyền như từ cõi chết trở về:
- Anh không chết là mừng rồi, anh đau ở đâu, để tôi đưa anh đi viện.
Lúc này, không chỉ có Huyền mừng mà cả người tài xế kia cũng sướng phát điên vì tránh được cái họa gây tai nạn chết người. Anh ta lập cập chạy tới:
- Cậu chịu khó, ngay gần đây có bệnh viện, tôi gọi xe cấp cứu đưa cậu đi chứ giờ tôi với cô này cũng không dám nâng cậu lên đâu, ngộ nhỡ lại làm tổn thương các bộ phận khác.
Không hiểu sức mạnh ở đâu, Huyền ngồi bật dậy, đỡ lấy đầu anh ta, đặt lên đùi mình trong lúc chờ đợi. Hơn 10 phút, xe cứu thương đến, Huyền ngồi cùng, còn người tài xế kia lái xe chạy theo sau.
Sau gần 1 tiếng, các bác sĩ thông báo, chàng trai tên Hoàng Tùng ấy ngoài việc bị thương phần mềm dẫn đến chảy máu, xây xát khắp người thì chỉ bị gãy tay phải, cần bó bột, thật may không gặp phải chấn thương nào nghiêm trọng. Nghe xong thông báo đó, cả Huyền và anh tài xế đều thở phào nhẹ nhõm.
Quá nửa đêm mọi việc mới xong, Tùng được đưa về phòng bệnh. Tùng báo cho bạn thân nhưng ngặt một nỗi hôm nay bạn về quê nên cũng chưa thể vào viện ngay với cậu được. Huyền và người tài xế cũng vào theo. Khi các bác sĩ đi cả rồi, anh tài xế mới nổi cơn thịnh nộ, lao tới, tát một cái cháy mặt vào má của Huyền:
- Cô thấy cô tai hại thế nào chưa? Thiếu chút nữa thì cô giết người rồi đấy? Cô muốn chết thì tìm cách khác mà chết, đừng đâm đầu vào ô tô rồi làm khổ người khác. Tôi còn vợ, còn con. Nếu hôm nay tôi đâm chết cô hoặc là cậu thanh niên này vô phúc vì cứu cô mà chết đi thì cả nhà tôi cũng khốn đốn theo. May mà trời thương còn phù hộ đấy. Mấy cái cô tiểu thư như cô đúng là sướng quá nên không hiểu sự đời, không làm được cái việc gì ra hồn cả, muốn chết cũng hại người khác chết theo.
Có lẽ anh ta quá bức xúc, lại thêm phần sợ hãi nên không kiềm chế được mình. Lần đầu tiên trong đời ăn một cái tát nảy lửa, bị mắng rát mặt, lại thêm cơ thể cũng đau đớn sau cú ngã, Huyền run lẩy bẩy, lập cập, nhận lỗi về mình:
- Em xin lỗi… Em không cố ý. Mọi chuyện đều là do em. Em xin lỗi anh, xin lỗi anh Tùng vì đã làm cho mọi người gặp rắc rối.
Nhìn cảnh tượng này, không đành lòng, Tùng nằm trên giường bệnh, dùng bên tay còn lại ngăn anh tài xế:
- Thôi anh, cũng là chuyện không may thôi. Mình là đàn ông, đừng chấp nhặt cô bé này nữa. Em cũng không sao đâu, tai nạn qua quýt thôi mà.
Người tài xế nghe vậy cũng cố kiềm chế cơn nóng giận, quay sang móc ví ra, đếm tiền rồi nhét vào tay Tùng:
- Chú cầm tạm tẩm bổ, tiền viện phí các thứ anh sẽ thanh toán. Cuối tháng lĩnh lương anh sẽ gửi chú thêm. Thôi còn sống là mừng cho cả anh với chú rồi. Mà lần sau đừng có vì nghĩa quên thân thế nữa. Mình còn gia đình, còn người thân, đừng có dại dột như thế rồi chỉ khổ bố, khổ mẹ của mình thôi em ạ.
Tùng vội đẩy trả:
- Em không nhận tiền đâu. Anh cầm lấy đi. Anh làm nghề lái taxi, cũng không có dư giả gì. Tiền viện phí anh thanh toán là được rồi. Thôi anh về đi.
Huyền lao tới:
- Anh tài xế ơi, anh cứ nhận lại tiền đi ạ. Lỗi này là do em mà. Tiền viện phí em vừa thanh toán hết cả rồi. Tiền chăm sóc, bồi bổ hồi phục sức khỏe cho anh Tùng em cũng sẽ lo hết. Em xin lỗi vì gây rắc rối cho hai người. Hãy để em được nhận trách nhiệm này.
Anh tài xế nói:
- Đó là việc của cô, tôi không quan tâm. Tôi tuy không giàu nhưng cũng biết cái gì nên, cái gì không. Chuyện Tùng bị thương do tôi đâm phải thì tôi cũng phải chịu trách nhiệm. Thôi Tùng, em cứ cầm lấy cho anh vui lòng.
Huyền đứng phía sau, lắc đầu điên đảo ra hiệu cho Tùng đừng nhận. Hiểu ý, Tùng cũng nhất quyết từ chối vì cậu biết anh ấy chẳng có nhiều nhặn gì, còn phải lo cho cả gia đình nữa. Đẩy đưa một hồi, cuối cùng người lái taxi cũng chịu cầm lại số tiền. Trước khi ra về, anh ta quay sang nói với Huyền:
- Thôi được rồi, xem ra cô đích thị là tiểu thư con nhà giàu, tiền bạc không thiếu, vậy cô muốn chuộc lỗi thì tôi tôn trọng. Nhưng từ giờ về sau, làm ơn sống có trách nhiệm một chút. Đừng vì chán đời mình rồi làm hại đời người khác. Mạng này của cô là do cậu ấy cứu đấy, nên trời cho số sống thì cố mà hưởng.
Anh tài xế ra về, Tùng nhìn Huyền nói:
- Cô cũng về luôn đi, tôi ổn rồi.
- Thôi, anh để em ở lại đây, mai anh có người nhà hay bạn vào chăm thì em về.
- Không cần…
- Vả lại giờ cũng muộn rồi, em về một mình sợ lắm. Em đã báo với bố mẹ là ngủ lại nhà bạn rồi, anh cho em ở lại đây nhé. Em sẽ ra kia nằm ở cái ghế gấp dành cho người nhà chăm nuôi bệnh nhân. Em không làm phiền đâu.
Nghe Huyền nói thế, Tùng cũng không nỡ, đành mặc kệ cô gái ấy. Tùng nhìn một lượt, thấy áo Huyền cũng bị mài rách, có lẽ do cú ngã.
- Cô tên gì? Bao nhiêu tuổi rồi?
- Em á? Em tên là Khánh Huyền, 20 tuổi. Em là sinh viên năm 2 trường nhạc viện. Anh Tùng bao nhiêu tuổi rồi?
- 22
- Thế là hơn em 2 tuổi - Huyền nói chuyện hồ hởi, thân tình.
- Ừm, thôi ngủ đi. Sáng mai cô nhờ y tá, bác sĩ khám lại cho xem xương khớp có sao không, lúc nãy cô cũng ngã mạnh đấy.
- À, vâng, không sao đâu. Thôi anh ngủ đi.
Huyền lục đục ra ghế nằm, Tùng mệt, khép mắt lại, thiu thiu ngủ. Vừa được vài phút, tiếng cô bé ấy lại lanh lảnh vang lên:
- À, anh Tùng này…
Tùng giật mình, vội mở mắt:
- Sao thế?
- Cảm ơn anh vì việc anh đã cứu em nhé. Nếu không có anh chắc hôm nay em về chầu ông bà vải rồi. Anh yên tâm, em nhất định sẽ có trách nhiệm. Anh muốn ăn gì, uống thuốc bổ gì cứ bảo em nhé.
Tùng thiếu chút nữa thì nổi đóa lên. Giờ là gần 1h sáng, thứ mà Tùng muốn là được đi ngủ chứ không phải là dựng dậy nghe mấy lời cảm ơn này. Nhưng là đàn ông, Tùng cũng không nỡ quát vào mặt Huyền, chỉ trả lời cộc lốc:
- Không cần, tôi đi ngủ được chưa?
- À vâng, anh ngủ đi, em xin lỗi vì làm anh thức giấc nhé.
Sau đó, Huyền nằm xuống, ánh mắt nhìn Tùng có phần sợ sệt, hối lỗi.
Gần 3 giờ sáng, Huyền nằm co ro trên chiếc ghế gấp dành cho người nhà đi thăm nuôi bệnh nhân. Cô mệt, ngủ thiếp đi. Lúc này, cơ thể hết thuốc tê, cũng bắt đầu đau nhức hơn nên Tùng không ngủ được, trở mình tới lui. Nhìn cô bé ngủ ở ghế trông cũng tội. Tùng đứng lên, đi thật nhẹ nhàng, đắp chiếc chăn lên người Huyền cho khỏi lạnh. Lại gần, nhìn kỹ mới thấy, cánh tay và mu bàn tay của Huyền cũng trầy xước hết cả.
Hơn 8h sáng, một người hớt hải lao vào:
- Tùng, Tùng ơi, đâu rồi…
Là Huân, cậu bạn thân ở cùng nhà trọ với Tùng. Nhìn thấy bạn nằm trên giường, tay băng bó, Huân có vẻ bớt lo lắng hơn:
- Hú hồn, cũng may là qua quýt. Đêm qua nhận được tin nhắn của mày tao lo quá, chết cái tầm đó không còn xe khách nên cũng không làm thế nào được. Sáng nay tao bắt chuyến sớm nhất, giờ mới lên tới nơi đây. Thôi cũng không nặng lắm, coi như năm vận hạn.
Nghe câu chuyện đó, Huyền nhanh nhảu bước tới:
- Em chào anh. Em là Huyền. Em là… người khiến anh Tùng bị tai nạn ạ.
Đáng lẽ gặp “thủ phạm”, theo lẽ thường phải nổi cáu, thế nhưng nhìn gương mặt xinh xắn, lại thêm kiểu nói chuyện và nét biểu cảm rất đáng yêu của Huyền, Huân cũng lại không nỡ trách cứ, đành ậm ừ:
- À, chào! Đi đứng thế nào để tí nữa ăn xôi cả đĩa, ăn gà cả con thế em? Mà lần đầu anh gặp người nhận lỗi hớn hở như kể công đấy.
- Hì, em bị ngáo đó. Anh ơi anh ở đây với anh Tùng, em đi mua đồ ăn sáng cho mọi người nhé.
Huyền vừa định quay đi thì Tùng cầm tay ngăn lại:
- Thôi khỏi bày vẽ. Cô đi sang phòng gặp bác sĩ, y tá gì đó khám lại đi, ít nhất cũng băng cái tay lại, chảy máu kia kìa. Không biết đau là gì à? Rồi chiếu chụp lại xem có gãy xương, rạn xương gì không.
Thấy vậy, Huân cũng đồng ý:
- Ừ, thôi đi đi, tai nạn là chuyện không may, chẳng ai muốn cả. Em đi khám lại xem sao, còn để anh đi mua đồ ăn cho.
Những lời Tùng nói tự nhiên lại khiến Huyền thấy xúc động. Anh ấy cũng bị thương, mà còn quan tâm tới cô như vậy. Huyền không dám cãi lời, ngoan ngoãn làm theo. Sau khi khám và băng bó xong, cô bị Tùng đuổi về bằng được. Trước khi rời đi, Huyền vẫn còn cố đề nghị:
- Vậy em về nhé. Chiều nay học xong em sẽ vào viện thăm anh. Anh có muốn ăn gì không để em mua?
Tùng nổi quạu:
- Không cần. Cô đừng vào. Tiền viện phí cứ thanh toán là được. Coi như xong trách nhiệm rồi. Tôi không thích dây dưa phiền nhiễu.
Huyền đã định nói điều gì đó nhưng nhìn thái độ không vui của Tùng nên cô bé sợ, cun cút gật đầu ra về. Giờ Tùng là người bệnh, lại là người có ơn, anh nói 1, cô không dám cãi 2.
Huyền về nhà, hơn 9h sáng nhưng cả bố và mẹ đều chưa đi làm. Hôm qua, cô thông báo ngủ lại nhà bạn thân vậy là bố mẹ đồng ý. Chỉ cần bảo đến nhà Mai là bố mẹ sẽ chấp thuận. Họ tin tưởng Huyền, mà đúng hơn là họ cũng quá bận để nghi ngờ:
- Con chào bố mẹ. Bố mẹ chưa đi làm ạ?
- À, ừ chưa. Bố mẹ chuẩn bị đi đây. Nay con được nghỉ học à?
- Con được nghỉ, chiều mới có tiết học.
- Ừ. Thế lên phòng nghỉ ngơi đi. Ăn gì thì bảo chị giúp việc nấu cho nhé. Bố mẹ phải đi làm đây.
Bà Tuyết tô son lại thêm lần nữa, dặn con:
- À, tối nay bố mẹ đi gặp đối tác, có chút việc bận nên có lẽ về muộn. Con muốn ăn tối ở nhà thì điện thoại cho chị Hồng nấu. Hoặc là thích thì rủ bạn đi ăn ngoài. Tiền mẹ vừa để thêm cho con vào ngăn kéo ở bàn trang điểm của con đấy.
Huyền ngồi xuống ghế ở phòng khách, nhìn sự bận rộn của bố mẹ. Không một ai trong 2 người họ phát hiện ra bàn tay băng bó của Huyền, cũng chẳng ai có nhu cầu tra khảo xem đêm qua Huyền thực sự ở đâu. Cô gái ấy thở dài 1 tiếng, rồi mỉm cười đáp lại:
- Vâng.
Huyền đắn đo giây lát rồi lại hỏi:
- Hôm qua bố mẹ cùng nhau đi xem phim, ăn tối… có vui không ạ? Mấy giờ thì bố mẹ về nhà?
Bị con gái đường đột hỏi, bà Tuyết khựng lại, quay sang nhìn chồng, ánh mắt có đôi chút hoang mang. Trong khi bà còn chưa kịp trả lời, chồng đã lên tiếng:
- À, cũng vui con ạ. Lâu lắm rồi mới có thời gian để tận hưởng mọi thứ nên khá thú vị. Bố mẹ cũng về muộn. Thôi con lên phòng nghỉ ngơi đi. Em chuẩn bị xong chưa, mình đi làm thôi, ra anh đưa đi luôn.
Sau cái xoa đầu thể hiện tình yêu thương, cả nụ hôn lên má của mẹ và bố, hai người họ rời đi. Huyền nhìn theo, miệng cười nhạt thếch.
Lên phòng, Huyền lập tức gom lại tất cả những khoản tiền mà mình đang có. Bấy lâu nay cô cũng chẳng có việc gì tiêu nhiều đến tiền, mà bố mẹ thì cho liên tục nên cũng dư kha khá. Huyền gói gọn vào một chiếc phong bì. Sau đó, cô nàng nhắn tin với lớp trưởng xin nghỉ buổi học hôm nay. Giờ Huyền chỉ thích ở nhà, ngủ một trận đã đời mà thôi.
Hơn 5h chiều Huyền mới dậy. Cô đã ngủ một giấc thật dài. Sực nhớ ra chuyện cần phải làm, Huyền cuống cuồng đi chuẩn bị. Cô lao tới chiếc tủ dễ phải có tới hàng trăm bộ váy áo, lựa một chiếc trông khá dễ thương, thay đồ, bím tóc gọn gàng, tô son cho gương mặt thêm hồng hào rồi cầm theo chiếc balo tới viện, trong lòng không hiểu sao có chút phấn khích, vui vui!