Trời trưa nắng gắt, nắng như thiêu như đốt giữa cái trời hè này. Hoa cỏ cũng héo úa, cánh đồng cũng khô hạn vì nức nẻ. Chưa có mùa hè nào giống mùa hè này, một mùa hè quá sức gay gắt. Trong căn nhà nhỏ mái lá lụp xụp đơn sơ, bà Năm đang cố gắng giúp con dâu mình đỡ đứa cháu nội thứ 4. Bà Năm nói với con dâu:
— Ráng lên con, nó sắp ra rồi, rặn mạnh thêm hơi nữa đi con.
Thư cố gắng hít một hơi sâu, hai tay nắm chặt lấy thanh giường bằng tre cũ kỹ. Nhíu mày nhắm mắt rặn một hơi mạnh, chứ lúc này Thư cũng đuối sức lắm rồi, trên trán, trên mặt cũng bao nhiêu là mồ hôi. Thậm chí mồ hôi ướt cả áo, bết dính cả tóc vào da. Cuối cùng đứa bé cũng tọt ra ngoài,Thư cảm nhận được điều đó nên buông thỏng hai tay nghĩ ngơi lấy lại sức. Khi đứa bé vừa tọt ra, bà Năm nhanh tay đỡ lấy đứa bé, rồi lấy cái kéo cắt dây rốn. Cho đứa bé vào cái khăn sạch và ẵm ra ngoài. Phía bên ngoài, Lực – con trai thứ của bà đang đợi sẵn, thấy bà Năm ẵm đứa bé ra Lực vui mừng lắm. Mong rằng đây sẽ là một thằng con trai kháu khỉnh, Lực hỏi bà Năm:
— Con trai phải không má? Con ẵm chút.
Bà Năm quay đầu nhìn nhanh vào trong nhà, rồi một tay ẵm cháu, một tay kéo Lực ra ngoài bóng cây xa xa. Lực khó hiểu về hành động này của bà Năm, nên nhíu mày hỏi lại:
— Có chuyện gì vậy má? Sao lôi con ra đây?
— Mày be bé cái miệng thôi, nó là con gái chứ không phải trai.
Nghe thế, Lực len lén thở dài thất vọng:
— Lại gái. Rõ ràng lần này nghén khác mọi lần mà vẫn gái là sao má?
— Ủa? Ai biết đâu? Tao có phải bà mụ đâu mà hỏi. Nhưng mà con bé này lạ lắm nghe, nó không khóc, nó sinh ra đã mở mắt thao láo nhìn chăm chăm tao kìa.
— Đâu, đưa con coi.
Bà Năm sang tay đứa bé cho Lực ẵm, Lực nhìn con bé chăm chăm, nó cũng nhìn lại lực chăm chăm lâu lâu cái môi nhỏ lại mấp máy như muốn nói điều gì. Lực lên tiếng:
— Kỳ ha, con nít gì mà sao mới sinh lại không khóc?
— Chắc nó không phải con người rồi mày ơi, nó quái thai rồi.
— Má nói gì nghe ghê vậy má?
— Chứ má hỏi con, xưa giờ từ thời ông bà tao đến giờ cũng không thấy trường hợp nào như vậy luôn.
Lực lo lắng:
— Hay má đánh nó thử?
— Con mày, mày đánh đi.
Lực vén cái khăn ra, đánh đét một cái vừa phải vào đùi con bé con. Nó chỉ nhăn mặt oe oe lên vài tiếng cho có, rồi lại im bặt, lại chăm chú nhìn người đối diện mà thôi. Lực hoảng hồn, chép miệng:
— Chậc, giờ tính sao đây má. Con bé này nó kỳ lạ thật.
Bà Năm áp sát tai Lực thủ thỉ:
— Hay là…mày mang nó vất đi, nhân lúc con Thư nó chưa biết. Chứ để nó thành mầm hoạ là chết cả lũ.
Lực phản đối:
— Con của con mà sao má đòi vất.
— Mày không vất, sau này có chuyện gì người ta mang cả nhà mày đi thiêu đó. Mày nhớ vụ con trai nhà ông Đường không, thằng đó sinh ra chân tay đều 6 ngón. Sau bị mất mùa, trâu bò chết quéo, cả làng mang nó đi thiêu đó mày nhớ không?
Lực nghĩ lại thảm cảnh 10 năm trước. Làng dưới năm đó bỗng nhiên mất mùa, trâu bò gà vịt gì cũng lăn đùng ra chết. Họ đổ lỗi cho đứa con của quỷ nhà ông Đường, một đưa trẻ kỳ dị chân tay đều 6 ngón. Họ hùa nhau mang nó đi thiêu, mẹ nó bảo vệ nó cũng bị mang đi thiêu sống. Lại được sự đồng ý của quan huyện nữa, dân lại được nước làm theo ý mình. Nghĩ đến đó Lực lại rùng mình, năm đó anh cũng có đi xem người ta thiêu. Vợ ông đường ông đứa bé la hét quằn quại trong lửa lớn, còn ông Đường bất lực vì bị trói, không làm gì được. Dân làng thì hả hê vì từ được mầm hoạ. Mà cũng lạ thật, từ khi đứa bé bị thiêu chết, làng dứoi lại trở lại như thường. Nay ông Đường cũng bị điên mất rồi. Bà Năm lại thủ thỉ:
— Thôi, giờ vất sớm coi như đỡ đại hoạ. Vợ chồng mày còn trẻ, sinh bao nhiêu nữa mà không được.
Nghe bà Năm nói cũng có lý, nên Lực nghe theo:
— Vậy… vậy con mang nó đi vất. Má lựa lời nói với Thư nghe má.
— Ừa, má biết rồi. Đi đi, vất xa xa chút.
— Dạ.
Lực mang cái nón cời cho khỏi nắng, rồi ôm lấy đứa bé mới sinh bỏ đi, lựa nơi vắng vẻ cho khỏi ai thấy. Thấy bóng dáng Lực đi xa xa, bà Năm lúc này mới vào trong buồng nói chuyện với Thư. Thấy má chồng vào, Thư thều thào hỏi:
— Con con đâu má, con trai hay gái vậy má?
Bà Năm nhẹ nhàng ngồi xuống cái giường tre ọp ẹp, chỗ Thư nằm rồi nói:
— Là con gái.
— Vậy con con đâu má, má ẵm nó vô con cho nó bú chứ sữa chảy rồi nè má.
— Nó… nó… chết rồi.
— Má giỡn kỳ quá à, má nói anh Lực ẵm vô con cho nó bú chứ tội nó lắm.
Bà Năm nhẹ nhàng nắm lấy tay Thư siết chặt:
— Má nói thiệt, nó chết rồi con, số nó yểu mệnh.
Thư không tin vào những gì bà Năm nói:
— Sao chết được, nãy con còn nghe nó khóc mà má.
— Nó khóc được vài tiếng rồi nó chết rồi con, nó chết trên tay má, má biểu thằng Lực đi chôn rồi.
Thư đau đớn khóc nấc lên, đứa con cô đã chịu bao nhiêu đau đớn để sinh ra. Chưa kịp nhìn mặt thì hay tin nó đã chết, làm sao mà cô chịu cho nổi:
— Huhu… con của con… sao má không cho con nhìn nó lần cuối….
— Thư… bình tĩnh con, mới sinh không được khóc, không được kích động… má sợ con buồn nên thôi.
— Huhu… tội nó quá má ơi, tội con con quá má ơi…
— Má biết, má biết… nín đi má thương. Hai đứa còn trẻ, sau này còn sinh nữa. Cái đứa nó yểu mệnh thì tại số nó thôi con, con gà con vịt cũng có lúc vậy mà.
Thư vẫn khóc, bà Năm vẫn cố gắng an ủi Thư, bà làm vậy là để tránh tai hoạ cho cái nhà này mà thôi.
Lúc này chiếc xe ngựa của mợ Lan vừa đi về, hôm nào rằm mợ cũng đi chùa cầu phúc và cầu… tự. Mợ mong muốn sinh thêm đứa con trai, nhưng mãi không được, đứa con gái của mợ đã 2 tuổi rồi còn gì. Đôi mắt buồn bã nhìn ra khoảng không vô định, bỗng tiếng con nít ở đâu trong bụi cây vang lên, âm thanh ấy nhanh chóng chui lọt vào tai mợ. Dù đã đi qua nhưng mợ Lan vẫn bắt phu xe quay xe ngựa lại, mợ xuống xe rồi tiến sâu vào bụi rậm. Càng vào sâu, tiếng khóc càng to. Vén đám cây ra thì bên dưới có một đứa trẻ nằm lọt thỏm trong cái khăn cũ, xung quanh kiến bu vào cắn. Xót xa mợ Lan ẵm đứa bé ra ngoài, người làm đi cùng cũng vội vã đón lấy đứa bé rồi để lên xe ngựa, đuổi kiến cho nó. Mợ Lan nhìn nó chép miệng, rồi tay phủi đồ và gãi những chỗ bị kiến cắn:
— Con cái nhà ai mà sao đem vất thế này.
Người làm tên Na cũng gãi khắp tay:
— Em không biết nữa, ai ác thiệt à. Báo hại nó bị kiến cắn quá chừng, em cũng bị cắn lây.
Khi phủi hết kiến trên cơ thể đứa bé nhỏ, mợ Lan lấy chút thuốc mang theo bôi cho nó. Thuốc mà chồng mợ chuẩn bị cho những lúc bị côn trùng cắn. Mợ Lan đưa bàn tay mềm mại ấm áp xoa nhẹ lên những vết mẩn đỏ trên da của đứa bé. Nó không khóc nữa, nó nhìn mợ Lan chăm chú, mợ Lan thấy nó lỳ lạ nên nói với Na:
— Na nè, em thấy đứa bé này có gì lạ không?
Na nhìn mãi cũng không biết có gì lạ:
— Lạ chỗ nào mợ?
— Đứa bé này mới sinh mà không khóc, nó mạnh mẽ đến kỳ lạ luôn.
Na ngô nghê đứng chống nạnh quay mặt qua xung quanh gào lớn:
— Con của ai đây, ra nhận coi…. bớ làng con ai đây…
— Thôi, không gào nữa, người ta đã có ý vất, em gào khản cổ cũng không ai nhận đâu.
— Vậy giờ mình tính sao hả mợ?
— Mang nó về thôi.
— Dạ.
Na ngô nghê cùng mợ Lan leo lên xe, mợ Lan tốt lắm, năm ngoái mợ Lan cũng nhặt Na từ ngoài chợ về. Cho Na ăn, cho Na công việc, còn bày chữ cho Na nữa. Nhưng chữ biết Na, chứ Na không biết chữ nên đến giờ Na vẫn chưa học được chữ nào. Đối với Na, mợ Lan tốt nhất trên đời, còn cậu Dinh tốt nhì trên đời thôi.
Chiếc xe ngựa chạy vào sân một cơ ngơi khá lớn, ngôi nhà cũng khá to và có vẻ nhiều tiền. Đây là nhà cậu ba Dinh, con trai thứ của ông hội đồng Toàn, cậu ba Dinh không có tham vọng vào các cái ghế ngồi của quan Pháp. Cậu đam mê nghiên cứu thuốc, cậu thích dạy học và còn nghiên cứu cả phong thuỷ. Vì cậu như vậy nên khi cậu lấy vợ, ông hội đồng cũng không cho cậu nhiều tài sản. Tâm ý của ông hội đồng là các con trai ông, ai có con trai nối dõi thì ông sẽ cho nhiều tài sản hơn. Con đầu của ông chỉ có 2 gái, con thứ thì chưa vợ, còn cậu Dinh thì cũng mới có một gái. Nên mợ Lan muốn sinh thêm con trai để hút thêm tình cảm mà ông hội đồng Toàn dành cho cậu Dinh. Nói là mợ Lan thì nghe danh phận lớn chứ mợ năm nay mới ngoài hai mươi, mợ đẹp lại dịu dàng. May sao môn đăng hộ đối lại lấy trúng cậu Dinh, cậu Dinh cũng hiền lại thương mợ, nên mợ hài lòng với mối nhân duyên này lắm.
Về đến nhà, mợ Lan đích thân ẵm đứa bé xuống bếp. Sợ Na lóng ngóng vụng về sẽ làm rơi đứa bé, khi xuống đến bếp, hai ba người làm nữa cũng bu lại xúm xít. Bà Thường làm bếp đưa tay nựng má của đứa bé:
— Trời ơi, con ai mà dễ ghét vậy nè mợ. Da trắng, môi hồng, mắt to.
Mợ Lan bình thản trả lời:
— Tôi lượm nó bên đường.
Chị Trang cũng lên tiếng:
— Nó vậy mà sao họ bỏ nó ta.
Mợ Lan chỉ nhoẻn miệng cười, chị Trang lại hỏi tiếp:
— Giờ tính sao với nó đây mợ.
— Cứ để nó đây, ai đến nhận thì mình trả lại người ta.
Na phụng phịu tủi thân:
— Chắc không ai nhận đâu, em chờ ba mẹ bao nhiêu năm mà họ không quay lại.
— Mợ thương, Na qua kia ăn bánh đi. Bắt cho mợ ấm nước nóng trước.
— Dạ.
Bà Thường lại hỏi tiếp:
— Giờ mình đặt nó tên gì đây mợ?
Chị Trang lanh trí:
— Tên Lượm chứ gì, lượm được nó mà.
Bà Thường ra vẻ gật đầu đồng ý:
— Có lý, đúng hoàng cảnh.
Mợ Lan lại cười xoà:
— Con gái ai đặt tên xấu thế.
Mợ Lan nhìn ngũ quan tinh xảo trên gương mặt nó rồi đặt tên:
— Nó xinh đẹp như hoa thế này, đặt tên nó là Hoa, lót chữ Thanh. Thanh Hoa.
— Vậy là giống cô nhàn hả mợ. Thanh Nhàn.
— Ừa, nhưng cô Nhàn là cô Nhàn, nó là nó. Lấy thuốc qua đây, tôi vệ sinh cho nó.
— Dạ.
Chị Trang đứng lên rồi lên nhà trên, nơi cậu ba Dinh làm thuốc để xin thuốc. Nghe tin mợ nhặt về một đứa trẻ nên cậu Dinh cũng tò mò xuống xem sao. Cậu Dinh cũng nhìn qua đứa trẻ và biết được sự kỳ lạ của nó, cậu Dinh lên tiếng:
— Đứa bé này không phải không biết khóc, mà nó đang lắng nghe. Có những đứa trẻ sinh ra làm ‘’người đưa tin’’ của thế giới con người và ma quỷ, mình có biết không?
Mợ Lan khẽ lắc đầu:
— Em chịu.
Bởi mợ chỉ quan tâm đến thuốc thôi chứ mợ không quan tâm đến phong thuỷ gì đó đâu. Cậu Dinh lại tiếp:
— Sau này nó sẽ nhận ra khả năng đó, còn nó chấp nhận được hay không thì còn tuỳ vào nó nữa.
[…]
Năm năm sau…
Mợ Lan cuối cùng cũng sinh được một cậu trai kháu khỉnh. Năm nay cậu cũng đã hơn ba tuổi, nghe mọi người nói nhờ lượm tôi mà mợ sinh được quý tử. Tuy có con trai quý tử, nhưng mợ Lan vẫn thương cô hai Thanh Nhàn, nói đúng hơn là thương đều nhau. Cô hai Thanh Nhàn đã bảy tuổi rồi, cô ấy cũng thương tôi lắm, nhiều lúc cô hai còn nói mợ Lan nhận tôi làm con nuôi nữa kìa. Nhưng mợ Lan có quy tắc riêng của mợ, mợ nói ‘’ cô là cô, tôi là tôi, chủ tớ phân biệt rõ’’.
Nhà này có một ao phía sau nhà, năm nào đến mùa sen thì hoa nở đầy hết cả ao. Bà Thường hay lấy hạt sen để nấu chè, nấu cháo ăn cho bổ nữa. Đang chơi đùa với nhau trong sân, ngó qua ngó lại không thấy cô Nhàn đâu, tôi liền chạy ra sau tìm kiếm, bởi bữa trước cô nhàn nói thích ngắm hoa sen. Mà đúng thật, khi tôi ra phía sau, thấy cô Nhàn đang ngồi sau hàng rào tre nhìn ra phía ao. Tôi nhanh chóng lại ngồi bên cạnh:
— Cô nhìn hoa sen hả?
— Ừa. Năm nay hồ sen nhà mình không nở, chỉ có một bông duy nhất à.
— Cô thích không, em hái cho cô.
— Thích, nhưng má chị dặn không được ra phía ao hồ nguy hiểm lắm.
— Lo gì, cô ngồi đây, em hái cho cô, gần xịt à.
Cô hai Thanh Nhàn cũng còn bé lắm, nên cũng chưa biết được sự nguy hiểm như nào. Cô chỉ nghe tôi nói thì cái việc hái sen ấy quá đơn giản, kiểu như chỉ với tay ra là được ngay. Nhưng cô còn lưỡng lự lắm, vì vẫn nghĩ đến những lời mợ Lan dặn:
— Thôi Hoa ạ, cứ để ngoài đó, thích thì ra ngắm thôi. Mình vào kia chơi với em Trọng đi.
— Dạ.
Cô hai nắm lấy tay tôi đi vào trong, nhưng tôi vẫn ngoái cổ ra nhìn bông sen ngoài ao. Mấy năm sen nhiều, trong phòng cô hai lúc nào cũng được chưng một chậu sen. Năm nay sen không nở nên cô hai chỉ có thể ra đó ngắm mà thôi, tôi thương cô hai thật.
Thấy chúng tôi đi từ phía sau vào, mợ Lan lên tiếng:
— Hai đứa vô ăn cơm thôi con.
Chúng tôi cùng đồng thanh rồi chạy vào phía nhà trong:
— Dạ.
Tôi được ăn cùng bàn với cô hai, còn những người khác thì ăn dưới bếp. Có điều đồ ăn ở đây, dưới bếp hay nhà trên đều như nhau, mợ Lan không phân biệt với ai hết, ai mợ cũng thương cả. Nên mọi người trong nhà đều rất là quý mợ.
Trong bữa cơm, cậu Dinh sực nhớ điều gì liền lên tiếng hỏi:
— Sắp tới sinh nhật của Thanh Nhàn phải không?
Mợ Lan cười hiền:
— Đúng rồi mình, năm nay mình chuẩn bị quà gì cho con không?
— Tôi có mua hộp màu vẽ đẹp lắm, đặt từ Pháp về, chắc nay mai sẽ kịp.
— Vậy tốt quá mình.
Cô hai Thanh Nhàn thích vẽ lắm, tuy vợ chồng cậu mợ nghiêm khắc, nhưng chưa từng ép buộc con họ phải làm gì. Họ chỉ đưa ra những lựa chọn, rồi phân tích đúng sai cho con họ lựa mà thôi.
[…]
Hôm nay sinh nhật cô hai Thanh Nhàn, mọi người đều được ăn ngon, lại còn được ăn bánh kẹo tây nữa, thích lắm. Tôi cũng muốn tặng quà cho cô hai, nên đang trong bữa tiệc liền chạy đi. Họ nghĩ tôi đi đâu thôi nên không ai để ý đến. Tôi nhanh chóng chạy ra phía sau nhà, thả đôi guốc gỗ nhỏ rồi trèo qua hàng rào phía ao sen. Thật sự hoa sen ấy rất gần, một tay tôi nắm lấy thanh tre hàng rào, tay còn lại nhướng ra phía ngoài với hái lấy hoa sen. Những ngón tay nhỏ của tôi cố gắng từng chút, từng chút một đưa ra sát gần bông hoa. Tưởng rằng rất dễ, nhưng ai ngờ bờ trơn tôi trượt chân ngã xuống ao.
Chủm…
Tôi cố gắng ngoai lên kêu cứu:
— Cứu… cứu với…
Một phần là không biết bơi, một phần là những rong rêu bên dưới cứ cuốn lấy chân tôi. Dù rất cố gắng bám vào bờ để trèo lên, nhưng bờ trơn trượt đầy rêu nên tôi không bám được. Từng chút, từng chút tôi bắt đầu chìm dần vào trong nước.
Lúc này, không thấy tôi đâu nên cô hai Thanh Nhàn mới đi tìm tôi, đi ra phía sau nhà thấy đôi guốc của tôi trên bờ liền gọi lớn:
— Cứu… ba má ơi… cứu Thanh Hoa…
Nghe tiếng la lớn của cô hai, mọi người túa nhau ra. Không suy nghĩ gì cậu ba Dinh liền nhảy ra phía đó vớt tôi vào, khi cậu mang tôi lên bờ tôi không còn biết trời trăn mây gió gì nữa. Cậu ba Dinh làm động tác ép nước ra khỏi ngực cho tôi, sau đó vác ngược tôi lên chạy tới chạy lui mấy vòng, nước trong ngực tôi cũng ọc được ra ngoài. Tôi tỉnh và ho lên vài tiếng sặc sụa, cô hai Thanh Nhàn sợ lắm, ôm lấy tôi khóc mếu:
— Ai biểu leo ra ngoài đó, em mà chết chị chơi với ai.
Tôi mệt mỏi thều thào, may sao tôi còn sống để trả lời cô hai:
— Em… em… muốn tặng… quà cho cô.
— Ai cần. Sau này không được vậy đâu.
Cô hai ôm chầm lấy tôi khóc mãi, tôi cũng bị cô hai làm cho khóc lây. Chị Na cùng mọi người thấy thế cũng không kìm được nước mắt,cuối cùng chị Na lại là người khóc to nhất.
Lên google tìm kiếm từ khóa truyenazz để đọc những truyện ngôn tình, tổng tài nhanh và mới nhất nhé! Bên khác copy sẽ thiếu nội dung chương đó ạ!